Sống ở Mỹ từ năm lên 7 nhưng cuộc sống của Lê Nguyễn Quỳnh Như – sinh viên năm 3 ĐH Harvard – vẫn đầy ắp những dự định và trăn trở về Việt Nam.
Mới đây nhất là dự án mang tên HViet – cầu nối giúp người Việt trẻ đến gần hơn với Harvard và các vấn đề cần giải quyết của thế giới.
“Gốc gác nhập cư khiến tôi nhạy cảm với sự bất công”
Sinh ra ở Việt Nam, bố di cư sang Mỹ từ khi cô mới 6 tháng tuổi. Nhưng đến tận hơn 6 năm sau, ông mới lo được thủ tục đưa cả gia đình sang đoàn tụ. Năm ấy, Quỳnh Như lên 7 tuổi.
Quỳnh Như chia sẻ, do xuất thân nhập cư nên cô nhạy cảm hơn với những bất công và bất bình đẳng trong xã hội. Nguồn gốc Việt Nam ảnh hưởng nhiều tới những quyết định quan trọng trong cuộc sống của nữ sinh năm 3 ĐH Harvard.
Chuyên ngành của Như ở Harvard là Nghiên cứu xã hội – một nghiên cứu liên ngành trong Khoa học xã hội. Đặc biệt, ở đây, Như tập trung vào nghiên cứu các vấn đề phát triển và vấn đề giới tính ở châu Á.
“Với tôi, mặc dù luôn học tốt tất cả các môn học, nhưng tôi luôn quan tâm tới con người và các hiện tượng xã hội.
Đó cũng là chuyên ngành tôi thấy có thể giúp mình hiểu về các vấn đề xã hội mà tôi muốn giải quyết vào một ngày nào đó như: bất bình đẳng giáo dục, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng giai cấp, đặc biệt là giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển” – Như tự tin.
Trước khi được nhận vào Harvard với học bổng toàn phần, Quỳnh như học phổ thông ở trường Latin Boston – nơi cô gái bé nhỏ này đã đạt được những thành tích đáng nể, những học bổng danh giá như National AP Scholar, National Merit Scholar.
Với điểm số cao nhất trường trung học, Quỳnh Như được chọn là học sinh đại diện lên phát biểu tại lễ tốt nghiệp. Hiện nữ sinh này là chủ tịch Hội sinh viên gốc Việt ở Harvard và đang theo học chương trình du học của ĐH Cambridge.
Không chỉ sở hữu thành tích học thuật ấn tượng, Quỳnh Như tích cực tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng từ năm 10 tuổi, từ gia sư cho trẻ nhập cư ở Boston tới tổ chức những buổi gây quỹ quy mô lớn.
Cô gái này cho rằng, sự thành công chỉ có thể hoàn chỉnh khi bạn giúp đỡ người khác vượt qua những thách thức và đi theo con đường của mình.
Học bổng toàn phần của Harvard
“Tôi nghĩ rằng bất cứ ai được nhận vào Harvard đều nổi bật theo một cách nào đó. Với tôi, điểm nổi bật của mình là xuất thân nhập cư thiệt thòi, cộng với thành tích học tập tốt, tham gia tích cực các hoạt động phục vụ cộng đồng (trong suốt những năm trung học)”.
Theo Như, lý do để Harvard luôn giữ vững vị trí một trong những trường ĐH đứng đầu các bảng xếp hạng thế giới chính là ở sinh viên của trường. Họ nổi bật và đến từ khắp nơi trên thế giới.
“Tôi làm việc để thay đổi thế giới và truyền cảm hứng cho người khác, nhưng tôi cũng được truyền cảm hứng mỗi ngày bởi bạn bè của mình ở Harvard – những người trẻ tài năng và nổi bật”.
Người Việt trẻ cần nhiều kiến thức hơn
Quỳnh Như cho rằng “giáo dục Việt Nam rất tuyệt vời trong việc dạy học sinh cách ghi điểm tốt trong các bài kiểm tra, đánh giá. Thứ hạng của chúng ta còn cao hơn cả các nước Bắc Âu.
Tuy nhiên, tôi cho rằng hệ thống giáo dục của chúng ta đang bị giới hạn đáng kể. Học sinh quá tập trung vào mục đích học ĐH. Họ tiếp xúc với những vấn đề mà họ chưa bao giờ trải qua trong thực tế cuộc sống”.
“Họ không nhận được những thông tin đúng để đưa ra những quyết định đúng. Họ cũng thiếu những kỹ năng rộng hơn để thành công ở những mảng xa lạ như kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm…
Đó là những kỹ năng cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế đang thay đổi ngày nay”.
Quỳnh Như cho biết, ở Mỹ, học sinh thường được lựa chọn sẽ học môn gì, tham gia hoạt động gì, đặc biệt là ở bậc ĐH. Và đó là cách mà hầu hết sinh viên thể hiện bản thân trước những chủ đề mới cũng như khám phá đam mê của mình, bên cạnh việc tập trung học các môn học cụ thể.
“Tôi nghĩ rằng yếu tố được phép lựa chọn cũng là một trong những khác biệt quan trọng nhất giữa các trường học Việt Nam và trường Mỹ…”
Một khác biệt lớn khác nữa là tư duy phản biện và kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Giáo dục Mỹ tập trung vào sự sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và các kỹ năng thảo luận. Dù ở ĐH hay phổ thông, sinh viên thường làm việc theo dự án nhóm, đưa ra quan điểm của bản thân trong các cuộc thảo luận hằng ngày ở lớp.
Nữ sinh gốc Việt cho rằng, giới trẻ Việt Nam cần nhiều kiến thức hơn để hòa nhập cùng người trẻ thế giới, để đưa ra giải pháp cho những vấn đề toàn cầu, và đó cũng chính là lý do Quỳnh Như và những người đồng sáng lập quyết định tổ chức trại hè HViet – nơi trao cho người trẻ Việt cơ hội để làm điều đó.
Theo Vietnamnet
Xem bài gốc tại đây