Bài dự thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả: Nguyễn Thu Loan, Senior officer, CSAGA (Trung Tâm Nghiên Cứu và Ứng Dụng Khoa Học về Giới-Gia Đình-Phụ Nữ và Vị Thành Niên)
—
Sân bay Nội Bài đã là 12h đêm. Chồng tôi đưa tôi ra sân bay. Chúng tôi hôn tạm biệt. Chúng tôi chỉ vừa làm đám cưới hôm qua. Bây giờ tôi chuẩn bị lên máy bay để đến với đất nước tôi mong mỏi được đặt chân – nước Mỹ. Tạm biệt chồng với nhiều nhung nhớ, tôi mặc áo và xách vali bước đến cửa hải quan, bắt đầu chuyến hành trình hai vạn dặm của mình.
Nhận được tin đi Mỹ, lòng tôi tràn ngập niềm vui sướng. Nửa tin nửa ngờ, tôi không dám chắc lần này tôi có thể đi hay không, vì tôi đã lỡ duyên với nước Mỹ hai lần.
Lần này tôi đi thay chị Thúy sếp của tôi, trình bày về “Sử dụng phương pháp nghệ thuật sáng tạo trong trợ giúp nạn nhân của bạo lực gia đình” tại Hội nghị Toàn cầu lần thứ 2 mạng lưới nhà tạm lánh dành cho phụ nữ bị bạo lực. Đó là may mắn của tôi, và tôi phải biết ơn chị Thúy lắm đã dành cho tôi cơ hội này. Chị không đi vì cũng được ĐSQ Mỹ chọn tham dự chương trình Study Tour đến tham quan học tập tại nhiều bang của nước Mỹ.
Nước Mỹ là “Miền đất hứa” của tôi, đã từ lâu lắm, tôi mong mỏi một ngày được đặt chân lên mảnh đất này, được tận mắt thấy Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, thấy cây Cầu Cổng Vàng uy nghi lộng lẫy. Tôi nghe thấy nước Mỹ, nhìn thấy nước Mỹ, nếm được hương vị nước Mỹ… từ những bài học về đất nước học, giao thoa văn hóa và nhất là văn học Mỹ khi tôi còn ngồi trên giảng đường đại học. Đất nước của tự do, thám hiểm, khám phá, của những cuộc cách mạng lớn có một sức cuốn hút kỳ lạ với tôi. Tôi bị cuốn hút vào cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Huckleberry Finn trên dòng sông Mississippi hùng vĩ, tôi mê mải theo những người đầu tiên đến khai phá miền đất mới, với những người đi tìm vàng, những cowboy chinh phục những vùng hoang sơ, tôi đọc về tổng thống Lihncon và cuộc cách mạng giải phóng nô lệ, tôi tìm hiểu về bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, tôi tìm hiểu về nền kinh tế Mỹ và những siêu đô thị mà người ta gọi là “Melting Pot” – “Nồi lẩu thập cẩm”. Tôi là một con người tò mò và ưa khám phá, tôi tò mò và ưa khám phá về đất nước kỳ lạ ấy. Tôi vô cùng yêu văn học, và tôi say mê văn học Mỹ với lối văn phóng khoáng, cách tân, vượt ra ngoài khuôn khổ chuẩn mực của văn học Anh.
Tôi đã đi trên dưới chục nước Âu Á, nhưng chưa bao giờ tôi bỏ ra nhiều thời gian tìm hiểu về điểm đến của mình như lần này. Tôi lên tất cả các trang web giới thiệu về thủ đô Washington DC, đọc ngấu nghiến lịch sử của các công trình lớn. Tôi tìm kiếm mọi trang web giới thiệu về Seattle. Thật may mắn khi tôi được chị Megan và trung tâm Phụ nữ và Dân chủ của bang Washington mời đến thăm nhà chị tại Seattle, thành phố mà tôi yêu mến từ khi xem xong bộ phim “Sleepless in Seattle” do Tom Hanks và Meg Ryan thủ vai. Tôi sung sướng cảm ơn chị Megan nhiều lần trên email, đến nỗi chị ấy phải phì cười. Vậy là lần này được đến với cả 2 đầu nước Mỹ, Đông và Tây, hạnh phúc nhân lên gấp đôi!
