Vùng êm ái của tôi là vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp mà bao năm qua tôi chẳng muốn rời xa. Tôi cũng ngại sự thay đổi. Nhưng khát khao được trở thành nhà báo chuyên nghiệp lại cháy bỏng trong tôi.
Đêm 28-7-2011, máy bay Japan Airlines cất cánh khi 15 phút nữa ngày mới bắt đầu. Một thoáng rùng mình khi đó là lần đầu tiên tôi rời xa quê hương, bắt đầu hành trình 730 ngày du học với bao gian khó đang chờ phía trước.
Sau chuyến bay dài quá cảnh ở Tokyo và Chicago, tôi đặt chân đến thị trấn Easthampton, miền Tây bang Massachusetts khi trời còn hửng nắng dù đã 19 giờ. Theo lịch trình, tôi ở Easthampton một tháng trước khi chuyển lên Đại học Emerson ở Boston.
Gần 30 đêm trắng
Khi chiếc ô tô 7 chỗ của Viện Ngôn ngữ Massachusetts (ILI) đỗ trước ngôi nhà hai tầng nằm giáp ba mặt đường, một chị trung niên với gương mặt thanh tú nhưng ánh mắt buồn chạy ra đón tôi. Đó là Janice, người đầu tiên trả lời thư tìm chỗ trọ cho sinh viên Fulbright đến từ Việt Nam của ILI. Tôi là sinh viên đầu tiên ở nhà Janice.
Mắt mở không lên sau gần 20 giờ không ngủ trên máy bay, tôi định trò chuyện đôi ba câu với Janice trước khi lên phòng đánh một giấc. Vừa ngồi xuống đối diện chị ấy trong phòng khách rộng thênh thang dưới ánh đèn vàng ấm áp, tôi bỗng lạnh sống lưng.
– Ed ở phía lưng sau em?
Tôi biết Ed (Edward), chồng của Janice, qua đời trước đó vài tháng do bệnh ung thư gan. Tôi biết sau lưng tôi không có ai ngoài chiếc ghế đẩu, ngọn đèn vàng rọi xuống phím đàn piano như thể có ai đang lướt tay trên đó. Tôi biết mình không thể làm ngơ trước lời giới thiệu của chị ấy.
Tôi xoay người lại và thấy phía trên hộp đàn khung hình người đàn ông trung niên đặt cạnh hủ tro cốt và cạnh bên là hai cây đèn cầy đã tắt. Hình ảnh và di vật của Ed tràn ngập không chỉ phòng khách, phòng làm việc của Janice, phòng ăn, nhà bếp – tất cả liên thông với nhau – mà cả phòng vệ sinh, phòng tắm trên lầu và phòng ngủ của tôi.
Đêm đầu tiên ở Mỹ, tôi không tài nào chợp mắt dù đã quay khung hình của Ed vào tường.
Những đêm sau cũng thế. Mọi âm thanh lạ ban đêm đều khiến tôi nghĩ hồn ma Ed đang về. Tôi mua thêm mềm, tôi mang thêm vớ, tôi mở nhạc, tôi bật hết đèn trong phòng. Nhưng vẫn không ngủ được. Tôi sống trong sợ hãi, không dám chia sẻ với ai. Với Janice thì càng không. Tôi không muốn gợi lại nỗi đau của chị ấy.
Janice đang ướm thử khăn choàng tôi tặng nhân sinh nhật chị ấy tháng 11 năm ngoái.
Đêm thứ 27. Tôi quyết định đối mặt nỗi sợ của mình. Lúc đó gần 3 giờ sáng. Tôi cảm nhận rõ có ánh mắt hướng vào phòng mình. Tôi bước khẽ ra khỏi phòng vì sợ làm Janice thức giấc – phòng tôi và phòng chị ấy đối diện nhau, từ khi Ed mất, chị ấy uống thuốc an thần mỗi đêm. Tôi bước đến gần cầu thang vì tôi cảm nhận ánh mắt đang ở đó. Không sai có cặp mắt ngước lên nhìn tôi. Tôi suýt la toáng lên. Tôi cố gắng đưa cánh tay run lập cập về phía công tắc đèn.
“Ily, con làm dì giật cả mình?”
“Châu, con muốn đi tiểu.”
Ily, 4 tuổi, là cháu ngoại duy nhất của Janice. Tôi quên rằng đầu hôm Ily và Sally, con gái lớn của Janice, đến chơi và ngủ lại dưới tầng hầm.
Từ đêm đó, căn bệnh sợ ma từ nhỏ trong tôi tan biến. Tôi nhận ra chính tôi làm mình hoảng sợ chứ không ai khác. Tôi vượt qua được chính mình.
Một tháng sống ở nhà Janice tuy sợ hãi nhưng tôi đã học được rất nhiều về văn hóa Mỹ.
Sự thúc ép lễ phép
Salem nổi tiếng là thị trấn ma ở bang Massachusetts và được ví như kinh đô của Lễ hội Người chết (Halloween) vào ngày 31-10 hằng năm. Một tuần trước Halloween, giáo sư Jerry dạy môn viết phóng sự yêu cầu chúng tôi viết bài xoay quanh lễ hội này. Bài viết tốt sẽ được ông gửi đăng trên boston.com, website của Boston Globe, nhật báo lớn nhất ở Boston và đứng thứ 26 tại Mỹ về lượng độc giả. Hạn nộp bài đúng ngày Halloween nhưng nếu muốn được đăng trên boston.com, ông yêu cầu nộp trước hai ngày.
Tuy ở Boston một năm nhưng tôi chưa từng tham gia lễ hội Halloween. Trong khi lớp chọn đề tài ở Boston, tôi đăng ký đi Salem. Giáo sư Jerry tán thành nhưng lưu ý Boston Globe đã khai thác rất nhiều về Halloween ở Salem.
