Bài nghiên cứu sâu sắc về 5 trụ cột trong đại chiến lược của Mỹ như: Bảo vệ lãnh thổ, duy trì thế cân bằng quyền lực, dân chủ và các siêu cường, không phương hại tới ai và trừng phạt những thành phần bất hảo.
Tác giả Paul D. Miller (2012). “Five Pillars of American Grand Strategy”, Survival:
Global Politics and Strategy, Vol. 54, No. 5, pp. 7 – 44.
Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung. Bài đăng trên www.nghiencuuquocte.org
Dưới đây là một phần về “Duy trì thế cân bằng quyền lực”
Chính sách an ninh quốc gia không chỉ dừng ở mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia, bởi nếu vậy trách nhiệm của những nhà hoạch định chính sách có thể chỉ dừng ở mức lo cho bản thân nước Mỹ, bằng cách đơn giản dựng một bức tường lớn nhất có thể để ngăn những hiểm họa trực tiếp với thân thể họ trong khi bỏ qua những mối đe dọa sắp ập đến ở hải ngoại. Ví dụ, thay vì thận trọng xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia nhằm chống lại cuộc tấn công từ một trong những chế độ chuyên quyền có vũ khí hạt nhân, sẽ tốt hơn nếu họ chọn cách kiểm soát những mối quan hệ với các cường quốc đó để ngăn chặn một cuộc chiến tranh ngay từ đầu. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ nên có một trụ cột thứ hai trong chiến lược toàn cục của mình, đó là theo đuổi một hệ thống các chiến lược cân bằng và ràng buộc mang tính chất đan lồng, tự củng cố và phù hợp với các cường quốc, đặc biệt là với những chế độ chuyên quyền hạt nhân.
Cạnh tranh giữa các siêu cường là một đặc điểm đã tồn tại từ lâu trong nền chính trị thế giới và chính sách đối ngoại Mỹ. Trong những thập kỷ tồn tại đầu tiên của Hoa Kỳ, đất nước này theo đuổi một chính sách cân bằng giữa Anh và Pháp, hai siêu cường thời bấy giờ. Washington đã liên minh với Pháp chống lại Anh để giành độc lập, nhưng cũng vi phạm thỏa thuận trước đó với Pháp khi đàm phán riêng rẽ với người Anh sau khi chiến tranh kết thúc. Tổng thống Washington và Adams sau đó đã thoát ly đất nước khỏi Pháp bằng cách đưa ra một Tuyên bố Trung lập (Proclamation of Neutrality) năm 1793, ký kết Hiệp ước Jay với người Anh (1794), và tiến hành một cuộc “chiến tranh hải quân không chính thức” quy mô nhỏ với Pháp (1798-1800) để khẳng định quyền trung lập của mình. Tổng thống Jeferson, Madison và Monroe sau đó lại nghiêng về phía Pháp: họ cấm vận thương mại Anh (1807) trong một tranh chấp về quyền trung lập, hành động này đã góp phần làm bùng nổ một cuộc chiến tranh ngắn ngày với Vương quốc Anh (1812- 1815) do người Anh bắt giữ thủy thủ Mỹ. Trong ba thập kỷ, mục tiêu nhất quán của Mỹ là ngăn chặn không bên nào trong hai cường quốc châu Âu này giành được sức ảnh hưởng quá mức đối với quyền lợi và nền độc lập Mỹ. Tương tự, trong thế kỷ hai mươi, Mỹ đã chiến đấu hai cuộc chiến tranh nóng và một cuộc chiến tranh lạnh để ngăn cản bất kỳ cường quốc hoặc liên minh nào –như nước Đức thời Wilhelm, Áo-Hung, Ottoman, Đức Quốc xã, Ý, Nhật Bản hoặc Liên Xô – áp đặt quyền bá chủ lên Châu Âu hoặc Châu Á. Mục đích ở đây là để ngăn chặn nguồn lực vật chất của một nửa thế giới rơi vào tay của một đối thủ nào đó. Trong thời gian từ Thế chiến thứ hai đến Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã đảo ngược vị trí của những kẻ thù chính và các đồng minh: đầu tiên liên minh với Liên Xô chống lại Đức và Nhật Bản, sau đó liên minh với Đức và Nhật Bản (và những quốc gia khác) chống lại Liên Xô, trở thành một ví dụ điển hình của chiến lược cân bằng quyền lực.
