Đôi lúc tôi tự hỏi, cái cảm giác trông chờ Tết đến ở từng người có giống nhau không và giống khác đến mức độ nào. Nếu không nói ra, viết ra thì có ai biết được rằng các cảm nhận đó ra sao.
Tết như một lời nhắc nhở và như một món quà tạo hóa dành cho con người, vốn cứ mải mê tất bật phấn đấu, sinh tồn trong một năm dài. Không chịu ảnh hưởng của Tết, có lẽ chỉ là những ẩn sĩ sống trong núi, quanh năm diện bích kiếm tìm chân lý. Còn kẻ tha phương hay người du tử lạnh lùng nhất cũng nhớ về quê hương thương mến một thời. Anh lính thì bâng khuâng “nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa …”. Trẻ con rồi lớn dậy đều có một nao nức, trông chờ, dường như tất cả những gì tốt đẹp nhất đều ở phía trước, đều nằm trong mấy ngày Xuân ấm áp cả.
Nắng
Nắng giáp Tết miền Nam rất lạ kỳ, sóng sánh như rung theo cây lá, xuyên qua không trung để rồi chạm vào một cánh tay, một đôi má, một mái tranh và làm rực rỡ tất cả lên. Thẹn thùng mấy đi nữa thì cũng sẽ đẹp hơn. Đạm bạc mấy thì cũng hân hoan lên. Đâu cần trông chờ chi nữa, mùa Xuân đây rồi…Có những năm khoảng 98, 99 nắng và nóng phả vào mọi thứ gắng bắt gặp nhưng không làm ta bực mình, chỉ khiến cơn khát gắt hơn, và ly nước ngọt hơn ngày thường. Xe cộ dường như chạy nhanh hơn để tránh cái nắng. Ấy vậy mà đường phố chính Sài Gòn lại đông người hơn, tìm đến với cái nắng nhiều hơn. Bạn sẽ thấy nắng như treo trên những tàn cây dọc các con đường gần Sở Thú, nắng làm lẫn lộn lá cây vàng úa với những lá còn xanh. Bỗng chốc tất cả xào xạc như có một người khổng lồ vô hình đang rung cây. Tản bộ ngắm nắng mấy ngày này thật không có gì bằng.
Nắng Tết cao nguyên nữa chứ. Bạn hãy ghé thăm Kiến đức, Gia Nghĩa mùa này trong năm. Hãy giong ruổi trên con đường ven những triền đồi nhìn nương rẫy bên dưới từng vạt…thoắt nắng thoắt râm vì mây trên trời mãi ra đi.. ” Mây trên trời nghìn năm lữ thứ”. Thú vị là nắng mà không nóng như nắng Sài gòn hay nắng miền Tây.
Gió Tết
Gió ríu rít thổi từng vạt lá khô ven đường thôn. Vút qua từng vạt lá. Làm những tà áo dài mềm mại hơn. Làm những đường cong táo bạo hơn nhưng không mất đi e ấp mỹ miều. Trong gió như có nhạc, réo rắt và làm cho người ly khách bớt cảm thấy cô độc. Từ phía nhà hàng xóm dưới sông Vệ, gió mang về một bài ca xuân xuyên qua bãi mía làm anh học trò ngẩn ngơ hồi lâu. Trong phút chốc, nhạc không còn vẳng nữa, không biết có phải do gió không đưa sang?
Huy Thông từng mô tả làn mi của Ngu Cơ “như núi xuân lưu luyến hơi Xuân phong…” Quả thực gió mùa xuân động hay lòng người không tĩnh, tôi cũng không chắc nữa! Cũng chính làn gió ấy đã làm chàng Thôi ngàn năm trước tương tư ngút ngàn “hoa đào vẫn đùa với gió đông mà em đâu rồi hỡi em!” Gió đùa với hoa, gió đùa với xác pháo (hồi 1993,1994 chưa cấm đốt pháo), gió xuân lan tỏa từng ngóc ngách đưa hơi diêm sinh làm chậc lưỡi hít hà. Tết rồi đó! Hồi đó khỏang 15 tháng chạp đến 22, 23 Tết là đã có đốt pháo. Tôi thích ngắm xác pháo đỏ, hồng, tím, sậm cuộn tròn trong một cơn gió xóay ở góc phố thị xã. Có gió thì pháo mới tung bay và sống trọn vẹn cuộc đời của pháo dù đã nát tan từ trước. Có gió thì những tro tàn vàng mã bay long lanh mới mang vẻ chứng nghiệm của thế giới linh hồn quạnh quẽ đó đây. Tại sao long lanh ư? Bạn hãy quan sát vầng hơi phía bên trên bất kỳ đám lửa nào.
