“Thư gửi Liên hiệp quốc nhân 40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa” đang được lấy chữ ký rộng rãi trên mạng internet, từ ngày 11.1 đến nay, đã có hơn 7000 người ký tên vào bức thư này.
TS.Lê Vĩnh Trương, thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông, người tham gia soạn thảo lá thư cho biết: Sau khi lấy ý kiến từ cộng đồng, nhóm soạn thảo đang tiến hành lọc lại dữ liệu để đảm bảo không có người nào ký 2 lần, tránh thư rác… Thư bằng tiếng Việt, tiếng Anh cũng đã sẵn sàng, dự kiến chúng tôi sẽ gửi lên Liên Hiệp quốc vào 19.1.2014.
Bạn đọc có thể click vào đây để ký tên: http://qncbd.wordpress.com/2014/01/11/ky-ten-thu-goi-lien-hop-quoc-sign-the-letter-sent-to-the-united-nations/
Là người tham gia soạn thảo bức thư đặc biệt này, xin tiến sĩ cho biết ý tưởng ký thư gửi liên hợp quốc được ra đời như thế nào?
TS. Lê Vĩnh Trương: Mùa Xuân là mùa vui nhưng cũng là mùa có nhiều gợi nhớ, nhớ đến những biến cố đã qua , nhớ đến những hy sinh mất mát, nhớ đến những người nằm xuống. Những trận chiến Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc là một số trong các biến cố gợi những nỗi niềm. Quỹ Nghiên cứu Biển Đông kiên trì có những hoạt động, những bài viết để ôn lại, nhắc lại các sự kiện đó từ nhiều năm nay. Năm nay, việc tưởng niệm 40 năm TQ tấn công Hoàng Sa của Việt Nam khiến chúng tôi nghĩ xem mình sẽ làm gì để mang lại công lý cho VN một cách phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại.
QNCBĐ và Nhóm Biển Đông tại Pháp có cùng mong muốn này và như thế chương trình hợp tác cùng nhóm Biển Đông Tại Pháp viết thư gởi Liên Hiệp Quốc đã ra đời!
Tiến sĩ có thể giải thích rõ hơn về ý nghĩa và tác động của hoạt động này đối với Liên Hợp Quốc và các quốc gia khác?
TS. Lê Vĩnh Trương: Các hoạt động của thế giới hiện đại ngày càng đa dạng, phổ biến và ngày càng nhiều từ các nhóm dân sự. Chúng tôi cho rằng hoạt động này là một nỗ lực kết nối tất cả các công dân thế giới quan tâm đến công lý và hòa bình cũng như giải quyết các vấn đề giữa người với người, giữa các nước với nhau bằng các biện pháp duy lý và hòa bình. Thương thuyết, yêu cầu các cơ quan luật pháp quốc tế phân xử thay cho võ lực, không như các hành động TQ đã thực hiện đối với VN trong nhiều năm qua mà cụ thể là các biến cố Hoàng Sa, Trường Sa, xâm lặng phía Bắc VN 1979.
Về tác động, lá thư này có thể thu hút sự quan tâm của Liên Hiệp Quốc. Quyền dân sự của một cộng đồng thế giới văn minh cần được lắng nghe và tôn trọng, bất luận quyền ấy được khởi xướng từ công dân của nước nhỏ hay lớn. Chúng tôi còn tin rằng việc Liên Hiệp Quốc quan tâm đến vấn đề này còn có thể có tác động kiềm chế và lên án những hành vi bạo lực vốn tiếp tục leo thang trong khu vực đối với các vấn đề biển đảo.
Đối với cộng đồng ở Việt Nam, việc đọc và ký thư có ảnh hưởng như thế nào, thưa tiến sĩ?
