Trong bài viết này mình giới thiệu với các bạn về ý tưởng tổ chức các buổi seminar định kỳ cho sinh viên mà bọn mình đang thực hiện tại Mizzou (University of Missouri-Columbia).
Hiện tại ở Mizzou có khoảng 70 sinh viên Việt Nam đang theo học, đây là con số tương đối lớn so với “dân số” trung bình ở các trường đại học khác. Ngoài các ngành học phổ biến đối với đa số sinh viên Việt như engineering, MBA, biotechnology…còn có nhiều bạn học các ngành khác như journalism, public affairs, economics, literature etc. nên ngành học của các bạn sinh viên ở đây khá đa dạng. Các bạn du học sinh cũng đến Mizzou từ nhiều nguồn học bổng khác nhau trong đó đa số là học bổng VEF, học bổng của Bộ Giáo dục và assisstantship. Chính vì sự đa đạng này mà bọn mình có ý tưởng tổ chức các buổi seminar định kỳ (trung bình 2 tuần/lần) với mục đích là tạo cơ hội cho các bạn sinh viên và các giáo sư chia sẻ về ngành học, lĩnh vực nghiên cứu hoặc là những trải nghiệm mà họ đã có sau một quá trình học tập tại Mỹ.
Chương trình được đặt tên là “Vietnam’s Friends for Growth Serminar Series”, viết tắt là VFFG. Mong muốn lớn nhất của bọn mình là tạo một môi trường học thuật cho các bạn sinh viên được chia sẻ và trao đổi với nhau, hiểu hơn về các lĩnh vực học thuật khác nhau, mở rộng tầm nhìn cũng như tăng cường mối quan hệ với các bạn sinh viên quốc tế và giáo sư có cảm tình với Việt Nam. Trong thời gian đầu thì bọn mình hướng tới phục vụ các bạn sinh viên trong hội là chính nên tập trung mời các bạn sinh viên và các giáo sư đã có kinh nghiệm tham gia các dự án với Việt Nam làm speakers. Về nội dung thì bọn mình thống nhất là không đi sâu vào các vấn đề quá “technical”, chủ đề nghiên cứu sâu mà bài presentation nên có nội dung mang tính giới thiệu chung, chia sẻ kinh nghiệm, so sánh giữa Mỹ và Việt Nam vv…làm sao để các bạn không học ngành đó tới nghe vẫn hiểu được. Về thời gian các buổi seminar được tổ chức trong 1 tiếng, trong đó khoảng một nửa thời gian đầu dành cho bài presentation còn một nửa thời gian sau dành cho phần thảo luận. Để tiện cho việc theo dõi lịch seminar thì thời gian đầu bọn mình thống nhất tất cả các buổi sẽ diễn ra vào chiều thứ 2 từ 5:30 pm đến 6:30 pm.
Ý tưởng của bọn mình đã được các bạn sinh viên và giáo sư rất ủng hộ. Bọn mình đã mời giáo sư Jerry Nelson, một vị giáo sư đáng kính và rất yêu mến Việt Nam, làm cố vấn cho chương trình. Tại Mizzou, GS Nelson và GS Joseph Hobbs là hai người đã bỏ nhiều tâm sức nhất giúp phát triển hợp tác giữa Mizzou và bộ Giáo dục Việt Nam cũng như các trường đại học Việt Nam trong khoảng 5 năm vừa qua (chính nhờ nỗ lực của 2 giáo sư và các giáo sư khác trong trường mà số sinh viên Việt Nam theo học tại Mizzou đã tăng kỉ lục từ 6 sinh viên trong năm 2005 lên 64 sinh viên trong năm 2011). GS Nelson hiện nay đã nghỉ hưu (Emeritus professor) nhưng vẫn tham gia nghiên cứu và tham gia các chương trình hợp tác với Việt Nam, Bắc Hàn vv…GS Hobbs hiện là trưởng khoa Địa lý và là giám đốc của Vietnam Institute (http://vietnam.missouri.edu/).
Ngoài GS Nelson có 4 bạn sinh viên tham gia nhóm tổ chức seminar. Trong quá trình “vừa làm vừa học” này bọn mình cũng gặp một số khó khăn như tìm kiếm speakers, đa dạng hóa chủ đề, sắp xếp thời gian tổ chức cho hợp lý (tìm một khoảng thời gian “đẹp” là rất khó vì hầu như giờ nào các bạn cũng có lớp, tổ chức sau 5pm thì có một số bạn lại đã về nhà), quảng bá cho chương trình vv…Một trong những khó khăn lớn nhất của bọn mình là làm sao mời được các bạn sinh viên “nhà” đứng ra làm speaker. Như mọi người đều biết là người Việt mình khá “shy” (ngại) khi phát biểu trước đám đông. Trong một cộng đồng sinh viên tương đối lớn như vậy thì đó là áp lực đối với nhiều người. Vì thế bọn mình vừa phải dành thời gian thuyết phục để mời sinh viên và kết hợp mời các giáo sư tham gia.
