
Chúng ta có thể đi bất kỳ đâu, ngắm nhìn bất kỳ điều gì, có thể lưu lại những cảnh đẹp đó bằng nhiều cách. Riêng Nguyễn Tiến Niệm đã chọn cách khó và tốn nhiều tâm sức nhất. Anh dùng ngòi bút của một văn nhân trong vai người lữ khách, ký họa và lưu lại hình ảnh một nước Mỹ tươi đẹp, phồn hoa; đa dạng về văn hóa, lôi cuốn trong những câu chuyện lịch sử với sự ngưỡng mộ và những cảm xúc rất tự nhiên.

Một nước Mỹ thơ mộng, tươi đẹp và giàu có
50 tiểu bang của nước Mỹ là 50 bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp với những đường nét và màu sắc khác nhau. Dù ở vùng đất nào thì đó vẫn là những bức vẽ tuyệt đẹp, vừa quen thuộc vừa không dễ gì tìm kiếm ở những xứ sở khác.
Hãy cùng tác giả chiêm ngưỡng vẻ đẹp xưa cũ mang đầy hoài niệm của Oklahoma: “Tôi trở lại Oklahoma City trong một chiều nắng nhạt nhòa. Cái nắng trong vắt như pha lê của Đà Lạt vẫn nhuộm vàng khắp không gian. Oklahoma có vẻ rất giống Đà Lạt dù nó không có địa hình đồi núi mà chỉ là những thảo nguyên cùng đồng cỏ mênh mông, thích hợp với cuộc sống của những chàng cao bồi tự do và lang thang của miền Viễn Tây”. “Oklahoma City là một trong những thành phố Mỹ êm đềm nhất theo cảm nhận của tôi. Những con đường uốn khúc quanh co, những ngôi biệt thự tuyệt đẹp ẩn mình bên hồ nước, những mái ngói và lò sưởi nhấp nhô. Hoa thì nhiều vô kể như những nốt nhạc trầm bổng thả vào không gian….Oklahoma City có những không gian êm đềm, tĩnh lặng có thể gây cảm giác buồn chán cho nhiều người nhưng vẫn níu kéo những người như tôi quay trở lại để tìm những kỷ niệm, những vấn vương một thời đã xa của nước Mỹ”
Một Norman lãng mạn, thơ mộng, yên bình: “Tôi có nhiều dịp đến Norman vào mùa xuân vào cả 4 mùa nhưng thú vị nhất là mùa xuân. Vào mùa xuân, hoa đào bừng nở chẳng khác nào ở Washington D.C. Dạo bước dưới những tòa nhà mà tôi thường gọi là những tòa lâu đài cổ kính là một cảm giác rất tuyệt vời. Những chú sóc dạn dĩ chạy nhảy khắp nơi, những vườn hoa tulip nhiều màu sắc có rất nhiều ở Norman, tô điểm cho những mái nhà, tháp chuông cao vút trên bầu trời”. Hay đặc biệt như cảnh sắc ở Saint Louis thành phố lớn nhất tiểu bang Missouri: “Silver Rainbow ở thành phố Saint Louis – cầu vồng bạc bên dòng Mississippi….Nơi đây sở hữu một kỳ quan kiến trúc thời hiện đại vô cùng nổi tiếng….Một rừng cao ốc bên dòng Mississippi thơ mộng uốn lượn cùng cổng vòm bằng thép sáng lấp lánh, phản chiếu ánh mặt trời án ngữ thành phố. Khi tôi đi ngang qua đây, mặt trời nhuộm hồng cổng vòm và những cao ốc làm tất cả trở thành một màu đỏ rực lộng lẫy. Đó là Saint Louis, cửa ngõ vào phía Tây của nước Mỹ”.

Cứ như vậy, dọc theo mỗi cung đường là mỗi phong cách hội họa khi thì hiện đại, kỳ vĩ, khi lại trầm ngâm, cổ kính với những câu chuyện xưa. Hành trình qua 50 tiểu bang của tác giả đã đánh thức hàng nghìn giác quan, hàng trăm cảm xúc và những suy ngẫm khác nhau về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người Mỹ. Tất cả đều lắng đọng trong một nước Mỹ tươi đẹp, đầy sức sống và hấp dẫn bởi những tri kiến nối dài từ những ngày đầu tiên hình thành cho đến hôm nay.

Nước Mỹ đất nước của những điểm đến vượt ngoài những giới hạn
Sức hấp dẫn đặc biệt của những trang kí sự chính là bên cạnh những cảnh sắc đời thường, lại gắn với những câu chuyện phi thường của người Mỹ. Từ Bonneville salt Flats – sa mạc muối lớn nhất Tây Bán Cầu đến Biển Chết trong lòng nước Mỹ và Thành phố Hồ Muối, từ Silver Rainbow ở thành phố Saint Louis – cầu vồng bạc bên dòng Mississippi đến Wendover – ốc đảo giữa sa mạc, từ thánh địa của người Mormon đến câu chuyện về bốn người đàn ông trên ngọn núi Rushmore, Big sur, nơi những ngọn núi chạm đến thiên đường, “với màu xanh mát của những vườn nho bạt ngàn, các lâu đài cổ, các hầm rượu nổi tiếng và những ly vang thơm ngào ngạt thì những người đến với Napa như tôi, cũng khó có thể đi trên mặt đất sau khi đã dạo bước trên mây ở thung lũng cổ tích này. Mùa xuân ở Napa vẫn xanh biếc lá, tulip bên những hàng rào vẫn nở rộ, đàn bò vẫn nhởn nhơ gặm cỏ”, …

