Trả lời câu hỏi “Học xong Public Policy em có nên về Việt Nam làm cho cơ quan nhà nước?”, anh Nguyễn Tuấn Anh, một cựu du học sinh Mỹ, đang công tác tại cơ quan nhà nước ở TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ câu chuyện rất thật từ chính bản thân mình.
Câu hỏi: “Thưa các anh chị, em _là Nguyễn Hoàng Nam ở Hà Nội, em vừa học xong đại học, ngành Public Policy ở Mỹ, em định về Việt Nam làm việc vì bố mẹ em muốn em về làm cho cơ quan nhà nước. Bố em làm doanh nghiệp nhưng rất muốn cho con theo nghiệp chính trị. Em cũng rất muốn về nước để áp dụng những gì đã học ở Mỹ vào thực tế ở Việt Nam. Tuy nhiên em đang đắn đo không biết mình có cơ hội để phát huy năng lực không (em chỉ cần được trọng dụng chứ em cũng không đặt nặng vấn đề tiền vì gia đình sẽ đảm bảo cho em một cuộc sống ổn định ở Việt Nam). Em cũng càng phân vân hơn khi có một tổ chức ở Malaysia mời em làm việc với mức lương khá tốt. Em mong anh chị nào đã về Việt nam làm cho cơ quan nhà nước cho em xin lời khuyên được không ạ? Em xin cảm ơn.
Chúng tôi đã nhận được câu trả lời đầy tâm huyết của anh Tuấn Anh, một cựu du học sinh Mỹ, hiện công tác tại TP Hồ Chí Minh.
“Xin chào em Nam, anh tên là Tuấn Anh, nguyên là chủ tịch Hội Thanh niên Sinh Viên tại California và là thành viên của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ. Hiện anh đang là một công chức nhà nước trong Thành phố Hồ Chí Minh. Câu hỏi của em cũng là những suy nghĩ của anh khi còn ở Mỹ, và của nhiều bạn sinh viên khác trước khi có ý định về Việt Nam. Trước khi chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ cá nhân anh, thì anh kể em nghe một câu chuyện, đúng ra là một câu của một bạn sinh viên hỏi anh. Câu hỏi đó cũng giống với câu hỏi mà em đã hỏi, nhưng khác một chút là sự do dự của bạn đó giữa việc ở lại Mỹ làm việc rồi định cư và việc quay về Việt Nam làm việc. Anh đã trả lời bạn đó thế này: “Xa quê hương không có tội. Mà quên quê hương, chống phá lại quê hương mới là đáng trách. Cho nên, dù là làm việc ở Mỹ, hay ở Việt Nam đều cũng có thể đóng góp cho quê hương bằng nhiều cách khác nhau”.
Trở lại với câu hỏi của em, bản thân anh cũng do dự lắm khi quyết định là nên làm việc trong nhà nước hay làm việc ngoài tư nhân. Gia đình thì cũng có 2 ý kiến khác nhau, mẹ anh thì muốn anh làm ngoài tư nhân vì có thể kiếm nhiều tiền, và được sự thoải mái, không bị ràng buộc bởi những cơ chế. Ba anh thì muốn anh làm nhà nước, vì sự ổn định và cũng muốn anh theo con đường sự nghiệp của ba ngày xưa, và cũng vì anh là một Đảng viên, nên ba anh nói đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của anh.
Cá nhân anh mong muốn làm việc trong nhà nước vì anh nghĩ thế này: “Làm kinh tế, nếu làm tốt thì có thể tạo công ăn việc làm nhiều lắm thì chỉ mấy ngàn người. Nhưng làm chính trị thì khác, nếu có thể đem những kinh nghiệm, kiến thức đã học ở nước ngoài ứng dụng vào việc cải cách hành chính, thay đổi bằng chính sách phù hợp thì sẽ góp phần làm cho cả xã hội và đất nước phát triển hơn, giàu mạnh hơn và có thể cải thiện cả một thế hệ.
