12 trong số 13 quán quân Olympia ở lại nước ngoài làm việc sau khi học xong đang gây ra những tranh luận trái chiều. Trước mắt, việc này có thể tạo ra cái nhìn không thiện cảm trong xã hội. Tuy nhiên, có nhiều khía cạnh tích cực cũng như những vấn đề nghiêm túc cần được đặt ra.
Thứ nhất, có thể khẳng định rằng hầu hết du học sinh đều muốn làm gì đó tốt cho đất nước. Đơn giản, mục tiêu sống của hầu hết mọi người là khẳng định mình trong xã hội. Được nhìn nhận trong cộng đồng quen thuộc hay quê hương của mình thường dễ dàng và đáng tự hào hơn cả.
Khi vinh quy ai cũng muốn bái tổ. Nói một cách khác, khi công việc và cuộc sống ổn định thì hầu hết mọi người sẽ bắt đầu quan tâm và có hành động cụ thể hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đơn giản nhất là gửi tiền về. Do vây, lo lắng du học sinh ở lại và không đoái hoài gì đến đất nước là không có cơ sở.
Thứ hai, việc chọn ở lại khi tốt nghiệp đơn giản chỉ là một bước trong chu trình thông thường. Ở hay về có lẽ là câu hỏi mà bất cứ du học sinh nào cũng phải đặt ra nhiều lần, nhất là khi học xong. Lựa chọn thường là ở lại.
Mục tiêu của hầu hết mọi người khi đi làm thường chỉ là có mức thu nhập ổn định đảm bảo cho cuộc sống và cơ hội thăng tiến hay được xã hội công nhận. Khi mới học xong, áp lực cơm áo, gạo tiền thường rất lớn nên ưu tiên thường là có việc làm ngay với thu nhập ổn định.
Hơn thế, du học sinh thường có nhiều thông tin về các cơ hội việc làm ở nước sở tại nhiều hơn là cơ hội ở Việt Nam. Do vậy, việc nhiều người ở lại là có thể giải thích.
Thứ ba, đây là cơ hội để các du học sinh trau dồi kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Kinh nghiệm làm việc trong môi trường hiện đại đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao là hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam mọi thứ đang còn rất sơ khai.
Thứ tư, việc ở lại khi mới học xong sẽ tránh được khả năng bị nhiễm cái xấu của hệ thống hiện tại. Áp lực có việc làm và tồn tại khi quay về ngay có thể làm cho một số du học sinh bị đặt trong tình trạng không có lựa chọn nào khác.
Hậu quả là có thể một số người sẽ phải phải “uốn mình” và chấp nhận những quy tắc bất thành văn hay bị “đồng hóa” bởi hệ thống hiện tại. Đây là điều rất đáng sợ cho tương lai của Việt Nam.
Khi đã có vị trí ổn định ở bên ngoài, việc trở về hay những đóng góp cho đất nước của du học sinh sẽ ở thế ngẩng cao đầu. Lúc đó, tác dụng và ảnh hưởng có khả năng sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc trở về ngay.
Thứ năm, việc du học sinh chưa trở về nhiều chỉ ra những trục trặc nghiêm trọng của hệ thống trong nước hiện nay. Tính dung hợp hay dung nạp của thể chế để các cá nhân có thể khẳng định mình là chưa nhiều, trong khi tính loại trừ là rất cao. Do vậy, nhiều du học sinh chưa thấy “đất dụng võ” nên chưa về.
Nhìn vào động thái và cách hành xử của phần lớn du học sinh có thể hình dung được tương lai của Việt Nam. Nếu nhiều người trở về hay có cơ hội đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam thì cơ hội sánh vai với các cường quốc năm châu sẽ lớn. Ngược lại, nếu nhiều người phải chọn cách thức gửi tiền về thì Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quán quân kiều hối, nhưng luôn lẹt đẹt ở phía sau.
Việc về hay ở của du học sinh phụ thuộc vào môi trường thể chế. Nếu có sự cải cách triệt để để tạo ra thể chế dung nạp thì tương lai của Việt Nam sẽ xán lạn. Ngược lại, nếu tính loại trừ hay bóc lột của hệ thống hiện tại tiếp tục được dung dưỡng thì tương lai của đất nước sẽ rất u ám.
Tóm lại, việc ở hay về của du học sinh không phải là vấn đề cần quan tâm quá mức. Trọng tâm lúc này nên là tạo dựng môi trường để hầu hết mọi người đều có thể tìm được đất dụng võ mà chúng có lợi cho sự phát triển của Việt Nam. Đây là nhiệm vụ của cả xã hội, nhưng Nhà nước phải là người lĩnh ấn tiên phong.
Huỳnh Thế Du
Giám đốc chương trình Thạc sĩ Chính sách công – Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
Bài đăng trên Facebook của tác giả