Năm 1961, ở giai đoạn căng thẳng của chiến tranh lạnh mà phe xã hội chủ nghĩa đang có những lợi thế với sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Liên Xô, các nước phương tây không khỏi lo lắng với nhận định “Tổng sản phẩm quốc gia (GNP) của Liên Xô bằng khoảng một nửa của Hoa Kỳ, nhưng Liên Xô đang tăng trưởng nhanh hơn. Kết quả mà bất kỳ ai cũng có thể dự đoán rằng GNP của Liên Xô sẽ vượt qua GNP của Hoa Kỳ sớm thì vào năm 1984, chậm thì vào năm 1997 và trong bất kỳ tình huống nào thì GNP của Liên Xô cũng sẽ đuổi kịp GNP của Hoa Kỳ.”.
Gần hai thập niên sau đó, khi những dấu hiệu bất ổn của các nước xã hội chủ nghĩa đã bộc lộ rõ với sự trỗi dậy của Công đoàn đoàn kết ở Ba Lan cũng như một số nước khác và Kinh tế Liên Xô đã bước vào giai đoạn kiệt quệ thì người đưa ra nhận định nêu trên vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, và chỉ thay hai mốc thời gian mà GNP của Liên Xô sẽ đuổi kịp Hoa Kỳ bằng năm 2002 và 2012.
Bây giờ đã là năm 2013 và những biến cố đã xảy ra từ đầu năm 1980 đến nay cho thấy đây là những dự đoán sai lầm.
Ai đã đưa ra dự đoán tệ như vậy khi mà Liên Xô đã sụp đổ sau đó một thập kỷ? Phải chăng đó là một nhà kinh tế học của Liên Xô, hay ít nhất cùng là người của phe xã hội chủ nghĩa muốn bảo vệ thành trì của mình?
Không, người có nhận định nổi tiếng một thời này chính là Paul Anthony Samuelson (05/1915-12-12/2009), nhà kinh tế học lẫy lừng của Hoa Kỳ, người Mỹ đầu tiên đoạt giải Nô-ben Kinh tế vào năm 1970. Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển đã viết khi trao giải No-ben cho ông rằng: “Ông ta đã làm được hơn bất kỳ nhà kinh tế nào thời hiện đại để nâng tầm cao của các phân tích khoa học trong lý thuyết kinh tế.”
Có hai câu hỏi được đặt ra trong câu chuyện này.
Thứ nhất, liệu có gì đó không ổn khi mà Samuelson đưa ra và giữ nguyên một dự báo sai lầm mười mươi trong suốt giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của mình, nhất là khi sự rễu rã của mô hình kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa đã hiển hiện và bên cạnh ông là rất nhiều những tên tuổi lớn khác mà sau đó rất nhiều trong số họ đã đoạt giải Nô-ben Kinh tế như: Akerlof, Engle III, Klein, Krugman, Merton, Modigliani, Solow và Stiglitz?
Chẳng có gì là không bình thường cả. Cho dù là một người có trí tuệ siêu phàm với đẩy đủ các công cụ tốt nhất của thời đại trong tay với những người giỏi nhất vây quanh, nhưng việc không nhìn ra được xu hướng của thời cuộc cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Bằng chứng rõ nhất của vấn đề này là ngay năm 2008, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và các công cụ phân tích, nhưng dường như ít ai quan tâm và có thể đoán được một cuộc khủng hoảng tồi tệ sắp xảy ra cho nước Mỹ cũng như toàn cầu.
Thứ hai, xã hội nhìn nhận Samuelson với sai lầm nghiêm trọng nêu trên như thế nào?
Ngày nay, Samuelson vẫn có vị trí rất cao trong lịch sử nghiên cứu kinh tế của nhân loại. Sử gia kinh tế Randall E. Parker đã gọi Samuelson là cha đẻ của kinh tế học hiện đại. Vào thời điểm ông qua đời vào năm 2009, Tờ Thời báo New York – tờ báo được xem là uy tín nhất nước Mỹ đã đánh giá ông là nhà kinh tế hàng đầu của thế kỷ 20. Còn rất nhiều thành tích lẫy lừng khác của Samuelson mà có thể tham khảo ở rất nhiều nguồn khác nhau.
Ở trường hợp ở Samuelson có hai điều hết sức thú vị. Thứ nhất, bất kỳ ai, dù một vĩ nhân làm đúng chuyên môn của mình vẫn sai lầm như thường. Thứ hai, những thành tựu hay đóng góp của một người cho nhân loại là tất cả những gì họ làm được và luôn được công nhận một cách khách quan, chứ không chỉ vì một vài sai lầm hay thất bại của họ mà phủ nhận hoàn toàn.
Huỳnh Thế Du