Ở Việt Nam hiện tại, truyện tranh và hoạt hình vẫn còn là những lĩnh vực chưa có tương lai cụ thể. Những người đam mê sáng tạo loại hình này phải tự đi tìm một con đường cho riêng mình. Trong số đó có một chàng thanh niên đã xác định mục tiêu bản thân là trở thành một “cartoonist” chuyên nghiệp – người vẽ hoạt hình/ truyện tranh theo phong cách “cartoon.” Vậy cartoon có gì khác với manga (truyện tranh Nhật) hoặc comics, và điều gì đã làm nên đam mê này từ một chàng trai từng theo học Kiến trúc tại Đại học Xây dựng – Hà Nội?
Không phải đến lúc theo học ngành Hoạt hình (Animation) tại Academy of Art University, San Francisco, cái tên Hà Huy Hoàng mới xuất hiện như một họa sĩ theo đuổi nghiệp truyện tranh. Ngay từ trước đó lúc còn là sinh viên Kiết trúc ở Việt Nam; anh chàng sinh năm 1989 này đã từng có kinh nghiệm làm việc cho công ty Idea Production – một công ty truyện tranh ở Hà Nội; làm họa sĩ minh họa freelance cho một số công ty, nhà xuaát bản, và khách đặt hàng từ nước ngoài. Năm 2010, trong cuộc thi Nét Rồng Thiêng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, truyện của anh hợp tác cùng Joe Ruelle (hay còn được biết đến với nickname Dâu Tây) đã đoạt giải khuyến khích.
*Thành tích và tranh của Hà Huy Hoàng: Góc sáng tạo của SinhvienUSA.org
Trong phần giới thiệu về bản thân mình trên trang Behance.net, anh có khẳng định bản thân mình “luôn mong muốn trở thành một “cartoonist” chuyên nghiệp” Vậy nếu một độc giả tương lai của anh, người chưa hiểu rõ lắm về khái niệm “cartoonist”, thắc mắc đó là gì, anh sẽ giải thích thế nào?
Về cơ bản thì trong tiếng Anh từ Cartoon được hiểu theo rất nhiều nghĩa, nhưng nghĩa gốc của nó là để nói về những hình vẽ biếm họa, hí họa, hoặc truyện tranh dạng comic ngắn 3 – 4 khung trên các tờ báo của Mỹ từ nhiều chục năm trước. Ngày nay khi hoạt hình dạng phim ngắn theo series được chiếu trên truyền hình trở nên phổ biến, từ này được sử dụng theo nghĩa rộng hơn là hoạt hình, nhưng thường chỉ áp dụng cho các hình thức hoạt hình/biếm họa/hí họa/minh họa có sự cách điệu, bóp hình, khiến cho nhân vật trở nên đơn giản/đáng yêu/lố bịch/hài hước. Tiêu biểu cho cartoon dạng họa báo là Garfield, Snoopy,… còn cartoon dạng hoạt hình series là Tom and Jerry, Dexter’s Lab, Powerpuff Girls,… Những thứ như comic siêu nhân cơ bắp cuồn cuộn hay hoạt hình chiếu rạp có phong cách gần với tả thực như Disney thời kỳ đầu thì ngày nay không hoặc ít khi được xếp vào dạng “cartoon.”
Từ cách hiểu này, suy ra “cartoonist” là người vẽ cartoon (theo định nghĩa như trên), và mình muốn học để trở thành 1 cartoonist. tức là vẽ cả hai hình thức tĩnh và động luôn.
Vây theo anh những yếu tố nào sẽ làm nên một “cartoonist” chuyên nghiệp?
Với mình, người làm việc chuyên nghiệp là người có thể sử dụng kỹ năng của mình để tạo ra sản phẩm và tự nuôi sống được bản thân bằng công việc của mình, là người có cách làm việc có hệ thống, khoa học, hợp lý, hiệu quả, chất lượng, đúng hạn,… Cái này mình nghĩ là nó áp dụng cho hầu hết các công việc khác và đối với mình đó cũng chính là những gì một cartoonist chuyên nghiệp cần.
Cá nhân mình luôn có quan điểm rất khác với hình ảnh của những cartoonist/artist mà người ta thường hay hiểu. Mình không phải là một “nghệ sĩ” có tâm hồn treo ngược lên cành cây, mơ mộng và làm việc theo cảm tính hoặc cảm hứng. Mình là một họa sĩ chuyên nghiệp, và làm việc đặt hiệu quả và uy tín lên hàng đầu, bằng một hệ thống khoa học mà tự mình đúc kết qua kinh nghiệm cá nhân, nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm (chứ ko phải tác phẩm) tốt nhất có thể.
Anh có thể cho biết nghệ danh của anh, “Splendid River”, có nghĩa là gì và vì sao anh chọn nghệ danh như vậy?
Thực ra Splendid River chính là tên thật của mình được dịch thẳng ra tiếng Anh. Hà = Sông = River, Huy Hoang = Splendid River. ===> Hà Huy Hoàng = Splendid River :D. Cái này mình nghĩ ra từ khi học lớp 6, và đã sử dụng nó làm nickname trên mạng từ những ngày đầu tiên tiếp xúc với internet.
Theo dõi trên page có thể thấy anh rất hay xem phim truyền hình. “Doctor Who” có phải là bộ yêu thích nhất của anh? Và một bộ “cartoon” hoàn hảo nhất mà anh luôn mơ ước thực hiện được sẽ như thế nào?
Ừ, mình rất hay xem phim, gần đây thì hay xem các series truyền hình của Mỹ. Tuy nhiên, mình lại thích nhất Doctor Who – một series phim truyền hình của Anh, chứ không phải Mỹ.
