Đoạt nhiều học bổng, giải thưởng giá trị và là gương mặt du học sinh Việt tiêu biểu tại bang California (Hoa Kỳ), chàng trai 8x Nguyễn Đình Phú (nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành tài nguyên nước tại ĐH UC Irvine) cho biết những thành quả bạn đạt được đến từ việc kiên trì làm… khác người.
Nguyễn Đình Phú tại Trung tâm Khí tượng thủy văn và viễn thám của ĐH UC Irvine, Hoa Kỳ – Ảnh: C.Nhật
Đình Phú đã trò chuyện với NST tại khuôn viên Trường UC Irvine một sáng đầu năm 2014.
* Thật bất ngờ khi biết người Việt duy nhất tại Trung tâm Khí tượng thủy văn và viễn thám (CHRS) của ĐH UC Irvine với nhiều công trình nghiên cứu gây tiếng vang lại có quá khứ nhà nông…
– Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc tỉnh Bình Định, nên như bao trẻ đồng trang lứa, từ nhỏ tôi mỗi ngày học một buổi, buổi còn lại đi chăn bò, lội ruộng phụ gia đình việc đồng áng.
Đến năm tôi đang học lớp 8, mẹ mua về một con bê và bảo tôi hãy nuôi bê chóng lớn, mắn đẻ vì đó sẽ là “kinh phí” cho tôi học đại học. Cuộc sống nhà nông vất vả, cách giáo dục đậm chất dân dã nhưng cũng nhờ đó tôi có động lực học để thay đổi số phận.
Có lẽ máu nông dân sẵn trong người nên tôi học đầy say mê chuyên ngành tài nguyên nước (ĐH Bách khoa TP.HCM) lúc đó còn rất mới mẻ và chẳng chút thời thượng. Hướng đi trên vừa hun đúc hi vọng chung tay giúp được người dân quê nhà, vừa giúp tôi thoát khỏi sự cạnh tranh khi kiếm việc sau đó.
* Nhiều người lại nghĩ khác, ví như một số bạn trẻ đã viết thư than với NST rằng đã bị thất nghiệp triền miên do lỗi chọn học ngành không “hot”…
– Trong trường hợp này người trẻ nên nhìn lại bản thân thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh. Họ đã học hết mình hay chỉ cố cho xong tấm bằng?
Cá nhân tôi, nhờ kiên trì theo đuổi con đường “ngách” ít người lựa chọn mà rất nhiều cánh cửa đã mở ra. Bên cạnh học bổng hệ thạc sĩ, tiến sĩ, tôi cũng được nhận giải thưởng, học bổng từ trường và các cơ quan lớn như: Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), Cục Quản lý đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA), Hội Địa lý Hoa Kỳ (AGU), Quỹ nghiên cứu quốc gia Mỹ (NSF)… Tôi cũng thường xuyên được mời tham dự những hội thảo lớn trong ngành, có nhiều cơ hội việc làm.
Hiện tôi đang được làm việc trực tiếp với giáo sư Soroosh Sorooshian, một nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước trên thế giới. Nếu ngày đó tôi theo đuổi những ngành thời thượng thì có lẽ đã không có những cơ hội này.
* Điều anh nói chắc chắn sẽ khiến không ít bạn trẻ ấm ức…
– Giới trẻ Việt đều thông minh, chăm chỉ… nhưng họ lại thiếu kỹ năng mềm, khả năng tự học cũng như tư duy độc lập. Chẳng hạn họ thường chọn đi theo con đường của số đông để hạn chế những sai lầm, rủi ro từ sự mới mẻ, nhưng chẳng ngờ điều đó hạn chế cả cơ hội cho chính mình. Hoặc một số bạn thất vọng vì bị “đậu vớt” vào ngành kém thời thượng nên đâm ra lười phấn đấu mà không biết rằng đôi khi “trong cái rủi có cái may”, ngành càng hiếm thì khả năng vươn lên càng cao. Có thể những cơ duyên trên đến từ việc tôi may mắn ở chỗ được cha mẹ tôn trọng, cho chọn con đường để tự đi và tự chịu trách nhiệm.
* Anh khẳng định “Sẽ trở về sau khi hoàn thành chương trình học”, vì sao?
– Ngay từ đầu tôi đã xác định sẽ trở về nước theo cam kết chương trình học bổng 322 nên quyết định này không quá khó.
Có thể còn nhiều gian truân, thử thách nhưng tôi thấy không sống ở đâu bằng sống trên quê hương. Ngay cả khi ở Mỹ, tôi cũng thường xuyên theo dõi, nối kết hoạt động cộng đồng du học sinh Việt để mọi người hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Gần đây nhất, Hội TNSV VN tại Mỹ chúng tôi đã quyên góp được 12.000USD ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung năm 2013.
* Và còn vì một ước mơ đã ấp ủ bao năm?
– Tại CHRS, tôi đang tập trung nghiên cứu hai mảng chính là phát triển thuật toán quan trắc mưa từ thông tin viễn thám và xây dựng mô hình cảnh báo lũ toàn cầu với độ phân giải cao. Những nghiên cứu này sẽ có nhiều ứng dụng cho VN trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước và phòng chống, hạn chế tác hại của thiên tai, đặc biệt là lũ lụt và hạn hán. Tôi luôn mong mỏi đem những kiến thức lĩnh hội được về hỗ trợ người dân quê mình.
——
“Một trong những học trò xuất sắc nhất!” |
Đó là khẳng định của giáo sư cao cấp Soroosh Sorooshian, giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn và viễn thám tại ĐH UC Irvine, dành cho Đình Phú. Ông nói thêm: “Phú không chỉ tài năng, chăm chỉ mà còn có tài lãnh đạo, rất khiêm tốn. Với tôi, Phú là một đại sứ văn hóa tuyệt vời”.
Nguyễn Đình Phú hoàn thành bằng thạc sĩ quản lý tài nguyên nước tại ĐH Melbourne năm 2008 (học bổng Phát triển của Chính phủ Úc – ADS). Phú trở về công tác tại ĐH Nông lâm TP.HCM trước khi theo chương trình nghiên cứu sinh tại Mỹ năm 2010 (học bổng 322). Cuối năm 2013, Phú được đích thân hiệu trưởng Trường ĐH UC Irvine trao tặng giải thưởng Nghiên cứu sinh năm cuối có thành tích xuất sắc và có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Theo Công Nhật/Báo Tuổi Trẻ