Không chỉ có thành tích xuất sắc trong học tập và công việc, chàng trai sinh năm 1993 – Vũ Trần còn được biết đến là một thanh niên năng động, sôi nổi và tích cực tham gia các hoạt động kết nối cộng đồng. Từ khi còn là học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho đến những năm bước chân sang Mỹ du học và làm việc, anh đã và đang lan tỏa nhiều dự án ý nghĩa cùng với những dấu mốc đáng nhớ.
Vốn có sở thích khám phá, học hỏi, tìm tòi, lại được anh bạn cùng nhà (hiện đang là Investment Banking Associate – Credit Suisse Singapore) vô tình trở thành “mentor” truyền tải rất nhiều kiến thức về lĩnh vực tài chính, đã tạo nên cơ duyên đưa Vũ đến với sự nghiệp tài chính của anh trong hiện tại. Từng là du học sinh ngành Kế toán và Tài chính tại Villanova University, Pennsylvania, Vũ bắt đầu chinh phục “giấc mơ Mỹ” của anh bằng kỳ thực tập tại tập đoàn PwC (New York) – một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay cùng với Deloitte, Ernst & Young và KPMG (hay còn gọi là Big4).
Sau khi tốt nghiệp, Vũ quay lại làm việc chính thức ở vị trí tư vấn tài chính của PwC trong vòng 2,5 năm. Hiện tại, anh đang giữ chức Associate – Investment Banking (Chuyên viên tư vấn mua bán sáp nhập) tại tập đoàn Macquarie, văn phòng New York. Cuối năm 2018, Vũ đồng sáng lập tổ chức Vietnam Finance Society (VFS) cùng với hai đồng nghiệp cũ ở PwC. Từ năm 2018 đến năm 2021, Vũ tích cực tham gia xây dựng và điều hành tổ chức VFS. Năm 2021, Vũ chuyển giao trọng trách quản lý VFS cho các cộng sự thân cận của anh, và bước sang một dấu mốc khác trong hành trình hoạt động cộng đồng của mình bằng việc đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Career Opportunities in Vietnam (COVN) cùng với một người bạn làm trong ngành Venture Capital (VC) ở Việt Nam. Ngoài ra, Vũ vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động khác nhau của hội Thanh Viên Sinh Viên tại Mỹ với vai trò ban tổ chức, cố vấn hay là dẫn chương trình.
Ngành tài chính – ngân hàng ở Mỹ: áp lực vô cùng lớn
Là nhân viên kỳ cựu 4 năm của Macquarie (văn phòng New York) – tập đoàn dịch vụ tài chính và quản lý quỹ hàng đầu của Úc, Vũ cho biết, bản thân anh cảm thấy rất áp lực bởi sự kỳ vọng cao của cấp trên và khách hàng. “Ngành ngân hàng đòi hỏi một sự toàn diện nhất định về cả kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm, thiếu một trong hai thì không thể thăng tiến được. Chưa kể, đây là một ngành đòi hỏi thời gian làm nặng – làm theo thương vụ, nhiều lúc có những thứ yêu cầu mình phải làm trong thời gian sớm nhất có thể. Nhiều khi mình có thể nhận email lúc 9h tối và làm việc cho đến sáng”, anh chia sẻ.
Vũ cho rằng, mỗi giai đoạn sẽ có những khó khăn khác nhau, đòi hỏi ở mình những kỹ năng khác nhau để vượt qua.
Thời điểm mới bước chân sang Mỹ – lúc ấy chàng trai Hà Nội 18 tuổi, mang bao ước mơ và hoài bão vô cùng bỡ ngỡ khi phải tập quen dần với môi trường học tập nước ngoài. “Các bạn sinh viên người bản xứ ở đây rất năng động, đã quen môi trường và giao tiếp tốt, nhiều bạn gia đình có bố mẹ làm ngành liên quan hay có nhiều quan hệ nên họ có những lợi thế hơn hẳn mình”, Vũ nhớ lại.