Mưa
Tôi về thăm quê miền Trung vào cận Tết mà chưa được thấy mưa Xuân. Nghe cha mẹ kể thì như tơ giăng. Đoán rằng mưa không đủ làm ướt áo mà chỉ làm đường làng bớt đi một ít bụi và thêm một ít lãng mạn. Còn nhớ năm 1999, miền Tây và Sài Gòn có một cơn mưa. Chưa kịp nhìn mưa ra sao thì đã tạnh. Nước mưa không đủ để rửa sạch bụi bặm trên những tàn lá nên cứ nhạt nhòa.Tết Sài Gòn đường vắng lắm nên những vũng nước đọng lại trên đường hơi lâu và phải đợi nắng thật vàng thì mới tan hết nước. Ấy vậy mà có kẻ lặng lẽ lẩm nhẩm theo Sĩ Phú:
“Ướt áo cho tình thắm sâu
Ướt đóa môi hồng hửng hờ…. ”
Quả thật có lẽ phải tìm về những cơn mưa xuân miền Bắc mới nghe Tình Khúc Mùa Xuân miên man đến cùng.
Nước
Sông nước mùa xuân cũng khác thường bởi gió, nắng cứ lung lay rất lạ. Lăn tăn, lăn tăn. Hồi 1998, tôi đạp xe đi Cần Giờ, đứng trên cầu nhìn xuống cùng dòng sông đó nhưng nước như trong hơn và nhẹ nhàng vỗ về đôi bờ. Kia! Một lũ chim lao xuống tắm sông, rảy nước cho nhau và lay động cây lá ven bờ. Chúng cũng đón năm mới đây! Ngày Tết xuôi miền Tây, qua phà Mỹ Thuận, qua bắc Cần Thơ, về quê hương Sóc Trăng để cảm thụ đất trời mênh mang. “Dòng sông chảy biếc trời man mác, một chuyến phà sang sóng vỗ bờ” Những bà mẹ vẫn tảo tần hôm sớm, những ông cha vẫn chân lấm tay phèn với từng chuyến phà sông nước, đặc quánh chất miền Tây. Những dấu chân chim càng thêm đen với khói thuốc ông Tề. Rồi tôi sẽ đứng trên mũi phà để nghe sóng vỗ òam ọap bên dưới, ngắm lục bình không nhà phiêu linh và bờ sông hiện dần với những mái lá mái tôn, những ăng ten gắn trên sào tre, san sát, san sát. Nhìn sông nước mùa xuân sẽ cảm thương hơn những kiếp đời sông hồ. Tôi không rõ những mái chèo dọc sông Tiền sông Hậu sẽ về đâu đêm 30 Tết và khói hương cúng ông bà có đủ ấm lòng những gia đình phiêu bạt. Sông Hậu đủ lớn để cho ta thấy độ tròn quả đất. Kia rồi một cánh buồm dưới nước ngoi lên. Buồm căng là một tấm đệm vẫn dùng để phơi và rê lúa của nhà nông. Xa đưa là một điệu vọng cổ não nùng chúc mừng năm mới.
Quê
Những nẻo đường quê cũng thức dậy cùng mùa xuân. Một lần ghé về làng quê Đồng Nai thăm người thân, tôi cứ lẫn lộn cảm giác “ngày trở về, lúa ngô thương nhau hát đùa trước ngõ” và một tí mơ ước hải hồ. Láng Lớn đẹp như Gò Chùa. Chỉ có điều nơi quê nội xa xăm ấy giờ đây “vườn xưa sáo đùa,ruộng đất hoang vu.” Bạn sẽ thấy những bà mẹ quê đen đúa và quắt lại nhưng tràn đầy nhẫn nại đạp xe thồ bao gạo, mớ củi, quạnh quẽ trên con đường tít mù. Những người mẹ Việt nam chất chứa biết bao câu chuyện truyền kỳ cổ tích!
“Đồng lúa reo tay người mẹ hiền
Mười mấy năm tảo tần mọi miền
Nuôi con khôn mai này giữ nước…”(Tôn Thất Lập)
Những mớ lúa phơi vội vã vệ đường chiều giáp tết vàng hơn cùng nắng. Cô hàng nước thị trấn gà gật ngủ, chẳng buồn đón khách dừng chân. Ghé uống một ly cà phê xây chừng, đốt một điếu thuốc và thả lên trời vài ba bụm khói bay lên mây! Tết quê thật tĩnh lặng. Những con đường làng vắng hơn, âm thanh ngưng đọng, chó cũng ít sủa hơn ngày thường, trời cao và xanh hơn. Một chị kẽo kịt gánh mớ đậu xanh đi đâu đó và ngược chiều là một ông giáo làng bước chân lọang choạng về cuối xóm.
Có ai đó khỏa chân ao bèo rồi im vắng trở lại…..
Lê Vĩnh Trương-2002