1/1/2023,
Ngồi trên chuyến bay đầu tiên đi đến nước Mỹ của mình. Trong cái không gian lặng yên, xa lạ của những con người kề bên, trên bầu trời của một nơi xa nhà, tôi bất giác nhớ về lời chào của mẹ: ‘con đi mạnh khỏe nhé!’, nhớ cả về cái gam màu của nước Mỹ trong 10 năm của mình, kể từ ngày tôi biết về một đất nước bao la, rộng lớn đến thế.
Tôi nhớ 9 năm trước, nước Mỹ là thiên đường, là màu xanh – với tôi, xanh là màu tươi sáng, trong xanh nhất của đời người. Tết năm đó, tôi đón bà về từ Mỹ để ăn tết. Trong những ngày vui ngập tràn ấy, tôi được nghe bà kể về đất nước Mỹ xa hoa, tráng lệ như thế nào, tôi còn được kể về đời sống an bình, về giáo dục tuyệt vời của xứ nơi đây. Bà bảo năm lớp 11 rồi con cũng sẽ được cùng gia đình sang Mỹ. Nghe vậy, tôi vui lắm.
Rồi nhiều năm sau ấy nữa, cũng cứ mỗi Tết đoàn viên, gặp bà, là mỗi lần nghe về nước Mỹ tuyệt vời như nào.
Ánh trăng sao kéo buồm lên cao, giấc mơ của tôi về nơi xứ người xa xôi ấy lại càng mãnh liệt.
Chín năm sau, quả thật như lời bà nói, tôi cũng được thật sự đặt chân đến nước Mỹ. Có điều, chuyến đi này lại chẳng phải là cuộc đoàn tụ gia đình, chuyến này chỉ có một đứa nhóc 16 tuổi đi một mình, sau những ngày tháng nhọc nhằn vì visa. Tôi nhớ ngày đậu phỏng vấn visa, trời Hà Nội rét buốt, lại mưa rào, tôi chán nản tự hỏi: ‘Vui thế mà sao Hà Nội lại buồn, trời lại chẳng đẹp như hai lần tôi trượt visa trước đó”.
Ngày đến Mỹ, tôi mới bất chợt nhớ lại Hà Nội ngày ấy, chậc, chắc ông trời đang khóc thay cho những tháng ngày sắp tới mà đứa nhóc lần đầu xa nhà phải đối diện. Sáu tháng đầu tiên xa nhà, Mỹ như chiến trường, gam màu xanh tươi của nước Mỹ giờ đây lại phai dần đi, giờ đây, chỉ còn là một màu xám và đen. Đó là những ngày tháng tôi đã tự và phải học cách xử lý mọi điều, đó là ngày dù bị host family hiểu lầm nhưng cũng phải học cách thật bình tĩnh mà xử lý, đó là phải tự tìm đường về khi đi lạc vào một đêm tuyết rét buốt khi mới qua, đó là ngày tôi biết mình đang học cách thành người trưởng thành. Những khoảnh khắc ấy đến, rồi trôi đi, tôi mới hiểu tại sao đôi khi cuộc sống vất vả đến thế, đôi khi tranh cãi với nhiều người, đến cuối cùng, mẹ vẫn tươi cười với mọi thứ.
Mùa Tết đầu xa nhà, mẹ bảo tết năm nay ai có dè lại thiếu một đứa, bữa cơm gia đình lại thiếu đi đôi đũa bảt cơm. Con cũng chẳng ngờ được… Cũng nhờ thế mà con lại hoài niệm về những ngày xưa cũ kia, khi được mẹ nấu những món mà con thích mà mẹ đã nuôi con theo năm tháng mà khôn lớn. Đó là lúc con nhớ những khi được mẹ đón đưa đi học kèm theo vài ba bữa ăn vặt mà chẳng phải là những lần cuốc bộ mỏi cả chân. Có những ngày vất vả, xa xăm đến thế, tôi mới hiểu lời mẹ dạy ngày nhỏ, thức ăn quý đến nhường nào, cũng mới hiểu, gia đình đáng giá đến thế. Chắc cũng có lẽ khoảnh khắc đó mẹ cũng dần hiểu, khoảnh khắc bà để mẹ đi học xa nhà năm xưa khó khăn đến nhường nào.