***
Ngay từ lúc ngồi trên máy bay của American Airlines tôi đã thấy có điều thú vị. Tiếp viên ở đây toàn người trung tuổi, lại cao to lực lưỡng chứ không “xinh đẹp bắt mắt” như mấy em gái tiếp viên Vietnam Airlines. Hỏi ra mới biết người Mỹ họ coi trọng lao động có trình độ chứ không coi trọng ngoại hình! Họ tạo điều kiện cho tất cả mọi người được làm việc và cống hiến như nhau. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao mà đất nước họ phát triển! Tất cả tiếp viên trên chuyến bay đều khỏe mạnh, tháo vát, nhiệt tình và trông rất trí thức. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in gương mặt và dáng điệu của từng người tiếp viên trên chuyến bay ấy.
Chúng tôi quá cảnh ở Texas. Lúc trên máy bay nhìn xuống, cảnh vật vẫn còn buồn vì bây giờ vẫn là mùa đông, cây cối trơ trụi lá chứ không có hoa nở tưng bừng như trên phim. Sân bay quốc tế Dallas- Forth Worth rất rộng và đẹp, đây là sân bay lớn thứ 2 Hoa Kỳ và là sân bay tấp nập thứ 3 trên thế giới. Sân bay càng trở nên đông đúc hơn vì hôm nay họ gộp cả 3 chuyến bay để làm thủ tục hải quan cùng một lúc. Những hàng người dài như không bao giờ dứt nối tiếp nhau. Tôi quan sát thấy trên các màn hình lớn đặt tại sân bay, họ chiếu video giới thiệu về nước Mỹ giống với cái chiếu tại ĐSQ Mỹ tại Việt Nam khi tôi đến phỏng vấn xin visa. Chị Hòa hỏi tôi: “Bây giờ em cảm thấy thế nào?”, tôi bảo: “Em thấy vui sướng và hồi hộp, một đất nước mình tìm hiểu nhiều lắm giờ được thấy tận mắt thì thật thú vị”. Chị Hòa bảo: “Ừ chị hiểu cảm giác của em, cũng giống chị hồi lần đầu đến Mỹ!”
Xen kẽ giữa dòng người tiếp nối nhau làm thủ tục hải quan, có những cán bộ an ninh Mỹ đi kiểm tra visa xác xuất, họ cũng hỏi tôi vài câu hỏi nhưng cuối cùng đều tốt đẹp cả. Chỉ một vấn đề duy nhất là thời gian chúng tôi quá cảnh ở Texas quá ngắn, tôi sợ không kịp bắt shuttle đến nhà ga khác để bắt chuyến tới Washington DC. Và thực sự là chúng tôi không kịp. Sau khi chuyện trò và năn nỉ mấy người check chuyến bay, chúng tôi đành ngậm ngùi chờ đợi chuyến kế tiếp cách những 6 tiếng vì chuyến này đã đầy ứ người. Mọi người từ khắp nơi đổ về Washington DC đợt này. Riêng hội nghị tôi tham dự đã là 1.600 người đến từ 94 quốc gia khác nhau, một hội nghị quốc tế khác về năng lượng còn gần 3,000 tham dự, cũng tại ngay khách sạn tôi ở.
Thời gian chờ đợi ở sân bay Dallas tôi đi loanh quanh thăm thú. Rất nhiều áo T-shirt về Texas các các cầu thủ nổi tiếng bày bán, rồi mũ lưỡi trai và các vật phẩm địa phương. Tôi thích nhưng quyết định không mua. Tôi còn đến nhiều nơi với rất nhiều thứ phải mua sắm. Tôi biết đây sẽ là một chuyến đi tốn tiền!
Khi đến DC, tôi gặp ngay chị Debora, người của ban tổ chức đang sốt sắng đứng đợi. Gặp chị Hòa và tôi, chị nhận ra ngay và chạy vồ tới, chị cứ hỏi tới tấp, sao 2 Vietnamese ladies lâu đến thế, tao cứ đợi ở đây mãi. Chị Debora trông thật là tươi trẻ và sống động, chị làm tôi cảm thấy yên tâm ngay.
Rồi chúng tôi theo shuttle của hội nghị về khách sạn. Tôi cứ căng mắt ra ngắm đường và các dãy nhà trên đường đến khách sạn. Đường lát gạch đỏ, những ngôi nhà cũng xinh xinh cổ kính, hai hàng cây bên đường được trang trí toàn bằng đèn nhấp nháy màu vàng (chứ không xanh đỏ tím vàng như Việt Nam) tạo cảm giác thanh bình. Tôi bỗng nhiên thấy hạnh phúc, cảm giác như mình đang trong một bộ phim nào đó của Hollywood!