Bản thân Chiến tranh Lạnh cũng là một cuộc cạnh tranh siêu cường dạng truyền thống giữa hai cường quốc hàng đầu giai đoạn giữa thế kỷ 20. Theo cách hiểu này, cuộc chiến không khác nhiều so với các cuộc xung đột của thế giới đa cực trước đó, ngoại trừ về số lượng quốc gia tham gia. Thật vậy, cuộc Chiến tranh Lạnh mà nhiều người tin rằng chỉ xảy ra giữa hai cực thực chất lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những tính toán riêng rẽ của các cường quốc khác. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ban đầu đứng về phía Liên Xô vì hai bên cùng chung ý thức hệ cộng sản, đồng thời cũng đã chiến đấu chống lại Hoa Kỳ trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và đạt được vũ khí hạt nhân vào năm 1964. Tuy nhiên, do không muốn trở thành một vệ tinh của Liên Xô và do cuộc xung đột biên giới gây nghi kỵ đã nổ ra sau đó vào năm 1969, Trung Quốc chuyển hướng từ Liên Xô nghiêng sang phía Hoa Kỳ sau chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon năm 1972. Động thái này không chỉ làm cán cân quyền lực toàn cầu đổi chiều từ phía Liên Xô nghiêng sang phía Hoa Kỳ, mà còn từ Châu Âu sang Châu Á do Trung Quốc đã làm gia tăng giá trị của khu vực thông qua hành động “ly khai” của mình. Tương tự, Ấn Độ và Phong trào Không liên kết (NAM) đã đại diện cho một phần đáng kể các quốc gia trong hệ thống quốc tế luôn hy vọng có thể để kháng cự những sức ép buộc khiến họ phải đứng về một trong hai phía, rồi tiếp đó bắt các siêu cường phải tranh giành lòng trung thành của các nước đang phát triển thông qua viện trợ, đầu tư và đôi khi cưỡng chế. Do đó, phong trào này là một hình thức cân bằng của Nam Bán cầu chống lại Bắc Bán cầu.
Một chính sách ngoại giao dựa trên cân bằng quyền lực có thể sẽ bị một số học giả và nhà hoạch định chính sách đánh giá là xa rời thực tế hoặc lỗi thời. Lập luận phổ biến hiện nay trong các nghiên cứu về an ninh là loại hình cuộc chiến tranh quy ước đã không còn tồn tại, xung đột giữa các cường quốc đã kết thúc, cạnh tranh ngày nay xảy ra thông qua thương mại thay vì chiến tranh, “các cuộc chiến tranh giữa người dân với nhau” tạo thành gương mặt mới của chiến tranh, và các nhân tố phi nhà nước mới là người định hình chính trị thế giới.[7] Những trào lưu quan niệm phổ biến này thường có xu hướng lấy một hiện tượng nhỏ, chẳng hạn như vị thế ngày càng gia tăng của các nhân tố phi nhà nước, và sau đó đưa ra đánh giá khái quát hóa quá mức hiện tường đó khi coi nó là đặc điểm nổi trội của hệ thống. Xu hướng này đã khiến các nhà bình luận đánh giá quá thấp sự tồn tại dai dẳng của những mối đe dọa cũ và truyền thống trong đó chủ thể nhà nước đóng vai trò trung tâm, đặc biệt là cạnh tranh giữa các cường quốc và chiến tranh quy ước.
Lấy trường hợp của Nga, quốc gia ngày nay vẫn là một trong những chế độ chuyên chế hàng đầu thế giới. Dù Nga không còn là nước giương cao ngọn cờ dẫn đầu một cuộc cách mạng toàn cầu nhằm lật đổ tất cả các nước tư bản chủ nghĩa, người ta vẫn không cho rằng nước Nga hiện đại có thiện ý hay tỏ thái độ hòa bình với Hoa Kỳ và các đồng minh. Trên thực tế, hệ tư tưởng hiện đại của Nga vẫn còn rất đáng lo ngại, nó giống như chế độ độc tài kết hợp với dân tộc chủ nghĩa, và hòa trộn với một dạng chủ nghĩa đế quốc mềm. Quan chức Nga vẫn luôn bộc lộ khá rõ ràng ý định cân bằng đối trọng với Hoa Kỳ, phản đối thế đơn cực và cố gắng phục hồi vị thế bá chủ của Nga đối với các quốc gia kề cận. Xung đột lợi ích giữa Mỹ và Nga thể hiện rõ nhất ở Đông Âu, đặc biệt là vùng Baltic và Ukraina. Nga có lẽ đã đứng đằng sau một cuộc tấn công mạng vào Estonia – một đồng minh NATO – trong năm 2007, và vào năm 2008, nước này cho xâm chiếm Grudia, quốc gia khi đó có tiềm năng trở thành thành viên tương lai của NATO. Khi lòng yêu mến dành cho Tổng thống Vladimir Putin ở quê nhà bị xói mòn, không khó tưởng tượng ông sẽ sẵn sàng liều lĩnh đẩy một cuộc khủng hoảng bên ngoài lên cao trào một để có thể dành được những lời tán dương và ủng hộ mang nặng màu sắc dân tộc chủ nghĩa trong nước.