Đến thăm nhà bà ở tiểu bang khác, tôi mới biết hóa ra nước Mỹ trong những lời kể của bà sau cùng cũng chỉ là những gì bà được nghe, kể lại, xem lại. Hóa ra, những món đồ ăn vặt Mỹ mỗi lần bà mang về vào ngày Tết ấy là những ngày tháng lao động vất vả. Mỗi mùa Tết, bà hay lì xì cho mọi người tờ hai đô la bảo ngụ ý rằng đó là điều chúc lành cho một năm mới. Đến Mỹ, tôi mới hiểu, chẳng có đồng nào là thật sự may mắn, tất thảy đều là mồ hôi, là nước mắt đổ xuống cho lao động, cho vài ba cái danh ‘Việt kiều’.
Rồi năm tháng lại cũng dần trôi đi. Tôi đã nghĩ mình đã đủ lớn, dần trưởng thành để hiểu nước Mỹ không tuyệt vời đến thế. Cho tới khi mẹ bảo hãy đi trải nghiệm thế giới ngoài kia, vì con sẽ chẳng biết mình còn ở đây được bao lâu. Bước ra khỏi căn phòng thuê, ra khỏi trường học, tôi lại dần nhận ra nước Mỹ cũng đẹp đến thế, người bản địa nơi đây cũng thật tử tế, là niềm vui khi được nhận vào công việc đầu tiên, nhìn sự hứng khởi và năng lượng nhiệt huyết của những người bạn du học sinh ở các đất nước khác, tôi hiểu mình cần thay đổi. Trời Hà Nội năm ấy mưa rét buốt, hóa ra cũng khóc cho những điều tươi đẹp đón chờ tôi.
Cũng nhờ thế, rồi tôi dần nhận ra nước Mỹ cũng tuyệt vời đến vậy, hóa ra nước Mỹ cũng có gam màu tươi xanh đến thế, tôi hiểu rằng dù ít hay nhiều, mọi thứ đều có giá trị và ý nghĩa của chúng, điều đáng giá là cách chúng ta nhìn về chúng như thế nào. Cũng nhờ cơ hội đến nước Mỹ, tôi mới có cơ hội được tham dự Vòng Tay Nước Mỹ 11, được gặp nhiều anh chị với vô vàn kinh nghiệm đáng giá sau nhiều năm sinh sống ở nơi đây, như chị Kelly, chị Vân Anh, chị Sương, chị Thúy, chị Linh :3
Cũng nhớ một lần, đọc bài tản văn của nhà văn Lư Tư Hạo, có một đoạn khiến trái tim tôi dường như thổn thức: ‘Dù trước đây, du học sinh đó có cuộc sống như thế nào, tính cách ra sao, một khi đã bước chân qua cửa hải quan, cho dù lệ có đẫm hàng mi, người đó cũng sẽ không quay đầu… không bao giờ để lộ sự yếu đuối của mình trước mặt bố mẹ’. Cơ mà ngày bước đến cảnh cửa Departure, tôi vụng về trước mọi thứ, chẳng biết làm gì, ngoảnh nhìn lại mẹ, mẹ vẫy tay như bảo đi đi con, tôi ngoảnh mặt lại rồi nén nước mắt: Thưa mẹ con đi… Dù chẳng biết mùa hè, ngày Tết năm nào rồi con sẽ về thăm nhà, cũng chẳng biết có mang được tiền, mang giấc mơ Mỹ về cho mẹ hay không, nhưng con sẽ mang tình yêu, những bài học, những kỷ niệm của gia đình đi khắp nước Mỹ như hành trang quý giá nhất trong cuộc đời con.
Tác giả: Khánh Linh
—————————————————————————————
Cuộc thi Hành Trình Nước Mỹ 11 với chủ để “Trưởng thành là khi…” thuộc chuỗi sự kiện Vòng Tay Nước Mỹ 11.
Để nộp bài tham dự cuộc thi (bài viết, hình ảnh, video, tranh vẽ), vui lòng gửi đến vongtaynuocmy@gmail.com
Chi tiết về cuộc thi Hành Trình Nước Mỹ 11, vui lòng truy cập: https://vtnm.sinhvienusa.org/hanh-trinh-nuoc-my/