Một giải thích cụ thể hơn cho thắc mắc “Mối nguy của COVID-19 đối với sức khoẻ cộng đồng thực tế nằm ở đâu”
Dưới đây là trích dẫn một số dữ liệu để bạn có thể nắm được rõ cụ thể hơn COVID-19 nguy hiểm ở điểm nào và vì sao chúng ta đang cần hành động để ngăn chặn nó lây lan.
Thực tế, COVID-19 không nghiêm trọng đối với sức khoẻ như nhiều các dịch bệnh khác mà con người từng đương đầu.
~80% số người nhiễm không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng không nghiêm trọng giống cúm mùa như ho, sốt, và có thể tự khỏi, tuy nhiên có thể kéo dài đến 2 tuần.
Tỷ lệ tử vong hiện tại của COVID-19 được ước tính ở trong tầm 0.7-3.4% *. So với 2 dịch do các chủng virus corona khác gây ra gần đây là MERS (35%) hay SARS (10%), hay một số bệnh đã có vaccine như đậu mùa (30%) hay bại liệt (22%), tỉ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn rất nhiều.
*Tỉ lệ tử vong được tính bằng số người đã chết trên số người được xét nghiệm dương tính, mà gần như chưa có nước nào đủ test kit để xét nghiệm cho tất cả mọi người, nên số người thực tế đã hoặc đang nhiễm COVID-19 cao hơn số người thực sự được xét nghiệm nhiều. Do vậy, tỉ lệ tử vong từ COVID-19 thực tế chắc chắn thấp hơn con số 0.7-3.4%.
Vậy COVID-19 nguy hiểm ở điểm nào, và tại sao cả thế giới và chính phủ các nơi đang lao đao chống dịch?
COVID-19 hiện tại nguy hiểm vì 3 điểm chính:
1) Có những đối tượng nhất định trong xã hội có nguy cơ bị nặng và khả năng tử vong cao. Khá giống với cúm mùa, COVID-19 có độ nguy hiểm đến tính mạng đặc biệt cao đối với những người trên 60 tuổi và những người có tiền sử bệnh như bệnh suy miễn dịch, bệnh hô hấp… Do chưa hiểu rõ cơ chế phát triển bệnh COVID-19, có một số nhỏ những người trẻ, khoẻ vẫn có thể có triệu chứng nặng mà chưa rõ nguyên nhân.
*Quan sát hiện tại cho thấy COVID-19 rất ít ảnh hưởng đến trẻ nhỏ nhưng chưa rõ lý do.
2) COVID-19 có khả năng truyền bệnh cực nhanh nếu để diễn biến tự nhiên. Điểm tốt mà cũng là điểm xấu của COVID-19 là rất nhiều người có thể nhiễm virus nhưng không có triệu chứng nặng, nên rất khó để phát hiện người đã nhiễm để cách ly triệt để. Thêm vào đó, COVID-19 có thời gian ủ bệnh không triệu chứng lâu (có thể đến 2 tuần).
Ngoài ra, khi dịch mới xuất hiện, chưa có ai mắc hoặc được tiêm vắc-xin để miễn dịch với COVID-19, nên ai cũng có thể nhiễm và là nhân tố truyền bệnh.
3) Chưa có biện pháp hay thuốc chữa đặc hiệu cho COVID-19. Tất cả các thuốc hay văc-xin hiện tại đều còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy một số liệu pháp có tiềm năng, nhưng để áp dụng diện rộng còn cần phải có nghiên cứu thêm. Trong trường hợp bệnh nặng, các thiết bị y tế có thể hỗ trợ thở, hỗ trợ oxy, hạ sốt, nhưng việc loại bỏ virus khỏi cơ thể dựa hoàn toàn vào khả năng miễn dịch và phục hồi của bệnh nhân.