Mức độ đe dọa của Trung Quốc ngày nay rõ ràng lớn hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh. Quan hệ Trung-Mỹ đã trải qua hai giai đoạn trong Chiến tranh Lạnh. Từ năm 1950 đến năm 1972, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tuyên bố là kẻ thù của nhau và từng lao vào một cuộc Chiến tranh Triều Tiên bế tắc và đẫm máu, nhưng tình trạng thù địch công khai này ít nguy hiểm hơn vì Trung Quốc có điểm yếu là nền kinh tế kiệt quệ. Từ năm 1972 đến năm 1989, thái độ thù địch lẫn nhau của hai nước giảm đi đáng kể, nhưng đồng thời sức mạnh của Trung Quốc bắt đầu phát triển một cách nhanh chóng khi quốc gia này tự do hóa kinh tế và hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Từ trước đến nay, Hoa Kỳ đã chưa từng phải đối mặt với một Trung Quốc vừa hùng mạnh và vừa thù địch, nhưng quá trình hiện đại hóa kinh tế và quân sự rõ ràng đã đưa Trung Quốc trở thành một trong những cường quốc lớn trên thế giới hiện nay. Trong số những phẩm chất cho vị thế này có thể kể đến vũ khí hạt nhân, năng lực tên lửa đạn đạo và khát vọng đạt được sức mạnh hải quân trên đại dương. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, như các cộng sự người Nga, vẫn không ngần ngại tuyên bố công khai thái độ phản đối thế đơn cực của Mỹ, chủ ý sửa lại trật tự thế giới, và mong muốn nắm giữ một phần uy thế và ảnh hưởng lớn hơn trên toàn cầu. Trên thực tế thế giới hiện nay có một số điểm nóng mà từ đó ý đồ xét lại của Trung Quốc có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng quân sự cho Hoa Kỳ hay các đồng minh, bao gồm Đài Loan,[8] bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. Hơn nữa, quan hệ Mỹ với Trung Quốc thường dễ leo thang căng thẳng, ví dụ như trong giai đoạn vụ thảm sát Thiên An Môn diễn ra vào năm 1989, cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1996, sự cố EP3 vào năm 2001 (khi một chiếc máy bay thu thập thông tin tình báo Mỹ va chạm với một máy bay chiến đấu Trung Quốc), và các thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh trong năm 2007, chưa nói đến các vụ mua bán vũ khí hàng năm của Mỹ cho Đài Loan. Nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng quân sự với Trung Quốc ngày nay đang ở mức cao nhất (và hậu quả mà nó mang lại chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn) kể từ Chiến tranh Triều Tiên.
Ngoài Nga và Trung Quốc, hiện nay còn đến ba chế độ độc tài hạt nhân có thái độ thù địch với Hoa Kỳ. Bắc Triều Tiên và Iran là kẻ thù công khai của Hoa Kỳ, trong khi Pakistan cũng đang chông chênh trên bờ vực. Pakistan và Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần lượt vào năm 1998 và 2006, Iran cũng gần như chắc chắn sẽ phát triển năng lực vũ khí hạt nhân. Cả ba quốc gia này đều đã đầu tư vào tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa có thể nhắm trúng đồng minh của Mỹ, và, bất chấp thất bại của vụ thử tên lửa mới đây của Bắc Triều Tiên, Mỹ phải cân nhắc nghiêm túc nguy cơ bất kỳ nước nào trong ba nước này sẽ sớm có thể sản xuất tên lửa có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ. Ngoài ra, do còn thua kém về công nghệ cũng như yếu kém tương đối trong đối đầu quân sự truyền thống, Iran, Bắc Triều Tiên và Pakistan đã tiến hành nâng cấp sân chơi bằng cách đầu tư vào năng lực quân sự phi truyền thống và năng lực khủng bố.
