Thống kê từ bảng xếp hạng các trường Đại học trên thế giới năm 2013 của QS, ngoài các trường Đại học Mỹ và Anh vẫn chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng này, chỉ có một trường của Úc và một trường của Thụy Điển là lọt vào danh sách. Viện nghiên cứu Karolinska, trường Đại học Y khoa của Thụy Điển chính là nơi đặt hội đồng xét duyệt giải thưởng Nobel về sinh lý học và y học.
Các trường đại học hàng đầu trên đây chiếm lĩnh số lượng các giải thưởng Nobel rất ấn tượng, thể hiện qua những nghiên cứu phong phú, trải dài trên các chủ đề trong lĩnh vực y học.
1. Đại học Harvard
Khởi đầu rất khiêm tốn vào năm 1782 chỉ với ba sinh viên, trường Đại học Y khoa Harvard (HMS) đã sản sinh ra hàng ngàn các nhà lãnh đạo chiến lược ảnh hưởng quốc tế trong lĩnh vực y khoa. Đã có 9 giải Nobel được trao cho 15 nhà nghiên cứu của trường, một trong những giải thưởng Nobel gần đây nhất đã được trao cho Linda Buck năm 2004 vì đã phát hiện ra “thụ thể mùi và tổ chức của hệ thống khứu giác”.
2. Đại học Oxford
Trong lịch sử của mình, trường Y khoa Oxford đã giành được 16 giải Nobel, trong đó có giải Nobel vào năm 1945 của Sir Howard Florey W, Sir Ernst Chain và Sir Alexander Fleming “cho việc khám phá ra penicillin và tác dụng chữa bệnh của nó cho các bệnh truyền nhiễm”.
Những người nổi tiếng đáng chú ý khác có Giáo sư Adrian Harris, “người đi tiên phong trong phương pháp điều trị thuốc dựa vào việc ngăn chặn cung cấp máu đến các khối u”, Giáo sư Peter Donnelly cho công việc của mình trong việc xác định các yếu tố nguy cơ di truyền đối với bệnh ung thư vú, và Giáo sư Herman Waldmann cho sự phát triển của một liệu pháp kháng thể cho điều trị bệnh bạch cầu mãn tính.
3. Đại học Cambridge
Trong số 26 giải thưởng của trường trong lĩnh vực y học, phải kể đến một trong những người đoạt giải Nobel nổi tiếng nhất là Sir John B Gurdon “cho việc khám phá ra các tế bào trưởng thành có thể được lập trình lại để trở thành đa năng”. Nghiên cứu gần đây nhất được xuất bản bởi Khoa Y của trường Cambridge là việc sản xuất một mô hình ba chiều đầy đủ về cấu trúc của gói tín hiệu RNA virus HIV, mà trước đây chỉ được giải quyết trong phạm vi hẹp do hạn chế về công nghệ. Nghiên cứu này cho thấy mô hình này có thể được sử dụng làm cơ sở để thiết kế của các loại thuốc chống HIV mới.
4. Đại học Johns Hopkins
Đại học Y khoa Johns Hopkins được thành lập vào năm 1893, bốn năm sau khi Bệnh viện Johns Hopkins được mở cửa, và đã được Báo cáo US News & World Report xếp hạng số 1 trong 21 năm liên tiếp. Các các khoa trong trường Johns Hopkins và các chi nhánh đã giành được 19 giải thưởng Nobel cho đến nay.
5. Đại học Stanford
Trường Đại học Y khoa Stanford xác nhận đã có bốn giải Nobel, bao gồm cả trong khoa và các chi nhánh. Nghiên cứu gần đây được công bố bao gồm việc tạo ra protein bằng các công nghệ sinh học hoạt động như một “đèn pin phân tử”, cho phép những phác thảo về khối u được đánh dấu với độ chính xác cao, và cũng cho phép xác định các vùng bộ phận để điều trị bằng thuốc.
6. Đại học Yale
Trường Y khoa Yale được thành lập vào năm 1810, là trường y lâu đời thứ sáu tại Mỹ. Tiến sĩ George E Palade của trường, một trong ba người giành giải Nobel vào năm 1974 “cho khám phá liên quan đến cơ cấu tổ chức và chức năng của tế bào”. Các nhà nghiên cứu tại đại học Yale cũng là những nhà tiên phong trong việc sử dụng hóa trị liệu để điều trị ung thư, và những người đầu tiên xác định ra bệnh Lyme.
7. Đại học California, Los Angeles (UCLA)
Trường Y khoa David Geffen tại Đại học UCLA mới chỉ thành lập cách đây nửa thế kỷ, nhưng đã giành được vị thế trong hàng ngũ các trường Y khoa lâu năm khác. Giảng viên Louis Ignarro J giành được giải Nobel vào năm 1998 cùng với hai người khác cho “những khám phá liên quan đến oxit nitric là một phân tử báo hiệu trong hệ thống tim mạch”. Nghiên cứu gần đây được công bố là về tác dụng của dầu cá trong việc “đẩy lùi bệnh gan ở những trẻ em bị suy đường ruột cần dinh dưỡng qua tĩnh mạch”, khi được dùng trong vòng 6 tháng.
8. Đại học Hoàng gia London (Imperial College London)
Khoa Y trường Đại học Hoàng gia London bao gồm tám trường y khoa phía Tây London. Khoa có 5 người đoạt các giải thưởng, bao gồm cả Sir Alexander Fleming, người cùng chia sẻ giải thưởng với hai người khác vào năm 1945 cho việc khám phá ra penicillin.
9. Đại học Melbourne
Đại học Y khoa Melbourne là ngôi trường đầu tiên đào tạo các bác sỹ ở Úc, bắt đầu từ năm 1862. Ba cựu sinh viên của trường đã đoạt giải Nobel về y học, bao gồm người phụ nữ đầu tiên của Úc đoạt giải, Elizabeth Blackburn, trong năm 2009 cho “khám phá nhiễm sắc thể được bảo vệ như thế nào bởi telomere (các mẩu ngắn DNA chuyên biệt chụp ở cuối các nhiễm sắc thể) và enzyme telomerase”. Các nhà nghiên cứu của trường gần đây đã phát triển và thử nghiệm một thiết bị có thể được cấy ghép trong não để dự đoán được các cơn động kinh.
10. Viện nghiên cứu Karolinska
Viện nghiên cứu Karolinska là trường Đại học Y khoa chiếm gần một nửa tất cả các nghiên cứu y học ở Thụy Điển. Đây cũng là nơi đặt hội đồng xét duyệt giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y học kể từ năm 1901. Có nghĩa là năm trong số những người, tổ chức đoạt giải được trao thưởng ngay tại quê nhà, trong đó có hai chi nhánh của Viện vào năm 1982 “cho khám phá của họ liên quan đến các axít béo không bão hòa và các hoạt chất sinh học liên quan”.
Theo Chí Phương (Dân Trí)
Công bố của Hội TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ: Hoạt động của chúng tôi không vì mục đích lợi nhuận. Việc đăng lại bài viết này chỉ nhằm cung cấp thông tin cho các thành viên trong cộng đồng TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ và những ai quan tâm. Chúng tôi sẽ đưa bài viết ra khỏi trang web nếu có yêu cầu của bên nắm giữ bản quyền.