Tôi đến khách sạn Gaylord. Mặc dù đã xem nhiều ảnh về khách sạn này trên google rồi, nhưng khi mục sở thị, tôi vẫn không khỏi choáng ngợp bởi vẻ đẹp tráng lệ của nó. Nhìn từ phía sông Potomac trở lại, trông khách sạn như một công trình bằng kính khổng lồ. Tôi đã tưởng mọi phòng đều được ốp kính ở ngoài, nhưng thực ra không phải vậy. Công trình này có 2 tòa nhà, tòa thứ nhất toàn bằng kính để “đánh lừa” cảm giác người quan sát, tạo cảm tưởng khách sạn xây chỉ bằng kính. Tòa thứ 2 phía bên trong mới là phần dành cho khách nghỉ tại khách sạn. Nếu tôi không nhầm thì khách sạn có gần 4,000 phòng, tôi phải mất một thời gian mới nhớ được đường về phòng mình tại tầng 8. Đây là nơi phục vụ những nguyên thủ quốc gia hàng đầu và các ngôi sao lớn. Khi tôi ở đó thì cũng có cựu tổng thống Bill Clinton, Bill Gate, các cố vấn của tổng thống Obama và ngôi sao Gloria Gaynor ở tại các phòng.
Từ khách sạn Gaylord, tôi có thể bao quát được hầu hết các thắng cảnh của thủ đô DC, sông Potomac và cây cầu bắc qua sông, phố xá, các con đường. Khu này cách không xa Nhà Trắng, Nhà Quốc Hội và Khu tưởng niệm National Mall là mấy.
Tối đến, đường vào sảnh chính khách sạn ngợp đèn trang trí màu vàng, mắc như sao trên các cành cây. Sảnh đường chỗ nào cũng bóng loáng như gương. Khu trình diễn nhạc nước sôi nổi và hoành tráng. Các du khách vui vẻ thì thích ngồi uống cà phê và xem trình diễn nhạc đồng quê ở khu ngoài trời tầng 2. Mọi nơi đều đông đúc và vui vẻ.
Ngay lúc đặt chân đến tôi đã có kinh nghiệm làm việc với chiến sĩ an ninh Mỹ! Vì lo lắng đi sắp xếp bàn triển lãm nên tôi để khóa cửa phòng ở đâu chẳng rõ. Tôi phải đến trình bày với lễ tân, đợi làm khóa mới và để cô an ninh áp tải lên phòng. Sau khi kiểm tra đâu đấy, cô an ninh nhìn tôi nói nghiêm túc nhưng vẫn thân thiện: “Đừng làm mất khóa lần nữa, ok?”. Tôi cũng để ý khách sạn Mỹ giờ chỉ tính tiền bằng thẻ visa, mọi phí tổn chỉ cần quẹt thẻ là xong, nếu lỡ có mất đồ gì trong phòng họ cũng trừ tiền qua thẻ. Đơn giản và hiệu quả! Riêng phục vụ tại khách sạn nói riêng và phục vụ các ngành nói chung hầu hết đều là người da màu, Phi, Mỹ Latin và Á. Nhiều người trong số họ đều nói tiếng Anh chưa chuẩn, chỉ đủ để giao tiếp.
Tối đầu tiên, sau khi tranh thủ sắp xếp xong bàn triển lãm, tôi và chị Hòa rủ nhau đi dạo quanh khu mình ở. Bên ngoài trời rất lạnh. Chúng tôi đi bộ dọc xuống khu đại lộ Waterfront, vừa đi vừa tranh thủ chụp ảnh. Các khách bộ hành người Mỹ thấy hai chị em chụp ảnh thì rất vui vẻ ra “đề nghị” để họ chụp ảnh hộ, để thấy mặt cả 2 người. Anh tôi đã nói người Mỹ rất nice, họ sẽ sẵn lòng giúp đỡ những lúc như thế này. Nếu họ có xe riêng thì mình nhờ họ chở đi đâu đó họ cũng không từ chối. Đặc biệt là xe cộ luôn luôn nhường đường người đi bộ. Họ chờ đến khi nào chúng tôi sang được đường thì mới lái xe qua!