Vì vậy, chính sách cân bằng quyền lực là một công cụ cần thiết và quan trọng trong các chính sách nền tảng của Mỹ. Nỗ lực cân bằng quyền lực của Mỹ nên nhắm đến mục tiêu ngăn chặn bất kỳ quốc gia thù địch nào sở hữu đủ sức mạnh để đe dọa sự tồn tại của Hoa Kỳ, của đồng minh hoặc cả trật tự thế giới tự do. Xét trên thực tế, điều đó có nghĩa là: trước tiên, ngăn chặn một liên minh kiểu Phe Trục giữa ít nhất hai quốc gia bất kỳ trong nhóm thù địch, chẳng hạn như một liên minh Nga-Trung Quốc hoặc Trung Quốc – Pakistan. Một mối liên kết như vậy, dù khó xảy ra vào thời điểm này, sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến khả năng tự do hành xử của Hoa Kỳ và đe dọa trật tự thế giới tự do. Ý nghĩa thứ hai, và cũng thiết thực hơn cho quá trình hoạch định chính sách ngắn hạn, là ngăn ngừa bất kỳ chế độ chuyên quyền hạt nhân nào mở rộng ảnh hưởng một cách bất hợp pháp bằng cách xâm chiếm, lật đổ hoặc đe dọa. Các chế độ chuyên quyền hạt nhân đều có quá khứ theo đuổi chính sách này từ lâu, như việc Nga xâm lược Grudia năm 2008 và lợi dụng các nguồn cung cấp khí đốt để đe nẹt Ukraina; hay Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thường xuyên đe dọa Đài Loan và Hàn Quốc, và Iran cùng với Pakistan liên tục hỗ trợ cho các chiến binh và ủng hộ những cuộc chiến tranh qua tay người khác (proxies) trên khắp Trung Đông và Nam Á. Nếu để cho những chính sách này thành công sẽ không khác nào khuyến khích thái độ gây hấn hung hăng, từ đó “xây dựng” một hệ thống quốc tế trong đó những kẻ chuyên đi gây hấn dần dần chiếm được quyền lực và cuối cùng đàn áp những quốc gia hòa hiếu.[9] Giải pháp rõ ràng ở đây là phải xây dựng một dạng hệ thống khác, trong đó thái độ hung hãn sẽ phải đối đầu với sự phản kháng tập thể. Vì vậy, Mỹ và đồng minh phải cân bằng chống lại các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của các chế độ chuyên chế hạt nhân.
Phương tiện hiệu quả nhất giúp Hoa Kỳ có thể cân bằng giữa các cường quốc khác là duy trì liên minh với những nền dân chủ anh em trên toàn thế giới. Mỹ cân bằng với Nga thông qua NATO, và cân bằng với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thông qua một mạng lưới các liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Thái Lan, Philippines và Đài Loan. Những đồng minh này giúp neo giữ ổn định khu vực và cảnh báo Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên họ sẽ phải trả giá rất đắt nếu có bất kỳ hành động gây hấn hoặc bành trướng nào. Cả hai chuỗi liên minh đều gắn kết sâu sắc và lâu dài với Hoa Kỳ, và chính phủ đã luôn sáng suốt khi coi việc duy trì và làm sâu sắc những mối liên minh này là một phần trong những công tác cơ bản để thiết lập an ninh quốc gia Mỹ (và điều này nên được tiếp tục tiến hành trong tương lai). Tuy nhiên, cả hai chuỗi đều phải đối diện với những thách thức.
