Mua sắm quần áo và đồ chơi cho con luôn là một mối đau đầu đối với các ông bố bà mẹ vì trẻ con lớn rất nhanh. Đối với các ông bố bà mẹ Mỹ cũng vậy. Việc mua sắm mới cho con ngốn một ngân sách đáng kể khiến họ cũng phải tìm cách để tiết kiệm ngân sách gia đình.
Một trong những giải pháp đó là đi tìm mua đồ trẻ em tuy cũ nhưng còn tốt và rao bán những đồ cũ mà con mình không dùng tới nữa. Ở Mỹ đồ cũ trẻ em có thể dễ dàng mua và rao bán trên các kênh bán đồ cũ online như cragslist, bán tại nhà (garage sale) hoặc tại các chợ đồ cũ (kids sale). Trong đó chợ đồ cũ vẫn được các ông bố bà mẹ ưu thích hơn cả vì họ có thể lựa chọn được rất nhiều đồ với giá cả phải chăng, tiết kiệm chi phí giao dịch và đi lại.
Một trong những chợ đồ cũ mà mình đến mua có tên là Consignment with Grace, là một dạng bán kí gửi đồ cũ. Chợ do một nhóm tình nguyện viên của một nhà thờ đứng ra tổ chức để gây quỹ 3 lần mỗi năm, vào đầu mùa Xuân, đầu mùa Thu và dịp gần Giáng Sinh. Đây là nơi mà các ông bố bà mẹ có thể tìm kiếm hầu như tất cả các sản phẩm cần thiết cho con mình từ 0 đến 16 tuổi với giá chỉ bằng 1/3 tới 1/5 giá đồ mới. Đối với các gia đình có thừa nhiều đồ không dùng tới thì đây là một cơ hội để thanh lý dọn dẹp tủ đồ chơi quần áo của con và kiếm thêm chút tiền. Vì là bán kí gửi nên người tổ chức không kinh doanh mà chỉ đứng ra tạo cầu nối giữa người mua và người bán và thu phí trên tổng giá trị hàng hóa bán được.
Đi chợ
Nếu đến chợ để mua sắm, bạn sẽ được phát một chiếc túi to để đựng hàng và tự do lựa chọn, không thu phí. Thường những chợ kiểu này thì ai đến sớm sẽ có lợi hơn vì được lựa chọn nhiều hàng hóa hơn. Một số chợ khác thì thu phí vào cổng, hoặc là giảm giá 25% và 50% vào các ngày tiếp theo để lôi kéo mọi người tới mua hàng. Các chợ như thế này thường chỉ kéo dài 2-3 ngày, từ thứ 6 đến Chủ nhật.
Hàng nghìn sản phẩm bày bán được chia thành các khu riêng thuận tiện cho việc lựa chọn: khu quần áo (chia theo giới tính và lứa tuổi), khu đồ chơi (gồm có đồ chơi chung, đồ chơi cho bé gái, đồ chơi cho bé trai, sách/băng đĩa), khu đồ dùng (như chậu tắm, chăn mền, bình chai lọ, ghế ngồi, xích đu, nôi vv…), khu thú bông và một số đồ dành cho bà bầu vv…
Tất cả các sản phẩm đều được treo, gấp, hoặc bọc gói cẩn thận và có mác điền rất nhiều thông tin như mã số của người bán hàng, tên sản phẩm, giá vv…Ai mua gì thì nhặt cho vào túi ra cửa thanh toán. Ở bàn thanh toán người thu tiền sẽ thu lại các mác giá, lưu mã số của người bán hàng để tổng kết số tiền hàng bán được. Người mua có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng (với điều kiện là trả thêm 3% phí giao dịch). Có một điều thú vị là họ dùng một phần mềm trên máy tính bảng iPad để thu tiền và quẹt thẻ khá là chuyên nghiệp.
Mọi người đi mua sắm tấp nập vui vẻ. Ai cũng hớn hở vì mua được nhiều đồ chơi quần áo và những vật dụng cần thiết cho con/cháu mình với cái giá chỉ bằng 1/3 đến 1/5 giá hàng mới.
Tham gia kí gửi
Mình tự hỏi “Làm sao mà họ có thể tổ chức được một chợ lớn và quy củ như vậy được nhỉ?”. Hàng nghìn món hàng hóa được sắp xếp cẩn thận và khoa học như vậy mà nhìn ra ngoài thì có không tới 10 người tình nguyện viên đang làm việc.
Và đây là cách mà những người tổ chức Consignment with Grace đã làm.
Trước mỗi dịp tổ chức khoảng 3 tháng, người tổ chức sẽ gửi đi các email thông báo cho những người đăng ký muốn kí gửi hàng hóa. Khoảng 50 người đăng ký đầu tiên sẽ được chọn. Trên website đăng đầy đủ các thông tin nói rõ người tham gia kí gửi cần phải làm những gì. Về cơ bản là họ phải chuẩn bị hết từ vệ sinh món đồ, treo/bọc gói và dán mác giá, cho đến việc chuyên chở tới địa điểm tổ chức và mang về sau khi chợ kết thúc.
Người tổ chức chợ cũng nêu rõ những món đồ nào mới được chấp nhận treo bán: ví dụ quần áo không được có vết bẩn, giầy dép và đồ chơi ngoài trời phải được lau sạch, giày phải buộc hai chiếc lại với nhau, không có món đồ nào trị giá dưới 0.5$ (khoảng 10,000VND) và họ cũng gợi ý nếu người bán có nhiều món như vậy thì ghép chúng lại với nhau để tạo thành 1 món có giá trị hơn. Các thiết bị quá hạn sử dụng hoặc ti giả đã dùng, quần áo quá cũ, đồ lót đã qua sử dụng sẽ không được chấp nhận vv…
Người kí gửi cũng phải tự làm mác giá cho từng món đồ của mình theo quy định. Mác giá bao gồm các thông tin về mã số người kí gửi, kích cỡ (nếu có), tên hàng hóa, mô tả ngắn về hàng hóa và giá cả.