Bên cạnh đó, một đất nước phát triển thì hai khu vực công và tư phải phát triển đồng đều hoặc không quá chênh lệch về khoảng cách. Hiện nay, nhiều du học sinh về nước chỉ đầu quân cho khu vực tư, còn khu vực công thì vẫn ì ạch, chậm phát triển do vướng cơ chế và thiếu cách thu hút nhân tài”.
Cho nên, chính vì suy nghĩ đó, anh quyết định xin vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Anh nghĩ rằng một con chim én không làm nên mùa xuân, nhưng ít ra phải có sự xuất hiện con chim én, dù chỉ là một con, để báo hiệu rằng mùa xuân sẽ tới và sẽ thu hút thêm nhiều chim én khác.
Tuy nhiên, sau hơn một năm làm việc trong môi trường nhà nước, dù được cơ quan và lãnh đạo ưu đãi, cử đi học chính trị, cho đi thi công chức, nhưng đôi lúc vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc khác như anh đã nói ở trên là do cơ chế và thủ tục hành chính vẫn còn quá nặng nề, nhiều khê. Mặc dù du học sinh tự túc như anh em mình khi tình nguyện về làm việc trong nhà nước sẽ được mọi người quý mến, tạo điều kiện để phát triển nhưng do cơ chế và khi so sánh với những du học sinh được cử đi học theo chương trình của nhà nước, thì du học sinh tự túc khó có cơ hội hoặc chậm để được tổ chức bổ sung vào đội ngũ cán bộ nguồn, hoặc đội ngũ lãnh đạo để anh em mình có thể quyết định, hay tham gia vào những công việc mà lúc còn ở Mỹ mình mong muốn thực hiện.
Rồi thì vấn đề tuổi tác, những trăn trở khi thấy bạn bè đồng trang lứa đều đã được bố trí vị trí này kia, và họ dụng lợi thế đó để thực hiện công việc một cách quyết liệt, còn bản thân mình chưa làm được gì cũng sẽ dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, chán nản. Hay xa hơn là không được bố trí đúng chuyên môn, về lâu dài sẽ mai một kiến thức, nên cũng dễ dẫn đến tình trạng mong muốn ra ngoài làm. Trường hợp này cũng đã xảy ra nhiều vụ trong số những du học sinh do nhà nước cử đi, có người sẵn sàng bồi thường hoặc đợi hết cam kết rồi xin nghỉ để làm trong khu vực tư nhân.
Cho nên, cá nhân anh rất hoan nghênh việc em vào làm nhà nước vì chuyên ngành em vừa tốt nghiệp thì nhà nước mình cũng đang rất cần. Tuy nhiên, anh sẽ khuyên em bỏ ý định đó nếu như em có những điều sau đây:
1/ Chưa là Đảng viên, vì nếu không em sẽ phải phấn đấu khá lâu để được kết nạp. Mà làm nhà nước, em phải là Đảng viên thì mới được cơ cấu vị trí cao, chỉ khi nào có vị trí cao thì em mới thực hiện và quyết định được những việc mà em cho là đúng và như những mong muốn, hoài bão của em khi còn đang ở nước ngoài, chứ chỉ là cán bộ bình thường thì em mãi chỉ là người làm công tác giấy tờ.
2/ Không có tánh kiên trì, đôi lúc phải nói là cần lắm sự nhẫn nại, chịu đựng những kiểu cách nói chuyện trịnh thượng của một số người khi đụng đến vấn đề thủ tục hành chính.
3/ Không chấp nhận làm những việc không đúng với chuyên môn ngay thời điểm nhận việc hoặc có thể kéo dài vài năm.
4/ Không chịu giao tiếp, và có ít các mối quan hệ trong xã hội.
Cuối cùng, thì lời khuyên của anh chỉ để em tham khảo, quyết định vẫn là của em. Chúc em có sự quyết định sáng suốt và thành công với quyết định đó.
Thân mến.”
Nguyễn Tuấn Anh
Email: tuananhnguyen.vietnam@gmail.com