Tôi tự thấy mình là một giảng viên năng động theo nghĩa tích cực, được đào tạo bài bản từ một nước nói tiếng Anh, dạy một môn cực kỳ ‘hot’ là tiếng Anh nhưng con số 50 triệu đồng/tháng vẫn là một thứ gì đó vô cùng ảo.
Hơn 10 năm trong ngành giáo dục và qua nhiều cấp học, tôi khẳng định việc thu nhập 50 triệu đồng một tháng là một điều rất xa vời và nôm na như bạn tôi nói là ‘trên trời’. Tôi đã từng dạy các cháu mẫu giáo, các cháu bậc tiểu học, học sinh phổ thông, sinh viên đại học từ năm thứ nhất tới năm thứ tư. Tôi tự thấy mình là một giảng viên năng động theo nghĩa tích cực, được đào tạo bài bản từ một nước nói tiếng Anh, dạy một môn cực kỳ ‘hot’ là tiếng Anh nhưng con số 50 triệu đồng/tháng vẫn là một thứ gì đó vô cùng ảo.
Gần đây dư luận như sôi lên với thông tin giáo viên dạy thêm thu nhập 50 triệu đồng một tháng: “…Mỗi lớp 50 học sinh, trung bình mỗi cháu nộp 1 triệu đồng học thêm thì thầy cô thu 50 triệu đồng một tháng. Không thể nói đời sống của giáo viên khó khăn…” của một cử tri nói trong buổi tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Hà Nội (nguồn vnexpress). Giả sử như thông tin báo chí nêu là chính xác, tôi thấy có nhiều vấn đề cần được nhìn nhận bao quát, khách quan, và khoa học hơn.
Cần phải thẳng thắn với nhau rằng tình trạng dạy thêm học thêm là có và không những có, nó còn tràn lan và tồn tại từ rất lâu rồi, ít nhất là từ thế hệ 8x như chúng tôi. Nó tồn tại ở nhiều hình thức và nhiều cấp độ. Cùng với những vấn nạn khác trong ngành thì dạy-thêm-học-thêm (dạy-học thêm) phần nào gây bức xúc cho cả học sinh, phụ huynh, và cả giáo viên cũng là phụ huynh.
Điều này ai cũng rõ. Khi nó kết hợp với tin sốc … giáo viên thu nhập 50 triệu/tháng… nói trên, thật khó tránh khỏi hiện tượng ‘té nước theo mưa’ hay tâm lý đám đông. Theo tôi ở đây có mấy vấn đề.
Thứ nhất là vị cử tri Hà Nội kia (dù cố tình hay vô tình) đang dùng hiện tượng để giải thích bản chất, và chưa hiểu rõ khái niệm liên quan. Cần phải khách quan nhìn nhận không phải môn nào cũng dạy-học thêm, và ngay cả trong các môn “hot” như toán, lý, hoá, văn, ngoại ngữ v.v. không phải giáo viên nào cũng tổ chức dạy-học thêm, và không phải ai cũng đủ năng lực để kiếm 50 triệu đồng (hoặc hơn) mỗi tháng.
Hơn nữa, đây là thông tin ở thủ đô Hà Nội, vậy còn vài chục tỉnh, thành phố khác thì sao? Thầy cô nào cũng có thể dạy-học thêm với mức-và-cường độ như vậy? Cần phải nhìn nhận chưa có bất cứ một nghiên cứu, báo cáo, hay thống kê (có chất lượng, độc lập) về mức thu nhập này. Do đó, mức 50 triệu/tháng nếu có cũng chỉ hiện tượng cần nghiên cứu kỹ hơn.
Thứ hai, dùng một nguyên nhân “thu nhập 50 triệu đồng/tháng” của một bộ phận ở thành phố trung tâm lớn để chứng minh cho kết quả “không thể nói đời sống giáo viên khó khăn” là chưa thoả đáng. Đời sống giáo viên nào? ở đâu? Có đại diện cho hàng trăm ngàn giáo viên toàn quốc, biên giới, hải đảo v.v. không? Có số liệu không hay chỉ là nhận định cảm tính do bức xúc?