NATO bị pha loãng khi chịu nhồi nhét nhiều sứ mệnh hơn bao giờ hết, bao gồm cả phòng thủ mạng, chống cướp biển và gìn giữ hòa bình, và bị suy yếu do việc chia sẻ gánh nặng không đồng đều trong những chiến dịch ngoài lãnh thổ của tổ chức như tại Afghanistan và Libya. Tổ chức có nguy cơ bị biến thành một “diễn đàn phát biểu đa dụng” (all-purpose talk-shop) với chức năng chủ yếu là phủ ánh hào quang đẹp đẽ của chủ nghĩa đa phương lên những sáng kiến của Hoa Kỳ. Điều cần làm hiện nay là đặt ưu tiên cho việc chuyển hướng mục tiêu của Đồng minh trở về với nhiệm vụ chính của nó: phòng thủ Châu Âu. Trong khi đó, một khu vực Thái Bình Dương chắp vá bởi những điều ước quốc tế song phương và tam phương đan chéo nhau đang phải chịu tình trạng thiếu phối hợp và bị chia rẽ, và điều này có nguy cơ trở thành một điểm yếu cho vị thế của Mỹ trên sân chơi tại đây. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có lẽ đang nghiên cứu khả năng chính thức hóa một Tổ chức Hiệp ước chung Thái Bình Dương (PTO) đi theo mô hình từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Để hiện thực hóa ý tưởng này cần phải khắc phục được những thù hằn trong lịch sử thường thấy giữa những nước như Hàn Quốc và Nhật Bản, và điều này, như đã có tiền lệ trước đó là quá trình xích lại gần nhau giữa Pháp và Đức thời hậu chiến chứng minh, có thể sẽ khó khăn nhưng không phải không thể.
Vị thế của Mỹ ở Trung Đông và Nam Á rõ ràng yếu hơn so với ở châu Âu hay Đông Á. Washington có tương đối ít đồng minh đáng tin cậy tại khu vực này để có thể sát cánh chống lại Iran, và có khả năng là cả Pakistan. Israel là một Đồng minh ngoài NATO chủ chốt đầy quyền lực và dân chủ ở Trung Đông, nhưng liên minh Mỹ-Israel lại có hạn chế về khả năng hành động tự do và sức ảnh hưởng trong khu vực do các mối quan hệ nghèo nàn của Israel với thế giới Ả Rập; và mặc dù có ưu thế công nghệ nhưng Israel đơn giản là quá bé nhỏ để tham gia đóng góp thực sự và đáng kể cho một cuộc chiến tranh lớn với Iran. Ả Rập Xê-út có lẽ cũng có thiện chí và có cả khả năng đứng ra tập hợp một liên minh các quốc gia Ả rập để hợp tác cùng Mỹ chống lại Iran, nhưng dường như vương quốc này lại là một đối tác không đáng tin cậy: việc Ả Rập Xê-út từ chối tiến hành tự do hóa trong nước đang đẩy họ đến nguy cơ bất ổn chính trị, đồng thời thực tế nước này không có khả năng đa dạng hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt lại dẫn đến nguy cơ trì trệ kinh tế. Có không ít quốc gia khác trong khu vực – như Jordan, Marốc, Ai Cập, Kuwait và Bahrain – được xác định là đồng minh của Mỹ, nhưng họ lại không có khả năng hoặc không sẵn sàng theo đuổi lâu dài một chiến lược khu vực. Quả thực, khả năng đóng góp của bất cứ quốc gia Ả rập nào trong vai trò là một đồng minh của Mỹ ngày càng không chắc chắn khi tầm quan trọng của khu vực Trung Đông đang suy giảm và các quốc gia khu vực nói chung vẫn từ chối đứng về phía Washington một cách công khai trong mọi vấn đề nghị sự quan trọng do lo sợ phản ứng từ dân chúng trong nước.
Việc Mùa xuân Ả Rập có chứng tỏ là buổi bình minh đáng mong đợi cho chủ nghĩa tự do ở Trung Đông hay không vẫn là điều chưa chắc chắn, nhưng nó có thể là một lợi thế cho Hoa Kỳ trong việc tăng cường khả năng bảo vệ lợi ích trong khu vực. Tổng thống Obama đã đúng khi ông tuyên bố (hơi muộn màng) với thế giới Ả Rập tháng 5 năm 2011 rằng “Mỹ ủng hộ toàn bộ quyền cơ bản của con người, bao gồm tự do ngôn luận, tự do tụ tập hòa bình, tự do tôn giáo, bình đẳng cho nam giới và nữ giới theo pháp quyền, và quyền lựa chọn các nhà lãnh đạo của riêng mình – dù bạn sống ở Baghdad hay Damascus, Sanaa hay Tehran”. Đó là lý do tại sao “điều này sẽ là chính sách của Hoa Kỳ để thúc đẩy cải cách trên toàn khu vực, và để ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ”, ông nói.