Tôi thấy nhiều cửa hàng trên đường Waterfront, thấy các quán bar nơi các nhạc công đang chơi những bản nhạc nhẹ nhàng êm ái. Tôi thấy hơi ngạc nhiên. Từ lúc sang chỉ toàn thấy nhạc công chơi các bản nhạc xưa cũ, nhạc đồng quê, nhạc trữ tình, chứ không hề nhạc ồn ào náo động như tôi vẫn thường nghĩ về nước Mỹ. Cảm giác rất thanh bình.
Đêm tiệc khai mạc chương trình vô cùng hoành tráng. Phòng tiệc rộng mênh mông, đi từ bên này sang bên kia dễ phải trăm mét. Ngoài sân khấu chính, trong phòng treo 4 màn hình rất lớn. Nhìn chung công nghệ cho hội nghị thì không chê vào đâu được, vì ban tổ chức vận động được tập đoàn công nghệ Horizon hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình.
Đêm tiệc, ngoài món ăn ngon, không khí tiệc tùng vui vẻ bên những người bạn năm châu, tôi rất ấn tượng về các khách mời trong chương trình. Tôi nhớ ông ngôi sao phim hành động Mỹ, kể về các trải nghiệm bản thân và quá trình đấu tranh chống bạo lực với phụ nữ. Nhớ bà cố vấn quốc gia về Quyền Phụ nữ của tổng thống Obama trông trẻ trung sành điệu và có giọng nói lảnh lót như gương. Và nhớ nhất là cô công chúa Đan Mạch, xinh đẹp, cao quý, nói thứ tiếng Anh hoàng tộc chuẩn đến từng âm tiết. Chính cô thành lập và vận hành quỹ Mary dành cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình tại Đan Mạch!
Bữa sáng đầu tiên tại hội nghị có bánh tráng nhân thịt, hoa quả, sữa chua và ngũ cốc, khắp mọi nơi đều có nước trái cây Mermaid nữa. Đông như thế nhưng mọi người xếp hàng đều tăm tắp để lấy thức ăn, mặc dù lâu nhưng bù lại rất trật tự và văn minh.
Tôi vinh dự được mời vào lớp học kinh tế thế giới (vì tôi đã nhanh nhảu đăng kí từ ở nhà), trong khi một số người phải trả cả trăm đô để được vào cửa. Tôi chẳng có mấy kiến thức về kinh tế, tôi cũng chẳng biết nhiều từ về kinh tế nên tôi rất run. Khi phải ngồi để thảo luận bàn tròn, tôi toát mồ hôi… xung quanh toàn các nhà kinh tế học và nhà tài trợ quốc tế. Mọi người đổ dồn về phía tôi và bảo “Em gái Việt Nam nói gì đi”, tôi vận dụng hết trí sáng tạo chia sẻ vài điều hay ho làm mọi người cười nghiêng ngả. Tôi có khả năng chọc người khác cười. Tôi thấy sự hài hước đôi khi rất có ích.
Trong buổi học, tôi nhớ nhất hình ảnh một phụ nữ Châu Phi lam lũ gánh một bó củi lớn trên lưng kèm theo lời bình: “Nếu giàu có là kết quả của sự làm việc chăm chỉ, thì mỗi người phụ nữ Châu Phi đều là một triệu phú!”. Phải quá, những người giàu có nhất chẳng phải là người làm việc chăm chỉ nhất!
Lịch trình hội nghị rất sít sao, người ta chia hội nghị thành các phiên họp lớn nhỏ khác nhau, mỗi phiên nhỏ diễn ra tại một hội trường, và người tham dự có quyền chọn chủ đề mình thích để tham gia. Tôi chọn các chủ đề tôi quan tâm như nghệ thuật, sáng tạo, quản lý tài chính, gây quỹ, làm việc với cảnh sát trong trợ giúp nạn nhân bị bạo lực, vượt qua khủng hoảng tại các vùng thiên tai… Được ở tại khách sạn sang trọng, hưởng cảm giác nhung lụa thật đấy nhưng hội nghị thì rất căng thẳng và nghiêm túc. Tôi chẳng có mấy thời gian để đi ra ngoài.
