Bàn về hai chữ “thành tích”, TS Lương Hoài Nam chú ý đến hiệu quả thực chất còn GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh tính nhân văn trong việc đánh giá nỗ lực con người.
Kẻ trăn trở là cái tên ấn tượng được đặt cho cuốn sách của TS, doanh nhân Lương Hoài Nam viết về các vấn đề giáo dục, hàng không, kinh tế, xã hội… mà anh theo dõi trong nhiều năm qua. Sách tập hợp các bài báo của Lương Hoài Nam đã đăng trong 5 năm qua.
Buổi ra mắt cuốn sách diễn ra tại khán phòng Ngụy Như Kon Tum ở Đại học Khoa học Tự nhiên, Lê Thánh Tông, Hà Nội sáng 12/9 với tác giả Lương Hoài Nam và các khách mời GS Ngô Bảo Châu, GS Nguyễn Minh Thuyết, PGS Lê Kim Long.
TS Lương Hoài Nam: Trăn trở thì hãy bước ra khỏi Facebook
Tên sách Kẻ trăn trở và đặc biệt là hai chữ “trăn trở” gợi rất nhiều cảm hứng cho các diễn giả. Tự nhận là “kẻ trăn trở” vì đất nước, TS Lương Hoài Nam cho biết: “Chưa bao giờ tôi thấy mình cô đơn trong sự trăn trở”.
“Tôi tham gia rất nhiều diễn đàn trên Facebook, nhận thấy các thành viên khác cũng chưa bao giờ ngừng trăn trở. Hàng chục triệu người chứ không chỉ mình tôi. Họ muốn những điều tốt đẹp hơn. Nhưng tôi luôn nói rằng: Trăn trở không phai là ngồi chém gió. Hãy bước khỏi môi trường Facebook, ra ngoài cuộc sống và làm gì đó để cải thiện tình hình. Trăn trở đến một chừng mực nào đó và phải biến nỗi trăn trở đó thành hành động để cải thiện những gì chúng ta chưa hài lòng”.
Cuốn sách “Kẻ trăn trở” của Lương Hoài Nam. Ảnh: Thể Thao Văn Hóa.
Chia sẻ suy nghĩ về từ “trăn trở”, PGS Lê Kim Long nói: “Trăn trở là lúc người ta không ngủ được, chứ lúc bận rộn thì không có thời gian để nghĩ. Không ngủ được thì có nghĩ mấy cũng chui vào trong chăn thôi. Nếu trăn trở mà chỉ phát biểu không thì làm được cái gì, thế nên đừng chỉ nói, mà hãy làm”.
Đối với tác giả Lương Hoài Nam, GS Ngô Bảo Châu cũng là tấm gương về “kẻ trăn trở” qua các hành động: Bay từ Chicago về Hà Nội để làm việc tại Viện Toán cao cấp, mở Vườn ươm tài năng. Ngay trong buổi sáng ra mắt sách 12/9, GS cũng xin phép về sớm để đi Thái Nguyên khánh thành một ngôi trường dành cho trẻ em nghèo.
Bệnh thành tích: Chủ đề trăn trở của các nhà giáo dục
Dù chung mục đích cải thiện xã hội, nhưng khi đi vào cụ thể, các diễn giả rất thẳng thắn thể hiện các quan điểm đối lập. Một chủ đề nóng trong cuộc trao đổi là bệnh thành tích. GS Ngô Bảo Châu cho rằng, bệnh thành tích thể hiện sự tha hóa trong việc học, khi người ta học không phải vì bản thân việc học mà chạy theo những mục đích rất xa vời.
GS Châu nói: “Các phụ huynh nhiều khi không quan tâm đến những thứ con mình làm ra thể hiện con người của chúng, như các bài thơ, bức tranh… mà quan tâm đến điểm thi. Tôi cho rằng điểm thi là ngoại vi chứ không phải cốt lõi trong việc học. Đó là điều khiến tôi vẫn “trăn trở trong chăn” chứ chưa chui ra khỏi chăn”.
TS Lương Hoài Nam, người nhìn giáo dục từ quan điểm của thị trường lao động, lại cho rằng: “Tất cả hành động của con người là hướng tới thành công và thành tích. Phải có một mục tiêu nào đó. Vấn đề ở đây là chữ “bệnh”, đó là khi các thành tích đó không có quan hệ với mục tiêu thực sự, không cải thiện được tình hình”.
“Vì thành tích đó nên chúng ta đặt ra các mục tiêu dễ thực hiện, còn cái gì khó quá thì không coi là mục tiêu nữa. Vì thế những thành tích ta đạt được không có nhiều ý nghĩa, mà ta dồn thời gian công sức quá nhiều, lúc đó ta gọi đó là “bệnh”.
GS Ngô Bảo Châu, một nhà khoa học tự nhiên rất yêu văn chương, tiếp tục tranh luận: “Tâm lý con người không muốn thua, cho rằng kẻ thua cuộc là người đáng bỏ đi. Nhưng trong truyền thống nhân văn thực sự, kẻ thua là người cố gắng hết sức nhưng kết quả không được tốt như mong đợi”.
“Như một em học sinh đã cố gắng hết sức một cách lương thiện nhưng điểm số vẫn không cao thì đáng được trân trọng hơn nhiều so với một em học sinh thông minh nhưng học lớt phớt. Nhiều bậc cha mẹ thường khoe “con tôi học lớt phớt nhưng nó thông minh”, tôi thấy đó là điều không đáng tự hào chút nào” – GS Châu thẳng thắn. “Chúng ta nên trân trọng những cố gắng lương thiện dù mang lại kết quả không như ý. Không có lý do gì chúng ta không tự hào về những nỗ lực đó”.
Ngô Bảo Châu: Giáo dục chỉ vì thị trường thi sẽ không có những Lương Hoài Nam
MC Thảo Vân cố gắng dung hòa hai quan điểm bằng nhận định: “Thực ra GS Ngô Bảo Châu và TS Lương Hoài Nam không mâu thuẫn với nhau. Cả hai đều nói về hai khía cạnh khác nhau của thành tích. Điều quan trọng là chúng ta không còn trung thực khi theo đuổi các mục tiêu và thành tích”.
Lương Hoài Nam và Ngô Bảo Châu đều là những “kẻ trăn trở”. Ảnh: Thể Thao Văn Hóa. |
Nhưng GS Châu vẫn kiên quyết với tính nhân văn mà ông cho là quan trọng nhất trong giáo dục: “Tôi vẫn nghĩ giáo dục nên tạo ra con người nhân văn. Chúng ta không thể đòi hỏi các trường phải đào tạo ra những con người có thể đáp ứng các yêu cầu khác nhau của những doanh nghiệp khác nhau. Chúng ta chỉ có thể đào tạo ra những con người có khả năng thích ứng. Bởi xã hội luôn biến động, một ngành nghề năm nay đang rất “hot”, đến năm sau đã không còn việc”.
“Các trường đại học Mỹ thường đào tạo dạng giáo dục khai phóng với chương trình rất chung, chỉ một phần ba số môn là tự chọn. Nếu chúng ta đào tạo chuyên sâu hướng đến những kỹ năng cụ thể thì xã hội sẽ không có những con người làm được nhiều ngành nghề như anh Lương Hoài Nam”.
Mặc dù tranh luận thẳng thắn về học thuật, nhưng không khí buổi trò chuyện không hề căng thẳng vì các diễn giả rất tôn trọng nhau và đều là những người trăn trở.
Cuốn sách Kẻ trăn trở của Lương Hoài Nam do Thái Hà Books và NXB Thế giới ấn hành. Sách gồm 3 phần: phần 1 – Giáo dục và định mệnh quốc gia, phần 2 – Vì một nền hàng không phát triển bền vững, phần 3 – Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?
Phần 1 quy mô nhất gồm các mục: Nghĩ về sự học, Giáo dục và định mệnh quốc gia, Nghiên cứu và phát triển (R&D): Chuyện không hề nhỏ, Học và vấn đề việc làm.
Tác giả Lương Hoài Nam sinh năm 1963, là tiến sĩ kinh tế hàng không ở Nga và là một doanh nhân. Ông từng là Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines và giám đốc điều hành Air Mekong.
Theo Thể Thao Và Giáo Dục
Xem bài gốc tại đây