Nguyễn Hữu Minh – người con của đất Đà Nẵng hiện anh đang là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoctoral research fellow) tại đại học Stanford (Stanford University), chuyên ngành hoá hữu cơ.
Cùng sinhvienusa theo dõi bài nói chuyện cùng Hữu Minh nhé!
Chào anh, anh có thể chia sẻ một ít thông tin về quá trình anh qua Mỹ cũng như những bậc học mà anh đã tham gia?
Sau khi tốt nghiệp cấp 3 từ trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, anh được tuyển thẳng vào đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh. Sau 1 năm theo học tại trường y dược, anh quyết định nộp đơn du học Mỹ để có cơ hội tiếp cận nền khoa hoc tiên tiến và theo đuổi đam mê nghiên cứu hoá học, góp phần khám phá ra các loại thuốc mới cho những bệnh mà hiện nay khoa học chưa thể chữa trị được.
Sau 2 năm theo học tại cao đẳng cộng đồng tại Mỹ (community college), anh nhận học bổng toàn phần cho 2 năm tiếp theo tại đại học Dickinson (Dickinson College) và tốt nghiệp năm 2011 cử nhân đa chuyên ngành hoá học, hoá sinh học và sinh học phân tử. Sau tốt nghiệp, trường đại học Dickinson mời anh ở lại giảng dạy bộ môn Hoá phân tích (adjunct faculty). Một năm sau đó anh nhận học bổng (fellowship) theo học tiến sĩ chương trình Hoá hữu cơ tại đại học Pennsylvania (University of Pennsylvania). Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ năm 2016, anh nhận lời mời tham gia nghiên cứu tại đại học Stanford.
Hữu Minh tốt nghiệp đại học Dickinson
Để đạt được nhiều học bổng toàn phần như vậy, anh đã lên cho mình những kế hoạch như thế nào?
Để xin học bổng chương trình cử nhân, bên cạnh kết quả học tập tốt, anh còn tham gia rất nhiều các hoạt động ngoại khoá của trường, đặc biệt là những hoạt động rèn luyện kĩ năng lãnh đạo.
Còn đối với chương trình cao học, điều kiện đầu vào của chương trình đào tạo tiến sĩ ở các trường lớn đòi hỏi sinh viên phải có nền tảng kiến thức chuyên ngành vững chắc và kỹ năng nghiên cứu tốt, nên anh cố gắng đạt được thành tích học tập tốt nhất có thể và tham gia các công trình nghiên cứu hoá học cùng các giáo sư trong trường.
Ngoài ra các bạn sinh viên có mong muốn theo học tiến sĩ thì nên dành thời gian tìm hiểu và chuẩn bị hồ sơ từ 2 năm cuối đại học, và nên nộp đơn vào nhiều trường để tăng cơ hội được nhận. Bản thân anh đã từng nộp đơn học cao học vào gần 10 trường và may mắn được nhân vào các trường có chương trình đào tạo khoa học rất tốt, như Johns Hopkins, Yale, MIT, Boston, Princeton… Anh đã chọn University of Pennsylvania vì rất thích tham gia vào các công trình nghiên cứu của các giáo sư tại đây.
Những trường đại học lớn thường có mức học bổng hào phóng cho du học sinh. Ý kiến của anh như thế nào về điều này?
Thật ra con số giá trị học bổng không quan trọng như mọi người nghĩ. Hệ thống giáo dục tại Mỹ rất đa dạng và mỗi trường có chính sách học phí và học bổng khác nhau, nên không thể đánh giá chất lượng chương trình giảng dạy dựa trên một con số. Nếu như được nhận vào chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành nghiên cứu khoa học tại các trường/viện nghiên cứu lớn, nghiên cứu sinh hầu hết đều được tài trợ toàn bộ học phí, và còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt mỗi tháng. Như tại đại học Pennsylvania thì mỗi nghiên cứu sinh tiến sĩ được tài trợ hơn 60000 USD mỗi năm.
Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ của anh tại Stanford được chứ ạ?
Một trong những chương trình nghiên cứu mà anh đang tham gia là việc điều chế Bryostatins – một nhóm các hợp chất hữu cơ tự nhiên được tìm thấy ở bờ bắc Florida của Vịnh Mexico (Mỹ) hơn bốn thập kỷ trước. Với kết quả ban đầu đầy hứa hẹn về điều trị ung thư, HIV và bệnh Alzheimer’s, việc cung cấp Bryostatins cho nghiên cứu khoa học là mục tiêu hàng đầu của cộng đồng khoa học quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay, không ai có thể nuôi cấy được vi sinh vật sản sinh ra những hợp chất tự nhiên này, điều đó có nghĩa khả năng phát triển một loại thuốc mới dựa vào Bryostatins phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà hóa học. Hiện nay nhóm nghiên cứu của anh đang tổng hợp Bryostatin 3, hợp chất có cấu tạo phức tạp nhất trong nhóm các chất tự nhiên này. Có thể nói đây là một chương trình nghiên cứu quan trọng tại Stanford và có sự tham gia đóng góp của rất nhiều nhà khoa học dưới sự hướng dẫn của giáo sư Barry Trost, chuyên gia đầu ngành thế giới trong lĩnh vực hóa hữu cơ.
Anh từng vinh dự nhận được giải thưởng danh giá Sabin Metal Ron Bleggi từ International Precious Metals Institute, và trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng từ hiệp hội danh giá này, anh cho thể chia sẻ thêm về điều này?
Trong một công trình nghiên cứu tại đại học Pennsylvania, anh đã thiết kế, tổng hợp và phát triển thành công một loại silicon polymer có thể được dùng trong nhiều quy trình hóa học để tạo ra dược phẩm và các vật liệu hữu ích. Loại polymer này có thể dễ dàng được tái sử dụng, giúp giảm thiểu hoặc loại trừ việc sử dụng các chất độc hại gây nguy hại tới sức khỏe cộng đồng và môi trường. Anh cũng rất vui khi thấy rằng nghiên cứu của mình được giới khoa học quốc tế đánh giá cao khi nhận giải thưởng Sabin Metal Ron Bleggi từ International Precious Metals Institute năm 2014.
Anh còn những công trình nào khác nữa không ạ? Anh có thể chia sẻ chúng cho độc giả Sinhvienusa được chứ ạ?
Một nghiên cứu gắn bó với anh trong nhiều năm qua là công trình tổng hợp Mandelalide A, một hợp chất tự nhiên với cấu trúc rất phức tạp được tìm thấy vào năm 2012 từ một loại sinh vật biển cực kỳ hiếm ở Nam Phi. Với kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng hợp chất hữu cơ này có khả năng tiêu diệt các dòng tế bào ung thư, nhiều viện nghiên cứu trên khắp thế giới không ngừng tìm kiếm cách điều chế Mandelalide A để tiến hành đầy đủ các nghiên cứu về y dược học. Dưới sự hướng dẫn của giáo sư Amos Smith tại đại học Pennsylvania, anh đã tổng hợp thành công Mandelalide A và kết quả của đề tài nghiên cứu này đã được công bố vào đầu năm 2016 trên tạp chí Journal of the American Chemical Society (J. Am. Chem. Soc., 2016, 138, 3675).
Gần đây anh có tham gia cộng tác với các chuyên gia tại khoa dược của đại học Oregon (Oregon State University) và nhóm nghiên cứu của anh đã có những hiểu biết chuyên sâu hơn về cơ chế hoạt động của Mandelalide A cũng như các thành viên còn lại trong nhóm hợp chất tự nhiên này trên tế bào ung thư. Một số kết quả ban đầu vừa được công bố trên tạp chí Journal of Medicinal Chemistry (J. Med. Chem., 2017, 60, 7850) trong năm nay.
Nghiên cứu phát triển thuốc là một quá trình lâu dài, phức tạp. Trung bình, phải mất ít nhất mười năm để một loại thuốc mới được đưa ra thị trường và chi phí trung bình để nghiên cứu và phát triển mỗi loại thuốc thành công ước tính gần 3 tỷ USD. Tuy nhiên anh hy vọng những đóng góp khoa học của mình trong hiện tại và tương lai có thể phần nào cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về căn bệnh ung thư và nỗ lực để có thể góp phần phát triển được một loại thuốc mới cho bệnh nhân.
Hữu Minh vinh dự nhận giải thưởng Sabin Metal Ron Bleggi từ International Precious Metals Institute năm 2014.
Nếu có lời khuyên cho những bạn trẻ Việt Nam, anh có thể chia sẻ những gì?
Đối với các bạn có ý định học cao học trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thì điều quan trọng hơn hết là lựa chọn đúng chuyên ngành mà mình thật sự yêu thích, bởi vì nghiên cứu khoa học không chỉ đòi hỏi sự cần cù, kiên trì, mà còn cần nhiệt huyết đam mê và mong muốn khám phá tri thức. Chỉ có đam mê mới có thể đem lại cho bạn đủ năng lượng và động lực để vượt qua mọi khó khăn trên hành trình chinh phục những mục tiêu mình đặt ra.
Cảm ơn anh về bài chia sẻ thú vị. Chúc anh luôn thành công trên con đường mình đã chọn!
Hạnh Nguyễn thực hiện
p/s: Nếu bạn biết những cá nhân xuất sắc đang truyền cảm hứng du học cho bạn trẻ Việt Nam, đừng ngần ngại liên hệ sinhvienusa qua facebook hoặc email nhé! Sinhvienusa chân thành cảm ơn!