Chuyện khó tin mà thật được các SV Việt tại Mỹ “rỉ tai nhau”: Một DHS Việt Nam tại đây khiến Google phải “nhọc công” ba lần ngỏ lời mời mới có được chữ ký của anh. Anh chàng đó là Phạm Hy Hiếu, người sở hữu bảng thành tích dài đến mức những giải thưởng cấp thành phố trở xuống… không nhớ xuể.
Chàng DHS Việt “thờ ơ” với lời mời của …Apple, Facebook, Microsoft
Có thể sử dụng tiếng Anh, Pháp, Đức và một chút tiếng Trung Quốc, chàng trai Phạm Hy Hiếu gây ấn tượng với người đối diện bởi sự thông minh và cá tính vô cùng mạnh mẽ.
Anh từng không ngần ngại chỉ trích Google chỉ bởi “gã khổng lồ” công nghệ ở thung lũng Silicon tỏ ra thiếu tôn trọng đối với các ứng viên của họ.
Anh cũng không ngại nói “không” với Apple, Facebook, Microsoft cùng mức lương cả trăm nghìn USD mỗi năm. Anh làm tất cả vì đam mê được cống hiến bản thân mình. Hiện tại, anh tập trung giải quyết một trong những thử thách lớn nhất trong trí tuệ nhân tạo: làm cho máy tính “hiểu” được ngôn ngữ của con người và “giao tiếp” được với chúng ta.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Hiếu nói: “Ngôn ngữ là một điều kỳ diệu. Nó cho phép chúng ta biểu đạt những tư duy phức tạp bên trong não bộ của mình một cách phổ quát, ai ai cũng hiểu được.
Hiện nay, chúng ta đang tiến đến gần hơn với những chiếc máy tính cũng có khả năng này. Siri của Apple, Google Now của Google, rồi Cortana của Microsoft là những trợ lý ảo có thể tương tác với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên.
Tuy vậy, các trí tuệ nhân tạo này hiện chỉ làm được những điều cơ bản như tìm một nhà hàng ăn tối hoặc một bộ phim hay. Nhưng hãy nghĩ đến một chú mèo máy Doraemon, có thể xây dựng một tình bạn đẹp đẽ cùng cậu bé Nobita. Ước mơ của tôi là tạo ra những trí tuệ nhân tạo thông minh như vậy. Muốn vậy, thách thức đầu tiên là phải làm cho máy tính hiểu được ngôn ngữ của chúng ta”.
Với không ít người khác, dường như đó là khoa học viễn tưởng nhưng Hiếu, đó là một điều kỳ diệu, một mục tiêu mà anh cùng các đồng nghiệp đang nỗ lực thực hiện.
Sau khi giành huy chương Bạc tại Olympic Toán học Quốc tế năm 2009, Hiếu tiếp tục giành học bổng toàn phần tại Đại học Stanford. Với nhiều người, đây là một giấc mơ, nhưng với Hiếu, học bổng của Stanford là thứ mà anh “không muốn có nhất”.
Hiếu chia sẻ rằng cá tính mạnh của anh không phù hợp với Stanford. Trong khi Hiếu chỉ muốn học một chuyên ngành thật chuyên sâu và trở thành một trong những người giỏi nhất ở lĩnh vực của mình thì chính sách giáo dục của đại học Stanford là đào tạo sinh viên giỏi toàn diện. Điều đó đã làm Hiếu mất định hướng suốt 2 năm đầu ở bậc Đại học. Anh không lên lớp, bỏ các bài tập, khiến kết quả học tập ngày một đi xuống.
Hiếu chỉ cảm thấy vui khi giải các bài toán lập trình. Chính niềm đam mê nhỏ nhoi này đã giúp cho anh trụ lại qua những năm tháng khó khăn nói trên, để rồi dần tìm được chính mình. Bằng đam mê đó, Hiếu đã đưa Stanford đến với cuộc thi Lập trình Quốc tế dành cho sinh viên (ACM ICPC).