Tất cả đều là những điểm dừng chân đặc biệt của xứ sở cờ hoa, đều là minh chứng cho một nền văn hóa mang rất nhiều dấu ấn của con người. Những con người Mỹ đa sắc tộc, phóng khoáng, tự do và luôn tìm kiếm những giới hạn để chinh phục, không kể đó là giới hạn về tự nhiên hay tri thức. “Bonneville salt Flats là một phần của hồ muối lớn ngày nay, nó đúng hơn là một tàn tích khô cạn vào cuối kỷ băng hà. Cái tên Bonneville là tên của nhà thám hiểm người Pháp đã đặt chân đến vùng đất Utah đầu tiên. Người ta kể lại rằng, khi đến những cánh đồng muối dài cả trăm dặm bao phủ khắp tiểu bang và hồ muối lớn, những nhà thám hiểm tưởng rằng đây là Thái Bình Dương hay ít nhất hồ này cũng thông với Thái Bình Dương”.





Nước Mỹ, nước mắt và đau thương
Nước Mỹ không chỉ nổi tiếng bởi những phong cảnh tuyệt đẹp, kỳ vĩ, những nhà tài phiệt hùng mạnh. Lịch sử đã ghi nhận những biến đổi về chính trị, văn hóa của nước Mỹ gắn với những trang đầy nước mắt. Người Mỹ, đặc biệt là những người da đỏ sẽ không bao giờ quên “Trail of Tears” hay còn được các sử gia gọi là “Con đường nước mắt” là cuộc di dân đầu tiên của khoảng 60 ngàn người da đỏ ở Mỹ bị bắt buộc phải di dời ra khỏi vùng đất của tổ tiên họ bởi chính phủ Hoa Kỳ vào những năm 1930 của thế kỷ trước. Một số ít không khuất phục lệnh của chính phủ đã tìm cách ở lại. Trên con đường đầy nước mắt, rất nhiều người trong số họ đã chết vì thời tiết khắc nghiệt, vì đói khát, vì bị ngược đãi hoặc bệnh tật trong khi di chuyển về phía Tây.
Khi đến Oklahoma, những người da đỏ bản địa chỉ còn lại khoảng 16 ngàn người”. Hay sự kiện chấn động nước Mỹ tại Oklahoma vào ngày 19/4/1995, khi một chiếc xe tải cho thuê đã chở 3.175 kg thuốc nổ đậu trước tòa nhà Murrah và sau đó được kích nổ. Vụ tàn sát này đã làm 168 người chết trong đó có 19 trẻ em và gần 700 người bị thương. Đây là vụ đánh bom khủng bố khủng khiếp nhất nước Mỹ sau vụ 11/9. “Tôi lang thang đến khu tưởng niệm, tòa nhà Alfred P. Murrah bây giờ chỉ còn là một bãi đất trống. Bên kia đường là một bức tượng Chúa Giêsu đang ôm mặt khóc và quay vào tường”.
Những dòng ký sự với sự trải nghiệm, gắn giữa địa danh với lịch sử và văn hóa, khiến cho mỗi bức tranh phong cảnh như được thổi hồn vào đó. Lịch sử nước Mỹ được tái hiện đầy chân thực và thuyết phục trên mỗi hành trình mà Nguyễn Tiến Niệm đã đi qua.




Nước Mỹ đa sắc tộc và văn hóa
Đọc Những nẻo đường nước Mỹ chắc hẳn không ít độc giả tự hỏi, Nguyễn Tiến Niệm đã dành mất bao lâu để tìm hiểu và thu thập những kiến thức nối dài từ lịch sử đến hiện tại về đất nước – con người nước Mỹ? Một vùng đất đa văn hóa, đa sắc tộc: Oklahoma, vương quốc của người da đỏ, Windy City, thành phố của gió và thành phố của tội phạm, nơi những băng đảng gangster khét tiếng của Mỹ hoạt động vào giữa thế kỷ trước, Utah – Người của núi, vùng đất của những người Do thái thông minh Mormon,… Những tri thức này thể hiện thái độ và sự lao động nghiêm túc của tác giả để chuẩn bị cho hành trình vòng quanh nước Mỹ.

