Với các bạn trẻ, việc vun đắp hoài bão học tập ở nước ngoài hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, mức học phí cùng sinh hoạt phí đắt đỏ của các nước phát triển khiến đa số các gia đình không thể hỗ trợ con em mình đạt được ước mơ đó. Học bổng chính là con đường giúp các bạn đến với các trường Đại học nước ngoài. Với kinh nghiệm của người đi trước, tôi xin mạn phép chia sẻ một số kinh nghiệm xin học bổng.
Điều đầu tiên bạn cần làm là chuẩn bị tốt ngoại ngữ để tham dự các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế, điều không thể thiếu trong hồ sơ xin học bổng. Giai đoạn chuẩn bị ngoại ngữ tùy thuộc vào khả năng và nền tảng vốn có của bạn. Tuy nhiên, bạn nên chuẩn bị trước từ 1 đến 2 năm. Khi xin học bổng, bộ hồ sơ vô cùng quan trọng vì Hội đồng xét tuyển chỉ biết bạn qua hồ sơ. Hãy cố gắng xây dựng một bộ hồ sơ thật sự ấn tượng và khác biệt. Ấn tượng về hồ sơ thể hiện ở kết quả học tập, điểm thi, thư giới thiệu, đề cương nghiên cứu, định hướng nghiên cứu, CV,…Những điều này tôi sẽ trình bày rõ hơn trong các bước phải thực hiện.
Việc xin học bổng thông thường trải qua những bước sau:
Bước 1: Tìm kiếm học bổng
Cơ hội học bổng nhiều hơn bao giờ hết với sự giúp đỡ của google và các mạng xã hội. Tuy nhiên, thông tin nhiều và nhiễu sẽ khiến bạn tbối rối và mất định hướng. Khi săn học bổng, bạn nên xác định khả năng thành công của mỗi học bổng để khoanh vùng, tránh lãng phí tiền bạc và thời gian. Việc kết nốt vào mạng lưới các diễn đàn giáo dục sẽ giúp bạn có thêm thông tin và làm quen với các du học sinh để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm việc xin học bổng bạn đang muốn có được.
Hiện nay, các nguồn học bổng du học Mỹ phổ biến gồm:
– Học bổng của chính trường Đại học nơi bạn nộp hồ sơ: Khi vào website của trường Đại học bạn yêu thích, hãy ghé thăm mục Perspective students để tìm kiếm các cơ hội học bổng. Mỗi trường có chương trình học bổng khác nhau.
– Học bổng Chính phủ Việt Nam:
+ Học bổng từ Cục Đào tạo với nước ngoài (http://vied.vn/vn/default.aspx) với một số đề án như 911 và các chương trình hợp tác song phương.
+ Học bổng từ đề án 165 dành cho công chức (http://www.vp165.vn/cac-chuong-trinh-dao-tao-boi-duong.html).
– Học bổng từ các chương trình học bổng như
+ Fulbright (http://vietnam.usembassy.gov/fulbright.html);
+ VEF (https://home.vef.gov/index_vn.php);
+ Học bổng Quỹ Ford (http://www.fordifp.org);
+ East West Center Fellowship (http://www.eastwestcenter.org)
+ Wesleyan Freeman Asian Scholars Program (http://www.admiss.wesleyan.edu)
+ Alfred Friendly Press Fellowships (http://www.pressfellowships.org)
+ Học bổng Harvard-Yenching dành cho một số đối tác tại Việt Nam (http://www.harvard-yenching.org/fellowship)
Bước 2: Đọc kỹ hướng dẫn yêu cầu về hồ sơ và liên lạc với bộ phận nhận hồ sơ nếu bạn còn thắc mắc gì chưa hiểu.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ
Bạn nên chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như:
– Bảng điểm (Transcripts).
– Điểm thi Toeft, SAT (đối với Đại học), GMAT (MBA), GRE (Tiến sỹ).
– Chứng minh khả năng tài chính (Financial Statement).
– Form xin học bổng (Nếu chưa xin được học bổng)
– Giấy tờ chứng nhận được nhận học bổng (Nếu được cấp học bổng từ bên thứ 3)
– Bài viết (Essays) hoặc thư trình bày kế hoạch học tập (SOP).
