Vào ngày 27/10/2013, tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam thuộc Hội Thanh niên – Sinh Viên Việt Nam vùng Boston mở rộng, Giáo sư Dwight Perkins Đại học Harvard đã chia sẻ về quá trình phát triển của các nước Đông Nam Á và Đông Á.
Giáo sư Perkins bắt đầu bài nói chuyện bằng việc điểm qua tình hính phát triển của các nước Đông Á và Đông Nam Á. Trong khi Trung Quốc có mức tăng trưởng 8% đến 9.3% trong suốt ba thập niên từ 1991 đổ lại đây thì Nhật Bản cũng có mức tăng trưởng rất cao, từ 7.3% cho đến 9.8% trong suốt thời kỳ từ 1955 cho đến 1970, trước khi giảm mức độ tăng trưởng từ 1971 cho đến nay. Hàn Quốc duy trì mức tăng trưởng từ 5.7% cho đến 7.5% từ những năm 1961 cho đến 2000. Trong khi đó, mức tăng trưởng của các nước Đông Nam Á thấp hơn nhiều và có xu hướng chậm lại. Ví dụ, Phillippines có mức tăng trưởng cao nhất chỉ ở mức 3.4% từ năm 1945 cho đến nay, Indonesia là 5.4% trong thời kỳ từ 1971 đến 1980. Việt Nam sau hai thập niên từ 1991 đến 2010 có mức tăng trưởng là 5.9% thì đã có xu hướng chậm lại và giảm xuống chỉ còn 4.4% từ năm 2011 trở lại. Mức độ tăng trưởng nhanh trong thời gian dài có sức ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Ví dụ, chỉ với mức tăng trưởng GDP 5% một năm thì trong vòng 28 năm, một nền kinh tế có thể tăng qui mô nền kinh tế gấp bốn. Nếu duy trì mức tăng trưởng 9% thì chỉ trong khoảng 20 năm, qui mô nền kinh tế đã mở rộng đến 8 lần.
Giáo sư đã lý giải một số lý do vì sao các nền kinh tế ở khu vực Đông Á lại có mức tăng trưởng cao hơn các nước ở khu vực Đông Nam Á, trong đó nhấn mạnh vào (i) sự khác biệt giữa sự kế thừa về mặt lịch sử của các nước ở khai khu vực; và (ii) các cách tiếp cận khác nhau của các nước trong hai khu vực này đối với chính sách công nghiệp hóa.
1. Sự khác biệt về mặt lịch sử giữa các nước tại Đông Á và Đông Nam Á
Dựa vào bối cảnh lịch sử của các nước trong hai khu vực này, Giáo sư đưa ra một số lý do mang tính lịch sử để lý giải cho sự chênh lệch này giữa hai khu vực:
Thứ nhất, các nước và vùng lãnh thổ tại Đông Á, ngoại trừ Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, không phải là các nước thuộc địa trong quá khứ. Trung Quốc chưa bao giờ bị ngoại bang thống trị, mà luôn luôn là nước tự chủ về mặt chính trị. Nhật Bản, dù có một thời gian sau chiến tranh không tự chủ về mặt chính trị, nhưng đó là do Nhật Bản quyết định tự đầu hàng quân Đồng Minh nhằm mục đích gây xựng một nền kinh tế vững mạnh sau chiến tranh thế giới thứ hai. Hàn Quốc cũng có một thời kỳ nằm dưới sự thống trị của Nhật Bản nhưng cũng không phải là quá dài, từ năm 1910 cho đến năm 1945. Ngược lại, các nước Đông Nam Á đều là các nước thuộc địa, có ít kinh nghiệm về việc tự trị. Đơn cử như Việt Nam cũng trải qua gần 80 năm là thuộc địa của Pháp.