Thời điểm bắt đầu đi làm ở PwC, dù đã dần quen với môi trường làm việc ở nước ngoài, song Vũ vẫn phải tự học học tập những kỹ năng văn phòng, học cách cân bằng công việc và cuộc sống riêng, và xây dựng các mối quan hệ cho bản thân.
Hiện nay, khi bản thân đảm nhiệm chức vụ quản lý trong ngành Tư vấn mua bán sáp nhập ở Macquarie, anh bắt buộc phải nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý đào tạo, bởi công việc của anh chính là quản lý cấp dưới, báo cáo với cấp trên, làm việc trực tiếp với khách hàng để cho ra các sản phẩm.
Sau bao năm trong nghề, nếm trải nhiều khó khăn, Vũ đúc kết: “điểm chung để vượt qua những thử thách khó khăn ấy là “adaptability” (khả năng thích ứng) và “sự liều lĩnh” của bản thân”.
“Anh hay nói với mọi người rằng, mình không phải là người giỏi nhất hay thông minh nhất, nhưng sẽ cố gắng là người “dũng cảm nhất” mỗi khi làm điều gì đó. Môi trường ở Mỹ thực sự rất áp lực. Từ hồi sinh viên đến lúc đi làm, ngoài sự chuẩn bị tốt và một thái độ “liều lĩnh” thì cần có một “support system” hiệu quả nữa – đó có thể là gia đình, những người bạn, hay những tiền bối đi trước, giúp mình cảm thấy vững tin hơn khi bản thân cảm thấy mơ hồ”, anh kể.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế – tài chính của toàn thế giới, và làm ảnh hướng rất nhiều đến công việc của Vũ. Là người làm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính, Vũ cho biết bản thân phải đảm nhiệm khá nhiều công việc sau khi dịch bệnh dần ổn định trở lại. “Sau khi tình hình ổn định trở lại, có khá nhiều nhân viên nghỉ việc. Đương nhiên, mình vừa phải đảm nhiệm thay công việc của họ, vừa phải phụ trách công việc tuyển nhân sự mới. Đại dịch này cũng khiến khá nhiều bạn nhân sự mới không có cơ hội được tham gia các khóa đào tạo bài bản so với khi còn làm ở văn phòng”.
Vũ Trần: “Cho đi là điều hạnh phúc”
Vũ chia sẻ rằng là sự liều lĩnh của anh còn được thể hiện khi anh đồng sáng lập tổ chức Vietnam Finance Society (VFS) khi bản thân trước giờ cũng không có nhiều kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực xây dựng tổ chức hoạt động cộng đồng. Tổ chức VFS được thành lập vào năm 2018, khi Vũ vừa mới “nhảy việc” sang Macquarie. Nhắc đến lý do thành lập tổ chức, Vũ cho biết: “Theo mình quan sát, thời gian đó có rất ít người Việt làm trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ. Hơn nữa, mình nhận thấy chưa có một hệ thống hoàn chỉnh nào có thể giúp đỡ các sinh viên muốn làm về tài chính và giúp đỡ cộng đồng người Việt đang làm trong lĩnh vực này có nhu cầu thăng tiến nhưng thiếu các kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong môi trường ngân hàng. Vì vậy, mình muốn lập ra một tổ chức để mọi người có thể cùng học hỏi, tìm hiểu, giúp đỡ lẫn nhau để bản thân họ phát triển hơn khi làm việc trong ngành này”.
Tổ chức COVN được thành lập năm 2021, sau khi Vũ rời VFS để tạo điều kiện cho thế hệ sau có thể tiếp tục đứng lên xây dựng cộng đồng. Cũng tương tự mục đích giúp đỡ và kết nối người Việt ở nước ngoài, COVN mang sứ mệnh giới thiệu cơ hội việc làm ở Việt Nam cho các bạn du học sinh ở nước ngoài; đồng thời là cộng đồng để các du học sinh quyết định về Việt Nam đóng góp cho quê hương có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các thế hệ sau.