Tại hội nghị, mọi người được dịp reo hò phấn khích với sự xuất hiện của cựu tổng thống Bill Clinton, nữ minh tinh Reese Witherspoon, ca sĩ Gloria Gaynor… Tôi chỉ ngồi cách Bill Clinton có vài bước chân mà sao tôi chẳng nghĩ đến việc chạy lên chụp ảnh cùng ông ấy (trong khi ông ấy là thần tượng của tôi!). Đôi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy tiếc về điều này.
Chúng tôi chỉ thực sự có thời gian đi thăm thú Washington DC khi hội nghị kết thúc. Chúng tôi chuyển đến ở một khách sạn nhỏ hơn, rẻ hơn ở gần tòa nhà Quốc hội Mỹ. Đó là một buổi sáng rất đẹp, trời quang đãng sáng sủa, lại còn có nắng nữa! Tôi lao ra đường, nhìn ngắm tất cả mọi thứ. Tôi thấy giống cây gì như cây bắp cải nhưng lá to, xoăn và màu tím. Tôi trông thấy loại hoa gì nhỏ li ti màu tím nhạt ở chân các gốc cây lớn nữa. Đường phố vắng vẻ, mọi nơi đều yên tĩnh. Những cây anh đào vẫn còn im lìm chưa trổ bông. Thật đáng tiếc, chỉ cần đến sau vài tuần thôi là tôi đã có dịp ngắm anh đào nở rồi! Con đường dẫn đến nhà Quốc hội thẳng tắp, nhỏ và lát đá trắng. Chúng tôi đi bộ chầm chậm dọc con đường để đến nhà Quốc hội. Chúng tôi dừng lại để chụp ảnh. Đã cất công xách theo máy ảnh chuyên nghiệp nhưng vì không biết chụp nên chẳng được mấy ảnh đẹp. Thật là đáng tiếc. Đây cũng là một kinh nghiệm đi du lịch. Có khi mang máy ảnh du lịch nhỏ gọn lại tốt hơn nhiều so với máy chuyên nghiệp nặng trịch và đắt tiền.
Đội an ninh ở nhà Quốc hội không cho mọi người mang đồ ăn vào. Tất cả phải ra vứt đồ ăn ở thùng rác (nhưng lúc về tất cả lại ra lục thùng rác để lấy lại đồ ăn!!!). Nhìn thiếu niên Mỹ lục thùng rác cười nói tưng bừng tôi thấy trẻ con ở nơi nào cũng vậy, hồn nhiên và đáng yêu.
Dịch vụ công ở nhà Quốc hội nói riêng và ở nước Mỹ nói chung tốt kinh khủng. Tôi không phải mất một đồng nào để được tham quan khắp tòa nhà, được xem phim miễn phí, không những thế còn được các hướng dẫn viên dẫn dắt nhiệt tình vào từng ngóc ngách, từng công trình một. Mỗi người một tai nghe, nối trực tiếp với microphone của hướng dẫn viên để nghe cho rõ. Không biết họ được trả lương bao nhiêu mà họ lại nhiệt tình như thế. Mà nhiều người họ làm việc cũng chẳng phải vì lương!
Nhà Quốc hội thực là một công trình đồ sộ và mang nhiều ý nghĩa. Cái mái vòm tròn, cao chót vót, trang trí bằng những bức họa cổ tượng trưng cho Trí tuệ, Công bằng và Bác ái. Xung quanh phòng lớn là hàng loạt bức tượng về thống đốc các bang và các nhân vật lịch sử nổi tiếng, mỗi bức tượng một dáng vẻ, một thần thái, một phong cách sống động; cứ một bức bằng đồng lại đến một bức bằng đá trắng đan xen nhau. Ở đây, họ trang trí tỉ mỉ từng chi tiết, cả chiếc bút lông bằng đồng cũng được làm như thật!
Lúc về, chúng tôi đi qua tòa nhà Bộ Tư pháp. Tòa nhà này đồ sộ với những cột đá cao vút. Tôi để ý một điều là hầu hết các công trình lớn ở đây đều làm bằng đá. Những khối đá trắng khổng lồ, vững chãi được xây dựng từ bao thế kỷ vẫn đứng sừng sững và nguyên vẹn cho muôn đời sau. Nhà bằng đá tạo cảm giác uy nghi, trang trọng và hùng dũng. Đâu đó quanh tòa nhà Bộ Tư pháp có mấy người đang biểu tình, phản đối chính phủ. Có ông già ăn mặc rách rưới ngồi bên một đống biển hiệu đả đảo. Mọi người bảo ông ngồi đấy đã từ lâu lắm rồi.
