Hoàng Khánh Hòa
Đi chợ ở Mỹ, nhiều khi tôi tự hỏi “Sao trứng ở đây rẻ thế!”. Một tá trứng cỡ vừa mua ở Walmart giá chỉ khoảng 1.5$, chỗ nào sale thì có khi còn dưới 1$ – tức là khoảng 20,000 đồng cho 12 quả trứng, mỗi quả trứng chưa tới 2 nghìn đồng, còn rẻ hơn cả giá ở Việt Nam. Thịt gà thịt lợn cũng rẻ, thịt bò thì có thể là tương đương.
Sữa tươi thì khỏi phải nói – có khi nói đùa với nhau “sửa rẻ hơn nước lọc”. Vì một chai nước lọc nửa lít bán lẻ cũng 1$ mà 1 gallon sữa (gần 4 lít) giá chỉ có 3-3.5$.
Tất nhiên, tiền nào của nấy. Chúng ta chẳng hay so sánh “gà công nghiệp” với “gà quê” – gà bán đại trà ở Mỹ là gà công nghiệp nên ăn chẳng vị gì nhưng nhiều khi an ủi giá rẻ thì cũng tốt cho túi tiền của mình. Tôi chỉ không biết là họ nuôi thế nào mà lại sản xuất được nhiều và rẻ thế.
Càng tìm hiểu thì càng tự hỏi mình “Không biết thực phẩm ở Mỹ bẩn hơn hay ở Việt Nam bẩn hơn”.
Các thông tin này tôi lấy ra từ cuốn sách “CAFO- The tragedy of industrial farming” (Tạm dịch: CAFO – Bi kịch của chăn nuôi công nghiệp). CAFO là tên viết tắt của Concentrated animal feeding operation.
Cuốn sách này đề cập tới một thực tế trần trụi về ngành chăn nuôi của Mỹ với những thông tin và con số thật kinh khủng. Kinh khủng hơn cả một cơn ác mộng.
Tôi tạm chia sẻ vài điều chính trích ra từ cuốn sách.
Nước Mỹ mỗi năm chăn nuôi và giết thịt khoảng 10 tỉ gia cầm gia súc (gà, bò, lợn). Người Mỹ hiện nay có mức tiêu dụng thịt trên đầu người cao nhất thế giới – và mức tiêu thụ này vượt quá nhu cầu cần thiết của cơ thể con người, đã và đang gây ra nhiều chứng bệnh nhất là ung thư (colon cancer là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất).
Gia súc gia cầm chủ yếu được nuôi trong các đại trang trại gọi là CAFO. Một trang trại như vậy có sức chứa tương đương: 1,000 gia súc, hoặc 2,500 con lợn trên 55 pound, 10,000 con lợn trên 55 pound, 55,000 con gà tây, 125,000 con gà, 82,000 con gà mái đẻ trứng.
Các trang trại này thường nằm ở những nơi hẻo lánh, xa khu dân cư và rất hạn chế cho người ngoài vào xem.
Bò
Trang trại bò dùng cả một khu đất rộng và không có mái che. Ngô là thức ăn chính. Do dạ dày bò sinh ra vốn ăn cỏ chứ không phải để ăn ngũ cốc nên chúng thường bị ợ hơi, nhiều khi đến tắc thở và chết. Bò ăn thức ăn toàn ngô cũng hay bị bệnh nên thức ăn thường được trộn với thuốc kháng sinh và một số phụ gia như: hóc-môn tăng trưởng rBGH, phụ gia làm từ lông gà (từ tiếng Anh là “hydrolyzed poultry feather”!!!), phụ phẩm từ các lò mổ gia súc (trong đó có thể dính dáng đến bò – từ là bò ăn sản phẩm của chính nó – cách làm này là một trong những nguyên nhân nghi ngờ gây ra hiện tượng bò điên (mad cow disease) và hiện nay đã bị USDA hạn chế như chưa cấm hoàn toàn), cá, phân gà hoặc phân lợn (!!!).
Đấy là chưa nói tới điều kiện bẩn thỉu mà các chú bò này phải chịu đựng – cả đời chúng không bao giờ nhìn thấy cỏ và chỉ toàn là một thứ bùn lẫn phân nhầy nhầy. Bảo sao thịt không bị nhiễm khuẩn. E.coli cũng từ đây mà ra.
Chú nào sinh ra làm kiếp bò sữa thì còn khổ hơn. Bò sinh con xong chỉ được ở với bò con vài tuần, sau đó bị tách ra, giam một chỗ và vắt sữa đến kiệt quệ. Sau 4-5 năm (cho bò thụ tinh nhân tạo để mang thai) bò hết khả năng cho sữa thì sẽ bị đem giết thịt, làm món thịt xay cho hamburger. Do bị giam một chỗ cộng với tình trạng vắt sữa kiệt quệ nên bò hay bị hỏng cơ và xương (do thiếu canxi), viêm tuyến vú.
