“Cá nhân tôi chỉ cố gắng góp phần xây dựng một nền móng, một bệ phóng cho các thế hệ sắp tới, tất nhiên cũng không biết là sẽ cần bao nhiêu lâu. Từ nền móng đó, các thế hệ học viên sẽ tự phấn đấu để đạt được một đỉnh cao hơn. Chúng tôi cũng không nhất thiết phải chứng kiến ngày nền móng đó được hoàn thành, chỉ cần thấy nền móng đó đang hình thành nghĩa là chúng tôi đang đi đúng hướng…”
LTS: Hiện là giảng viên kinh tế học, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, TP.HCM và nhà nghiên cứu của Chương trình châu Á, Harvard Kennedy School, TS Vũ Thành Tự Anh thuộc lớp nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế học đầu tiên ở Mỹ sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.Anh nói, ngay cả khi được thụ hưởng một trong những nền giáo dục tốt nhất VN vào thời điểm đó: chuyên toán Chu Văn An, rồi chuyên toán Hà Nội – Amsterdam nhưng “bước vào nền giáo dục của Mỹ, mà cụ thể tại trường Boston College, tôi thấy choáng ngợp, theo nghĩa trước kia mình chỉ là con cá quanh quẩn trong một cái hồ, giờ được lao mình vào đại dương tri thức. Trong một môi trường đại học đích thực, điều quan trọng nhất là đi tìm chân lý một cách độc lập và sáng tạo”. Và khi về nước, anh trở thành giảng viên tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (Trường Fulbright), là chương trình hợp tác giữa ĐH Kinh tế TP.HCM và trường ĐH Harvard đào tạo thạc sỹ chính sách công.Tại trường Kinh tế Fulbright, sinh viên ngồi cao hơn giáo viên. Tranh luận bình đẳng. Sinh viên có quyền nêu câu hỏi, thậm chí là phản biện và chất vấn giáo viên, và giáo viên là người đối thoại và hướng dẫn chứ không phải là truyền trao chân lý và khư khư bảo vệ ý kiến của mình.
Chúng tôi chọn Vũ Thành Tự Anh là một nhân vật trong tuyến bài này không phải chỉ do những gì mà cá nhân Vũ Thành Tự Anh và Trường Fulbright đã tư vấn cho chính phủ Việt Nam mà bởi cách họ đang dạy từng học viên, cách họ cố gắng tạo ra sự thay đổi, để tạo nền cho giáo dục Việt Nam hoàn thiện hơn. |
Anh nói, nhà kinh tế thường không nói chuyện giấc mơ mà chỉ đặt ra những mục tiêu. Và trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, TS Vũ Thành Tự Anh luôn “chỉ chú trọng vào quá trình”, “tạo nên xu thế thay đổi”. Bởi theo anh, “về Việt Nam để góp phần tạo nên một nền móng, một bệ phóng cho các thế hệ sắp tới.”
Hai câu chuyện bắt bệnh nền giáo dục Việt Nam
TS Vũ Thành Tự Anh |
“Sự khác khác biệt giữa nền giáo dục Việt Nam và của các nước tiên tiến nói một cách hình tượng có thể so sánh với khoảng cách từ Trái Đất lên Mặt Trăng chứ không phải sự khác biệt có thể thu hẹp lại trong một sớm một chiều”.
Câu chuyện cũ, cô giáo bảo cây bàng mùa đông lá phải màu đỏ
Tôi có một người quen. Vì cô giáo của con giao bài tập “Tả cây bàng mùa đông”, anh đã dẫn cháu đi ngắm một cây bàng thật sự. Dù đang mùa đông nhưng cây bàng lá vẫn xanh mơn mởn. Cháu bé về viết lại điều đó trong bài văn và bị 4 điểm. Lý do là theo đáp án của cô giáo, cây bàng mùa đông lá phải đỏ.
Khổng Tử cách đây hơn 2500 năm đã dạy học trò tinh thần “cách vật trí tri”, nghiên cứu sự vật để tìm ra tri thức, chứ không phải học thuộc lòng, rằng cái bàn này có bốn chân, cây bàng nhà em mùa đông ra lá đỏ. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc cho đến thế kỷ 15 vẫn là một quốc gia tiên phong trong nhiều lĩnh vực, sáng tạo ra la bàn, thuốc súng, có hải thuyền mạnh nhất thế giới. Tất nhiên sau đó Trung Quốc đã nhanh chóng tụt lại phía sau trong con đường tiến đến văn minh do chủ trương bế quan tỏa cảng, trong khi châu Âu đã sẵn sàng cho một phong trào khai phóng toàn diện và sâu sắc.