“Mình thấy thành tựu lớn nhất khi thành lập nên VFS là tạo ra được văn hóa “giving” (cho đi) và “networking” (xây dựng mối quan hệ). Những sinh viên trước được giúp đỡ để xin việc thành công trong ngành tài chính thì sẽ trở thành những người hướng dẫn cho các sinh viên khác muốn theo đuổi con đường này. Mình vô cùng tự hào khi thấy được sự thành công cũng như trưởng thành của các bạn sinh viên sau khi tham gia VFS. Mình cũng thấy khiêm tốn khi nhiều bạn sinh viên giỏi và năng động hơn mình rất nhiều gọi mình là “mentor”, Vũ bày tỏ.
Đối với Vũ, thành tựu bản thân đạt được thì vui một, nhưng giúp đỡ người khác thành công sẽ khiến mình cảm thấy vui và hạnh phúc hơn gấp nhiều lần. Là người từng trải, anh hiểu được cảm giác rụt rè, bỡ ngỡ và cần có người hướng dẫn của những bạn sinh viên năm nhất. Sự thấu hiểu này đã trở thành động lực giúp anh xây dựng nên các dự án cộng đồng dành cho sinh viên.
Là một trong số những người Việt tiên phong xây dựng các hoạt động “networking”, kết nối cộng đồng học sinh – sinh viên Việt Nam tại Mỹ, Vũ biết ơn vì các hoạt động này đã giúp anh trưởng thành lên từng ngày. “Mình trước đây cũng chỉ là một sinh viên “truyền thống” – chỉ biết học và ngại giao tiếp. Nhờ có VFS, mình được làm việc với nhiều bạn trẻ khác mà dần tự tin, trưởng thành hơn. Mình tự hào vì những sự cố gắng từ kinh nghiệm ít ỏi của mình cũng giúp được rất nhiều người”, Vũ chia sẻ.
Hy vọng có thể lan tỏa nguồn cảm hứng đến bạn trẻ
“Luôn kết nối và giữ quan hệ với mọi người” là một trong những điều mà Vũ muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên vừa mới ra trường, đặc biệt là các bạn muốn theo đuổi con đường tài chính. “Nếu bạn đi phỏng vấn ở một công ty mà trước khi phỏng vấn bạn có cơ hội được lắng nghe kinh nghiệm từ người đã và đang làm ở công ty ấy thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn nhiều”.
“Đọc báo; theo dõi tin tức; theo dõi thị trường và biến những điều này thành thói quen. Là dân tài chính, bạn phải biết chuyển động của thế giới và thị trường”, anh nhấn mạnh. Ngoài ra, anh khuyến khích các bạn trẻ nên tham gia hoặc tổ chức các sự kiện, hoạt động của thanh niên sinh viên: “Thêm bạn, thêm kiến thức, thêm kỹ năng, và tiếp tục mở rộng mối quan hệ của mình”.
Hiện tại, khi đã gần bước sang tuổi 30, anh vẫn giữ những ngọn lửa nhiệt huyết và nguồn năng lực tích cực lan tỏa đến nhiều bạn trẻ khác. Với niềm tin và hy vọng vào những thế hệ trẻ đang ấp ủ ước mơ xây dựng các tổ chức phi lợi nhuận như anh đã từng, Vũ gửi gắm đôi lời: Khi bạn quyết định làm gì thì hãy luôn bắt đầu với câu hỏi “tại sao” – Nếu cái tâm của mình chân thành và làm những điều mình thực sự quan tâm thì mình sẽ tự động thu hút được những người chân thành giúp đỡ mình”.
“Đừng quên xây dựng thế hệ tương lai để duy trì cộng đồng. Trong hoạt động cộng đồng, không ai có thể làm mãi một công việc trong một thời gian dài, lứa này xuống sẽ có lứa khác lên thay thế. Ví dụ, như anh đã ra trường hơn 7 năm rồi thì không thể tiếp tục điều hành các dự án của sinh viên. Điều quan trọng, với tư cách là người đi trước, bạn hãy tiếp tục truyền lửa, để lại các mối quan hệ và kinh nghiệm của mình cho thế hệ sau, không thể ích kỷ và chỉ biết giữ mãi cho bản thân mình”, Vũ kết luận.