Viện Harvard-Yenching (thuộc ĐH Harvard) có hai chương trình tài trợ đi nghiên cứu ngắn hạn (2 hoặc 3 học kì) cho hai dạng học bổng “Visiting Scholar” (dành cho postdoc, để thực hiện một đề tài nghiên cứu riêng) và “Visiting Fellow” (dành cho NCS ở nước sở tại, để hoàn thành luận án). DEADLINE là 30/9 hằng năm. Mong rằng năm tới Việt Nam sẽ có nhiều applicants cho cả hai suất học bổng này.
Thông tin cụ thể xin xem:
http://www.harvard-yenching.org/visiting-scholars-program
http://www.harvard-yenching.org/visiting-fellows-program
—————
* Những chia sẻ dưới đây là ĐỂ ĐƯỢC CHỌN trao học bổng, chứ chưa phải là chia sẻ trong quá trình sống và làm việc tại HYI (cái này xin viết sau).
(1). Hồ sơ: KHÔNG phức tạp, quan trọng nhất là Proposal (5 trang) hợp lí, và các Recommendation letters từ những học giả có uy tín (trong đó nên có học giả nước ngoài thì hơn).
(2). Tiếng Anh: không có quy định cụ thể, như tôi làm hồ sơ Visiting Scholar hồi tháng 9/2012, thì đến tháng 1/2013, HYI cử một GS của Harvard sang Hà Nội để phỏng vấn trực tiếp khoảng 45 phút. Chủ yếu là kiểm tra khả năng diễn đạt tiếng Anh, chứ phỏng vấn không đi quá sâu vào vấn đề chuyên môn (vì GS phỏng vấn có thể không phải cùng ngành của applicant). Tức là với Visiting Scholar thì không cần bằng cấp tiếng Anh gì hết, chỉ cần giao tiếp một cách tương đối tự nhiên với người phỏng vấn là OK. Còn với Visiting Fellow thì tôi cũng chưa rõ, mọi người xem cụ thể trong file download ở các trang trên xem thế nào.
(3). Về đề tài: phạm vi khá rộng. Quan sát lĩnh vực nghiên cứu của 28 người được chọn (cả VS và VF) năm nay, thì thấy gồm: nhân học, văn, sử, nghệ thuật, luật, chính trị, kinh tế, âm nhạc, triết, xã hội học, khu vực học, khảo cổ, nghiên cứu Tây Tạng…, không tập trung hẳn vào một lĩnh vực nào. => Độ bao phủ khá rộng tới hầu hết các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
(4). Độ tuổi của các Visiting Fellow ở đây, theo quan sát của tôi, thường chỉ khoảng 25-30 tuổi. Còn Visiting Scholar thì khoảng 27-40 tuổi. => Độ tuổi phù hợp với các cán bộ trẻ, hoặc vừa hết trẻ ^^
(5). HYI không có “quota” cho từng nước, mà cứ hồ sơ nào đạt yêu cầu là được chấp nhận. Vì vậy không có lí do gì để họ gạt các hồ sơ của Việt Nam nếu các hồ sơ này đủ sức cạnh tranh với hồ sơ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Cambodia. Niên khóa mà tôi đang tham dự (8/2013-6/2014) có 18 Scholars và 10 Fellows. Trong tổng số 28 người đó, có 11 Trung Quốc đại lục, 3 Đài Loan, 2 Hồng Kông, 6 Nhật Bản, 2 Hàn Quốc, 2 Singapore, 2 Việt Nam. Đây là những applicants đã vượt qua những người khác để được chọn. Năm trước, Việt Nam chỉ có 2 applicants, và cả hai đều được chọn (đều là dân Hán Nôm ^^). Tôi có hỏi người quản lí, thì được biết năm ngoái cũng có applicants từ Thái Lan nữa, nhưng họ không được chọn. => Không có sự phân biệt về quốc gia của applicant (tất nhiên là Trung Quốc vẫn luôn nhiều nhất).
(6). Về kinh phí: Học bổng cho Visiting Scholar cao gấp đôi Visiting Fellow. Tất nhiên là ngay cả Visiting Fellow vẫn hoàn toàn có thể dư dả với khoản học bổng được cấp. Học bổng dành cho Visiting Fellow ở HYI còn cao gấp rưỡi học bổng học giả của Fulbright, chứ chưa nói đến Visiting Scholar ^^. Hầu hết các Visiting Scholar đều đưa cả gia đình đi theo (2-4 người), một số Visiting Fellow cũng đưa gia đình đi. => Không phải băn khoăn về kinh phí.
(7). Chỉ còn gần một tháng nữa là tới hạn nộp hồ sơ (30/9) (xin đọc kĩ hướng dẫn trong application form, ngắn thôi). Tôi cũng vừa sang được hơn chục ngày, qua quan sát thì gom góp lại được vài dòng như trên, mong rằng sẽ ít nhiều có ích. Rất mong là năm tới sẽ có đại diện của Việt Nam, mà gần gũi với tôi nhất là các cán bộ của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học… Nếu mọi người cần thêm thông tin gì thì tôi xin sẵn lòng chia sẻ thêm.
Nguyễn Tuấn Cường
cuonghannom@gmail.com
(September 6, from Harvard)