“Mình là Kim, 25 tuổi. Mình từng là sống trong một-cái-hộp-an-toàn tại Đà Nẵng trong suốt 23 năm. Sinh ra, đi học, rồi đi làm quẩn quanh trong thành phố nhỏ, có bạn bè và người thân bao bọc, mình chẳng thể nghĩ đến một ngày mình sẽ bị kéo ra khỏi cái vùng êm ấm này, cho tới khi mình đặt chân đến nước Mỹ, với giấc mơ sẽ làm nên một chút chuyện về marketing và truyền thông.
Phấn khích, tò mò, nhưng lạc lõng và lo sợ, một con người ngày xưa sống trong sự chăm chút của ba mẹ giờ phải tự lo mọi thứ, từ chuyện bé bé như ngày nay ăn gì, khi nào giặt quần áo, cho tới những chuyện to to như cân đối chi tiêu, học làm sao để có thành tích, và ác mộng lớn nhất mà mình không thể ngờ tới: SHOCK VĂN HOÁ!
Mình chợt nhận ra 23 năm sống trong cái-hộp-an-toàn khiến mình quá sợ hãi để tiếp nhận những luồng văn hoá mới. Từ các ngôn ngữ khác nhau, những gương mặt khác nhau, và cách hành xử khác nhau. Từ 1 người hướng ngoại 100%, mình ngồi chết dí ở các góc lớp, mình từ chối tham gia các sự kiện ngoại khóa, mình cảm thấy như lãng phí 18 năm trời học tiếng Anh, mình tạo ra những định kiến về những người có xuất xứ khác. Mình tiêu cực dần. Mình ít nói dần. Mình sợ hãi dần khi phải va chạm với người lạ, dù là người Việt hay bất gì dân tộc nào. Co mình trong 4 bức tường, một con bé vui vẻ yêu đời ngày xưa giờ đang liên tục khóc lóc gọi điện cho người thân và bạn bè ở Đà Nẵng. Mình nhớ nhà, nhớ bạn, nhớ cái-hộp-an-toàn, nhớ những điều quen thuộc ở thành phố nhỏ này.
Nhưng chuyện gì cũng phải có điểm dừng của nó. Một ngày không được đẹp trời lắm, mẹ mình bỗng buông một câu nhẹ nhàng,
“Nếu con mệt mỏi quá, thì về nhà đi.”
Về nhà? Không. Mình không muốn về nhà. Ít nhất là trong lúc này. Mình còn một núi kế hoạch để đặt ra và để hoàn thành. Mình còn bao nhiêu trải nghiệm để khám phá. Và quan trọng nhất, mình còn một giấc mơ để thực hiện.
Marketing và truyền thông, và lại ngại va chạm với cú shock văn hoá? Nếu những điều này có thể đánh bại mình, thì quả thật mình không xứng đáng để được theo đuổi cái ngành này.
Mình dần tìm hiểu thêm các hội sinh viên và giao tiếp nhiều hơn với các bạn từ Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, và còn rất nhiều các quốc gia khác. Mình tham gia làm tình nguyện viên của Hội Sinh Viên Boston. Mình trau dồi từng chút một để tiếng Anh mình sử dụng không còn là sách vở, mà dễ chịu và tự nhiên hơn. Mình cũng xung phong trở thành đồng sáng lập của một câu lạc bộ tại trường đại học. Mình kết bạn nhiều hơn, dành nhiều thời gian khám phá các văn hoá khác hơn, trải nghiệm nhiều hơn, và mình bắt đầu nhận được những lời khen từ các giáo sư, những cái tên “lạ” bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong các danh bạ, những buổi vui chơi với những người bạn đa văn hoá ngày một nhiều hơn.
2 năm trôi qua ở Mỹ, mình nhìn lại và chợt nhận ra mình đã “lớn” lên thế nào. Mình đã tạo ra được một bầu trời mới, những người bạn tuyệt vời mới, những bài học giá trị mới với giấc mơ đang dần thành hiện thực.
Mình là Kim, 1) Đồng sáng lập & cựu trưởng ban Marketing của Northeastern University Project Management Student Organization, 2) Phó chủ tịch về Truyền thông và Sáng tạo của Hội TNSV Boston Vùng Mở Rộng, 3) Thành viên ban Marketing của VietChallenge và 4) Đồng trưởng ban Truyền Thông của Vòng Tay Nước Mỹ 7.
Đây là hành trình nước Mỹ của mình. Còn bạn thì sao?”
Hoàng Kim, Master’s in Project Management, Northeastern University, Boston.
—————————————————————–
Cuộc thi Hành Trình Nước Mỹ 7 với chủ để “Thách Thức Giới Hạn” thuộc chuỗi sự kiện Vòng Tay Nước Mỹ 7.
Để nộp bài tham dự cuộc thi (bài viết, hình ảnh, video, tranh vẽ), vui lòng gửi đến vongtaynuocmy7@gmail.com
Chi tiết về cuộc thi Hành Trình Nước Mỹ 7, vui lòng truy cập: