Điều kiện tiên quyết để trở thành một nhà toán học lừng danh cỡ đoạt giải Field thì phải có trí tuệ hơn người (ít nhất là về toán học) cộng với một quá trình miệt mài lao động sáng tạo. Điều kiện cần để trở thành hoa hậu là sắc đẹp trời phú cộng với khả năng giao tiếp ở một chừng mực nào đó.
Cả hai đều cần có những tố chất trời phú làm nền tảng, nhưng một bên cần rất nhiều thời gian và công sức để có thể đi đến thành công trong khi bên còn lại không nhất thiết phải như thế.
Điều trớ trêu là khi các nhà toán học thi thố tài năng với nhau thì có lẽ phải trả tiền để những người khác vào xem vì không ai muốn tra tấn tinh thần của mình bằng cách chứng kiến những thứ mà mình gần như chẳng có ý niệm nào cả. Khi biết người nào đó đoạt giải rất cao thì phần lớn công chúng sẽ trầm trồ thán phục chứ ít ai có thể hiểu được công trình nghiên cứu của họ là gì.
Ngược lại, trong những cuộc thi cho những người đẹp khoe sắc thì rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để vào xem. Kết quả là hiện kim kèm theo những giải thưởng toán học hay khoa học cơ bản thường chẳng đáng là bao trong khi giải thưởng cho vương miện hoa hậu đếm mỏi tay không hết.
Tại sao vậy, phải chăng lao động sáng tạo có giá trị không bằng sắc đẹp trời phú? Câu trả lời không phải như vậy mà lý do cơ bản ở đây là do tính chất của mỗi loại “hàng hóa” và giá trị thương mại của chúng.
Phải thú thực là tôi chẳng biết gì về Bổ đề cơ bản mà nhà toán học Ngô Bảo Châu đã chứng minh và rất nhiều người sử dụng cho những nghiên cứu hay ứng dụng tiếp theo. Tuy nhiên, tôi biết chắc một điều rằng giá trị của nghiên cứu này đối với xã hội là rất lớn nhưng đem bán sẽ chẳng ai mua.
Lý do bán chẳng ai mua ở đây rất đơn giản do nó không có tính tranh giành và không có tính loại trừ. Ai cũng có thể sử dụng kết quả đã được chứng minh mà không ảnh hưởng đến người khác và không ai có thể ngăn cản việc sử dụng này.
Không có tính loại trừ và không có tính tranh giành là hai đặc điểm cơ bản của một loại hàng hóa đặc biệt mà thuật ngữ kinh tế gọi là hàng hóa công (public goods). Ngược lại, hàng hóa mà có tính loại trừ và tính tranh dành được gọi là hàng hóa tư nhân (private goods). Hàng hóa có một trong hai thuộc tính trên gọi là hàng bán công (quasi-public goods).
Đối với sắc đẹp, khi các cô gái ở chốn chợ đông thì ai cũng có thể ngắm, nhưng khi người ta tổ chức thi và bán vé thì chỉ những người trả tiền mới có thể vào trong một không gian giới hạn. Do vậy, tính chất công hay tư cũng tùy lúc, tùy nơi.
Bây giờ chúng ta cùng sang khía cạnh thứ hai của vấn đề là tính thương mại của các nhà toán học và những người đẹp.
Rõ ràng là hoạt động chuyên môn của các nhà toán học với những công thức hay ký hiệu chi chít từ trang này đến trang khác chẳng có chút giá trị thương mại gì cả. Chẳng ai bỏ tiền ra để đi xem những gì các nhà toán học đang làm việc vì chỉ rước đau đầu nhức óc vào thân (trừ một số cuộc thi có tình trình diễn).
Ngược lại, hoạt động chuyên môn của những người đẹp (đi trình diễn hay thi thố sắc đẹp của mình) lại có tính thương mại rất cao. Rất nhiều người muốn xem do tính giải trí, thư giãn hay thể hiện bản thân rất cao,
Trong nhiều trường hợp, khi một nhà toán học đoạt những giải thưởng lớn có thể có giá trị thương mại rất cao nếu họ chấp nhận làm những việc có tính thương mại. Ví dụ quảng cáo mì gói hay một sản phẩm chức năng nào đó với hàm ý rằng nếu sử dụng sản phẩm được quảng cáo sẽ giỏi giang như hình tượng quảng cáo.
Các doanh nghiệp có khả năng sẽ trả cho nhà toán học trong trường hợp này những khoản thù lao lớn hơn rất nhiều thu nhập mà một nhà toán học nổi tiếng miệt mài làm việc chuyên môn của mình. Đơn giản, là nhà toán học đã giúp doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm trong khi giá trị của họ tạo ra cho xã hội nhìn chung là thấp hơn nhiều so với việc tập trung vào nghiên cứu.
Tuy nhiên, có lẽ ít nhà khoa học đỉnh cao nào lại chấp nhận bỏ đam mê của mình để đi giúp các doanh nghiệp bán sản phẩm của họ. Ngược lại, đối với các người đẹp, nhan sắc chỉ có một thời, nên tốt nhất là giúp các doanh nghiệp, các tổ chức kich thích tiêu dùng bán được nhiều sản phẩm của họ.
Cũng có những sản phẩm không nên cổ súy cho việc tiêu dùng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp kích thích tiêu dùng là cần thiết vì nó không chỉ giúp doanh nghiệp ăn nên làm ra mà nó làm cho cả nền kinh tế khấm khá lên.
Ví dụ, nếu không có quảng bá thì chỉ một triệu du khách đến một địa điểm nào đó và tạo công ăn việc làm cho vài chục nghìn người. Nhưng với những quảng cáo về những người đẹp biển, những nàng tiên cá đẹp tuyệt trần làm cho số lượng du khách tăng lên rất nhiều thì tác dụng tích cực của việc sử dụng nhan sắc đúng chỗ là rất lớn.
Tóm lại, trong xã hội chúng ta sẽ cần cả các nhà toán học và những hoa hậu và hãy để cho mỗi người làm chuyên môn của mình một cách tốt nhất thì cả xã hội sẽ khấm khá lên.
Huỳnh Thế Du
(Bài viết đã đăng trên chuyên mục ABC Kinh tế của Báo Sinh Viên)