Chương trình VFFG đã tổ chức được 9 buổi trong 2 kì, Fall 2012 và Spring 2013. Có nhiều bài presentation thú vị ví dụ như bài giới thiệu về thực phẩm biến đổi gen (Genetically modified organism –GMO) của anh Cường Nguyễn, PhD về Bioinformatics. GMO là một đề tài đang rất nóng hiện nay. Hay là bài chia sẻ kinh nghiệm đi bắt “giant insect” ở Việt Nam của GS Robert Sites trong chuyến đi thực hiện bộ phim phóng sự của đài BBC. Ngoài seminar bọn mình cũng kết hợp cả dạng thảo luận. Ví dụ như cuối kì Fall thì tổ chức một buổi thảo luận về chủ đề “Leadership & Community development” và mời 3 sinh viên có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động cộng đồng tới chia sẻ. Còn cuối kì Spring vừa rồi bọn mình tổ chức một buổi thảo luận đặc biệt chuyên về các vấn đề của bà mẹ và trẻ em dành cho các bà mẹ của Mizzou (vì dân số trẻ em ở Mizzou tăng lên nhanh chóng trong 2 năm qua nên đây là nhu cầu khá cấp thiết của hội các bà mẹ). Sau mỗi buổi seminar bọn mình đều có thư ký tổng hợp lại nội dung và đăng lên website của Vietnam Institute cùng với bài presentation (nếu speaker cho phép). Gần đây bọn mình cũng tạo một facebook riêng cho chương trình để thuận tiện hơn trong việc update.
Kinh nghiệm chung mà mình rút ra là khi tổ chức các chương trình như thế này là rất khó tránh khỏi nhiều ý kiến trái chiều. Một trong những cách mà bọn mình đã cố gắng áp dụng là giải thích cụ thể hơn để những người có thắc mắc hiểu rõ mục đích chương trình và tích cực tìm kiếm thêm các chủ đề mới phù hợp với nhu cầu của các bạn. Nếu bạn tổ chức seminar kiểu chuyên đề thì cần lưu ý đôi khi chúng rất “boring” vì nội dung bị hạn chế trong một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể nào đó, dẫn tới hạn chế số người tham dự. Do đó nếu là người tổ chức bạn cũng đừng đặt nặng vấn đề quân số và cảm thấy “discouraged”. Đa phần các seminar chuyên đề tổ chức trong một khoa cũng chỉ thu hút vài người, nhiều thì có thể 20 người đến tham dự thôi. Điều quan trọng là những người tới tham dự thực sự quan tâm, thích thú và tham gia thảo luận sôi nổi.
Là người tổ chức bọn mình thực sự cảm thấy rất vui khi thấy các bạn sinh viên, các giáo sư tới và đưa ra nhiều câu hỏi rất thú vị. Mình nhận ra rằng chất lượng của chương trình chính là nằm ở những câu hỏi đó vì điều đó cho thấy người nghe thực sự quan tâm và họ đang hoặc sẽ học được một điều gì đó mới sau mỗi lần tới seminar. Đối với các bạn sinh viên thì đây là cơ hội để giới thiệu về nghiên cứu của mình và mài dũa thêm kĩ năng thuyết trình. Các giáo sư cũng có cơ hội để chia sẻ về các nghiên cứu và các chuyến đi của họ ở Việt Nam. Đó chính là động lực khiến bọn mình tiếp tục thực hiện chương trình này vào năm học 2013-2014.
Mình hi vọng là bài chia sẻ về chương trình seminar của bọn mình ở Mizzou sẽ có ích đối với các bạn cũng đang ấp ủ ý tưởng này. Mình cũng rất mong được học hỏi thêm các kinh nghiệm tổ chức seminar hoặc các hoạt động tương tự tại trường của các bạn.
Khánh Hòa
PhD, Agricultural & Applied Economics, University of Missouri-Columbia
Contact email: hoahoang@mail.missouri.edu
—
Thông tin về Vietnam’s Friends for Growth Seminar Series”:
Report các seminar đã tổ chức (link bên góc phải của website)
http://vietnam.missouri.edu/index.html
Facebook:
https://www.facebook.com/vffg.mizzou