Chúng tôi đi chầm chậm thăm thú phố phường và tìm quán ăn trưa. Hoa thủy tiên vàng nở dọc lối đi. Những bông hoa đầu mùa vẫn còn mát lạnh e ấp. Rồi những cây cổ thụ trổ hoa li ti sà xuống trước mặt tôi. Có cái gì như mùa xuân sắp về, không gian thoáng đãng và mùi thơm rất dịu nhẹ. Tôi thấy hạnh phúc tràn ngập trong lòng, tôi vừa đi vừa nghĩ “Ôi, phải làm sao bây giờ, không biết mình có nhìn được hết, thăm được hết, yêu quý được hết cả thành phố xinh đẹp này không đây.”. Tự nhiên tôi trở nên quýnh quáng, hồi hộp. Nếu ai đã từng có tình yêu với một mảnh đất nào đó, có lẽ sẽ hiểu được cảm giác của tôi.
Nhân viên văn phòng Mỹ họ cũng mua những suất ăn trong hộp mang về phòng. Họ rất nhiệt tình chỉ đường cho tôi đến khu ăn uống. Ở đây, tôi cứ có cảm giác mọi người là bạn của mình, ai gặp tôi họ cũng cười, cũng chào, cũng chỉ cho tôi nơi tôi muốn đến. Tôi không thấy có cảm giác e ngại hồi hộp khi phải nhờ họ chỉ đường gì cả. Trong môi trường này, tự nhiên tôi thấy mình nói tiếng Anh thành phản xạ, nói chẳng cần phải nghĩ. Tôi thích cái cảm giác này.
Trung tâm ăn uống ở DC đông đúc nhưng trông xưa cũ. Tôi có cảm giác mình đang ở một tòa nhà trong Hẻm Xéo trong truyện Harry Potter.
Cuộc phiêu lưu của tôi chỉ thực sự bắt đầu sau bữa ăn trưa. Sau khi gặp gỡ một đồng nghiệp tại quán cà phê Starbucks, trời bỗng dưng nổi cơn giông bão, đổ mưa dữ dội. Mưa lớn và càng lúc càng lạnh. Mọi người quyết định đi siêu thị rồi về nhà, vì mọi người đã lê la chán ở thành phố này rồi. Nhưng tôi thì là lần đầu tiên. Tôi đi nửa vòng trái đất đến đây không phải để đi siêu thị, tôi muốn đến thăm Nhà Trắng, thăm National Mall và các viện bảo tàng nổi tiếng. Tôi quyết định sẽ đi một mình. Trời tối sầm, gió thốc phần phật, mưa tuôn xối xả, tìm mãi lại chẳng thấy chỗ nào bán ô. Tôi kéo cái mũ áo khoác trùm kín đầu rồi cứ thế cắm cổ đi. Tôi bắt taxi đến Nhà Trắng. Nhưng ông taxi lại đỗ xịch trước cửa trung tâm tiếp khách của Nhà Trắng rồi bắt tôi xuống. Trung tâm đã đóng cửa rồi! Tôi buồn thiu xách túi đi ven tòa nhà, rẽ sang bên trái để ngược lên lối có Tháp Bút Chì. Mưa to và trời lạnh tê tái. Cái áo khoác của tôi ngấm mưa ướt sũng, nước chảy thành dòng trên mặt trên cổ trên tay tôi. Một tay tôi xách túi, một tay ôm máy ảnh, tôi vừa đi vừa run. Trời tối thế này nhỡ gặp găng–xtơ đường phố thì sao, mà tôi lại bị bệnh mù phương hướng nữa. Tôi chẳng có bản đồ, chẳng phân biệt được hướng nào với hướng nào, đường phố quá vắng vẻ, đường đến Tháp Bút Chì còn khá xa mà đường về nhà thì chẳng nhớ.
