Khi là một miếng vải lụa mềm mại quanh cổ tay, hay lúc là một dải lông thú sang trọng quấn ngang bờ vai, khăn quàng, thật vậy, đã từ lâu không chỉ đơn thuần là một công cụ giữ ấm cho những ngày giá lạnh, mà đã trở thành một món đồ trang sức không kém phần quyến rũ cho bất cứ một tủ quần áo nào…
Đàn Ông Đã Sinh Ra Khăn Quàng…
Điều thú vị mà ít ai biết tới đó là khăn quàng đã bắt nguồn từ phái mạnh mà không phải là phái đẹp! Khỏang năm thứ 10 sau công nguyên, khăn quàng vải được sử dụng rộng rãi bởi nam giới thuộc triều La Mã Cổ Đại với mục đính ban đầu là để lau mặt, lau mồ hôi. Sau đó, khăn quàng được sử dụng như một phần của thời trang nam giới, thường được quấn quanh eo như dây thắt lưng, vắt qua vai, họăc quanh cổ. Khăn quàng còn được sử dụng trong lịch sử Trung Quốc cổ và sau này, vào thế kỷ 17 trong lịch sử Croatia, như một công cụ dùng để phân biệt đẳng cấp của lính tướng trong quân đội. Lính cấp thấp sẽ đeo khăn quàng làm bằng cô-tông, trong khi tướng cấp cao sẽ đeo khăn quàng làm bằng vải lụa đắt tiền.
Đến thế kỷ 18, khăn quàng du nhập từ Croatia vào Pháp, được gọi là “cravat” do bắt nguồn từ tiếng Croatia “kravata.” Từ đó, khăn quàng được sử dụng rộng rãi ở Pháp, và màu khăn quàng còn được dùng như một công cụ để phân biệt giữa các đảng chính trị với nhau. Đến thế kỷ 19 thì khăn quàng đã trở thành một phần tất yếu không thể thiếu trong tủ áo của các đấng mày râu ở Châu Âu; tên khăn quàng lúc ấy được gọi là “cache nez” có nghĩa là “nơi để dấu mũi”; lúc đầu chúng được làm bằng chất liệu vải mỏng nhẹ, sau đó dần dần phát triển thành khăn quàng len giữ ấm như hiện nay.
…Và Phụ Nữ Đã Tái Sinh Chúng
Chính thế, khăn quàng đã được nâng lên một cung bậc hòan tòan mới mẻ khi nó được phái đẹp tiếp nhận và biến hóa chúng thành bản tuyên ngôn thời trang của riêng họ. Không chỉ đơn thuần là một vật giữ ấm hay bó buộc ở quanh cổ, khăn quàng đã trở thành một thứ trang sức đa dạng hơn bao giờ hết! Vòng đeo tay, dây thắt lưng, váy đi biển, khăn quấn vai, băng buộc tóc, v…v… đều là những biến thể duyên dáng của khăn quàng được phái đẹp sáng tạo cho riêng mình.Đã có giai đọan khăn quàng bị rơi vào quên lãng, nhưng vào thế kỷ 20, khăn quàng đã được thổi thêm sức sống nhờ những sắc đẹp khả ái, mà điển hình là Audrey Hepburn. Từ sau bộ phim “Sabrina” cô thủ vai chính ra mắt vào năm 1954, thì kiểu khăn quàng kẻ sọc, thắt nơ ngắn quanh cổ trở thành một hiện tượng thời trang nóng hổi thời bấy giờ. Tiếp đó là kiểu khăn quàng đầu cô sử dụng trong phim “Khăn Qùang Tím” (Purple Scarf) lại tiếp tục làm dấy lên làn sóng đeo khăn quàng ở phụ nữ.
Lụa
Tính đến thời điểm hiện tại, chất liệu lụa, sau đó đến lông cừu, pashmina, và cashmere là những lọai thông dụng nhất dùng trong ngành sản xuất khăn quàng này.
Có nhiều lý do khiến lụa trở thành chất liệu được ưa thích nhất để làm khăn quàng. Lý do chính là vì chất liệu này luôn là biểu tượng của sự sang trọng và quý phái. Lý do kế đến là vì lụa luôn tạo cảm giác dễ chịu và thoải mái do tính mềm mại, dễ thở của sợi tơ. Không chỉ có vậy, lụa còn là một chất liệu cách điện tự nhiên, giữ cho da không bị ẩm ướt khi quàng khăn.
Khăn Quàng và Thương Hiệu
Vì tất cả những lý do đó, không có gì khó hiểu khi tất cả những hãng thời trang tên tuổi đều chọn lụa làm nền cho những sáng tạo khăn quàng mang đậm tính độc đáo của riêng hãng họ, để khi nhìn vào, người ta có thể ngay lập tức biết được nguồn gốc và giá trị của khăn quàng cũng như ngầm đánh giá địa vị xã hội hay tính cách của người mang chúng.
