Có một nhà báo nước ngoài đã viết rằng: “Hiếm có quốc gia nào trên thế giới lại có những bài hát ca ngợi các vùng đất, các phong tục tập quán hay như ở Việt Nam, đặc biệt là đối với thủ đô của họ – thủ đô Hà nội”. Đối với tôi – một người con Việt Nam không được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hiện đang học tập ở nơi cách thủ đô chúng ta nửa vòng trái đất đã có thể cảm nhận được những nhận xét của nhà báo nước ngoài này. Các tình khúc về Hà nội, đó là người bạn song hành của tôi trong những ngày sống và học tập ở nước ngoài, và người bạn này đã làm cho tôi vơi đi nỗi nhớ Hà Nội – nơi bố mẹ, chị tôi đang sinh sống và ngày đêm mong muốn sự trưởng thành của tôi nơi đất khách quê người. Các tình khúc về Hà Nội, đó là các động lực để tôi có thể vươn tới những đỉnh cao trong cuộc sống của mình.
Có lẽ các nhạc sĩ của Việt Nam đã dành những lời ca, khung nhạc đẹp nhất để lột tả vẻ đẹp đầy bí ẩn của Hà Nội. Nhạc sĩ Hồng Đăng đã rất thành công với bài hát “Hoa sữa”. Chỉ cần một nét chấm phá “Hoa sữa vẫn nồng nàn đầu phố đêm đêm…”, nhạc sĩ đã làm cho người nghe nao lòng nhớ về Hà nội mặc dù trong bài hát của nhạc sĩ không có một từ “Hà Nội” nào. Nói đến Hà Nội mà chúng ta không nhớ đến cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với rất nhiều ca khúc như “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Đoản khúc thu Hà Nội”… là một thiếu sót rất lớn. Được mệnh danh là bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ trong các sáng tác của mình, Trịnh Công Sơn đã sử dụng những ngôn từ rất mộc mạc nhưng đã lột tả được những vẻ đẹp thật nhất, ấn tượng nhất của Hà Nội qua các sáng tác của mình. “Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ cây bàng lá đỏ/ nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cũ/ mái ngói thắm nồng …”(Nhớ mùa thu Hà Nội); hay “Hà Nội mùa thu Hà Nội gió/Xôn xao con đường xôn xao lá /Nhòa phố mong manh nhòe phố mưa/ Chợt nắng long lanh chợt nắng thưa…” (Đoản khúc thu Hà Nội). Chắc những Lưu học sinh khi xa Việt Nam, nằm trong phòng một mình trong khi ngoài trời tuyết rơi trắng xóa lại không khỏi chạnh lòng khi nghe “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa/ Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh” rồi “Hà Nội mùa này chiều không buông nắng/ Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô/ Quán cóc liêu xiêu một câu thơ/ Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ…” Lời của bài hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” cứ từ từ tác động đến những góc tâm hồn sâu thẳm nhất của những người con Việt Nam xa tổ quốc dù được sinh ra hay không được sinh ra tại mảnh đất thủ đô thân yêu, đủ làm cho họ cảm thấy càng thêm yêu thủ đô Hà Nội và tổ quốc Việt Nam hơn.
Một số nhà nghiên cứu âm nhạc đã nói rằng “Những bài hát khi phản chiếu được những nét đẹp tiểm ẩn của đối tượng được đề cập trong bài hát là những tác phẩm rất hay và sẽ sống cùng năm tháng”. Những nhận xét này chắc chắn là những nhận xét phù hợp nhất đối với các sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang về Hà Nội. Nói đến nhạc sĩ Phú Quang là mọi người dân Việt Nam đều nhớ đến các sáng tác của ông về Hà Nội và Phú Quang được nhiều người đặt tên là “Nhạc sĩ của Hà Nội”. Tất cả các sáng tác của Phú Quang đều lột tả được những nét đẹp tiềm ẩn của người Hà Nội: nhịp điệu của bài hát chầm chậm như chính cuộc sống êm đềm, âm nhạc sâu lắng thể hiện được nét đẹp tâm hồn, và lời ca đầy chất thơ thể hiện được nét văn hóa đẹp trong ứng xử, trong giao tiếp của người Tràng An. Bằng các hình ảnh “mùi hoàng lan”, “mùi hoa sữa”, “cây bàng mồ côi mùa đông”, “nóc phố mồ côi mùa đông” , những người nghệ sĩ – những đại diện ưu tú trong việc cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên – cũng đã quên mất tên những con đường, những góc phố họ vừa bước qua. Rồi những “góc phố rêu phong”, “những mái ngói xô nghiêng”, vẻ đẹp đến ngỡ ngàng của Hồ Tây đã làm cho những người một lần đến Hà nội đều không thể quên được vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của thủ đô. Những người yêu nhạc Phú Quang, hoặc là các ca khúc về Hà nội sẽ không quên được những ngôn từ của bài hát “Mơ về nơi xa lắm”, đặc biệt là các bạn lưu học sinh. “Ta mơ thấy em/ ở nơi kia xa lắm. Một Hà nội ngây ngất nắng, một Hà nội run run heo may…” Tác giả đã mượn hình ảnh của Hà Nội để khắc họa những tình cảm của tình yêu đôi lứa, những cung bậc của cảm xúc, những tâm sự của những người con đi xa dành cho tổ quốc, dành cho thủ đô và dành cho gia đình yêu thương. Đây lại là một thành công nữa của các sáng tác của Phú Quang – những sáng tác đi sẽ đi cùng năm tháng và trường tồn cùng với sự trường tồn của thủ đô Hà nội.
“Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà nội …” là tâm tư và tình cảm của những người con Việt nam xa tổ quốc dù không được sinh ra tại mảnh đất ngàn năm văn hiến. Thủ đô Hà nội, đó là “niềm tin”, đó là “niềm hi vọng” cho sự phát triển của đất nước Việt Nam trong tương lai.
Nguyễn Thế Anh – Hội TNSV Việt Nam tại DC