Bài dự thi “Tết Việt trên đất Mỹ 2019”
Tác giả: Nam Ba
Nếu không coi âm lịch, hoặc nếu không nhờ mạng xã hội, chắc tôi sẽ trải qua các mồng mà không hay Tết đang trôi qua. Mùa Tết mà người Việt mong đợi và trân trọng, ở Mỹ chỉ là những ngày tháng Hai bình thường. Không có những màu sắc, âm thanh, mùi vị, và cảm xúc làm nên “Tết.” Có lẽ đôi khi, sự thiếu vắng một cái gì mới cho ta định nghĩa rõ ràng hơn và cảm nhận sâu sắc hơn về cái ấy. Tôi bèn đi tìm Tết, dáo dác nhìn quanh nơi tôi đang học và lục lọi trong trí nhớ.
Xung quanh tôi, từ 23 tháp Chạp tới tận 28 Tết vẫn trắng xoá tuyết. Nhìn cái canvas trắng đó mà tôi muốn sơn lên bảng màu của Tết trong ký ức tôi. Trong bảng màu có mai vàng, đào hồng, chồi xanh, lan trắng, vạn thọ cam. Có màu lá dong, lá chuối. Có màu mực đen trên giấy đỏ. Trong đầu tôi vang lên tiếng mẹ tôi và những người thân tôi quây quần. Trong nhà bếp có tiếng dao chặt xuống thớt, tiếng nước sôi ùng ục, và đủ thứ tiếng lanh canh khác. Rồi nhạc Tết trên truyền hình hay băng đĩa. Nhạc hay nhất vẫn là từ những nhóm đàn ca tài tử, hoặc những nghệ sĩ khất thực trên đường phố, với nhạc cụ dân tộc như nguyệt cầm, guitar phím lõm, hạ uy cầm… Tôi tưởng chừng nghe thoang thoảng mùi chả giò, dưa hành, củ kiệu, mứt gừng, trà xanh, và cả mùi đất nồng nồng buổi sáng sau cơn mưa xuân tối hôm trước.
Khi tôi đang nhớ Tết, nhớ từng màu sắc, âm thanh, mùi vị, thì một anh nhắn tin rủ đi đại học Webster ăn Tết với hội người Việt ở Saint Louis. Tôi liền lái xe nửa tiếng từ Lindenwood (trường tôi học) tới Webster, dọc đường ghé chợ châu Á mua một cây chả lụa với mấy gói bánh tằm. Đến nơi, tôi nghẹn lời khi thấy trong căn hội trường những màu sắc mà tôi nhớ trong ký ức – đủ loại màu sắc trên các món ăn mà các thành viên trong hội đã chuẩn bị chu đáo với cả hồn dân tộc, màu sắc trên những chiếc áo dài, trên cặp câu đối treo giữa hội trường.. Có nhiều guơng mặt mới mà tôi chưa từng quen biết, nhưng vì cùng có dòng máu Việt nên ai cũng thân thiện và cởi mở với tôi, cứ như anh em một nhà. Nếu như khi tôi còn ở quê nhà, Tết là gia đình đoàn viên, thì giờ đây nơi đất khách, Tết là sự quây quần của những con người chung tổ quốc, chung quê hương. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tinh thần của Tết vẫn không thay đổi, vẫn là nhắc nhở về truyền thống, về cội nguồn, vẫn là sự kết nối và chia sẻ.
Đang trò chuyện cùng bạn bè mới, tôi bỗng nghe thấy âm thanh gì réo rắt mà hơi chút tỉ tê. Nhìn qua nhìn lại mới thấy một bạn trai đang cầm đàn nguyệt chơi bài “Bèo dạt mây trôi”, trong khi một bạn gái khác hát theo. Thấy cây nguyệt cầm dân tộc, trong lòng tôi như mở một nụ cười. Trò chuyện với bạn trai chơi đàn, tôi càng khâm phục khi bạn tự học lấy. Tôi rất biết ơn là bạn cất công ôm cây đàn sang tận Mỹ, bên cạnh đủ thứ hành lý du học.
Nghe bạn đánh bài “Bèo dạt mây trôi,” tôi càng ngẫm càng thấy thân phận tha huơng cũng dạt trôi như bèo như mây. Nhưng phải nói, từng tấm bèo, từng đoá mây có cái đẹp riêng và câu chuyện đáng tự hào riêng. Vả lại, từng tấm bèo và từng đoá mây luôn có thể quây lại, kết lại, bện lại với nhau, tạo thành một dàn bèo bao phủ mặt sông, hay một dải mây che phủ bầu trời và có sức mạnh làm mưa làm gió. Khi chúng ta gìn giữ truyền thống, văn hoá Việt và luôn tuơng trợ nhau, ví dụ như trong buổi tiệc tầt niên hôm ấy, thì một ngày không xa Việt Nam sẽ có sức ảnh hưởng to lớn như mây trời vậy.
Nam Ba
Lindenwood, St. Charles
Xuân 2019