Chuyện nhà anh Tư
Gần đây bác Hai cắt tóc đầu ngõ thấy có gì đó không ổn. Tháng trước anh Tư bỏ đi cái khoản lột mặt, tháng này đã đi cắt tóc trễ cả tuần, lại còn không lấy… ráy tai. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Kể cũng lạ, trước đây anh Tư luôn hẹn vào toàn lúc chẳng ai muốn làm việc, (do vậy bác Hai luôn được anh “boa” thêm vài ba nghìn coi như đền bù cho làm việc ngoài giờ). Thực ra, sở dĩ anh Tư phải làm như vậy là do công việc của anh ở công ty nhiều quá, ngày nào cũng phải đưa khách mấy tua, lúc rảnh thì phải chăm sóc cu Tý trông coi nhà cửa vì vợ anh làm ở một công ty xuất khẩu đang ăn nên làm ra, phải tăng ca liên tục. Giờ đây, anh Tư hay đến rất sớm, nhưng cũng chẳng vội vã gì, hai người còn con cà con kê mãi mới bắt tay vào việc. Với hơn 40 năm trong nghề, loáng cái bác Hai đã làm cho anh Tư đã có một cái đầu ưng ý như mọi khi.
Mà dạo này tiệm của bác Hai cũng thưa khách hơn, nhiều người cũng đi cắt tóc trễ hơn và bỏ qua nhiều công đoạn hơn. Điều làm cho bác Hai không vui là mỗi công đoạn chỉ tốn thêm chút ít thời gian của bác và chút ít tiền bạc của khách hàng, có đáng là bao, nhưng không có chúng, tính ra thu nhập của bác Hai giảm đáng kể.
Hỏi ra bác Hai mới biết rằng, dạo này công ty du lịch của anh Tư rất ít khách, đi tua bữa đực bữa cái không được bao nhiêu. Thêm vào đó hàng họ bên công ty của vợ anh Tư xuất đi không đều nên việc làm trong giờ còn không đủ lấy đâu mà tăng ca. Hậu quả là thu nhập của cả gia đình giảm đi một khoản kha khá và anh thì phải bớt gội đầu, lấy ráy tai, chị phải bớt dũa móng chân sơn móng tay. Bữa cơm gia đình cũng đôi phần đạm bạc và ít tiếng cười hơn.
Việc cắt giảm chi tiêu của gia đình anh Tư đã làm cho việc làm cũng như thu nhập của bác Hai cắt tóc, cô út làm đầu, chú Năm điện tử bà Sáu bán thịt… giảm sút và từ đó kéo theo một loạt gia đình khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngồi không chẳng có việc gì làm bác Hai cứ cảm thấy tiếc hùi hụi. Giá mà thằng Tư và những người khác cứ cắt tóc đều đặn lại thêm cái khoản ráy tai gội đầu nữa thì mình vừa có thêm thu nhập,vừa không phải ngồi ngáp ruồi chứng kiến những kẻ vô công rồi nghề (do không biết làm gì) tụ tập rồi sinh chuyện, gây ra bao rắc rối cho làng cho xóm.
Bữa cơm đạm bạc thời bão giá
Công sức có đáng là bao, một ngày có chừng đó thời gian, nếu không làm thì cũng ngồi không, người này làm cho người kia tất cả đều tốt lên, vậy mà đùng một cái ai cũng cắt, cũng giảm, để rồi rảnh rỗi mà sinh chuyện, xã hội bất ổn.
Thực ra câu chuyện nêu trên chính là bức tranh của nền kinh tế đang hiển hiện rất rõ ở Việt Nam mà nguyên nhân của nó là do tác động của (l) khủng hoảng tà chính dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu mà theo Paul Krugman nhà kinh tế đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008 thì có thể phải mất cả thập kỷ nó mới qua đi; và (2) những vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam.
Với những gì đang xảy ra thì có thể dự đoán rằng, trong thời gian tới kinh tế Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vấn đề lúc này là Việt Nam cần phải làm gì để giảm thiểu những tác động tiêu cực mà cuộc khủng hoảng kép nêu trên gây ra.
Chuyện “chôn tiền”
Về nguyên tắc, việc giải quyết vấn đề suy thoái kinh tế và thất nghiệp khá đơn giản, chỉ cần làm sao đó để thu nhập của gia đình anh Tư đừng giảm là mọi chuyện trở nên yên ổn, vòng lưu chuyển sẽ trở lại như cũ.
Muốn có điều này, công việc của chính phủ chỉ là in tiền sau đó đem… chôn xuống đất, để cho các doanh nghiệp đào lên chia cho người lao động. Kết quả là mọi người vừa có thu nhập vừa có việc làm, suy thoái kinh tế và thất nghiệp được xử lý.
Đây không phải là chuyện đùa mà là lập luận của John Maynard Keynes, người được xem là cha đẻ của Kinh tế học vĩ mô hiện đại và là nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Dựa vào lý thuyết này mà nước Mỹ đã thoát ra khỏi cuộc đại khủng hoảng và suy thoái 1929-1933. Đây cũng chính là một trong những cơ sở để chính phủ các nước đưa ra chính sách kích cầu.
Tuy nhiên, lý thuyết của Keynes chỉ phù hợp với nền kinh tế trong ngắn hạn (short-run). Do vậy nó đã không giải thích được những hiện tượng xảy ra ở cuối thập niên 1970, khi mà những can thiệp của chính phủ không những không làm giảm được suy thoái và thất nghiệp, mà còn làm cho tình trạng lạm phát trở nên trầm trọng hơn, hiện tượng đình lạm (stagflation).
Ở vấn đề này, Milton Friedman đã chỉ ra mối liên hệ giữa tiền và lạm phát. Lạm phát, là do lượng tiền trong nền kinh tế tăng cao hơn so với khối lượng hàng hóa tạo ra. Năm ngoái, trong nền kinh tế có 100 đồng và 100 đơn vị hàng hóa thì mỗi đơn vị hàng hóa có giá 1 đồng. Năm nay chỉ có 110 đơn vị hàng hóa nhưng có đến 121 đồng thì một đơn vị hàng hóa có giá 1,1 đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Việc “chôn tiền” thuần túy của chính phủ, trong dài hạn không làm gia tăng sản phẩm cho nền kinh tế, trong khi lượng tiền gia tăng dẫn đến lạm phát.
“Chôn tiền” là việc mà nhiều nước đã và đang làm, nhưng vấn đề ở chỗ là phải ” chôm. như thế nào để chúng có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế, về sau làm cho lượng hàng tăng tương ứng với lượng tiền và mọi người đều khấm khá hơn mà nền kinh tế lại không bị lạm phát quá cao.
Huỳnh Thế Du