– Thư giới thiệu (Letters of Recommendation)
– Một số giấy tờ chứng minh tài chính bổ sung nếu không xin hết được 100% học bổng và những giấy tờ liên quan khác (Proof of Eligibility)
– Chuẩn bị một số câu hỏi và câu trả lời cho buổi phỏng vẫn trực tuyến. Hiện nay, nhiều trường có thường thực hiện phỏng vấn sinh viên để đưa ra quyết định tuyển sinh và cấp học bổng.
Bước 4: Hoàn thiện hồ sơ
Bạn đừng quên liên lạc với những người bạn đã xin thư giới thiệu để xác nhận họ đã gửi thư tới Hội đồng xét tuyển dùm bạn chưa. Các trường đều có hệ thống nộp hồ sơ điện tử và nhiều trường yêu cầu người viết thư giới thiệu thường phải tự gửi thư tới hệ thống này của họ. Trong thư giới thiệu, bạn nên gợi ý người viết đề cập đến trình độ, khả năng của bạn, mức độ họ đánh giá về bản, mức độ hài lòng của họ đối với bạn, các tài năng khác ngoài chuyên môn mà người viết thư phát hiện ở bạn, những đóng góp của bạn vào tổ chức của người đó cũng như các công việc khác mà họ biết về bạn liên quan tới hoạt động phục vụ cộng đồng. Trong một số trường hợp, nhà trường sử dụng mẫu thư giới thiệu riêng và người viết thư giới thiệu cần bám sát các gợi ý trong đó.
Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, bạn nên phân loại và xây dựng một bảng liệt kê các hạng mục công việc (check list) để dễ đối chiếu so sánh và kiểm tra tiến độ hoàn thành hồ sơ.
Bước 5: Kiểm tra kỹ hồ sơ lần cuối
Phần này nhiều bạn chủ quan để những lỗi nhỏ làm ảnh hưởng tới hồ sơ. Có hồ sơ rất đẹp nhưng lại quên không ký hay ghi ngày tháng. Có những hồ sơ bị mắc những lỗi ngữ pháp nhỏ không đáng có. Do vậy, việc kiểm tra hồ sơ là cần thiết. Nếu được, bạn hãy nhờ người có chuyên môn kiểm tra giúp bạn về mặt ngôn ngữ. Hồ sơ bạn càng cẩn thận bao nhiêu chắc chắn Hội đồng tuyển sinh sẽ đánh giá cao về bạn bấy nhiêu.
Bước 6: Scan, photo và lưu lại toàn bộ hồ sơ
Điều này giúp bạn không mất thời thời gian cho việc khai hồ sơ cho các học bổng khác và giúp bạn có được cơ sở dữ liệu về mình phục vụ mục đích tương lai
Bước 7: Gửi hồ sơ và viết lại tên truy cập và mật khẩu để có thể kiểm tra tình trạng hồ sơ
Bước 8: Tiếp tục tìm kiếm các học bổng
Hãy tìm kiếm các học bổng khác trong phạm vi bạn đã khoanh vùng để tiếp tục nộp hồ sơ nhằm tận dụng những dữ liệu bạn đã xây dựng.
Cuối cùng, hãy tự tin và đừng sợ thất bại, hãy cố gắng hết khả năng và chờ đợi tin vui. Try your best and God will do the rest.
Nguyễn Việt Khôi
Columbia Business School
Columbia University, New York
Ngày 8 tháng 5 năm 2013
(Anh Nguyễn Việt Khôi hiện tham gia chương trình nghiên cứu sau Tiến sỹ tại Trường Kinh doanh – Đại học Columbia, New York. Tại Việt Nam, anh giảng dạy ở Trường Đại học Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội. Anh từng nắm trong tay nhiều giải thưởng và học bổng đáng ngưỡng mộ như học bổng UNDP tại Singapore năm 2002, học bổng Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Á – Âu (AEYLS) tại Hà Lan năm 2004, học bổng Quỹ ABS tại Hoa Kỳ năm 2006, học bổng Đề án 322 tại Hoa Kỳ năm 2007, học bổng Quỹ FET (Foundation for Economics Teaching) tại Hoa Kỳ năm 2008, học bổng Fulbright 2012 và giải thưởng OLF của IIE năm 2013.)