Thứ hai, các nước Đông Á đều thống nhất đất nước từ rất sớm, có nền văn hóa khá thuần nhất, ngôn ngữ tương đối đồng nhất và ít chịu tác động của yếu tố phân chia dân tộc. Các nước Đông Nam Á đều lần lượt nằm dưới sự thống trị của các cường quốc như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, v.v. và chính các cường quốc này đã vạch nên đường biên giới cho nhiều nước Đông Nam Á. Việt Nam là nước có hoàn cảnh khá đặc biệt, vì có tính thuần nhất về mặt dân tộc giống như các nước Đông Á, nhưng cũng phải trải qua thời kỳ dài là nước thuộc địa và hai cuộc chiến tranh.
Thứ ba, các nước Đông Á có nền giáo dục khá phát triển đi trước các nước Đông Nam Á. Ví dụ, theo tài liệu của World Bank, tỷ lệ người học hết cấp hai của Nhật Bản là 74% vào những năm 1960, ở Trung Quốc vào khoảng 30% số nam giới, trong khi tỷ lệ này ở Indonesia là 3%, Malaysia là 19% và Thái Lan là 8%. Từ những năm 1930, thế giới đã có các kỹ sư Trung Quốc, trong khi đó từ năm 1950, tỷ lệ biết chữ của nam giới tại Nhật Bản là 50%. Theo Giáo sư, đối với một cá nhân, việc sinh trưởng trong một gia đình có nền tảng giáo dục vững chắc sẽ mang lại cho cá nhân đó nhiều lợi ích hơn so với việc sinh trưởng trong một gia đình không có nền tảng giáo dục tốt. Nền tảng giáo dục tốt cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân lực của cả một dân tộc. Giáo sư cũng cho rằng, người Việt Nam coi trọng giáo dục do ảnh hưởng của Khổng giáo, tuy nhiên, chất lượng các trường đại học của Việt Nam chưa tốt.
Thứ tư, các nước Đông Nam Á giàu tài nguyên thiên nhiên trong khi các nước Đông Á hầu như không có nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn. Giáo sư có giải thích ý nghĩa của hiện tượng “lời nguyền tài nguyên” vốn ám chỉ các nước càng giàu tài nguyên thiên nhiên thì càng nghèo đói và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nạn tham nhũng. Điều này là do giá tài nguyên khoáng sản thường biến động nhiều trên thị trường thế giới. Khi giá tài nguyên khoáng sản tăng, quan chức chính phủ có nhiều quyền lực trong việc quyết định phân bố việc khai thác khoáng sản, do đó, xu hướng tham nhũng có xu hướng gia tăng. Khi giá tài nguyên khoáng sản giảm, kinh tế bị ảnh hưởng xấu nhưng nạn tham nhũng không biến mất mà có xu hướng giữ nguyên mức độ.
Thứ năm, các nước Đông Á có bề dày tổ chức các hoạt động thương mại từ cổ xưa và có các thương gia dày dặn kinh nghiệm. Do có được sự tự chủ, các thương gia của các nước này được trực tiếp tổ chức và tham gia vào các hoạt động thương mại phức tạp. Trong khi đó, ở các nước Đông Nam Á, các hoạt động thương mại ở mức độ cao sẽ do chính quyền thực dân hoặc thương gia của các nước thực dân nắm giữ và tổ chức. Người bản xứ tại các nước Đông Nam Á không có nhiều quyền đối với việc triển khai các hoạt động thương mại. Điều này dẫn đến tình trạng tại các nước như Indonesia, Thái Lan, các thương gia người Trung Quốc có ảnh hưởng chi phối đến nền kinh tế các nước này. Việt Nam cũng không có nhiều thương gia có kinh nghiệm trước khi giành được độc lập từ người Pháp. Theo Giáo sư, nếu không có kinh nghiệm với các hoạt động kinh doanh thương mại thì một cá nhân, cũng như một dân tộc, khó có thể triển khai các hoạt động này được tốt.
2. Cách tiếp cận khác nhau với chính sách công nghiệp hóa
Cách tiếp cận của chính sách phát triển kinh tế và thời điểm phát triển kinh tế cũng giải thích sự khác biệt giữa các nước ở hai khu vực này. Giáo sư lấy dẫn chứng vế chính sách công nghiệp hóa của hai nước, Hàn Quốc (đại diện cho Đông Á) và Indonesia (đại diện cho Đông Nam Á) để minh họa cho lập luận này.
