Trước thông tin cho rằng công việc kinh doanh cà phê đang không như kỳ vọng, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam cho biết chuỗi cà phê Mỹ này vẫn phát triển và tiếp tục kế hoạch mở hàng trăm cửa hàng tại thị trường này.
Theo bà Marques, Starbucks vẫn giữ ý định sẽ “mở hàng trăm cửa hàng” tại Việt Nam trong dài hạn, và “rất có thể, năm tới, các bạn sẽ thấy chúng tôi tại một thành phố khác”.
Theo một nguồn tin, thành phố mà bà Marques ngụ ý chính là Hà Nội, và quán cà phê đầu tiên của Starbucks tại đây có thể sẽ được khai trương vào quí 2-2014.
Dẫu vậy, bà Marques vẫn nói rằng thị trường Việt Nam đầy cạnh tranh, vì thế Starbucks, với tầm nhìn đầu tư dài hạn, đang tìm kiếm một chiến lược tăng trưởng đầy thận trọng nhằm bảo đảm thành công về lâu về dài.
Starbucks gia nhập thị trường Việt Nam bằng việc mở cửa hàng đầu tiên tại TPHCM hồi tháng 2 năm nay, thông qua giấy phép nhượng quyền được ký kết giữa Starbucks với Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát Ý Tưởng Việt, một chi nhánh của Tập đoàn Maxim’s Hồng Kông.
Quán cà phê đầu tiên của Starbucks chứng kiến cảnh nhiều người xếp hàng dài để mua cà phê trong nhiều ngày, nhưng đến quán thứ hai, khai trương sáu tháng sau đó, được cho là khá vắng vẻ. Tuy nhiên, theo quan sát của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, cửa hàng thứ ba khai trương tại góc đường Pasteur – Lê Thánh Tôn hồi tháng 10 lại khá nhộn nhịp.
Đối với cửa hàng thứ hai, tại góc đường Nguyễn Du – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mở hồi tháng 8, được cho là khá vắng khách, bà Marques cho rằng công việc kinh doanh ở địa điểm này vẫn ổn định.
Bà giải thích rằng mỗi quán có một phong cách riêng, nơi thì phục vụ không khí gia đình, nơi dành cho giới doanh nhân, công chức và nơi thì dành cho các bạn trẻ với không gian trẻ trung.
“Cửa hàng ở góc Nguyễn Du phục vụ các nhân viên văn phòng tại tòa nhà và khu vực kế cận. Mỗi một cửa hàng của chúng tôi có các thực khách riêng và chúng tôi vẫn rất vui với hiệuquả kinh doanh ở đây”.
Vào các buổi chiều thứ Hai hàng tuần, Starbucks vẫn mở các khóa đào tạo miễn phí cho người tiêu dùng về cách thức thưởng thức cà phê, từ việc phân biệt các mùi, vị, đến việc kết hợp các loại bánh, trái và các phương thức pha chế.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn