Có ai đi xa mà không khắc khoải về hình bóng quê nhà. Nỗi nhớ quê luôn là nỗi nhớ dai dẳng trong lòng mỗi du học sinh Việt trên đất Mỹ. Cùng cảm nhận một chút vấn vương mùa thu Hà Nội từ bạn Hạnh, một du học sinh tại khu vực Washington D.C – Maryland.
Ngày tôi xa Hà Nội nỗi buồn không làm nặng trĩu đôi vai mà là chính những cái ôm lưu luyến của người thân ở lại. Dù phải xa cái nơi tôi lớn lên và phát triển suốt mười sáu năm nhưng lúc đó niềm háo hức về một đất nước cách nửa quả địa cầu làm trái tim mười sáu tuổi bồi hồi không chút vương vấn. Tôi bỏ lại khói bụi, tắt đường, kẹt xe, hàng quán; không quên tạm biệt trà đá Nhà Thờ, phở trộn Cầu Gỗ, và những lần tụ tập với bạn bè.
Sau hai năm, khi đã quen với nhịp sống mới và bắt kịp với một nền văn hóa khác, tôi lại nhớ về Hà Nội mỗi lần thu về lá lác đác rơi. Hà Nội vào đợt này, trong trí nhớ nhỏ bé ấy, là đẹp nhất. Trời không còn oi bức. Gió se se lạnh thổi đi cái ẩm thấp đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới. Cây rục rịch thay lá, các đôi tình nhân cũng lục đục kéo nhau vào công viên để chụp ảnh. Mùa thu là mùa cưới. Thủ Lệ là nơi thu hút nhiều đám chụp, nhất là bên cái hồ sát gần cổng vào trên đường Kim Mã. Mỗi buổi chiều đi ngang qua, đếm những chiếc váy trắng di chuyển từ thân cây này sang bụi cây khác, âu cũng là một nét thú vị khi thu về.
Lớn lên tại Hà Nội nhưng tôi không nhớ mình đã được thưởng thức cái mùi hoa sữa ngạt ngào đến mức “làm nghẹt thở” ấy hay chưa. Ngày tôi đi hoa sữa chưa kịp nở. Người ta nói có thể quên ngày, quên tháng nhưng một mùi hương hoa bất ngờ thoảng qua, cũng đủ để gợi nhắc mùa thu đã về bên những cành lá. Tôi thèm được một lần trải nghiệm cái cảm giác hít đầy lồng ngực mùi hoa sữa tới mức làm cho cái bụng phải cồn cào. Muốn được về để cảm nhận, không chỉ bằng mắt mà bằng cả ngũ quan, mùi hương lãng mạn mà khiến bao con người phải lòng nơi đất thủ đô.
Mùa thu đẹp còn bởi ngày khai giảng cho các em học sinh vào lớp mới và là ngày tựu trường cho bè bạn quay trở lại thăm thầy cô. Ngày khai trường bây giờ không còn giống như thời tôi còn bện tóc và mặc váy hoa. Phần lớn các trường bây giờ mở lớp học từ đầu tháng 8 để đẩy nhanh tiến độ rồi chèn thêm kiến thức nâng cao. Có trường còn thôi hẳn, coi khai giảng như một nghi lễ rườm rà. Học sinh vào học sớm, các kì thi cũng đến nhanh hơn, thường rơi vào đợt tháng 9 và 10. Vậy thời gian đâu để thưởng thức cái đẹp mùa thu, để chậm lại quan sát vạn vật chuyển đổi lúc thời khắc chuyển mùa?
Tết Trung Thu cũng là một dịp để làm cho mùa thu trở nên đặc biệt, nhất là với đám trẻ con. Có lẽ đó là ngày hiếm hoi duy nhất trong năm mà lũ loi nhoi thành phố được phép ra khỏi nhà vào chiều tối để đi rước đèn. Khi còn bé, vào ngày này, tôi thường dành cả buổi để cùng ông ngoại làm đèn ông sao. Ông ngoại nhận phần làm khung, còn nhường cho tôi việc chọn giấy. Giấy trang trí phải là loại giấy trong, đủ cứng để khi rước đèn keo nến rớt vào cũng không làm rách giấy. Tùy vào sở thích của tôi mỗi năm, ông ngoại sẽ làm đèn ông sao kiểu truyền thống có tay cầm dựng đứng hoặc sáng tạo loại dây treo theo phong cách đèn lồng. Vào cấp 2, tôi không còn giữ thói quen làm đèn thủ công cùng ông ngoại, mà thay vào đó tôi hẹn hò lũ bạn lượn lờ Hàng Mã mua những thứ đồ chơi sản xuất hàng loạt gắn mác Made In China… Còn bây giờ, khi đã quá tuổi để ngóng chờ đêm Trung Thu, tôi lại ngồi lục lọi trong ngăn tủ kí ức hình ảnh ánh trăng sáng đổ tràn trên từng mái đầu xanh của những buổi tối trời thu năm nào.
Ngoắt cái đã hai năm, Hà Nội bây giờ chắc đổi thay nhiều lắm, e chỉ có những công trình xây dựng là vẫn còn trong giai đoạn thi công, kéo dài từ mùa này sang tháng khác. Thi thoảng tôi vẫn ngồi tưởng tượng ngày mình trở về và viết ra hàng loạt các kịch bản khác nhau trong đầu. Bạn bè, người thân liệu ai còn ai mất? Suy nghĩ, tình cảm liệu đã khác xưa nhiều? Hai năm. Thời gian không dài những cũng chẳng phải ngắn.
Nó đủ để khiến những nhung nhớ trở thành yêu thương…
Tạ Hồng Hạnh