Tuy nhiên, việc trở thành người Việt Nam đầu tiên bước ra đấu trường quốc tế ở hai lĩnh vực khác nhau (Toán và Tin học) trong màu cờ sắc áo của hai đất nước khác nhau, khiến Hiếu vô cùng căng thẳng trong ngày thi, và chỉ giành được bằng khen chứ không có huy chương.
Chính trong nỗi buồn đó, Hiếu đã tìm ra niềm đam mê mà sau đó đã thay đổi cuộc sống của anh. Từng tham gia nhiều kỳ thi, Hiếu dần cảm thấy các vấn đề đặt ra trong những cuộc thi tuy rất khó nhưng vẫn chỉ là các câu đố đã có lời giải.
Hiếu chia sẻ: “Giải được những câu đố đó, bạn cảm thấy vui. Nhưng thật ra, bạn chỉ làm cho bản thân mình vui chứ chưa đóng góp được gì cho nhân loại. Muốn cống hiến, bạn phải làm những điều chưa ai làm được”. Và điều chưa ai làm được mà Hiếu muốn làm chính là tạo ra trí thông minh nhân tạo.
Những nghiên cứu “bắt” máy tính tư duy trừu tượng
Trở về sau kỳ thi, Hiếu bắt đầu tham gia các nghiên cứu nhằm giúp máy tính hiểu được ngôn ngữ của con người. Hiếu đặc biệt thích thú với các thuật toán học sâu (tiếng Anh: deep learning). Công nghệ này sử dụng mạng nơ-rôn nhân tạo được lập trình để mô phỏng các hoạt động của hệ thần kinh con người, qua đó giúp cho máy tính có thể thực hiện những tư duy trừu tượng.
Sau một năm nghiên cứu, Hiếu cùng đồng nghiệp công bố 3 bài báo khoa học tại hai hội nghị hàng đầu của Trí tuệ nhân tạo. Hai bài báo đầu tiên đề cập đến việc khám phá ra công nghệ giúp cho một trí tuệ nhân tạo nếu đã hiểu tiếng Anh thì cũng sẽ hiểu được tiếng Đức; còn trong bài báo thứ ba là việc công bố một thuật toán dịch từ tiếng Anh ra tiếng Đức tốt hơn tất cả các thuật toán trước đó.
Hiếu cho biết: “Đối với máy tính, tiếng Anh là một ngôn ngữ dễ học, bởi có rất nhiều người nói tiếng Anh, qua đó tạo ra các dữ liệu để máy học. Tiếng Pháp tương đối giống tiếng Anh nên việc học vẫn chưa quá khó, trong khi đó tiếng Đức và tiếng Anh có rất nhiều khác biệt nên việc chuyển những hiểu biết của máy tính từ tiếng Anh sang tiếng Đức là rất khó. Khi các nghiên cứu này phát triển hơn, chúng ta thậm chí có thể giúp máy tính hiểu được tiếng Việt”.
Các nghiên cứu này giúp Hiếu giành giải thưởng Luận văn Khoa học máy tính Xuất sắc nhất Khoá 2015 của đại học Stanford và tốt nghiệp với tấm bằng danh dự.
Sau khi tốt nghiệp, Hiếu nhận được lời mời làm việc cả Apple, Facebook, Microsoft, và Google. Các công ty này đều đưa ra mức lương “sáu con số”, đặc biệt Apple còn cho phép Hiếu được mua các sản phẩm của công ty với giá 25% ưu đãi suốt đời, nhưng Hiếu đã lần lượt từ chối tất cả.
Nguyên nhân anh từ chối các công ty này cũng bắt đầu từ ước mơ và đam mê. Hiếu cho biết: “Apple nghiên cứu nhiều công nghệ tiên tiến giúp máy tính hiểu được ngôn ngữ của con người, tuy nhiên các nhân viên của họ đều phải ký một giao ước rằng không bao giờ được công bố các phát minh của mình bên ngoài công ty. Vì thế, nếu mình làm cho Apple, các nghiên cứu của mình sẽ chỉ được dùng để phục vụ cho lợi ích kinh tế của họ.
Mặc dù sản xuất ra những chiếc iPhone thông minh hơn cũng rất có ích cho nhân loại, nhưng mình muốn nhiều hơn thế. Mình muốn những nghiên cứu của mình đến được với cả thế giới, muốn mọi người có thể trực tiếp sử dụng và phát triển các nghiên cứu đó xa hơn, rộng hơn”. Anh cũng nhìn thấy điều tương tự ở Facebook và Microsoft nên từ chối họ.
Riêng với Google thì Hiếu còn có một câu chuyện dài. Từ năm 3 đại học, Hiếu được Google mời thực tập lần đầu tiên, anh từ chối. Sau khi Hiếu tốt nghiệp, Google lại ngỏ lời mời anh làm chính thức, anh vẫn từ chối.
Hiếu cho biết, anh bức xúc vì “gã khổng lồ” công nghệ đối xử thiếu tôn trọng với các ứng viên của họ. Sự thiếu tôn trọng đó, theo Hiếu, được thể hiện trong các câu hỏi phỏng vấn thiếu đầu tư trau chuốt, cũng như trong những chính sách khiến cho nhiều ứng viên giỏi bị loại mà không rõ lý do.
Mỗi lần từ chối Google, Hiếu lại gửi một tâm thư cho công ty, chỉ ra các điểm anh cho là vô lý trong chính sách tuyển dụng của họ. Đến tháng 3/2016 vừa qua, Google lần thứ 3 ngỏ lời mời Hiếu vào làm tại Google Brain – nhóm nghiên cứu chuyên phát triển các thuật toán Trí tuệ nhân tạo trên dữ liệu lớn.
Khi được người tuyển dụng báo tin, điều đầu tiên anh hỏi Google không phải là tiền lương hay công việc mà là “Hiện giờ Google tuyển thực tập sinh như thế nào?” Sau khi biết Google đã thay đổi chính sách, bỏ đi những điều mà Hiếu cho rằng vô lý, anh đã nhận lời công ty.
Hiếu cho biết sẽ không dừng bước tại Google quá lâu, bởi ước mơ của anh vẫn còn đó. Anh muốn tìm một nơi mình có thể cống hiến nhiều hơn cho nhân loại. Vì thế, sau 1 năm làm việc ở Google, Hiếu sẽ bước vào chương trình Tiến sĩ của ĐH Carnegie Mellon (CMU) với học bổng toàn phần.
Đây là một trong 4 học viện Khoa học máy tính hàng đầu của Mỹ cũng như thế giới cùng với ĐH Stanford, ĐH UC Berkeley và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Hy vọng những dự định và mục tiêu cao đẹp của một chàng trai Việt sẽ sớm thành hiện thực trong tương lai.
Thành tích cá nhân của Phạm Hy Hiếu
– Học bổng toàn phần Đại học và Thạc sĩ của Đại học Stanford
– Tốt nghiệp Đại học Stanford với bằng danh dự
– Giải thưởng Luận văn Khoa học máy tính Xuất sắc nhất Khoá 2015 của ĐH Stanford
– Học bổng toàn phần Tiến sĩ của Đại học Carnegie Mellon (CMU)
– Được Apple, Facebook, Microsoft, và Google mời làm việc
– Tham gia nghiên cứu công nghệ deep learning tại Baidu
– Đại diện Stanford tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM ICPC (2014)
– Huy chương bạc kỳ thi lập trình khu vực Tây Bắc Mỹ – Thái Bình Dương (2012, 2013, 2014)
– Huy chương bạc Olympic Toán học Quốc tế (2009)
– Huy chương vàng Toán học Olympic 30/4 (2008)
– Huy chương vàng cá nhân và đồng đội Olympic Toán Tiểu học Quốc tế (2004)
– Ba lần nhận giải thưởng Toán học Nguyễn Đình Chung Song cho học sinh xuất sắc nhất TPHCM về Toán (2003, 2004, 2009).
Theo Dân Trí
Xem bài gốc tại đây