Dù là xét tuyển nhưng quy trình tuyển sinh của các trường ĐH Mỹ được coi là cuộc so tài đầy căng thẳng, đặc biệt là khi ngày càng nhiều học sinh nộp đơn vào những ĐH danh tiếng
Học viên cao học ĐH Harvard chia sẻ kinh nghiệm vào ĐH hàng đầu này
Công nghệ giúp tăng lượng hồ sơ
Ban tuyển sinh của các trường phải làm việc vất vả hơn và công nghệ đã giúp họ tiếp cận các sinh viên tương lai cũng như có được con số mong muốn. Không chỉ tiếp cận học sinh trong nước, việc tiếp cận học sinh quốc tế cũng được tăng cường.
Con số đăng ký càng cao, cuộc so tài giữa các ứng viên càng căng thẳng. Ví dụ, trong kỳ tuyển sinh năm 2011, ĐH Stanford chỉ nhận 2.427 sinh viên trong tổng số 34.350 thí sinh trên toàn thế giới, tỉ lệ chấp nhận thấp kỷ lục 7,1%. Trong bảng xếp hạng các ĐH năm 2013 của Tạp chí U.S. News & World Report cũng cho thấy các trường ĐH hàng đầu có tỉ lệ chấp nhận rất thấp: Harvard chỉ 6,3%; Princeton 8,5%; Yale 7,7%, Columbia 7%; Chicago 16,3%…
Bài luận phải sắc sảo
Trong số học sinh ít ỏi được chấp nhận vào ĐH Stanford năm 2011 có Phạm Hy Hiếu, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM). Hiếu đạt được học bổng cả 4 năm học tại đây. Không những thế, Hiếu còn được 4 ĐH hàng đầu khác của Mỹ chấp nhận vào học. Yếu tố “ghi điểm” của Hiếu chính là bài luận. Hiếu đã đạt điểm cao nhất của bài luận với cách viết luận đưa ví dụ điển hình liên quan đến mình để phân tích một vấn đề. Ngoài ra, cách viết dí dỏm và như kể chuyện khiến bài luận rất thu hút.
Trong hồ sơ tuyển sinh, ngoài điểm thi SAT…, các trường ĐH Mỹ còn yêu cầu thí sinh viết 1-2 bài luận về một chủ đề cho trước. Các chủ đề thường rất đa dạng nhưng chủ yếu qua bài luận, các trường muốn đánh giá mức độ sâu sắc trong cách suy nghĩ, trong nhận thức cũng như những quan niệm sống của thí sinh. Điều quan trọng là các trường muốn nghe thí sinh kể câu chuyện của chính mình, trải nghiệm của chính mình.
Để làm tốt bài luận, ngoài việc tham khảo các thông tin trên mạng để tìm bí quyết, thí sinh phải trang bị năng lực thực sự cho mình, trau dồi nền tảng giá trị văn hóa, học hỏi nhiều điều từ cuộc sống, học cách nhìn nhận, đánh giá con người và cảm nhận cuộc sống.