Gà
Ở Mỹ mỗi năm tiêu thụ khoảng 9 tỉ con gà. Mỗi một chuồng nuôi gà chứa khoảng 20 nghìn đến 30 nghìn con gà một lúc. Gà sẽ lớn lên lúc nhúc trong các chuồng nuôi này từ lúc là chú gà con đến lúc giết thịt mất chỉ khoảng 7 tuần. Giống gà này tăng cân nhanh một cách kinh khủng: trong vòng 7 tuần lên từ gần như số 0 đến 8.8 pound. Phân gà không được dọn trong suốt mấy tuần đó nên đóng bánh trên nền. Và như nói ở trên thứ “bánh” này lại được dùng làm thức ăn cho bò, hoặc cho nước xối thẳng ra ngoài sau vài lứa gà.
Khoảng 70% trong số gà nuôi ở Mỹ (con số năm 2006) ăn thức ăn có chứa arsenic (là chất gây ung thư). Các trang trại cho arsenic vào thức ăn của gà để giúp chúng mau lớn cũng như chống lại parasite.
Giống như bò sữa thì kiếp gà mái đẻ cũng không khá hơn là bao. Các chú gà mái bị nhốt trong các chuồng sắt nhỏ, nhỏ đến mức chúng còn không có không gian để vỗ cánh. Điều này khiến gà bị stress và quay ra cắn xé nhau. Các chuyên gia chăn nuôi đành nghĩ ra cách là cắt mỏ gà từ khi chúng còn nhỏ, để lớn lên chúng có cắn nhau thì cũng không gây thương tích nặng (còn gà mất lông, trụi lông là chuyện thường). Do điều kiện chuồng trại chật chội và bẩn thỉu nên trứng gà rất dễ nhiễm khuẩn Salmonella. Và tương tự như bò sữa, do phải đẻ trứng liên tục nên gà mái đẻ thường hay bị bệnh liên quan tới thiếu canxi. Các chú gà sau 1-3 năm không đẻ trứng được nữa và thịt cũng không dùng để bán trên thị trường được nữa thì sẽ bị đưa vào lò mổ xịt arsenic chết hàng loạt và đem chôn.
Lợn
Một chuồng nuôi lợn chứa khoảng 1 nghìn đến 2 nghìn chú lợn một lúc. Phân lợn hàng ngày được thải thẳng ra hồ chứa xây ngay bên cạnh và các trang trại này không phải trả một đồng nào xử lý chất thải. Các hồ chứa này gây ô nhiễm không khí và nước ngầm vùng xung quanh rất nặng nề.
Cứ khoảng 20 chú lợn nhốt vào một cái cũi sắt to cỡ một chiếc giường ngủ. Không bùn, không cỏ…và sống trong một khoảng thời gian ngắn khoảng 6-7 tháng thì sẽ đem giết thịt.
Lợn nái cũng không khá hơn. Sinh con xong chúng bị buộc phải nằm nguyên trong một cái cũi sắt để tránh di chuyển nằm đè lên lợn con?? Và sau vài tuần thì sẽ bị tách ra để lợn con ăn thức ăn chứa hóc-môn cho mau lớn.
CAFO trên thực tế chỉ đem lại lợi ích cho một số nhỏ các đại công ty thực phẩm như Tyson hay Cargill, trong khi gây tổn hại nặng nề cho môi trường, sức khỏe con người và xóa sổ nhiều trang trại nhỏ do quá cạnh tranh về giá và nắm gần hết thị trường phân phối. Cộng với cách đối xử vô nhân đạo với động vật như vậy, CAFO đã bị phản đối dữ dội ở Mỹ những năm gần đây. Người tiêu dùng Mỹ ngày càng hiểu hơn về mặt trái của quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp và quay ra lựa chọn các sản phẩm hữu cơ hoặc mua trực tiếp từ nông dân trong vùng.
Người ta nói “Out of sight, out of mind” cũng đúng. Không biết thì cứ ăn. Còn biết rồi thì chắc ai cũng phải suy nghĩ lại xem mình có nên ăn nữa hay không. Giờ tôi mới thực sự hiểu ý nghĩa sâu sắc của việc an chay mà nhà Phật vẫn hay nói. Nếu như không xem những hình ảnh này thì có lẽ tôi vẫn cứ nghĩ mình đang giúp rất nhiều người nông dân có việc làm, có thu nhập thông qua việc đi chợ mua thịt cá hàng ngày.
One thought on “Thịt/sữa ơi từ đâu ra – Bi kịch của chăn nuôi công nghiệp”
Comments are closed.