Nếu bạn không xuất hiện trong bài viết này, thì cũng đừng nghĩ rằng tâm hồn của mình không đẹp (ít nhất là đối với tôi). Có thể nó chỉ luẩn khuất ở đâu đó mà tôi chưa có điều kiện và khả năng để nhìn ra mà thôi.
Tôi quen Khiêm một cách rất tình cờ, qua Facebook. Cả hai cùng có sở thích về ảnh, nhưng mỗi người theo một phong cách khác nhau. Khiêm chụp chân dung, thi thoảng cũng vác máy đi chụp đường phố nhưng không nhiều. Tôi chỉ chụp đường phố. Nhưng không chỉ có thế, về ảnh lúc đầu Khiêm không để lại cho tôi ấn tượng nhiều lắm, phải nói thật là như vậy. Tôi theo dõi những bài viết, những mẩu chuyện nho nhỏ và những bài hát Khiêm đăng trên facebook của mình. “Một chàng trai thú vị đây”, tôi nghĩ và gửi cho Khiêm một tin nhắn trên wall. 2 tuần sau, khi mà tôi đã quên và đã nghĩ “mẹ, cái thằng này cũng chảnh phết, trẻ trâu du học thường như thế, lên facebook thì viết rõ hay, rõ đẹp mà ngoài đời thì …”, thì nhận được tin nhắn của Khiêm rủ qua nhà uống rượu. Và tôi cũng không ngờ hôm đó tôi vui và say đến nỗi ngủ trên sofa đến tận sáng hôm sau.
Chúng tôi gặp nhau cũng không nhiều, có khi một tháng, có khi hai ba tháng một lần. Nhưng lần nào gặp cũng rất vui, và qua những lần tâm sự rất chân thành, tôi hiểu thêm về cuộc đời cũng như tính cách của Khiêm, về cả hoàn cảnh gia đình hay những dự định tương lai của cậu ấy. Trang, bạn gái Khiêm, là một cô gái cực kỳ dễ thương và hồn nhiên. Gặp nhau ít, nhưng giữa chúng tôi dường như không tồn tại sự khách sáo nào hết. Chúng tôi say. Chúng tôi hát với nhau thật thoải mái. Vì mọi người đều chân thành với nhau.
Tôi không biết mình có nói quá hay thiên vị khi nói ra điều này hay không. Nhưng điều đó đâu có quan trọng. Đã từ lâu, tôi không gặp một người “pure innocent” như vậy. Từ cách sống, cách đối xử với mọi người, cách quan tâm và chăm sóc bạn gái [và nó khiến tôi xấu hổ với bản thân vì mình chưa thể làm tốt như vậy], cách lo lắng cho ba mẹ và em trai.
Khiêm nhỏ hơn tôi 5 tuổi. Ba mẹ Khiêm trước đây ở Nha Trang buôn bán vật liệu xây dựng, theo lời ba Khiêm kể thì hồi đó khá lắm, cả Nha Trang Miền Trung là bố Khiêm thầu hết. Nhưng sau đó, hai người quyết tâm sang Mỹ vì nghĩ rằng điều đấy tốt hơn cho Khiêm và em trai. Lúc đó Khiêm 8 tuổi thì phải, tôi cũng không nhớ rõ. Sang đến đây, hai bàn tay trắng, ba Khiêm từ chủ giờ đi làm thuê, làm thợ, mẹ Khiêm đến tận bây giờ khi hai cậu con trai đã thành đạt vẫn làm “một ngày 2 job” (con cả là Khiêm đi đã làm tử tế, đã có tiền tiết kiệm và mua sắm cho ba mẹ, con trai thứ Vĩnh đang học đại học Brown, một trong những trường tốt nhất ở Mỹ).
Có lần bọn tôi chạy về tận New Hampshire ăn tối với cả nhà Khiêm, đến từ 6h nhưng phải hơn 8h tối cô mới về sau khi xong “second job”, tất tả chuẩn bị đồ ăn, luôn nở nụ cười trên môi. Và đến lúc ba Khiêm khề khà trêu, cô cũng đứng dậy hát và đọc thơ, những bài thơ mà hai người cùng đọc với nhau, viết cho nhau từ thời còn trẻ yêu nhau. Tôi thực sự cảm thấy may mắn khi thấy mình đang sống và được gặp những con người đáng yêu này. Cô trở về nhà sau 14-15 tiếng làm việc liên tục, vẫn giữ được ánh mắt rạng rỡ và hạnh phúc với chồng con và các bạn của con, tôi thấy vừa cảm phục vừa yêu quí.
“got the condo!!” – Khiêm nhắn tin cho tôi sáng hôm trước, lúc đó tôi đang đi bộ đến trường. Khiêm quyết định mua nhà, một căn hộ nhỏ nhắn, xinh xắn, hai tầng ở Quincy. Tôi không hỏi, nhưng chắc là mortgage cũng lâu. Ba mẹ Khiêm đã qua xem và đã ưng. Nhưng trước đó, Khiêm vẫn lo vì trả giá còn có vài người khác nữa, chưa chắc họ đã bán cho mình.
“Gonna be tight until she finds a job” – Trang vừa nghỉ chỗ làm cũ và đang ở Việt Nam chơi với gia đình. “Don’t worry, will make it ” – Tôi thực sự cảm thấy vui, vui cho Khiêm và vui vì mình có một người bạn như vậy, một sự kiện lớn với một chàng trai trẻ, và Khiêm tự đạt được điều đó, bằng đôi bàn tay của mình.
……
Hơn một năm ở Boston, tôi có may mắn vì không chỉ được biết Khiêm, Trang và gia đình mà còn được biết Yến Phi, một cô gái đang học Kiến trúc ở trường tôi. Phải nói thật lòng rằng tôi ít chơi với Phi, gặp nhau chủ yếu ở những bữa ăn có nhiều người và thi thoảng có nói chuyện qua email. Lúc Phi đi thực tập ở Thổ Nhĩ Kỳ hè vừa rồi, tôi và Phi có trao đổi một vài “quan điểm sống” với nhau. Nghe thì to tát, nhưng cũng chỉ đơn giản là chia sẻ cách nhìn về cuộc sống, những điều đẹp đẽ, những gì thất vọng, và những gì có thể nói là “hơi hâm hâm”. Phi kể về những gì em thấy và cảm nhận được từ cuộc sống ở một vùng quê xa xôi ở Thổ, những lúc buổi sáng thức dậy đi bộ đến chỗ làm ra sao, mùi cỏ mùi phân mùi lúa mạch thế nào, những người dân làng thô kệch và đáng yêu làm sao, rồi cả bác lái xe buýt hay nói chuyện gì, con lừa con la thì đi đứng thế nào. Tôi cũng không nhớ chi tiết, nhưng đại loại là như thế, nó làm tôi liên tưởng đến những cậu bé Mica, cô bé Natasha trong những truyện ngắn Liên Xô tôi thường đọc hồi bé tí, những bạn đội thiếu niên nhi đồng đeo khăn quàng đỏ, mũ ca nô, kéo nhau đi hái nấm trong rừng sau cơn mưa…
Và cả khi chứng kiến Phi vất vả thế nào với “con nuôi” Su Zút Khu Trúc (tên có thể sai), chú chó hoang Thổ Nhĩ Kỳ sứt tai được Phi mang về chạy nhảy trong khuôn viên trường Harvard mới thấy đó không chỉ là một tâm hồn yêu chó, mà còn yêu cuộc sống nữa (Chúng tôi hay đùa nhau con chó của Phi là một trong những con chó có trình độ học vấn cao nhất thế giới),
Tôi thường nói với Thái và chị Trâm rằng chưa bao giờ em thấy một người nào hồn nhiên, tốt bụng và trong sáng như Phi. Như một đứa trẻ con nằm trong hình hài một người lớn, và thi thoảng như một người già trong hình dạng một đứa trẻ con. Không bị những bon chen của giai đoạn “18 – 65 tuổi” len lỏi vào tâm hồn của mình. Ai cũng thích trêu Phi, tôi, Thái, chị Trâm, anh Đức, thằng Trung lạnh lùng và cả thằng Nhật Anh suốt ngày “chị không đi cọ nhà vệ sinh đi à”.
Tả thì thật khó, đúng là phải tiếp xúc tôi mới cảm nhận và trân trọng được những tâm hồn như thế. Nó tự nhiên, tư toả sáng, tự thu phục người khác mà không cần lên gân. Bọn tôi thường trêu Phi là ăn mặc lúc nào cũng buồn cười, xấu thì không, nhưng buồn cười (lí do thì tôi cũng không tiện nêu ở đây). Phi bảo “em biết, nhưng kệ, nó cũng là một cách để người khác không đánh giá em vì vẻ bề ngoài”.
Được gặp những con người tốt bụng và thánh thiện như vậy, tôi thấy thật may mắn. Nó làm cho cuộc sống đẹp hơn và mỗi người đều thấy mình cần sống tốt hơn để giúp cho cuộc đời này có thật nhiều tiếng cười và hạnh phúc.
Ben Khuất
Tác giả hiện đang học chương trình Thạc sĩ Chính sách công tại trường Harvard Kennedy School
Facebook của Ben Khuất