Khi lòng tốt hay phần NGƯỜI móc hầu bao thì những sản phẩm hay điều tốt đẹp sẽ được tạo ra; khi những yếu tố tiêu cực trong phần CON móc hầu bao thì những cái xấu sẽ hình thành. Mức độ tốt đẹp hay nguy khốn của xã hội là do tương quan tốt – xấu mà thôi.
|
Tối 14.12.2013, nằm trên võng ở nhà tại miền quê Tây Sơn, Bình Định, tôi đã nghe sống mũi và khóe mắt cay cay khi chứng kiến cảnh đoàn tụ của gia đình Phúc – Đức – Đầy – Đông – Đủ (tên của năm người con) trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly của Đài Truyền hình Việt Nam.
Như chưa hề có cuộc chia ly có lẽ là một trong những chương trình truyền hình có tính nhân văn cao nhất ở Việt Nam hiện nay, giống như Troy The Locator (tạm dịch là Troy Người Tìm kiếm) ở Mỹ – chương trình rất nhân bản đã kết nối cho hơn 40.000 người và có giá trị thương mại rất cao trên mảnh đất của thị trường tự do.
Là người có chút kiến thức về kinh tế và thống kê, tôi hiểu rằng xác suất của sai sót luôn hiện hữu. Do vậy, niềm tin của tôi sẽ không suy giảm nếu chẳng may một vài điều đáng tiếc như sự cố của anh Phước sẽ xảy ra trong hàng nghìn cuộc tìm kiếm sắp tới (hy vọng là như vậy) sau khi đã được trang bị gần như “tận răng”.
Ở đây, tôi xin phân tích cách thức lòng tốt đã được định giá để tài trợ cho những cuộc đoàn viên đầy nhân văn cũng như những điều tốt đẹp khác.
Chờ chồng đến hóa đá là một biểu tượng mang tính nhân văn, thủy chung cao độ của người Việt cũng như nhiều dân tộc khác. Khát khao đoàn viên quả là mãnh liệt.
Hạnh phúc vỡ òa cho những người trong cuộc và lây sang cho nhiều người khác. Nhìn cảnh đoàn tụ của những người ở hai miền Triều Tiên sau nửa thế kỷ xa cách trên truyền hình thấy rất rõ điều này.
Giá trị của các cuộc đoàn viên là rất lớn và có thể lượng hóa được về mặt kinh tế.
Vui nhất là người trong cuộc, nhưng thường chẳng đáng là bao so với cộng dồn của những miền vui lây – nhân tố đã thanh toán cho các khoản chi phí rất tốn kém mà hầu hết những người trong cuộc không đủ khả năng chi trả chỉ cho những khoản chi phí trực tiếp.
Ngân sách nhà nước, đương nhiên, không thể gánh nổi những việc như thế này. Kinh tế thị trường mà như tình huống này ở Việt Nam hay gọi là xã hội hóa các chương trình truyền hình đã tạo ra điều diệu kỳ.
Những người xem truyền hình và những người sử dụng sản phẩm của các nhà tài trợ đã trả cho những khoản chi phí tốn kém của việc tạo dựng chương trình. Lòng tốt đã được định giá và đặt đúng chỗ.
Điều này thể hiện rất rõ qua việc hãng bia Tiger vừa “không bắt đền” người lái xe trong vụ “hôi bia” ở Đồng Nai vừa qua. Đây là cách “vận động lòng tốt móc hầu bao” đơn giản nhất.
Mấy chục nghìn chai bia có là gì trong hơn ba tỉ lít bia người Việt tiêu thụ hằng năm. Chỉ cần một số người gọi thêm một chai Tiger trong chừng 1.000 chai bia/người/năm của 90 triệu người Việt thì lợi ích mà Tiger có được sẽ rất khổng lồ.
Một cơ hội vàng cho tiếp thị.
Ở đây, chúng ta không nên cho rằng Tiger đã lợi dụng lòng tốt của người khác để kinh doanh vì mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp nào cũng là lợi nhuận. Do vậy, cách nào bán bia hiệu quả sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, uống một chai bia và nghĩ rằng mình đang làm một việc tốt sẽ hay hơn là uống một chai bia qua cách tiếp thị váy ngắn chân dài.
Thực ra, mỗi người đều có quyền “bỏ phiếu bằng chân” với một sản phẩm nào đó. Để có thêm nhiều cuộc đoàn viên ý nghĩa, mỗi chúng ta có thể tham gia “một chân” bằng cách thường xuyên theo dõi chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly.
Ngược lại, để giảm thiểu sự tràn lan của “giết, hiếp, sếch, sến” trên mặt báo với những tác động tai hại của chúng, mỗi chúng chỉ cần ít đọc chúng hơn là đã có nhiều tác động lắm rồi.
Kinh tế thị trường là chìa khóa đi đến thành công của tất cả các nước phát triển, nhưng nó cũng gây ra rất nhiều rắc rối cho tất cả các nước. Kinh tế thị trường “xúi giục” mọi người móc hầu bao để sau đó phải làm việc cật lực để trang trải cho nhu cầu của mình. Chìa khóa ở đây là móc hầu bao cho cái gì.
Khi lòng tốt hay phần NGƯỜI móc hầu bao thì những sản phẩm hay điều tốt đẹp sẽ được tạo ra; khi những yếu tố tiêu cực trong phần CON móc hầu bao thì những cái xấu sẽ hình thành. Mức độ tốt đẹp hay nguy khốn của xã hội là do tương quan tốt – xấu mà thôi.
Quyền “bỏ phiếu bằng chân” của mỗi người là rất lớn và nó có ý nghĩa quyết định đến hình thái và cách thức hành xử trong xã hội. Do vậy, để xã hội tốt đẹp hơn, mỗi chúng ta nên sử dụng quyền này theo hướng tính cực, thay vì ngoài miệng thì suốt ngày than thở nhưng hành động lại dung dưỡng cái xấu.
Huỳnh Thế Du