Các nỗ lực phòng chống dịch hiện tại là nhằm giảm số người mắc bệnh cùng một lúc để bệnh viện không quá tải, để tất cả các ca bệnh nặng đều được nhận được sự chăm sóc cần thiết
COVID-19 có thể có tỷ lệ tử vong thấp, ít nguy cơ với người trẻ, phần lớn những người mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (81%), nhưng với số người bị nhiễm tăng cực nhanh thì kết quả là số người có triệu chứng nặng, cần được hỗ trợ y tế cũng sẽ tăng vọt quá khả năng chăm sóc của hệ thống y tế.
Không có hệ thống y tế ở đâu có sự chuẩn bị về vật chất và con người để hỗ trợ hàng ngàn người cùng cần máy thở, máy oxi… cùng một lúc; với COVID-19, một người bệnh nặng có thể cần được hỗ trợ đến một vài tuần mới ổn định sức khoẻ. Nguy cơ các bác sĩ và nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 từ các bệnh nhân là rất cao, và khi họ ốm thì lại càng làm cho hệ thống y tế thiếu nhân lực. Nếu có quá nhiều người nhiễm cùng một lúc, bệnh viện sẽ quá tải và có nhiều người chết hơn vì không được chăm sóc, như trường hợp ở Ý.
Do vậy, cần “Cách ly xã hội” để giảm tốc độ lây truyền bệnh, giảm quá tải hệ thống y tế và bảo vệ những đối tượng có nguy cơ tử vong và mắc bệnh nặng.
Nếu bạn thuộc nhóm người cao tuổi, hay có tiền sử bệnh, cần đặc biệt cẩn thận tránh tiếp xúc với bất cứ ai trong thời gian này.
Nếu bạn trẻ, khoẻ,
không có tiền sử bệnh, nhiều khả năng bạn không có triệu chứng hoặc ốm nhẹ như
cúm thông thường và sẽ tự khỏi, nhưng bạn
có thể là yếu tố lây truyền bệnh đến những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Cũng
cần phải nói là có một số trường hợp người trẻ, khoẻ nhưng vẫn phát triển triệu
chứng nặng phải vào bệnh viện, và vấn đề này chưa được hiểu rõ.
Trong thời gian gần sắp tới (hai tuần, thậm chí một vài tháng), việc bạn có thể làm trong việc chống đại dịch là:
- Ý thức nguy cơ của COVID-19 đối với sức khoẻ cá nhân mình thực tế là gì.
- Ý thức việc mình có thể là người truyền bệnh đến những người xung quanh, đặc biệt là người lớn tuổi như cha mẹ hay ông bà như thế nào.
- Thực hiện “cách ly xã hội,” tự chăm sóc bản thân về mặt cơ thể lẫn tinh thần để có thể ở nguyên một chỗ, không di chuyển nếu không thực sự cần thiết.
- Chuẩn bị sẵn sàng hiểu biết trước là giả sử bạn ốm và có một vài triệu chứng của COVID-19, các hướng dẫn của hệ thống y tế bệnh viện địa phương là gì. ĐỪNG CHỦ QUAN, hãy tìm hiểu trước việc này một cách cụ thể, dù bạn ở Việt Nam hay nước ngoài.
Tạm thời, các biện pháp rất mạnh được áp dụng để giảm mất mát về con người và mua thêm thời gian cho chúng ta nghiên cứu các biện pháp trị liệu và phát triển văc-xin, cũng như để chính phủ và hệ thống y tế ở từng nơi hiểu rõ hơn về tình trạng lây lan bệnh và khả năng kiểm soát bệnh của mình. Việc tốt nhất hiện giờ từng người có thể làm là không chủ quan nhưng cũng không hoảng loạn đối với dịch bệnh, và nhớ thực hiện các biện pháp vệ sinh và giảm tương tác xã hội như được khuyến cáo để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Hương Thảo-Tiến sĩ Sinh học MIT
*Bài viết mang tính chất tham khảo.
Nguồn graphics: https://thespinoff.co.nz/ và https://informationisbeautiful.net/. Số liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn (WHO, CDC, bài báo nghiên cứu etc.) và có được chú thích trên trang web gốc.