Một hành trình có đích đến sau 50 tiểu bang, chứ không đơn giản là hành trình vô định thỏa mãn đam mê cá nhân của một tay du lịch đời thường.
“Có lẽ không một tiểu bang nào của nước Mỹ kỳ lạ như Utah. Tất cả nền kinh tế, giáo dục, văn hóa của tiểu bang này đều ảnh hưởng rất sâu rộng. Hay nói cách khách là bị chi phối bởi cộng đồng người Mormon, hay còn được gọi là Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Kitô”. “Như chúng ta đã biết, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là miền đất tự do, đặc biệt là về tín ngưỡng. Khi mới tìm ra Tân thế giới và mãi cả những năm đầu của thế kỷ 20, những di dân từ Châu Âu đến vùng đất mới không chỉ vì lý do kinh tế mà họ còn trốn chạy sự cai trị hà khắc của những chính phủ hoàng gia Châu Âu thời đó, đặc biệt là về vấn đề tôn giáo. Di dân đến Châu Mỹ để tìm một miền đất khoan dung hơn, nơi họ có thể tự do hành đạo với tín ngưỡng và niềm tin của mình”. Hay một Chicago phồn hoa và đầy cám dỗ: “Cũng giống như New York, Chicago là thành phố đa sắc tộc, gồm rất nhiều người Ý, Do Thái, Ba Lan, Đức, Czech, Ireland, Hy Lạp … di cư sang sinh sống từ thế kỷ 19. Năm 1920 một làn sóng người da màu Mỹ tìm đến Chicago để tìm cơ hội làm ăn, khiến thành phố này trở thành nơi tập trung đông người da màu lớn thứ hai của nước Mỹ chỉ sau khu Harlem của New York…hình thành nên nền văn hóa vô cùng đa dạng. Chicago như một bức tranh được vẽ bằng nhiều mảng màu khác nhau. Nằm bên Ngũ Đại hồ, nơi đây cho phép các chuyến tàu chuyên chở hàng hóa đi khắp các vùng Hồ Lớn, nối Chicago với dòng Mississippi và hệ thống xe lửa lan tỏa khắp quốc gia. Vì vậy, Chicago xứng đáng là ngã tư hàng hải và trung tâm hệ thống hỏa xa của Mỹ”
Sức hấp dẫn của nước Mỹ và hành trình Những nẻo đường nước Mỹ chính là sự đa dạng về bối cảnh, sự đan xen giữa lịch sử và hiện tại, sự hiểu biết sâu rộng và phong phú của người dẫn đường Nguyễn Tiến Niệm. Thật khó phân biệt được khi nào ông là nhà văn, khi nào là người tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khi nào là một du khách đời thường với những cảm xúc chân thật, khi thì đam mê, háo hức, khi lại trầm ngâm suy tư và đôi chút chạnh lòng, buồn man mác. Chính sự kết nối và hòa quyện tự nhiên của những nhân tố ấy, đã khiến cho Những nẻo đường nước Mỹ mang lại cho độc giả rất nhiều giá trị. Cảm ơn tác giả vì những tháng này lao động miệt mài không mỏi trên hành trình vạn dặm từ một đất nước xa xôi.



Tác giả Nguyễn Tiến Niệm tốt nghiệp khoa Ngữ Văn Anh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM. Đồng tác giả cuốn sách Đi Đông Đi Tây (Nhà xuất bản Trẻ, 2008). Có hơn 100 bài viết đăng trên rất nhiều tờ báo, tạp chí như: Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, Phụ nữ TP.HCM, Kiến trúc nhà đẹp với bút danh Trùng Dương. Tác giả bắt đầu hành trình khám phá 50 tiểu bang của Mỹ từ năm 2016, mỗi vùng đất đi qua đều được lưu giữ các khác biệt về văn hoá, con người, kiến trúc, ẩm thực… để đưa những gì tinh túy nhất vào bộ sách Những nẻo đường nước Mỹ (Tập 1, xuất bản năm 2022; Tập 2, xuất bản năm 2023). Những nẻo đường nước Mỹ (Tập 1) đã bán được với số tiền là 109.500.000 VNĐ đã tặng cho các em tại mái ấm trẻ khiếm thị Đà Lạt thuộc “Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức” – Nơi nuôi dạy hơn 20 trẻ em khiếm thị, được thành lập từ lòng bác ái của các sơ, tự lực tài chính và sinh hoạt như nuôi ăn, dạy học… Hiện nay sơ Dung đang giám quản Mái ấm và một số sơ phụ trách lo cho các em. – Vì là cơ sở xã hội tư quản nên việc duy trì đời sống, sinh hoạt hàng ngày cho các em rất khó khăn, nhất là trong mùa dịch ( cúm Covid 19) nên cần sự hổ trợ từ các mạnh thường quân. Số tiền bán sách Những nẻo đường nước Mỹ (Tập 2) sẽ dành tặng cho Mái ấm tình thương Linh Ân. Do các Sr Tận Hiến phụ trách. Mái ấm là 1 cơ sở nhỏ chăm sóc các trẻ em bị bỏ rơi và các bà mẹ đơn thân.Hiện giờ mái ấm đang chăm nuôi khoãng 40 em nhỏ và các mà mẹ đơn thân, bé lớn nhất ở đây khoảng 3 tuổi rưỡi, các bé rất ngoan. Các sơ ở đây luôn tạo điều kiên tốt nhất cho các bé về ăn uống, vui chơi, vệ sinh. Mua sách ủng hộ tại đây Xem thêm thông tin về sách tại đây |
Thanh Hoà