Sau hai ngày đọc hơn 40 bài viết về Halloween trên boston.com, sáng thứ Sáu (26-10), tôi bắt xe lửa đến Salem. Điểm đến là đường Essex, trung tâm Halloween ở Salem. Đến nơi, đập vào mắt tôi là hình ảnh cô gái mặt bê bết máu, cổ và ngực bầm tím, rốn và ba sườn lò ra ngoài trông như vừa bị băng đảng thanh toán. Người biến cô thành thân tàn ma dại là anh chàng trông khá ngỗ nghĩnh: đầu trọc, râu bồm xồm, mũi mang khoen nhọn, tai khoét hai lỗ to cỡ ngón cái, mắt trái đeo kính sát tròng trắng giống như ma. Tên anh là Choquette, một trong hai chuyên gia hóa trang kinh dị của công ty Nightmare Factory. Khách kéo đến nhờ anh ta và đồng nghiệp Tobias hóa trang không ngơi tay. Vừa quan sát, tôi vừa Google xem có báo nào viết về cả hai và email hỏi ý kiến giáo sư. Trong khi chờ đợi, tôi tranh thủ tác nghiệp. Khoảng hai giờ sau, giáo sư Jerry đồng ý, và chúc tôi viết tốt để được đăng trên boston.com.
Choquette chăm chút thêm tác phẩm kinh dị nữa.
Về đến Boston gần nửa đêm, mệt rã rời nhưng tôi bắt tay viết không nghỉ đến gần 0 giờ Chủ nhật 28-10. Bài viết hoàn thành sớm hơn 2 ngày so với yêu cầu. Tôi nộp bài qua email với hy vọng nhận được phản hồi vào đầu tuần. Đến tối thứ Hai, không thấy hồi âm của giáo sư Jerry, tôi email hỏi và ông trả lời không nhận được email của tôi. Tá hóa, tôi gửi lại ngay. Tối thứ Ba, ông cho tôi điểm 9 và đề nghị tôi tự chỉnh lại bài viết để đưa lên báo mạng của trường. Ông tuyệt nhiên không đề cập gì đến Boston Globe.
Hụt hẫng, tôi liền hỏi có phải bài viết không đạt chuẩn đăng trên Boston Globe. Ông trả lời do thời gian quá cận nên không thể gửi bài đi, rằng ông không chắc boston.com có trang cho thị trấn Salem không, rằng ông không biết biên tập viên phụ trách các vấn đề về Salem.
Tôi sốc vô cùng.
Phải chi ông nói bài viết không đạt yêu cầu, tôi sẽ dễ chấp nhận hơn. Nước mắt tuôn rơi. Chưa biết phản ứng thế nào, tôi nhận liên tiếp 3 email của ông, nói rằng do bão Sandy nên Boston Globe không làm việc cuối tuần – một điều cực kỳ vô lý – và rằng ông rất tiếc không nhận được bài viết của tôi, và rằng sáng giờ ông quên bẵng việc biên tập bài của tôi. Nhắn tin chia sẻ với Erin, cô bạn thân người Mỹ học giỏi nhất lớp thì được biết học kỳ trước, cô ấy cũng từng được giáo sư Jerry khuyến khích viết bài đăng trên boston.com nhưng cuối cùng chẳng thấy bài nào. Tôi quyết tâm không bỏ cuộc.
Email cho giáo sư Jerry, tôi nói rằng việc được đăng bài trên boston.com là ước mơ của tôi nhưng không quan trọng bằng việc tôi mong chờ bài viết được ông biên tập vì tôi học rất nhiều từ cách biên tập của ông, rằng tôi luôn ngưỡng mộ sự nghiêm khắc của ông vì nhờ đó tôi tiến bộ rõ rệt. Và cuối cùng nếu ông hài lòng về bài viết, xin hãy gửi đến boston.com vì thời gian cận quá tôi không thể tự liên hệ với Boston Globe. Ông liền trả lời nếu tôi có thể gọt giũa bài viết và gửi lại trước 2 giờ sáng thì ông sẽ cố gắng thử nhưng không hứa trước điều gì.
Lúc đó đã gần nửa đêm. Dù rất mệt sau một đêm không dám ngủ vì bão Sandy, tôi căng mắt ra tự biên tập và gửi lại bài viết cho ông đúng 2 giờ sáng kèm theo bằng chứng tôi đã gửi bản thảo lần đầu qua Yahoo! Mail cuối tuần trước.
10 giờ sáng thức dậy, tôi mở email của ông: “Điểm lần hai: 9.7. Tôi đã gửi bài đến Boston Globe” kèm theo bản chuyển tiếp email ông gửi bài đến biên tập viên Boston Globe. Trưa ngày Halloween hôm đó, trên đường trở lại Salem, tôi nhận được email của giáo sư Jerry gửi cả lớp thông báo bài Halloween của tôi vừa được đăng trên boston.com.
Bài viết đầu tiên của tôi trên boston.com.
Không thể diễn tả hết niềm vui của tôi. Tôi rung tay email cảm ơn giáo sư Jerry và chúc mừng Halloween. Ít phút sau, ông phản hồi: “Chúc Halloween vui vẻ Châu. Cảm ơn em đã thúc ép tôi hôm qua. Tôi đoan chắc em là nhà báo không khoan nhượng (mặc dù rất lịch sự).”
Giờ đây, gần 2/3 hành trình đã qua. Khó khăn vẫn bủa vây lấy tôi nhưng tôi không còn e ngại, không còn sợ thất bại. Bước khỏi vùng êm ái, tôi tự tin và mạnh mẽ hơn rất nhiều./
Mai Ngọc Châu (TNSV Boston)