Chính sách công nghiệp hóa bắt đầu từ Nhật Bản và phát triển khá tốt tại các nước Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã từ bỏ chính sách này sau khi theo đuổi chính sách này trong vài thập niên. Chính sách này ngược lại thất bại tại các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia.
Tại Hàn Quốc, trong những năm 1960, Hàn Quốc phá giá đồng nội tệ, thực hiện rất nhiều trợ cấp để bảo vệ và phát triển thị trường nội địa trong khi tập trung cho xuất khẩu. Sau khi Hàn Quốc thành công với việc phát triển dựa vào chính sách khuyến khích xuất khẩu, Hàn Quốc tập trung phát triển công nghiệp nặng trong những năm 1970. Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh trong suốt thập niên 1970. Tuy nhiên, chính sách trọng xuất khẩu và tập trung vào công nghiệp nặng cùng sự can thiệp sâu của nhà nước vào phát triển kinh tế đã đưa quyền lực chính trị vào tay một số các tập đoàn lớn và khiến nạn tham nhũng phát triển tại Hàn Quốc. Trong những năm 1980, Hàn Quốc đã nới lỏng việc can thiệp vào nền kinh tế, nhưng tình trạng tham nhũng không có xu hướng giảm. Đến năm 1997, kinh tế Hàn Quốc khủng hoảng và trong suốt thập niên 1990 cho đến nay, Hàn Quốc giảm việc can thiệp của chính phủ vào phát triển kinh tế và để nền kinh tế thị trường tự điều tiết.
Tại Indonesia, trong các thập niên 1970, Indonesia cũng tập trung một giai đoạn ngắn vào việc phát triển các doanh nghiệp nhà nước và phụ thuộc vào doanh thu từ trữ lượng dầu lớn. Sau khủng hoảng kinh tế, tại Indonesia tồn tại hai quan điểm khác nhau về phát triển kinh tế: Quan điểm của nhóm chính sách kinh tế là giảm tỷ giá hối đoái để tăng cường xuất khẩu và dỡ bỏ các hàng rào giấy phép cho chính chủ. Kết quả là nền công nghiệp của Indonesia phát triển, sản xuất dành cho xuất khẩu tăng cường trong thập niên 80 và đầu 90. Tuy nhiên, quan điểm nhóm lợi ích thân hữu và nhóm đầu cơ lại thiên về việc dành trợ cấp cho các dự án nhập khẩu lớn (như hóa dầu), và tập trung phát triển các doanh nghiệp nhà nước. Kết quả là các doanh nghiệp nhà nước không có sức cạnh tranh, nợ nước ngoài nhiều và khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1997 – 1998.
Sau phần trình bày các nguyên nhân dẫn đến chênh lệch, Giáo sư thảo luận với các sinh viên Việt Nam về tình hình kinh tế Việt Nam và lựa chọn hướng đi phù hợp để vực dậy kinh tế Việt Nam. Theo Giáo sư, mấu chốt để phát triển kinh tế là Việt Nam cần phải tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân và không theo đuổi chính sách tập trung phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước. Việt Nam cũng cần giải quyết tình trạng tham nhũng lan tràn. So sánh với Trung Quốc, Giáo sư vẫn cho rằng Trung Quốc trấn áp tham nhũng mạnh tay hơn Việt Nam khi sẵn sàng bỏ tù các quan chức cấp cao tham nhũng. Trong vòng 20 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để vực lại tốc độ phát triển, thậm chí còn phát triển nhanh hơn Trung Quốc nếu Việt Nam có các nhà lãnh đạo thực sự tâm huyết với việc tiến hành cải cách kinh tế. Nhận định về tình hình Trung Quốc, Giáo sư cho rằng, Trung Quốc sẽ phát triển chậm lại trong vòng một hai thập niên tới, tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất với sự phát triển của Trung Quốc đến từ bên trong, nhất là nội bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc, chứ không phải từ đe dọa bên ngoài.
Phan Thanh Mai tổng hợp (TNSV Boston)
http://www.sinhvienboston.org/