Là người luôn quan tâm đến du học sinh và đặt giáo dục là trọng tâm trong nhiệm kỳ đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã dành cho sinhvienusa.org cuộc trao đổi thẳng thắn về góc nhìn của ông với du học sinh nhân dịp đầu năm mới.
Bài phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cũng tạm khép lại chuyên đề “Sếp Việt nghĩ gì về du học sinh”. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chuyên đề như: Làm sao để xin việc làm tại Mỹ? Tôi đã khởi nghiệp như thế nào?… Rất mong nhận được sự đóng góp, phản hồi của các bạn.
Thưa Đại sứ, là người thường xuyên tiếp xúc với du học sinh, điều gì khiến ông ấn tượng với các bạn trẻ đang học và nghiên cứu ở Mỹ?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Các bạn du học sinh ở Mỹ là những người được đào tạo bài bản ở nền giáo dục có tiêu chuẩn cao, do đó các bạn có điều kiện tiếp cận với những phương pháp nghiên cứu khoa học, làm việc hiệu quả. Tôi nhận ra rằng hầu hết các bạn không chỉ nghiên cứu đơn thuần mà đều ít nhiều có tố chất lãnh đạo và đã thực hành các phương pháp lãnh đạo rất tốt như kỹ năng làm việc nhóm, khả năng huy động nguồn lực, khả năng thuyết trình, gây quỹ…
Các bạn hiện đã xây dựng được một mạng lưới rất tốt, có thể nói Hội du học sinh Nam tại Hoa Kỳ, tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã nhanh chóng trở thành một trong những hội du học sinh VN năng động và mạnh nhất ở nước ngoài.
Tôi rất hoan nghênh các hoạt động đa dạng và bổ ích của Hội. Một trong những hoạt động đó chính là mạng lưới các nhà khoa học, trí thức Việt Nam tại Mỹ, nơi quy tụ những tinh hoa, những du học sinh xuất sắc nhất để đóng góp chất xám cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Thêm vào đó, mối quan hệ với các giáo sư, các bạn nước ngoài cũng là tài sản vô giá mà các bạn có thể tiếp tục phát huy nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng trong nghiên cứu sau này. Các bạn có thể mời các giáo sư danh tiếng, các bạn học thực hiện các nghiên cứu về Việt Nam, giải quyết các vấn đề lớn mà đất nước đang đối mặt như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, phòng chống thiên tai…
Một điểm nổi bật khác là các bạn hết sức năng động và luôn chú trọng phát huy bản sắc của người Việt tại Mỹ.
Nhiều bạn nói rằng họ rất sợ khi về nước làm nghiên cứu phải đi xin dự án, xin tiền với nhiều thủ tục rườm rà, thiếu minh bạch, thậm chí bị gợi ý hối lộ, ăn chia mới được việc. Ông nói gì với họ về điều này?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Tôi nghĩ chuyện đó không phải không có nhưng không phải tất cả mọi nơi đều có vấn đề. Các bạn du học sinh là nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ quan, tổ chức nào cũng cần người giỏi và họ phải tạo ra môi trường tốt để giữ người giỏi. Các bạn chính là những người có quyền lựa chọn, nếu những nơi nào có môi trường không tốt, các bạn có thể chuyển chỗ làm. Tôi nghĩ rằng với những người giỏi và năng động thì không bao giờ sợ thất nghiệp, các bạn có rất nhiều lựa chọn, từ các viện nghiên cứu đến các trường đại học hay doanh nghiệp nhà nước, hiện nay các trường tư thục, trường quốc tế cũng mở ra rất nhiều và cần nhiều người giỏi. Các doanh nghiệp lớn cũng đang hướng mạnh vào R&D và đó là cơ hội cho các bạn.
Ngoài ra, các bạn có thể tự mình hoặc lập một nhóm để lập doanh nghiệp. Tôi được biết có khá nhiều bạn du học sinh đã thành công với các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam. Đây là con đường rất tốt để các bạn trải nghiệm và làm chủ chính tương lai của mình.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ chính bản thân mình, làm thế nào để ông thành công khi trở về?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Như bản thân tôi, hồi tôi còn học tại Mỹ những năm 1996-1997, có anh bạn tâm sự: chắc tốt nghiệp ở Mỹ về thì mình sẽ chỉ được phân công làm thủ thư! Tôi nói vậy để thấy các bạn bây giờ thuận lợi hơn thời chúng tôi đi học trước rất nhiều bởi tư duy của nhà lãnh đạo, nhà quản lý hiện nay đã khác trước và các bạn có nhiều đất dụng võ hơn.
