![](https://sinhvienusa.org/wp-content/uploads/2013/11/images1.jpg)
Trong bài viết này tôi xin chia sẻ kinh nghiệm mà tôi phải nhận điểm B ở môn sở trường của mình và hậu quả tai hại của nó.
Khi bước vào năm thứ hai Chương trình thạc sỹ quản lý công ở Harvard Kennedy thì cũng là lúc tôi quyết định sẽ nộp hồ sơ vào các chương trình tiến sỹ. Do vậy, có được kết quả tốt ở các môn học trong học kỳ này là một trong những mục tiêu hàng đầu của tôi.
Tôi đã chọn bốn môn học ưng ý gồm: Tài chính nâng cao; Kinh tế phát triển; Nghệ thuật giao tiếp; và Chính trị học, quy hoạch và phát triển đô thị.
Hai môn đầu tiên thuộc sở trường của mình nên tôi kỳ vọng sẽ được điểm cao (tối thiểu là A-), nhưng chỉ tốn thời gian vừa phải.
Môn nghệ thuật giao tiếp, do kỹ năng nói tiếng Anh của tôi rất tệ nên kỳ vọng chỉ là điểm B+, tức là mức trung bình trong lớp. Sở dĩ chọn môn này là tôi muốn nâng cao kỹ năng gia tiếp.
Môn cuối cùng là môn tôi gần như không biết gì cả, nhưng mục tiêu để xin thư giới thiệu của thầy nên chỉ tiêu là điểm cao nhất có thể.
Kết quả cuối cùng hai môn sở trường tôi bị hai điểm B đau điếng, nhất là môn tài chính nâng cao. Kết quả này đã giáng một đòn rất mạnh vào kế hoạch và ước nguyện học tiếp của tôi.
Tài chính là môn tôi đang dạy. Hơn thế, năm trước đó tôi đã học môn tài chính cơ bản của thầy này và đạt điểm A và gây được thiện cảm với thầy.
Sang năm thứ hai, tôi đã đăng ký thầy làm cố vấn về mặt học thuật (academic advisor). Mục tiêu của tôi là nhờ thầy viết thư giới thiệu.
Tôi vẫn giữ thói quen gặp thầy thường xuyên, nhưng các buổi gặp thầy tôi hay hỏi những vấn đề nâng cao ngoài các bài giảng.
Nghĩ rằng mình đã hiểu hết những vấn đề liên quan và tự mình có thể xoay xở được nên tôi đã không tham gia những buổi ôn tập và hướng dẫn làm bài tập của các trợ giảng và phụ giảng.
Trên thực tế, các bài tập khá đơn giản và tôi đều giải quyết được một cách cơ bản. Tuy nhiên, có một số nội dung riêng biệt được hướng dẫn hay gợi ý rất kỹ trong các buổi ôn tập và hướng dẫn bài tập. Do tôi không tham gia nên không biết điều này.
Kết quả phần lớn điểm bài tập của tôi đều thuộc nửa dưới của lớp.
Điểm bài tập chỉ chiếm một trọng số 20%, nhưng nó tác động đáng kế đến kết quả cuối cùng. Khi mà điểm số này thấp thì khó mà có điểm tổng thể cao.
Tôi cũng nhận ra rằng, sự cảm tính và chủ quan của con người là điều đáng lưu ý trong cuộc sống.
Việc chấm điểm ở các trường ở Mỹ thường theo phân phối xác suất. Mỗi mức điểm thường có những tỷ lệ tương đối nào đó chứ không phải nếu tất cả đều đúng thì sẽ được điểm tuyệt đối.
Bài làm của hầu hết sinh viên nói chung là có kết quả tương tự nhau nên cảm nhận chủ quan nhiều khá quan trọng.
Việc thường xuyên gặp gỡ phụ giảng hay trợ giảng không chỉ giúp sinh viên nắm thêm các nội dung môn học mà còn thiết lập được các mối quan hệ, tạo ra sự thân thiện.
Họ thấy mình trân trọng công việc của họ nên khi đứng trước ngưỡng giữ hai cột điểm thì tâm lý chung thường cho kết quả ở phía tốt hơn.
Điều này có lẽ cũng đúng với giảng viên, kể cả những giáo sư có tên tuổi.
Sai lầm thứ hai của tôi là không tập trung vào nội dung các bài giảng mà chỉ trao đổi những vấn đề không liên quan lắm đến các bài giảng với thầy nên khi đi thi kết quả rất thấp.
Thực ra, nội dung của bất kỳ môn học nào cũng thường rất rộng và khi thi hay kiểm tra chỉ ở một số giới hạn nào đó thôi. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng thì khó tránh khỏi việc làm bài không như ý.
Tôi đã bị điểm B tai hại và vô cùng xấu hổ với thầy cũng là cố vấn học thuật của mình, người mà tôi kỳ vọng sẽ có được một cái thư giới thiệu rất tích cực.
Do đã có kế hoạch từ trước nên thầy vẫn viết thư giới thiệu cho tôi ở một số trường. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng khó mà có được một cái thư giới thiệu ưng ý.
Không chỉ ảnh hưởng đến việc giới thiệu của thầy mà điểm B đầu tiên làm tôi choáng váng và trở nên bi quan. Tôi không giữ được sự tập trung và sự hăm hở trong quá trình chuẩn bị các hồ sơ.
Hậu quả là năm đó tôi đã bị từ chối tất cả cho dù đã được hai giáo sư có tên tuổi viết thư giới thiệu.
Bài học mà tôi rút ra được là cần tập trung vào những nội dung hay yêu cầu chính của một công việc hay yêu cầu nào đó để đạt được kết quả tốt chứ không nên bay bổng hay lan man. Hãy làm xong những việc cần thiết trước khi nghĩ đến những điều gì đó xa vời hơn.
Về cơ bản tôi đã làm được điều này khi học tiến sỹ sau đó.
Trong bài tiếp theo tôi xin chia sẻ cách học các môn khó hay những môn mà mình dường như chưa có ý niệm gì trong đầu cả trước khi học và có lẽ bài sau đó là điểm B còn lại do trục trặc của quá trình làm việc theo nhóm.
Huỳnh Thế Du