Thôi kệ, cứ đi! Tôi cứ dõi theo ngọn tháp cao mà thẳng tiến. Cái tháp này nổi tiếng lắm, phải đến tận nơi để nhìn nó, chiêm ngưỡng nó chứ nhất quyết không bắt taxi về. Tôi cứ đi dưới trời mưa. Đi mãi cuối cùng cũng đến được khu đồi bao quanh ngọn tháp. Tôi ngước mắt lên ngắm ngọn 5 phút, nhìn cẩn thận mọi chi tiết của ngọn tháp. Tôi đi một vòng theo con đường mòn bao quanh tháp. Vừa đi vừa ngắm nghía. Tôi chẳng biết sẽ đi đâu tiếp bây giờ, chẳng có ai để đi cùng. Bỗng nhiên tôi trông thấy một cửa hàng bán đồ lưu niệm. Tôi quyết định vào đó, vừa giả vờ thăm thú vừa tính kế hoạch tiếp theo. Vào hàng, tôi trông thấy ngay một anh người châu Á đang mua bản đồ. Lập tức tôi bám theo anh ta. Tôi giả vờ bảo: Cậu làm ơn chụp cho tôi 1 tấm ảnh dưới chân tháp được không? Anh chàng vui vẻ nhận lời, chụp rất nhiệt tình. Thế là tôi bắt chuyện với anh ta, hỏi anh ta đi đâu, có cùng tôi đi thăm khu tưởng niệm được không. May quá anh bạn cũng đang trên đường đến đó. Thế là tôi có bạn đồng hành. Anh ấy lại có ô, và anh ấy che cho tôi.
Đây là một cậu bạn người Trung Quốc, cậu ta đang là nghiên cứu sinh ngành địa lý tại Hồng Kông, sang Philadenphia tham dự hội hội thảo về địa lý, sau đó quyết định đến đây chơi. Đúng là tiến sĩ địa lý, xác định hướng rất giỏi, cụ tỉ chi tiết về các công trình tại khu tưởng niệm National Mall cậu ta nắm được hết và giới thiệu cho tôi. Chúng tôi đi bộ dọc theo đường nhỏ dẫn đến khu tưởng niệm Lincoln rồi khu tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, chúng tôi còn tham quan một số công trình khác nữa. Hành trình bỗng trở nên đơn giản và thú vị, vì tôi có người bạn đồng hành để trò chuyện. Cậu ta lại khéo nói và tốt tính nữa nên tôi càng yên tâm. Chúng tôi đi thăm thú cho đến lúc trời tối hẳn mới về. Cậu ta thật tốt khi đưa tôi về tận khách sạn, ăn tối cùng tôi rồi mới bắt xe công cộng về. Sau này tôi mới biết hành động ấy của cậu ta thật quý giá, vì khu tôi ở là một khu khét tiếng về trộm cắp và cướp giật.
Tôi đặt khách sạn qua mạng, sau khi tham khảo một trang web về du lịch. Họ đánh giá khách sạn này 5 sao, xinh đẹp, hiện đại, lại gần trung tâm. Tôi đặt ngay mà không cần suy nghĩ nhiều. Nhưng sau này chị gái sếp tôi bảo, cô ấy do dự mãi mới dám lái xe vào khu này vì đây là khu trộm cắp cướp giết nổi tiếng, toàn côn đồ với dân du thực tụ tập, người bản địa hầu như không ai dám bén mảng đến. Thảo nào trên đường tôi về, la liệt dân da đen ngả ngốn trên lối đi, họ cứ tụ tập thành từng nhóm hút thuốc và uống rượu, trông ai cũng gấu và bệ rạc. Khi lên xe ra sân bay để đi Seattle chúng tôi mới thở phào.
Trên đường ra sân bay, tôi được chứng kiến một cảnh thú vị, đó là màn rượt đuổi của cô cảnh sát với ông lái taxi của tôi. Ông ta vi phạm luật, lái xe quá tốc độ. Xe cô cảnh sát lao vun vút và áp tải xe tôi vào vệ đường. Cô cảnh sát đứng bên cửa xe nói rất lâu, tuyên hàng loạt tội của ông tài xế. Câu nào cô ấy nói ông ta cũng gật đầu đầy vẻ thành ý “Yes, Ma’am”. Tôi ngồi trong xe ngắm cô cảnh sát không chớp mắt, trông cô trẻ trung, xinh đẹp và rất ra dáng. Cô ấy có giọng nói hay cực kỳ.
Tôi rời Washington DC mang theo ấn tượng về cô cảnh sát ấy.
“Phải quá, những người giàu có nhất chẳng phải là người làm việc chăm chỉ nhất! “. Không đúng đâu bạn à. Không phải ai chăm chỉ làm việc đều trở thành những người giàu có, nhưng những người giàu có nhất định phải là những người làm việc cật lực ( trừ những người được hưởng thừa kế )