Để thành công, điều tôi tâm niệm là phải kiên trì và nỗ lực không ngừng. Chỉ kể một ví dụ nhỏ là khi tôi trở về, vào năm 1997, tôi thấy cơ quan tôi, là Bộ Ngoại giao dùng fax để fax tất cả các văn bản công khai sang cho các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở các nước, mỗi ngày lên tới hàng trăm trang, vừa rất tốn kém và mất nhiều thời gian, đôi khi lại bị lỗi không thể fax được. Tôi có gặp người trực tiếp phụ trách IT của Bộ đề xuất lý tưởng lập email ở tất cả các sứ quán, cơ quan ngoại giao VN để chuyển các văn bản thông thường thay cho fax. Ban đầu ý tưởng này không được chấp thuận với lý do các cơ quan đại diện ta chưa đủ trình độ sử dụng internet (bây giờ nghe chuyện này có vẻ là buồn cười và ấu trĩ, nhưng nên nhớ lúc đó mới là năm 1997!). Tôi không đồng ý với lập luận đó và trực tiếp gặp 1 đồng chí lãnh đạo Bộ để trình bày. Rất may, đồng chí Thứ trưởng đó đã đồng ý với đề xuất của tôi và cho triển khai ngay.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, nhưng tôi muốn nói là ban đầu có thể các bạn chưa thuyết phục được mọi người, nhưng các bạn cần kiên trì và chứng minh năng lực, tạo dựng uy tín của mình qua từng việc nhỏ. Tôi tin là các bạn sẽ thành công.
Với 16.000 du học sinh tại Mỹ, có người đưa ra con số: nếu chỉ tính 10.000 du học sinh diện du học tự túc, tính trung bình mỗi người tiêu 25.000 USD/năm (tức 500 triệu đồng) thì nền kinh tế Việt Nam mất tới 250 triệu đô la/năm, tức 5000 tỉ đồng cho du học sinh Mỹ. Điều này khiến một số người lo ngại chúng ta “chảy máu” ngoại tệ quá nhiều. Ông nghĩ sao về điều ý kiến?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Du học sinh Việt Nam sang Mỹ bằng nhiều nguồn khác nhau. Nhiều em sang học bằng các học bổng của chính phía Mỹ cấp như chương trịnh học bổng Fulbright, Quỹ giáo dục Việt Nam, và của rất nhiều trường Đại học có tên tuổi của Mỹ sau khi họ đã tuyển chọn trực tiếp các em học sinh xuất sắc nhât. Cũng có các em được cử sang theo các chương trình học bổng của Chính phủ Việt Nam, hoặc do các gia định các em hỗ trợ. Cho nên nêu làm phép tính đơn thuần như trên thì chưa chính xác.
Hơn nữa, đầu tư cho giáo dục là đầu tư dài hạn và bền vững nhất. Chính vì vậy, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước kinh tế phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, kể cả Pháp, Bỉ… cũng có rất nhiều sinh viên tới Mỹ học tập.
Đa số các du học sinh ta sau khi tốt nghiệp đã trở về nước làm việc, trực tiếp đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ngay cả những người chưa trở về ngay cũng không hẳn là chúng ta “chảy máu ngoại tệ, chảy máu chất xám”. Người Việt Nam là người trọng tình, dù ở đâu họ cũng có mối liên hệ với gia đình, họ hàng, đất nước. Các giáo sư người Việt ở lại Mỹ có thể giúp các sinh viên giỏi tìm học bổng, những người làm cho các doanh nghiệp có thể học hỏi kinh nghiệm quản lý, khả năng lãnh đạo và tích lũy vốn để họ trở về đầu tư ở Việt Nam hoặc lập các chi nhánh của các tập đoàn ở Việt Nam. Những người như Giáo sư Ngô Báo Châu, Vũ Hà Văn và rất nhiều giáo sư, các nhà trí thức Việt Nam khác đang làm việc ở Mỹ vẫn có thể trực tiếp đóng góp chất xám cho đất nước.
Tất nhiên, ở góc nhìn tổng thể, chúng ta cần nỗ lực cải cách giáo dục để nâng cao chất lượng các trường đại học, các viện nghiên cứu ở Việt Nam, để sinh viên Việt Nam ở trong nước cũng có điều kiện tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao với chi phí không quá đắt.
Nhân dịp năm mới, Đại sứ muốn nói gì với các bạn du học sinh ở Mỹ và các nơi trên thế giới?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Tôi đánh giá cao và cảm ơn trang tin www.sinhvienusa.org của Hội Thanh niên du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ đã trở thành cầu nối rất hữu ích giữa cộng đồng du học sinh Việt Nam ở Mỹ nói riêng và du học sinh khắp nơi trên thế giới cũng như giữa du học sinh với sinh viên và bạn trẻ trong nước.
Qua trang sinhvienusa.org, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới, năm Giáp Ngọ, tới tất cả các bạn du học sinh ở Mỹ và trên toàn cầu.
Tôi chúc các bạn luôn mạnh khỏe cả về thể chất và tinh thần, luôn giữ lửa đam mê học tập và nghiên cứu, khát khao cống hiến.
Tôi cũng mong muốn mỗi bạn khi ra nước ngoài học tập luôn thể hiện được những bản sắc tốt đẹp của người Việt, đó là tinh thần đoàn kết, chịu khó và sáng tạo. Các bạn và tôi luôn tự hào vì chúng ta là người Việt Nam. Ở phương diện quốc gia, tôi là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, còn các bạn, ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, các công ty hay các tổ chức, các bạn cũng là những đại sứ của nền văn hóa Việt Nam. Chúng ta đều cần làm hết sức để hoàn thành tốt vai trò đại sứ của mình.
Xin cảm ơn Đại sứ.
Káp Thành Long (thực hiện)