Bố mẹ tôi từ Hà Nội sang bang Michigan để thăm con trai bảo vệ luận án tiến sỹ ở Mỹ. Ra đi co ro trong cái rét Hà Nội đang gió mùa đông bắc, cảm giác chẳng nơi nào lạnh hơn được nữa. Nhưng, đến Michigan – một bang nằm sát biên giới Canada – thì chân tay cóng lại, cái lạnh âm độ khiến ông bà như tê cứng, mới “ngộ” nếu rét như Hà Nội thì ở bên này người ta chỉ mặc sơ mi. Và những chuyện khó tin đã diễn ra trong cái lạnh khó tin ấy.
Theo các chuyên gia khí tượng thông tin, nước Mỹ lúc này đang bị tấn công bởi “lốc xoáy vùng cực” (polar vortex) tràn xuống khiến nhiệt độ giảm thấp ở mức kỷ lục trong vòng 20 năm nay. Lốc xoáy vùng cực là các khối khí lớn, rất lạnh có mặt ở hai cực (Bắc Cực và Nam Cực) của Trái đất. Không khí lạnh bên trong các cơn lốc xoáy này sẽ liên tục xoáy tròn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Khi di chuyển trong không trung, không khí của lốc xoáy sẽ ngày một lạnh và “đặc” hơn. Do đó, khi những lốc xoáy Bắc Cực tràn xuống nước Mỹ, đem theo trận bão tuyết với mật độ dày đặc. Tuyết trước khi rơi xuống đã đóng thành băng đá khiến cho cả nước Mỹ dường như “đông đá”.
Em trai tôi ở một khu chung cư gồm nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh người Việt. Đêm ấy, nhóm sinh viên người Việt mở tiệc tất niên. Mười mấy người tụ trong một căn hộ có lò sưởi chạy hết công suất. Nhưng bữa tiệc có nguy cơ phải “hoãn” vì vòi nước trong bếp không chảy. Nước máy cũng đã đóng thành băng. Mấy cậu sinh viên nhanh trí đã lấy lửa đốt vào đầu vòi cho băng tan ra, nước lại chảy. Nhưng chảy được một lúc nước lại đóng băng khiến cho một cậu phải thường trực cầm lửa hơ vòi nước. Bữa tiệc có món rượu vodka vốn xa lạ với sinh viên ở đây nhưng hôm nay mỗi người cũng uống ít nhất một chén để nhờ chất men ủ ấm cơ thể.
Ở trong nhà, cái lạnh không chạm tới được nhưng chỉ bước ra khỏi cửa, giá rét như cắt da, cắt thịt. Nhưng những du học sinh người Việt vẫn phải ra khỏi nhà để mua thực phẩm dự trữ cho những ngày băng giá sắp tới.
Trần Bảo Linh, quê ở xứ nhiệt đới Nam bộ mới sang đây đã bập vào cái rét kỷ lục, dường như không thể chịu nổi, dù công việc phải ra ngoài nhưng đành ở trong nhà. Khi hết đồ ăn, Linh đánh liều tới siêu thị. Linh mặc quần áo dày cộp như một tấm chăn, đeo găng tay và đeo kính bảo hộ, quấn khăn len dày che kín mặt. Tuyết phủ dày, đường đóng băng. Linh trượt ngã trên băng và loay hoay mãi như một chú rùa bị lật ngửa vì quần áo ấm giày tất quá nặng. May cho Linh có người phát hiện thấy mới đỡ “cái chăn động đậy” lên.
Bố mẹ tôi qua Mỹ cũng phải cố thủ trong nhà. Qua đất nước giàu mạnh nhất thế giới mà chỉ đóng cửa ngồi nhà thì chẳng khác gì ở Việt Nam. Thôi thì cũng lại “liều” ra ngoài xem nước Mỹ nó thế nào. Nào ngờ mở cửa ra thấy xung quanh trắng xóa tuyết, thành phố hoang vắng như thành phố ma, chỉ tiếng của những xe cứu hộ kéo xe bị mắc kẹt trên băng tuyết. Hơi thở của mẹ tôi tưởng như có thể đóng thành băng, và da mặt cho đến lông mi như có ngàn cái kim đâm và đang khô dần. Lại phải lao ngay vào nhà cho lành. Cảm nhận được Mỹ trong 4 bức tường và cái lạnh thấu xương. Thỉnh thoảng muốn mở cửa cho thoáng vì lò sưởi chạy cả ngày đêm, bức bí. Hất một cốc nước sôi qua cửa sổ, rơi xuống tuyết đã thành băng.
Trong cái lạnh âm 400C, em trai tôi – Nguyễn Hữu Phước Nguyên cùng các du học sinh Việt Nam phải lên đường tới Colombia, Missouri để dự hội thảo thường niên trong 3 ngày của quỹ giáo dục VFF. Lên đường vào lúc này hẳn rất mạo hiểm vì cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết nhiệt độ ở trên đường tới Missouri lạnh hơn bề mặt sao Hỏa. Robot tự hành Curiosity của Cơ quan Hàng không – vũ trụ Mỹ (NASA) vừa thông báo nhiệt độ trên bề mặt sao Hỏa là âm 250C. Một số khu vực bang Montana dao động mức âm 400C đến 500C ở nhiều nơi thuộc các bang Illinois, Indiana, Iowa, Maryland, Michigan, Minnesota, Nebraska…
Ô tô bị cặp đông trong băng giá.
