“Tôi đã tạo ra những người phụ nữ nở hoa”, nhà thiết kế Christian Dior đã phát biểu như thế về dòng thời trang “The New Look” – “Cái Nhìn Mới” của mình vào năm 1947. Ông mở đầu cuộc cách mạng thời trang sau khi Đại Thế Chiến thứ II kết thúc, góp phần tạo ra một xu hướng đậm chất nữ tính của thập niên 50.
Khi chiến tranh thế giới lần II đang hoành hành, thời trang là một thứ xa xỉ, phụ nữ trầm mình trong các nhà máy thay thế cho đàn ông ở chiến trường. Vì thế, quần áo được thiết kế rất đơn giản và thuận tiện cho công việc. Khái niệm làm đẹp bị lu mờ.
Hòa bình lập lại mang đến tâm lý vui vẻ, các bà vợ trở lại công việc nội trợ khi các ông chồng từ mặt trận trở về. Phụ nữ có thời gian chăm sóc sắc đẹp và chú ý nhiều đến thời trang. Đó chính là tiền đề cho sự nở rộ của thời trang thập niên 50: đậm chất nữ tính, vô cùng lịch lãm và đầy màu sắc tươi vui. Đây là giai đoạn khởi đầu của nhiều hãng thời trang tên tuổi như Christian Dior, Coco Chanel, cũng là giai đọan bùng nổ của truyền hình, gắn liền với những biểu tượng thời trang bất hủ như Marilyn Monroe, Grace Kelly, Audrey Hepburn, Gregory Peck hay Elvis Presley. Chính những điều này đã góp phần làm xu hướng thời trang những năm 50 có sức ảnh hưởng mạnh mẽ.
…THỜI TRANG ĐÃ TÁI SINH NHƯ THẾ BỞI DIOR VÀ CHANEL
Thời trang giai đọan này tôn vinh chất nữ tính bằng những chiếc váy đầm bung xòe dài, ngang hoặc vừa qua gối, phần ngực ôm sát và đường eo xiết nhỏ, làm nổi bật đường cong theo dáng đồng hồ cát (hourglass silhouette) của phụ nữ. Theo nhà tạo mẫu Christian Dior, “Chỉ cần tự nhiên và sự chân thành, con người ta có thể tạo ra những cuộc cách mạng mà không cần phải tìm kiếm nó”. Thật vậy, thiết kế “Cái Nhìn Mới” của nhà tạo mẫu này đã có ảnh hưởng lâu dài đến thời trang hơn mười năm sau đó. Nối tiếp là dòng thời trang “Công Chúa” (The Princess Line) của ông bắt đầu vào năm 1953 và cũng nhanh chóng được ưa thích với kiểu váy chữ A càng lúc càng phổ biến.
Một đối thủ nặng ký của thiết kế váy bung xòe “Cái Nhìn Mới” là loại váy bó sát hông, suôn dài từ eo đến giữa bắp chân, do Coco Chanel thiết kế năm 1954. Chanel sử dụng len và cô-tông làm chất liệu chính, với áo khoác không cổ để tạo điểm nhấn. Thiết kế này tạo ra một cái nhìn kín đáo và tinh tế cho người phụ nữ, đúng như quan điểm của bà: “Một người đàn bà bao gồm 2 điểm chính: cổ điển và thu hút”. Mẫu thiết kế này cũng đã nhanh chóng trở thành một trào lưu đặc trưng của những năm 50.
Những phụ kiện thường thấy trong giai đọan 50 là giày cao gót, găng tay, túi xách tay, áo khóac rộng lưng. Màu son đỏ là tông chủ đạo và tóc kiểu tổ ong búi cao họăc tóc xoăn xếp nếp là điều không thể thiếu để tạo ra một hình ảnh chỉn chu của phụ nữ thập niên này.
Chất liệu vải giai đọan này có màu sắc tươi sáng, rực rỡ và in hoa nhiều màu, đa dạng hơn trước. Chất liệu đắt tiền như lụa, lông thú, giả lông thú được sử dụng phổ biến để thỏa mãn cảm giác xa hoa và quyến rũ của phụ nữ. “Những năm khai sinh của thế kỷ” là một trong những tên gọi được gán cho thập niên 50 vì ngành công nghiệp thời trang đã hòan tòan thay đổi từ đó.
RẤT 50, RẤT ĐÀN BÀ!
Coco Chanel từng khẳng định: “Thời trang sẽ phai tàn, phong cách thì không”. Đúng như thế, với phong cách rất riêng biệt của mình, thời trang thập niên 50 đã tạo ra một chỗ đứng vững chãi trong chiều dài lịch sử thời trang và liên tục là nguồn cảm hứng lặp đi lặp lại cho các nhà tạo mẫu qua nhiều thế hệ.
Đứng từ góc nhìn của các nhà thiết kế, thời trang giai đọan này tôn vinh vẻ đẹp nữ tính một cách tự nhiên và quyến rũ nhất. Có thể dễ nhận thấy các nhà thiết kế của Osca de la Renta, Christian Dior, Christian Lacroix, Coco Chanel… thường lấy những điểm cơ bản của thời trang thập niên 50 làm cảm hứng cho các bộ sưu tập của mình, từ điểm nhấn ở vòng eo và ngực bó sát. Bên cạnh đó, sự đa dạng về màu sắc và chất liệu của giai đoạn này mở ra nhiều không gian cho sự sáng tạo. Nhờ luôn được làm mới để phù hợp với nhịp sống thời đại nên khi tái xuất hiện, thời trang 50 không hề gây nhàm chán.
Từ góc nhìn phụ nữ, thời trang thập niên 50 cho họ cảm giác tự tin về đường cong của mình nhất. Nhà thiết kế Hubert de Givenchy từng nói: “Cái váy phải theo đường cong của cơ thể phụ nữ, chứ không phải người phụ nữ phải chạy theo dáng của cái váy đó”. Lọai váy chữ A họăc bung xòe của thập niên 50 đã làm được, thậm chí còn hơn như vậy. Thiết kế giúp tạo hiệu ứng eo nhỏ, hông đầy, ngực căng trong khi che bớt những khiếm khuyết ở phần bụng, nhất là đối với những phụ nữ đã qua sinh nở. Bên cạnh đó, tóc búi cao, găng tay lụa, chất liệu lông thú là những đặc trưng của thập niên 50 luôn đem lại cảm giác trầm mình trong sự sang trọng cho chủ nhân.
“Thời trang không phải là thứ chỉ tồn tại trên những chiếc váy. Thời trang có mặt trên bầu trời, trên mọi con đường; thời trang liên quan tới ý tưởng, tới phong cách sống, và chịu sự ảnh hưởng của điều gì đang diễn ra trong xã hội,” Coco Chanel đã tuyên bố như thế. Thật vậy, nhờ vào những tiến bộ về kỹ thuật về dây chuyền sản xuất hàng loạt được phát minh trong thời kỳ chiến tranh, cuộc nổi loạn đầy nữ tính ấy của thập niên 50 đã hoàn toàn thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp thời trang từ đó, đưa thời trang lên một đỉnh cao mới mà ở đó không chỉ cái đẹp mà cả ham muốn được thỏa mãn trong cái đẹp của con người cũng được tôn vinh.
Thanh Minh
PhD, chuyên ngành về ung thư, Albert Einstein College of Medicine, Bronx, NY