Một trong những ví dụ ưa thích trong giới học thuật để nói về hành vi hay lựa chọn cá nhân trong tập thể là câu chuyện tất cả những người trong một nhóm sinh viên cùng đi ăn nhà hàng đều chọn tôm hùm, món đắt tiền nhất. Chuyện xảy ra như vậy là do thỏa thuận hóa đơn thanh toán sẽ được chia đều cho tất cả mọi người thay vì ai ăn gì thì trả nấy như truyền thống của người Mỹ.
Thông thường, nếu phải trả tiền theo lựa chọn cá nhân, thì mỗi người sẽ chọn món phù hợp lý với sở thích và túi tiền của mình. Có thể hầu hết sẽ chọn bánh pizza với giá 5 đô-la.Tuy nhiên, với thỏa thuận chia đều như trên, thì chẳng ai chọn pizza cả vì nếu làm như vậy sẽ thiệt khi mà người bên cạnh gọi tôm hùm với giá 20 đô-la.
Và, tất cả đều chọn tôm hùm, cho dù có người thấy tôm hùm không ngon bằng pizza hay tiếc đứt ruột vì chi tiêu hoang phí trong khi bao khoản khác cần chi. Với lựa chọn này, phúc lợi chung của cả nhóm sinh viên nêu trên, hay nói rộng ra là toàn xã hội sẽ giảm đi do nguồn lực không được sử dụng tối ưu. Đây chính là vấn đề của lựa chọn công hay lựa chọn tập thể.
Thực tế cũng như các nghiên cứu về hành vi đều cho thấy con người là duy lý và vì mình.
Hành động của một người ở trạng thái bình thường luôn có lý theo góc nhìn của họ. Tuy nhiên, khi các cá nhân cùng hành động tập thể thì các kết quả lại rất khác nhau.
Olson – một trong những người đặt nền móng cho lý thuyết lựa chọn công – đã chỉ ra rằng những cá nhân duy lợi hành động một cách hợp lý theo quan điểm của họ có khuynh hướng cho ra những kết quả phi lý về mặt tập thể. Nguyên nhân của sự phi lý là do không thể giám sát hành vi của các cá nhân trong tập thể nên các cá nhân thường không hành động vì mục tiêu chung mà họ thường hành động sao cho có lợi cho bản thân nhất.
Hơn thế, việc giám sát đặc biệt khó khăn trong hệ thống phân tầng từ trên xuống dưới và vận mệnh chính trị của các cá nhân do cấp trên quyết định chứ không phải đối tượng mà họ phục vụ – người dân – quyết định.
Những nghiên cứu về hệ thống kinh tế kế hoạch và bình quân chủ nghĩa của Kornai đã cho thấy rất rõ điều này. Sự phổ biến của các kết quả phi lý đã làm cho hệ thống này sụp đổ.
Trái ngược với Olson, khi nghiên cứu về các thành phố trong cùng một quốc gia, Peterson – một nhà chính trị học – lại thấy rằng những cá nhân duy lợi hành động một cách hợp lý theo quan điểm của họ có khuynh hướng cho ra những kết quả có lý về mặt tập thể.
Để đạt được hai mục tiêu có tính sống còn là tạo việc làm cho người dân và nguồn thu ngân sách đủ để cung cấp các dịch vụ công, các thành phố phải cạnh tranh với nhau để thu hút vốn đầu tư, người giàu đến ở và người giỏi đến làm việc, đồng thời xuất khẩu được nhiều sản phẩm của địa phương mình.
Không giống như các quốc gia, các thành phố dường như không có bất kỳ một công cụ mang tính kỹ thuật nào. Không thuế quan, không hàng rào, không ưu đãi, đất đai thì có hạn và họ cũng không có đồng tiền riêng để phá giá tạo lợi thế cho xuất khẩu.
Trong môi trường mở và có so sánh, đời sống người dân và chất lượng các dịch công như thế nào thì ai cũng thấy rõ. Sự tại vị của các lãnh đạo địa phương phụ thuộc vào sự hài lòng của người dân chứ không phải của cấp cao hơn.
Trong cơ chế dân cử trực tiếp, các lãnh đạo địa phương biết rằng không cách nào khác, họ phải làm sao cho bộ máy của mình trở nên hiệu quả để có môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, và môi trường sống và làm việc tốt hơn.
Trong bối cảnh này, sự tham gia và ủng hộ của người dân mang tính quyết định. Và điều này cũng tạo ra áp lực để có một bộ máy chính quyền mang tính đại diện cao, người dân nói được tiếng nói cũng như thực hiện quyền giám sát của mình một cách hiệu quả.
Quan điểm nhìn nhận các hành động tập thể của Olson được gọi là lựa chọn công “cứng” (“hard” public choice).Cách nhìn nhận của Peterson được gọi là lựa chọn công “mềm” (“Soft” public choice).
Nếu một hệ thống mà kết quả tập thể theo kiểu lựa chọn công “cứng” chiếm phần đa số thì hệ thống đó sẽ gặp rắc rối, thậm chí là sụp đổ. Ngược lại, nếu các kết quả theo lựa chọn công “mềm” chiếm phần đa số thì hệ thống đó sẽ có sự tiến triển rất nhanh.
Không chỉ các thành phố mà ở quy mô quốc gia, nhiều nước đã xây dựng được các cơ chế để lựa chọn công “mềm” chiếm phần chủ yếu trong các hành động tập thể. Singapore hay các nước bắc Âu là những ví dụ điển hình.
Tác giả: Huỳnh Thế Du – Tác giả Huỳnh Thế Du hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ chuyên ngành Kinh tế học đô thị và chính sách công tại đại học Harvard.