Chúng tôi tin rằng toàn thể những người ký có chung một quyết tâm, mong muốn tác động đến tâm can của tất cả những người dân Việt Nam, ghi nhớ lại những ngày tháng đất nước đối mặt với bạo lực xâm lược. Với lá thư này, chúng tôi còn mong rằng sự kiện chúng ta đã mất một phần lãnh thổ (Quần đảo Hoàng Sa) vì Trung Quốc xâm chiếm trái phép cần được ghi nhớ, nhắc nhở bởi tất cả con dân Việt Nam không chỉ hôm nay mà cả mai sau.
Với những nhà làm chính sách ở Việt Nam, những người ký thể hiện sự ủng hộ, thúc giục và hy vọng có thể tác động đến giới làm chính sách nhằm mục đích giải quyết các vấn đề xung đột bằng những biện pháp dựa trên luật pháp quốc tế, vì công lý và hòa bình. Bảo vệ công lý, hòa bình cũng chính là nâng cao sức mạnh mềm Việt Nam và sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất!
Chúng tôi mong mỏi trước sự hy sinh của tiền nhân đã khuất, người Việt khắp nơi có thể cùng làm một điều vì công lý của đất nước. Để công dân toàn thế giới biết tới Hoàng Sa là của Việt Nam.
Trong thư có nhắc đến các chiến sĩ Việt Nam cộng hoà đã hi sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa, nhóm soạn thảo có lo lắng về việc một số người Việt Nam sẽ ngại ký tên, bởi đây vẫn là một chủ đề “nhạy cảm” ở trong nước?
TS. Lê Vĩnh Trương: Ngại cũng là một tình cảm bình thường trước khi chọn lựa hành động của con người và bất cứ ai cũng có thể ngại. Biết nhiều cũng ngại, trải qua nhiều thăng trầm cũng ngại. Chưa vượt qua được tâm lý của chính mình cũng ngại. Song chúng tôi nghĩ trước khi chọn làm một việc có ích, có ý nghĩa thì cá nhân cần phải vượt qua được những chướng ngại đó.
Cá nhân tôi thấy, sư thật và các giá trị phổ quát thì luôn còn đó. Gạt bỏ lớp bụi thời gian và sự e ngại cá nhân thì tất cả đều sẽ được phơi bày chân thật.
Những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu bảo vệ tổ quốc, bảo vệ phẩm giá của đất nước Việt Nam có hàng ngàn năm lịch sử là sự thật lịch sử cần phải được ghi danh bằng cách này hay cách khác, lúc này và cả mai sau!
Cảm ơn internet và những chứng nhân, những sử gia ra công đưa sự thật đến thế giới. Nhờ vậy chúng ta biết được những chiến sĩ ấy đã có những tâm nguyện gì, đã hành xử như thế nào trước bạo lực xâm lược.
Họ ra đi nhưng không mất đi!
Họ cũng là những con người Việt Nam, cũng yêu thương cũng có gia đình vợ con, cũng cần đến những bàn thờ cụ thể cũng như sự ghi công trong tâm tưởng của người VN như bao người lính đã ngã xuống trong nhiều cuộc chiến.
Và chúng tôi mong muốn góp một phần nỗ lực tưởng niệm họ, đó là một phần việc của chương trình này.
Theo tôi, công việc ký vào thư này không của riêng ai, của người Việt trong hay ngoài nước mà cũng có thể là của mọi công dân thế giới hiểu biết và yêu chuộng lẽ phải.
Để đạt được con số trên 7000 người ký, tính đến 14/1/2014, chúng tôi cảm nhận được sức mạnh của truyền thông, của những nhóm dân sự cùng chung tay làm việc vì cộng đồng vì quốc gia. Đất nước không là của riêng ai! Cùng bắt tay vào làm cho xã hội tốt hơn là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người.
Đất nước, láng giềng không của riêng tiền nhân hay hậu thế. Việt Nam tính từ các triều đại Ngô, Đinh, Lê đến nay đã qua nhiều triều đại đều có tính kế thừa lẫn nhau. Lê Lợi-Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo cũng đã ca ngợi các chiến công và nỗ lực gìn giữ đất nước của nhà Trần chống xâm lược là trên tinh thần đó!
Xin cảm ơn tiến sĩ
Káp Thành Long thực hiện