Cuối cùng thì ai gửi bán hàng hóa tại chợ sẽ phải tự đem đồ của mình (đã được chuẩn bị sẵn sàng) tới địa điểm tổ chức vào ngày trước chợ và quay lại lấy những món đồ còn chưa bán được sau khi chợ kết thúc.
Số tiền bán được người kí gửi được nhận 80% giá bán, 20% được giữ lại làm quỹ cho chương trình thiện nguyện của nhà thờ. Ngoài ra người kí gửi sẽ phải đóng 15$ (khoảng 300 nghìn VNĐ) tiền lệ phí tham gia. Số tiền này không phải đóng trước mà sẽ bị trừ đi sau khi tính toán số tiền hàng bán được.
Những người tham gia gửi bán quần áo không chỉ tạo thu nhập cho mình mà còn có một quyền lợi đặc biệt là họ và các tình nguyện viên được mua hàng trước ngày chính thức mở cửa. Tức là nếu chợ bắt đầu vào sáng ngày thứ 6 thì họ sẽ được đến mua trước vào ngày thứ 5. Như vậy là họ có thể lựa chọn được nhiều món đồ tốt cho con trước khi phải “cạnh tranh” với những người đến mua hàng vào ngày hôm sau.
Việc tổ chức một chợ đồ cũ như thế này quả là một mũi tên trúng nhiều đích. Chợ giúp người bán và người mua tìm đến với nhau, giúp các gia đình tiết kiệm được ngân sách mua sắm một cách đáng kể, bảo vệ môi trường, chống lãng phí, gây quỹ cho các hoạt động thiện nguyện cho cộng đồng, các tình nguyện viên tham gia chợ còn có cơ gặp gỡ làm quen với nhau vv…
Kinh nghiệm cho các ông bố bà mẹ Việt
Mua được một món đồ cũ hay được cho một món đồ cũ còn tốt đôi khi là một niềm vui vì “cũ người mới ta”. Đối với trẻ em nhiều gia đình còn thích đi xin quần áo cũ cho con vì chúng đã qua giặt giũ nhiều lần nên vải mềm hơn, bớt các chất thuốc nhuộm nên về mặt khoa học là tốt hơn cho da trẻ em.
Ở Việt Nam chúng ta chưa có thói quen mua bán quần áo cũ và đồ dùng trẻ em, có lẽ một phần do quan niệm là sợ gặp phải “vía” những bé khó nuôi, nếu con mình mặc phải hoặc dùng phải đồ dùng của các bé này thì cũng trở nên khó tính gây vất vả cho bố mẹ. Hoặc nhiều gia đình nghĩ rằng có nghèo đến mấy cũng phải mua quần áo mới cho con mặc để cho “bằng bạn bằng bè”.
Quan niệm này có lẽ hơi cổ hủ vì nếu bạn nhìn cách người Mỹ nuôi con thì trong đầu họ hoàn toàn không hề có khái niệm nào gọi là “vía” cả. Cái mà họ quan tâm là tính khoa học và thực tế. Vì không có quan niệm “vía” nên họ thoải mái trong việc mua quần áo và đồ dùng đã qua sử dụng cho con, miễn sao chúng sạch sẽ, tương đối mới, còn dùng tốt là được. Khi mang về thì nhất định phải giặt giũ, lau chùi sạch sẽ rồi mới dùng. Như thế bố mẹ vừa tiết kiệm tiền mà con thì không bao giờ thiếu quần áo lẫn đồ chơi “mới”.
Đôi khi các bố mẹ mua đồ rẻ tiền cho con vì nghĩ là chúng chỉ dùng một thời gian ngắn, quần áo thì cứ 3 tháng lại thay mới, đồ chơi cũng vậy. Nhưng nếu như có một thị trường trao đổi đồ dùng trẻ em thì có thể là họ sẽ cẩn trọng hơn trong việc mua đồ cho con. Thay vì mua những món rẻ tiền cho tiết kiệm bố mẹ sẽ đầu tư món đồ tốt, tuy đắt nhưng bền, đẹp. Con mình dùng 2-3 tháng sau không phù hợp nữa thì đem bán vẫn được, nhất là những đồ lâu bền hoặc có giá trị như cũi, xe đẩy, chậu tắm, đồ chơi bằng gỗ vv…Như thế đôi khi còn tốt hơn là mua những món đồ, nhất là đồ chơi, rẻ tiền và có hại cho sức khỏe của các bé mà lại bảo vệ môi trường (vì đồ được dùng đi dùng lại, ít rác thải), chống lãng phí.
Có nhiều cách để chúng ta có thể tạo một thị trường đồ cũ cho trẻ em. Ví dụ như các nhóm ông bố bà mẹ cùng họp lại với nhau và gom góp đồ cùng trao đổi mua bán. Hoặc sử dụng các trang diễn đàn và trang chuyên bán đồ cũ cragslist để rao bán. Hoặc một ai đó đứng ra tổ chức một chợ và các bố mẹ mang đồ tới kí gửi vv…Nếu chúng ta có thể duy trì được các chợ kiểu này một cách thường xuyên thì chắc chắn là các bố mẹ sẽ dần thay đổi quan điểm về mua sắm đồ cho con. Ai mà có thể cưỡng lại một món đồ giá rẻ và chất lượng tốt chứ nhỉ?
Hoàng Khánh Hòa
Email: hoahoangtk@gmail.com