Chuyện kể rằng có hai người phụ nữ cùng học đại học với nhau. Sau nửa thế kỷ làm lụng vất vả, đến lúc thôi không làm việc nữa, bà Lucy đã lặn lội qua hàng vạn cây số đến thăm bà An. Sau khi tay bắt mặt mừng, bà An liền khoe: “Bà ạ, sau 50 năm dành dụm và phải sống trong những căn hộ cho thuê tồi tàn hết nơi này đến nơi khác, tôi vừa mua được một căn nhà riêng cho mình. Bà thấy có tiện nghi không?
Căn nhà này có giá 2 tỷ đó bà ạ. Ngoài ra tôi cũng để dành được 2 tỷ cho chi tiêu tuổi già. Mỗi tháng tiền lãi tiết kiệm được chừng 20 triệu cũng đủ chi sài, nhưng tôi chỉ sợ lúc trái gió trở trời không dám tiêu hết vẫn phải để dành một ít. Càng già càng phải lo, khổ thế đó bà ạ.
Hơn thế, giá cả ở đây tăng nhanh quá. Cách đây 5 năm một cân gạo có 5 nghìn, bây giờ đã là 10 nghìn rồi bà ạ. Nếu cứ cái đà tăng giá này, không biết tiền lãi tiết kiệm có đủ không vì nó lên xuống thất thường lắm.”
Sau khi bàn An dứt lời, bà Lucy cũng thở hắt ra nói rằng: “May quá bà ạ, sau 50 năm làm lụng vất vả để trả góp, tôi cũng vừa mới trả hết nợ cho căn nhà của mình. Giá trị căn nhà của tôi tính ra tiền của nước bà cũng vào khoảng 4 tỷ, nhưng tôi lại chẳng có đồng nào tiết kiệm cả.
Để đảm bảo chi tiêu hàng tháng, tôi đã ký hợp đồng với ngân hàng để mỗi tháng họ trả cho tôi 40 triệu cho đến khi tôi qua đời thì họ sẽ lấy căn nhà của tôi sau khi trả cho con cháu tôi 1 tỷ gọi là của tôi dành cho con cháu. Để đề phòng những điều bất trắc, mỗi tháng tôi dành ra 10 triệu để mua bảo hiểm toàn bộ bà ạ. Với một mức phí như vậy, công ty bảo hiểm sẽ trang trải tất cả chi phí trong trường hợp tôi gặp ốm đau hay bất trắc gì.
Giá cả ở nơi tôi ở rất ổn định bà ạ, trong chục năm qua, những sản phẩm thiết yếu chẳng tăng là bao cả nên mỗi tháng tôi cũng dôi ra được 10 triệu để đi du lịch đây đó. Có như vậy tôi mới đến thăm bà hôm nay được chứ.”
Bà An nói với bà Lucy” Tính ra tôi với bà sau 50 năm làm việc có được một tài sản như nhau, nhưng hai người lại ở hai hoàn cảnh rất khác nhau. Bà được ở cả đời trong căn nhà tiện nghi gấp đôi căn nhà của tôi, nhưng bà phải mang gánh nặng nợ cho đến giờ. Còn tôi thì cả đời phải ở trong những nơi chật hẹp, tối tăm, nhưng đổi lại không phải nợ nần gì cả. Phần cuối đời có lẽ bà sướng hơn tôi vì bà được ở trong căn nhà rộng rãi hơn và với một mức thu nhập hàng tháng cao hơn tôi, nhưng lại không phải lo lắng cho những lúc trái gió trở trời, giá cả leo thang.”
Câu chuyện nêu trên cho chúng ta thấy tầm quan trọng của một hệ thống tài chính tốt. Dẫu biết rằng, đối với những người học hành tử tế và chăm chỉ làm việc, thì trước sau gì cũng có một cuộc sống tiện nghi, nhưng một hệ thống tài chính tốt sẽ giúp cho nhiều người có thể vay trước để sử dụng rồi trả sau và họ sẽ có một cuộc sống tiện nghi cả đời chứ không phải về già mới được hưởng.
Nếu nhìn câu chuyện nêu trên theo khía cạnh thông thường sẽ thấy rằng nhiều người sẽ muốn ở trong trường hợp bà Lucy. Tuy nhiên, trường hợp muốn như bà An cũng không hiếm. Điều này có thể giải thích qua cảm nhận về chai rượu đắt tiền của lão Chộp, người đã bắt sống Peterson, phi công Mỹ sau này trở thành đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam sau năm 1975 mà Trần Đăng Khoa đã viết trong “Đảo Chìm”.
“Tôi cứ tưởng rượu Mỹ ngon thế nào. Hoá ra chả ra cái quái gì. Chai rượu mấy trăm đô mà đắng ngắt như cứt bọ lẹt. Loại rượu ấy so với rượu ta sao được. Tôi đổ hết đi, chỉ giữ mỗi cái vỏ chai. Quả là thứ rượu ấy chỉ có mỗi cái vỏ là có giá trị.”
Các khái niệm kinh tế rất thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày, nhưng khi áp dụng chúng để đưa ra những phán đoán, nhận định, hiểu được góc nhìn của đối tượng đang phân tích là điều tối quan trọng.
Huỳnh Thế Du
Bài này đã đăng trên chuyên mục ABC Kinh tế của Báo Sinh Viên