Tôi xin lấy hai ví dụ để giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn về khái niệm lương và thu nhập của giáo viên Việt Nam. Tôi hỏi một bạn người Hàn Quốc là giáo viên tiếng Anh có bằng Thạc sỹ Giáo dục của một trường danh tiếng ở Mỹ, lương của chị này ở Seoul cuối những năm 2000 trung bình là 3 nghìn USD/tháng; nhưng tổng thu nhập của chị, chủ yếu từ việc dạy thêm/luyện thi tiếng Anh ở các trung tâm lên tới 8 nghìn USD/ tháng. Nhiều bạn người Mỹ cùng lớp với tôi hiện là giáo viên tiếng Anh phổ thông (English Language Arts bậc cơ sở, trung học) ở một tiểu bang vùng Midwest nơi tôi đang học có mức lương trung bình 45 nghìn USD/năm trước thuế, chỉ trên mức trung bình của bang là 43 nghìn USD. Họ không dạy-học thêm và không có nguồn thu nhập nào thêm ngoài các gói bảo đảm như bảo hiểm y tế, hỗ trợ để ổn định cuộc sống một lần, hỗ trợ di chuyển… Những số liệu thống kê này có thể dễ dàng tìm thấy ở các báo cáo định kỳ của bang, của liên bang.
Hai ví dụ này (dù chỉ mang tính tương đối) cho thấy lương và thu nhập trên thực tế là khác nhau. Hơn nữa, nếu nhìn rộng ra thì việc giáo viên thu nhập 50 triệu/tháng (hoặc hơn) bằng lao động chân chính và đáp ứng đủ nghĩa vụ đối với nhà nước (nộp thuế v.v.) thì cũng không có gì phải lên án. Có chăng cái cần đấu tranh là việc kiếm tiền trên đầu học sinh bằng cách bắt ép học-dạy thêm và nếu không học-dạy thêm thì bị trù úm, đối xử thiếu công bằng mà bản thân tôi cũng đã có lúc là nạn nhân.
Thứ ba, theo tôi đây mới là vấn đề quan trọng nhưng không thấy báo nào phân tích. Cũng theo vị cử tri Hà Nội kia: “…Học sinh kém thì phải phạt giáo viên chứ không thể bắt học sinh học thêm…” (nguồn vnexpress). Đúng là việc dạy-học thêm và việc bắt ép học-dạy thêm đáng lên án và xử lý theo luật; nhưng tư duy con mình học kém mà phải phạt giáo viên thì đúng là cũ và lỗi.
Tuần trước tôi tham dự một hội thảo về nâng cao vai trò của phụ huynh với nhà trường trong việc giáo-dưỡng con cái ở một tiểu bang vùng Midwest, Hoa Kỳ. Theo đó thời gian học sinh thực học ở trường chỉ chiếm trung bình15-25% tổng quỹ thời gian, phần lớn thời gian còn lại của các cháu là ở gia đình với bố mẹ, ngoài xã hội (thực-ảo) với bạn bè, v.v. Tôi cho rằng có không ít phụ huynh còn chưa rõ tới từng độ tuổi nào thì con mình nên đạt tới mức nào (về kiến thức, năng lực, kỹ năng, hành vi v.v.) Ví dụ: một tuổi thì con bạn biết làm gì; tới hết cấp 2 thì các cháu cần hấp thụ được kiến thức, kỹ năng v.v. gì…Tôi cho rằng có không nhiều phụ huynh dành ít nhất 15-30 phút hàng ngày hay mỗi tối trước khi đi ngủ để kể cho con mình một câu truyện, hay nghe con mình kể một mẩu chuyện trong ngày, hay có ý thức chủ động liên lạc với giáo viên xem con mình hôm nay có bài tập gì và các cháu làm như thế nào. Do đó, trước khi nghĩ tới việc ‘phạt giáo viên’ phụ huynh cần nhìn lại mình để xem nguyên nhân con mình ‘học kém’ trước khi đổ lỗi hoàn toàn cho giáo viên. Tư duy cũ-lỗi và tâm lí phong trào như vậy (cho dù là thiểu số) cũng cần thay đổi trước tính “động” (fluid) của dòng chảy giáo dục hiện đại.
Thay lời kết
Nhìn rộng ra từ câu chuyện giáo viên thu nhập 50 triệu/tháng, ai cũng hiểu nguyên nhân do đâu mà có tình trạng dạy thêm này và hậu quả của nó thế nào. Khi nào vấn đề lương-thu nhập còn chưa rõ ràng thì tiêu cực vẫn nảy sinh; khi nào tư duy cũ-lỗi vẫn còn đó thì những bức xúc như của vị cử tri kia là điều dễ hiểu. Tuy nhiên bức xúc thường mang nặng cảm tính; và người đọc nên nhìn vấn đề một cách toàn diện và chân thực hơn.
Trường Anh