[10] Thật không may, vẫn chưa rõ Hoa Kỳ có trong tay những công cụ gì để tác động đến tiến trình Mùa xuân Ả Rập ngoại trừ những lời lẽ ủng hộ khoa trương, các chương trình đào tạo xã hội dân sự và giám sát các cuộc bầu cử. Sau khi sử dụng hết vốn liếng chính trị của mình vào cuộc chiến ở Libya, Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây dường như không thể tập hợp một liên minh để can thiệp vào cuộc chiến có tầm quan trọng chiến lược hơn nhiều ở Syria. Ít nhất thì hiện nay, sự kiện mang tính quyết định cho cả một giai đoạn lịch sử ở Trung Đông này đang gần như nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Đối tác (ngoài mặt) của Washington ở Nam Á là Pakistan, nhưng Islamabad rõ ràng vẫn luôn tỏ ra do dự khi ủng hộ các lợi ích của Mỹ trong khu vực và, trên thực tế, họ thường hành động chống lại những lợi ích này. Trong nội các Pakistan có những nhân tố khuyến khích phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong khi những nhóm khác tiếp tục hỗ trợ các nhóm chiến binh và khủng bố và có những nhóm tiếp tục đóng một vai trò tiêu cực trong vấn đề Afghanistan. Thêm vào đó, chính phủ dân sự lên nắm quyền vào năm 2008 cũng rõ ràng không nắm toàn quyền kiểm soát chính sách đối ngoại và quốc phòng của Pakistan. Năm 2011 quan hệ Mỹ- Pakistan xấu đi đáng kể sau khi một nhân viên lãnh sự Mỹ bắn chết hai người Pakistan vào tháng Giêng, sau đó là cuộc đột kích đơn phương của Mỹ vào khu nhà Osama bin Laden ẩn nấp tại Abbottabad tháng Năm, và cái chết của 24 binh sĩ Pakistan trong một cuộc không kích của NATO vào một tiền đồn biên giới vào tháng Mười Một.[11]
Chiến lược của Mỹ dựa vào các thành phần được cho là trung hòa hoặc thân Mỹ trong nội các Pakistan đang ngày càng có vấn đề. Để tránh nguy cơ chỗ dựa của Hoa Kỳ bên trong chính phủ Pakistan bị sụp đổ và kéo theo vết trượt dài sau đó là Pakistan tỏ rõ thái độ thù địch công khai, Washington nên tìm cách đa dạng hóa vị thế của mình ở Nam Á bằng cách vun đắp và tăng cường những mối quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực. Ví dụ, mối quan hệ gần gũi của Washington với Kabul – mới được chính thức hóa bởi Hiệp định đối tác chiến lược Mỹ-Afghanistan và việc Afghanistan trở thành một Đồng minh ngoài NATO chủ chốt – hay mối quan hệ đang phát triển của Mỹ với New Delhi cho thấy Hoa Kỳ có những lựa chọn thay thế để đặt những căn cứ quan trọng và chia sẻ thông tin tình báo. Afghanistan chắc chắn sẽ là một địa điểm thuận lợi không kém để đặt các thiết bị cao cấp cho trinh sát và giám sát các mạng lưới phiến quân ở Nam Á, và thậm chí còn thuận tiện hơn nếu đặt các thiết bị nhắm vào Nga và Iran.
Củng cố quan hệ với Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới và một siêu cường kinh tế đang lên, mang lại nhiều lợi ích đến mức khó có thể bỏ qua cho Hoa Kỳ ở cả hai khu vựcĐông và Nam Á. Như tác giá đã nêu trong một bài viết trước đây:
Với một thế hệ trẻ đông đảo, tài năng, có thể nói tiếng Anh và được giáo dục tốt, [Ấn Độ là] một đối tác thương mại giá trị đầy tiềm năng của Hoa Kỳ. So với Trung Quốc, sức tăng trưởng của Ấn Độ có khả năng bền vững hơn. Dân số nước này đang và sẽ tiếp tục trẻ hóa, nhờ không áp dụng chính sách một con. Người Ấn Độ được tự do bày tỏ những bất bình của họ một cách hợp pháp bằng lời nói và qua sách báo hoặc thông qua những lá phiếu bầu cử, và có thể tổ chức biểu tình và tuần hành mà không sợ bị chính phủ đàn áp bạo lực. Thành quả tăng trưởng của Ấn Độ phần lớn xuất phát từ cách mạng trong các ngành giá trị cao và công nghệ thông tin hơn là từ đầu tư cơ sở hạ tầng phụ thuộc chủ yếu vào định hướng nhà nước như của Trung Quốc.[12]
Ngoài ra, Ấn Độ cùng chia sẻ với Washington mối quan ngại về Trung Quốc và khủng bố thánh chiến.
Toàn văn bài phân tích: