Vì yêu con nên ép con học nhiều (để giỏi giang, thành đạt sau này), ép con ăn nhiều (để lớn nhanh, khỏe mạnh). Vì con nên dành trọn vẹn thời gian để đi kiếm tiền (thay vì bên con), hoặc quá bao bọc khiến con dù bao nhiêu tuổi vẫn là một em bé không thể trưởng thành.
Cuộc trò chuyện với thạc sĩ Phạm Ngọc Duy – có thể khiến bạn nhận ra: Yêu con cũng phải đúng cách, sai lầm trong nuôi dạy con rất dễ là thất bại lớn của cuộc đời bố mẹ.
Giờ đây hầu hết phụ huynh trẻ đều ý thức đầu tư giáo dục cho con càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đặt dấu ấn giáo dục lên một đứa trẻ như thế nào là đúng đắn thì không phải ai cũng kiểm soát được, khi điểm số và bằng cấp vẫn đang được coi như mục tiêu cuối cùng của chuyện học hành. Anh suy nghĩ gì về điều này?
Mục đích nguyên thủy của giáo dục là giúp mỗi cá nhân học để làm người, để phát huy hết được các tiềm năng vốn có, họ sống hài hòa và hiệu quả với môi trường quanh mình; chứ không phải để lấy bằng cấp. Làm việc trong ngành giáo dục, tôi có để ý thấy một điều, những học sinh bị đánh giá là bình thường, thậm chí có kết quả kém với thi cử trong nước – các em lại rất thành công khi đi du học và lúc ra ngoài cuộc đời. Các phụ huynh đừng quá quan trọng điểm số, thứ bậc, các kỳ thi – những thước đo nặng tính hình thức, không đảm bảo chính xác để đánh giá các tiềm năng của con em mình.
Phải nhớ rằng, điểm số không quyết định hạnh phúc hay cơ hội thành công của trẻ khi trưởng thành. Trong những thập kỷ gần đây, đã có rất nhiều những nhà giáo dục hàng đầu thế giới phê phán việc lạm dụng các kết quả kiểm tra trong trường học để đánh giá thành quả học tập và phát triển của học sinh cũng như thành tích của các trường và của các nền giáo dục. Quan điểm giáo dục mới xem trọng phát triển các năng lực như tư duy logic, giải quyết vấn đề, khả năng làm việc liên cá nhân và năng lực sáng tạo.
Nhưng nhiều phụ huynh vẫn xem kết quả học tập của con như chỉ số thành công của mình trong vai trò bố mẹ, chưa kể tâm lý lo lắng con mình thất bại khi thua kém bạn bè về điểm số. Tất cả những điều đó đã và đang tạo áp lực khiến trẻ con bây giờ phải học quá nhiều…
So sánh kiến thức học sinh cấp dưới của Việt Nam với thế giới, ta thấy chúng ta đang bắt các em học quá nặng với nhiều bài toán, câu hỏi có tính đánh đố. Về bản chất giáo dục thì điều này không hề tốt. Ở thời điểm trẻ còn nhỏ (từ mẫu giáo đến cấp 2), quan trọng nhất là việc phát triển thể chất khỏe mạnh và tâm hồn hướng thiện.
Về mặt phát triển thể chất, trong khi trẻ em luôn cần được giải tỏa năng lượng, được vui chơi cùng chúng bạn và chạy nhảy, nhìn thấy cây xanh, hồ nước… thì bố mẹ và thầy cô lại ép nó dính lấy cái bàn học. Sự thiếu cân bằng ấy dễ khiến trẻ cáu giận, bướng bỉnh, bất ổn tâm lý, phát triển không toàn diện. Chúng ta đã nhìn thấy ngày càng có nhiều trẻ em có vấn đề về mặt vận động và nhận thức xã hội: chân tay yếu ớt, mắt cận, hoặc ốm yếu hoặc béo phì, tính tình không cởi mở, nhút nhát, khó hòa nhập và khả năng chia sẻ kém.
Tôi thấy các gia đình Việt Nam hay có thói quen so sánh: sao con mình nhẹ cân hơn, ăn ít hơn, học kém hơn so với con người khác? Điều này để lại hậu quả rất tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của một đứa trẻ. Bởi mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất đồng thời vô cùng đa dạng. Điểm phổ thông nói chung chỉ ghi nhận một vài khía cạnh của năng lực nhận thức, khả năng ghi nhớ kiến thức phổ thông chứ không nói lên toàn bộ năng lực và các tiềm năng khác của đứa trẻ. Ví dụ như điểm toán làm sao đánh giá được lòng nhân ái , điểm ngoại ngữ làm sao đo được sức sáng tạo và nhạy cảm của đứa trẻ? Khi người lớn dùng điểm số để gây áp lực cho trẻ, chúng buộc phải phát triển theo hướng mà người lớn muốn chứ không theo khuynh hướng năng lực tự nhiên của mình.
Thực ra trẻ có thể học từ cuộc sống, từ vận động chơi đùa, những mối quan hệ quanh mình, từ sách truyện và thiên nhiên… Anh có thấy chúng ta đã làm hạn hẹp và đơn điệu hóa việc tiếp nhận kiến thức của trẻ, khi cố gắng gói ghém việc học trong thứ kỷ luật trường lớp nặng nề?
Các trường ở Việt Nam thường ở tình trạng: thư viện sơ sài, phòng thí nghiệm nghèo nàn, cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao, ngoại khóa còn nhiều hạn chế. Như vậy, chơi, đọc sách, rèn luyện thể thao ở trường là rất thiếu. Bố mẹ phải bổ sung cho con thiệt thòi này: cho con tiếp xúc sách vở lành mạnh từ sớm, lắng nghe nhu cầu của con để hướng trẻ có những vận động phù hợp như đá bóng, bơi, ca múa…
Theo tôi, trẻ con nông thôn cho dù có thể được học ít hơn, ít đi học thêm hơn nhưng đang được phát triển lành mạnh hơn trẻ ở thành phố, vì chúng được tiếp xúc và học tập trưởng thành cùng với “người mẹ” thiên nhiên rộng lớn. Tình yêu thiên nhiên chính là khoảng êm đềm trong ký ức mỗi người khi chúng ta lớn lên nghĩ về những ngày thơ ấu. Đừng để con mình nhớ về những năm tháng tuổi thơ chỉ là những ám ảnh nặng nề của áp lực học hành, thi cử.
Ở Mỹ, trẻ dưới 6 tuổi được khuyến cáo phải chơi và vận động ngoài trời tối thiểu một giờ mỗi ngày để phát triển khỏe mạnh. Ở Việt Nam thì áp dụng chuẩn đó tương đối khó khăn, vì các cặp vợ chồng trẻ bây giờ hầu như rất bận rộn và sân chơi cho trẻ em còn thiếu. Nhưng bố mẹ vẫn có thể tận dụng được dịp cuối tuần đưa con đi chơi để hiểu cuộc sống xung quanh: bảo tàng, công viên, nhà sách, về nông thôn để trẻ được chạy nhảy và nghịch đất cát đều tốt…
Tôi quan sát thấy một thực tế là ngày nghỉ các bố mẹ thường hay đưa con đi mua sắm cùng mình. Điều này vô tình phát triển nhu cầu vật chất của trẻ, một cách vô thức chúng bị dẫn dắt để thấy giá trị hấp dẫn nhất là những thứ liên quan đến vật chất. Việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển lành mạnh về tâm hồn và định hướng giá trị của trẻ em.
Nghiên cứu khoa học cho thấy, một đứa trẻ 8 tuổi coi như tâm lý – nhân cách – quan điểm sống cơ bản đã hoàn thiện được khoảng 70%-80%. Với những cha mẹ đã trót sai phương pháp trong giáo dục con, mà trẻ đã lớn hơn 8 tuổi – nghĩa là sẽ còn rất ít cơ hội để bố mẹ sửa chữa sai lầm?
Nếu chúng ta đã lỡ chì chiết, so sánh, ép con học nhiều… đều có thể sửa chữa được bằng cách quay lại quan tâm và chia sẻ nhiều hơn với trẻ. Sai lầm lớn nhất mà các bố mẹ không có cơ hội sửa là việc đã không dành đủ thời gian cho con và không thể hiện tình yêu của mình với các con đủ nhiều để chúng cảm nhận được khi các em còn nhỏ. Phó thác con cho ông bà hay người giúp việc chăm nuôi hoàn toàn cũng là một cách bỏ rơi. Khi con bạn còn nhỏ, bé cần tình yêu thương và sự chăm chút của bạn như một thứ “dinh dưỡng” thiết yếu nhất. Quãng thời gian đó sẽ trôi qua rất nhanh, bạn sẽ không có phép màu quay lại để bù đắp và cứu vãn sai lầm đã bỏ rơi con mình!
Theo Phụ Nữ Ngày Nay
Phạm Ngọc Duy: Thạc sĩ Toán học tại Đại học Paris 11 năm 2006; Thạc sĩ Quản lý giáo dục tại Đại học Boston College – chương trình học bổng Fulbright (Mỹ) năm 2011. Hiện anh đang nghiên cứu về các phương pháp kiểm tra đánh giá giáo dục, tại Viện đảm bảo chất lượng Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội. |