Hãng thời trang nổi tiếng nhất về thiết kế khăn quàng được biết đến hiện nay là Hermès. Tất cả khăn quàng của Hermès đều theo đúng kích cỡ 90cm x 90cm, được in bằng khung tay trên lụa, và tất cả đường viền đều được thêu tay. Cảm hứng thiết kế cho khăn quàng Hermès lấy từ đủ mọi nền văn hóa, từ Châu Âu (cuộc cách mạng Pháp hay văn hóa ẩm thực Pháp), đến Hoa Kỳ (các lọai hoa cỏ lạ vùng Texas), hay Châu Á (chi tiết hoa văn trên váy của dân tộc thiểu số Miao ở Trung Quốc). Chính vì thế, phía sau mỗi mẫu in của khăn quàng Hermès luôn là một câu chuyện giàu tính nhân văn về thiên nhiên hoặc con người. Cứ mỗi năm sẽ có 2 bộ sưu tập khăn quàng mới được Hermès sản xuất, đi kèm với những mẫu khăn in lại trước đó do tính phổ biến của chúng với số lượng hạn chế (limited edition).
Sự phổ biến của khăn quàng Hermès được gắn liền với những tên tuổi như nữ hòang Elizabeth II, Grace Kelly, Marilyn Monroe, hay Audrey Hepburn. Gần đây hơn nữa thì có Sharon Stone, Sarah Jessica Parker, Hillary Clinton, Mariah Carey, Elle McPherson, Madonna, Oprah Winfrey, tất cả đều là những tín đồ trung thành của khăn quàng của Hermès. Để cụ thể hóa sự cuồng nhiệt của những người yêu thời trang đối với khăn quàng Hermès, cứ vào mùa Gíang Sinh- Năm Mới, trung bình mỗi 20 giây sẽ có một khăn quàng Hermès được bán ra ở các cửa hàng tại Paris.
Tiếp sau cây đại thụ trong ngành sản xuất khăn quàng Hermès là Fendi, đến từ một trung tâm thời trang khác của thế giới, Ý. Kế đó là những nhà thời trang tên tuổi khác như Gucci, Valentino, Mila, Versace, Dolce & Gabbana, Christian Lacroix, Emporio Armani, Roberto Cavalli, Giorgio Armani, v…v…
Trong những năm gần đây, khăn quàng đang quay trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Một trong những lý do chính đó là do sự ảnh hưởng của suy thóai kinh tế. Lý do là vì khăn quàng rất đa dạng, có thể dùng cho nhiều mục đích biến hóa khác nhau, không gây nhàm chán, mà giá cả thì lại vừa phải với túi tiền so với những mặt hàng thời trang khác. Hơn nữa, một chiếc khăn quàng khi được dùng đúng chỗ, đúng cách, lại có khả năng khiến người mang chúng trở nên nổi bật hơn cả khi đeo những lọai trang sức đắt tiền.
6 Lọai Khăn Quàng Dành Tặng Vợ
Đương nhiên khăn quàng lụa đứng đầu tiên trong danh sách 6 lọai khăn quàng mà các quý ông nên dành tặng vợ của mình. Kế đó là lọai khăn quàng kỷ niệm, có in hình một thành phố, bản đồ, hoặc một công trình nào đó, chẳng hạn như nơi 2 người đã lần đầu hẹn hò hay có khỏang khắc khó quên gắn liền với nó. Lọai thứ 3 là khăn quàng đầu. Tuy có nguồn gốc tôn giáo, nhưng ngày nay khăn quàng đầu đã trở thành một thứ trang sức quyến rũ, với các kiểu thắt nút khác nhau, có khả năng làm tôn lên vẻ đẹp của mái tóc, hoặc thậm chí đôi giày xinh xắn cùng tông của quý bà. Tiếp đó là khăn quàng dài kiểu Ấn Độ. Khăn quàng lọai này thường dài hơn các lọai khăn quàng khác, được quấn quanh cổ, và đuôi khăn quàng được vắt qua vai, phấp phới bay phía sau lưng, hay thong thả đong đưa theo từng bước đi phía trước của phái đẹp. Lọai thứ 5 là khăn quàng đi biển, thường to bản hơn khăn quàng bình thường, và được dùng để quấn quanh hông như một chiếc váy thướt tha, làm tăng thêm vẻ kiều diễm của những đường cong gợi cảm nơi cát trắng, biển xanh. Và lọai cuối cùng là khăn quàng thêu tay với những hoa văn độc đáo. Lọai khăn quàng này thì không để mang đeo trên người, mà được các người đẹp treo lên tường như một bức tranh độc đáo, khiến cho họ mỉm cười khi thấy nó và nhớ về người chồng đáng yêu của mình.
Từ một công cụ lau mồ hôi, cho đến vật giữ ấm, và bây giờ là một món trang sức không thể thiếu của phụ nữ, khăn quàng đã và sẽ còn tiếp tục là một bản tuyên ngôn đầy cá tính cho những người mang chúng. Và cuộc tiến hóa này có lẽ vẫn chưa đến hồi kết thúc.
Thanh Minh
PhD, chuyên ngành về ung thư, Albert Einstein College of Medicine, Bronx, NY