Mặc dù vậy, đây là cuộc gặp của hơn 100 sinh viên người Việt nhận được học bổng của Tổng thống Mỹ nên cả nhóm vẫn quyết lên đường trên chiếc xe Ford 7 chỗ. Quãng đường từ Michigan tới Missouri dài tới 1.000km, tới bang Illinois đường đóng thành băng, nhiều xe gây tai nạn, ách tắc dài cả cây số. Xe trượt trên băng rất dễ mất lái nên tốc độ chỉ 15 – 20km/h. Muốn xe dừng lại thì đừng phanh, phải buông chân ga, cho trôi từ từ, hết đà thì dừng. Bình thường đến Missouri chỉ mất 12 tiếng nhưng hôm đó chiếc xe Ford bảy chỗ phải mất tới 28 tiếng mới tới đích. Nhưng chặng đường trở về mới thực sự là hành lộ nan.
Họ gặp những cảnh tắc đường vì tai nạn, từng đoàn ôtô kéo dài như bất tận. Xe dừng quá lâu, xăng sắp hết, họ phải giảm điều hòa nóng. Nếu để xe tắt máy thì rất dễ chết cóng và tính phương án gửi người qua xe containner nếu xăng cạn. Nhưng rất may, sau đó đường thông, họ lên đường, cứ gặp cây xăng nào là rẽ vào đổ đầy bình, mua thêm đồ ăn, đề phòng đường lại tắc và xe dừng nổ máy lâu. Đến Illinois, không một khách sạn nào còn phòng. Đang lúc tưởng như không chốn nương thân thì họ tìm được một nhà thờ cho ngủ nhờ. Trong nhà thờ có máy sưởi, có khoảng 200 khách đi đường nằm ngủ la liệt trên sàn. Sáng ra họ được mời ăn sáng miễn phí và tiếp tục chuyến đi bão tuyết về Michigan.
Những du học sinh Việt Nam từ Missouri trở về bằng đường không cũng chẳng bớt gian nan hơn đường bộ. Nhiệt độ quá lạnh khiến sân bay St.Louis ở Missouri đóng cửa, tất cả các chuyến bay bị hủy khiến cho nhiều sinh viên Việt không thể trở về. Mấy ngày sau sân bay St.Louis, sân bay Detroit và hàng chục sân bay khác vẫn la liệt người ăn chực nằm chờ trong “tủ đá”.
“Lá lành đùm lá rách” trong băng giá Mỹ
Bố mẹ tôi sau những ngày cố thủ trong nhà, cuối cùng cũng phải lên ôtô đi vào cái “tủ đá” khổng lồ du ngoạn nước Mỹ. Cái lạnh khắc nghiệt nhưng cũng làm xuất hiện những cảnh tượng kỳ lạ. Đó là ngọn hải đăng ở hồ Michigan đóng thành băng tuyết. Ngay cả ngọn sóng cũng hoá thành đá, bất động. Ven hồ, những hòn băng to tròn như quả tạ bỗng dưng dạt vào. Đó là dòng sông Chicago đóng thành băng, nhiều con tàu cũng đông cứng lại.
Thác Niaraga – dòng thác khổng lồ hùng vĩ đổ từ biên giới Canada sang đất Mỹ cũng đóng băng tạo nên một cảnh tượng kỳ vỹ xưa nay ít thấy.
Chị Cẩm Vân – một Việt kiều ở bang Ilionois kể cho tôi nghe qua thư điện tử: “Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa gặp cái lạnh nào khủng khiếp như vậy. Băng tuyết làm nứt cả cửa kính, đóng băng cả nước bồn cầu, gấu Bắc Cực cũng không chịu nổi.
Trong giá rét, cộng đồng người Việt ở chỗ tôi vẫn đùm bọc nhau. Chúng tôi phân công nhau tới chăm sóc một số cụ già người Việt đang đơn thân. Khi tôi đến nhà cụ Can – thì thấy cụ đã bất động, nhà lạnh buốt. Hoá ra, nhà bị chập điện, lò sưởi ngừng hoạt động, cụ quá già không thể làm gì được. Tôi chỉ cần chậm mấy phút là không cứu được cụ. Người Việt ta vẫn có truyền thống lá lành đùm lá rách, nên dù ở Mỹ vẫn không để đồng bào mình bị đói rét, cô đơn”.
Sáng ấy, chị Vân mở cửa thấy một người Mỹ vô gia cư đang nằm rét run trước nhà, ghé chút ấm từ ống lò sưởi. Chị mời ông già vào nhà, lấy thức ăn nóng cho ông ăn và tặng ông tấm chăn ấm. Ông già rơi nước mắt, vẻ ngạc nhiên. Chị Vân bảo: “Người Việt chúng tôi có câu: “Lá lành đùm lá rách”, xin ông cứ tự nhiên”.
Chị Vân viết qua thư điện tử: “Cái lạnh đáng sợ nhưng sẽ ổn nếu mọi người quan tâm đến nhau. Bây giờ tôi mới thấm thía câu:”Nơi lạnh nhất không phải Bắc Cực hay Nam Cực mà là nơi thiếu hơi ấm tình người”.
Theo Phùng Nguyên/báo Tiền Phong