Cái mình thích xem với cái mình muốn làm thực ra nó cũng không thực sự liên quan tới nhau lắm. Mặc dù mình rất thích xem những series cartoon có nội dung phức tạp, có phần người lớn, có nhiều chiều sâu, nhưng bản thân thực ra thích làm ra những bộ cartoon có nội dung đơn giản, giải trí, dành cho mọi lứa tuổi, chiều sâu đủ tinh tế để trẻ con khi xem có thể thấy sảng khoái, còn người lớn có thể nhìn ra những ý nghĩa sâu sắc. Đại loại mình muốn làm những phim giống như Dexter’s Lab hay Phineas and Ferb vậy.
Là một “cartoonist” người Việt Nam có khác gì một “cartoonist” ở Mỹ – nơi anh đang theo học?
Theo mình thì về mặt hình thức công việc và tính chất công việc thì không có gì khác nhau cho lắm. Chỉ có điều là ở Việt Nam thì ngành hoạt hình và minh họa chưa được các nhà đầu tư cũng như các công ty coi trọng, và họa sĩ ở Việt Nam thường phải làm việc trong một môi trường rất nhiều áp lực, trong khi lương trả rất thấp, không xứng đáng với công sức họ bỏ ra, và quyền lợi về tài chính cũng như pháp lý của họ cũng không thực sự được đảm bảo. Tuy nhiên nói là thế, nhưng thực tế là những ngành này ở Mỹ cũng đang lâm vào tình trạng tương tự khi các công ty, các tập đoàn càng ngày càng coi thường vai trò của họa sĩ, nghệ sĩ thiết kế trong các sản phẩm của họ, chỉ nhắm vào lợi nhuận mà tìm đủ cách để giảm tối đa số tiền họ phải trả cho họa sĩ, cũng như chà đạp quyền lợi pháp lý của họ. Điều này xảy ra ngay cả với những công ty, tập đoàn lớn, uy tín như Disney hay Marvel. Một nơi thì chưa nhận thức được tầm quan trọng của cartoonist, một nơi thì vì lợi nhuận mà coi thường vai trò của cartoonist. Về cơ bản, nghề cartoonist ở cả 2 nơi đều đang ở những tình trạng hết sức khó khăn, chỉ khác nhau ở cội nguồn của khó khăn mà thôi.
Vậy cá nhân anh đánh giá như thế nào về tương lai của “cartoon” ở Việt Nam?
Trong độ khoảng 10 năm trở lại đây thì ở Việt Nam có sự xuất hiện của rất nhiều những nhóm họa sĩ truyện tranh/hoạt hình/minh họa trẻ rất có tài năng như 2 anh Thành Phong/Khánh Dương, nhóm BRO, Idea Production, 4Leaf Studios… và không gian sáng tạo của các họa sĩ này cũng hết sức rộng mở và cởi mở, dần dà cũng đang tạo được 1 môi trường rất tích cực để các họa sĩ trẻ có thể tham gia, tự tìm lấy niềm yêu thích của bản thân, và phát triển thành một nghề được công nhận trong xã hội.
Tuy nhiên thì hiện tại ở Việt Nam theo cá nhân mình thấy vẫn đang ở giai đoạn khá chững của nghề này khi các họa sĩ chia thành hai hướng: 1 nhóm không nhìn thấy tương lai tài chính của nghề này, nên từ bỏ và tìm kiếm cho mình một chỗ dựa vững chắc hơn. Nhóm còn lại mặc dù tài năng vô cùng tuyệt vời nhưng lại có cái tôi quá lớn, chưa thực sự biết cách làm việc một cách thực sự chuyên nghiệp và có hệ thống (như mình đã nói ở trên).
Những tác phẩm truyện tranh, hoạt hình của các nhóm ở Việt Nam hiện nay vẫn còn mang nhiều tính tự phát, ít có đầu ra đảm bảo được về tài chính, mặc dù chất lượng và thể loại ngày càng nâng cao và đa dạng. Tuy nhiên bởi vì cái tiềm năng vô cùng lớn ở số lượng họa sĩ trẻ năng động, đông đảo, sáng tạo và tài năng như thế, mình tin là trong tương lai gần thôi, “cartooning” sẽ trở thành 1 nghề có thể đảm bảo được tương lai tài chính cho các họa sĩ ở Việt Nam. Đây cũng chính là lý do vì sao mình phải đi nửa vòng trái đất sang nước Mỹ xa xôi này để học từ họ cách làm sao để trở thành những nghệ sĩ không chỉ tài năng, mà còn thông minh và biết kiếm tiền
Dự định trong tương lai ba năm đến của anh là gì?
Ba năm cũng chính là số thời gian mình còn lại để học ở trường AAU này, và mình sẽ tiếp tục không ngừng cố gắng, luyện tập, đặc biệt là về mặt hoạt hình, để thực sự trở thành một cartoonist chuyên nghiệp như mình luôn mong muốn. Mục tiêu của mình là tiếp tục tham gia các triển lãm Spring Show, Fall Show của trường, đồng thời cũng sẽ thực hiện 1 bộ truyện tranh cá nhân, hợp tác cùng 1 trong số những người bạn người Mỹ của mình ở đây để xuất bản. Năm cuối cùng mình cũng mong muốn có cơ hội được thử sức trong chương trình thực tập của Disney Animation Studios để rèn kinh nghiệm cho bản thân mình, cũng như tìm kiếm cơ hội được làm việc tại Studio hoạt hình số 1 thế giới. Sau đó mình sẽ về Việt Nam, mang những hiểu biết và kỹ năng của bản thân về theo để thực hiện ước mơ.
-Rio Lam-
One thought on “Hà Huy Hoàng: “Tôi luôn muốn trở thành một cartoonist chuyên nghiệp””