Nếu học sinh được phép tả cây bàng mùa đông đúng như chúng quan sát thì có thể chúng ta đã có một nền giáo dục khác.
Câu chuyện mới về việc nội địa hóa ô tô ở Việt Nam
Xét trên khía cạnh kinh tế, khi một công ty nước ngoài cân nhắc chuyện sản xuất ô tô ở một nước nào đó, họ sẽ xác định nước đó là thị trường tiêu thụ chính, bởi ô tô là một mặt hàng cồng kềnh, việc xuất nhập khẩu sẽ làm đội giá thành sản phẩm.
Thị trường Việt Nam là thị trường nhỏ, lại có nhiều công ty cùng sản xuất nên thị phần càng bị chia nhỏ hơn. Vậy công ty sản xuất ô tô sẽ ứng xử thế nào? Đương nhiên họ không đầu tư vào Việt Nam với quy mô đủ lớn để có thể sản xuất tại đây, đơn giản chỉ là lắp ráp.
Kết quả là ở Việt Nam có hãng General Motor nổi tiếng ở Mỹ, có Toyota Nhật, có Huyndai Hàn Quốc… Như vậy, bài toán thu hút những hãng ô tô lớn của thế giới đã có một “lời giải đẹp đẽ”, nhưng hệ quả của lời giải này sau gần 20 năm, là tỷ lệ nội địa mới chỉ đạt khoảng 15%, tức là rất xa so với mục tiêu ban đầu.
Nếu như trong “câu chuyện cây bàng”, lời giải đúng với thực tế nhưng sai đáp án bị cho điểm kém thì trong “câu chuyện ô tô” lời giải đẹp đẽ cho một bài toán bị đặt sai đề bài đã phải trả giá rất lớn về mặt hiệu quả kinh tế. Triết lý giáo dục tiên tiến giúp cho học sinh sáng tạo, đi tìm bài toán đúng chứ không chỉ dừng lại ở việc trau dồi kỹ năng giải bài toán. Ở Trường Fulbright, chúng tôi đang cố gắng dạy các học viên đi tìm bài toán đúng.
Đặt nền móng để “bước lên Mặt Trăng”
Được đào tạo tại một đại học danh tiếng ở Mỹ, trở về Việt Nam hài lòng với vai trò một giảng viên, cách lựa chọn của anh có vẻ “không kinh tế”?
Mỗi khi phải ra quyết định, các nhà kinh tế chúng tôi thường cân nhắc tới “giá trị gia tăng”. Về phương diện nghề nghiệp, khi quyết định về Việt Nam, tôi đơn giản nghĩ rằng khả năng tạo giá trị gia tăng của mình ở Việt Nam cao hơn ở nước ngoài.
Việt Nam chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi nhằm thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trên mọi phương diện, vì vậy những người muốn tham gia vào quá trình này sẽ có nhiều cơ hội cũng như tiềm tăng đóng góp cao hơn.
Hai câu chuyện anh vừa kể cũng dẫn đến một vấn đề đã được bàn đi bàn lại mà chưa thay đổi, triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay. Do chúng ta tác động chưa đúng đối tượng hay sao, thưa anh?
Nguyễn Trường Tộ ngày xưa đã chỉ nói cho vua quan nghe, nhưng rõ ràng như thế là chưa đủ. Nếu cả dân tộc Việt Nam trở nên thông minh và thức thời hơn thì có thể những nỗ lực của ông đã có nhiều khả năng thành công hơn. Để làm được điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài, bắt đầu với việc giúp cho mọi người trong xã hội hiểu bản chất những gì đang xảy ra, từ đó thay đổi cách họ nghĩ, và qua đó ảnh hưởng tới cách họ ứng xử. Nhiều người cùng thay đổi theo hướng tích cực như vậy sẽ tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn.
Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch Harvard Summers thảo luận về đào tạo sau ĐH ở Việt Nam trong chuyến thăm do trường Kinh tế Fulbright phối hợp với ĐH Havard tổ chức năm 2005. Ảnh Fulbright |
Tác động khiến từng học viên tự thay đổi, rồi những học viên đó lại khiến một ai khác nữa thay đổi, đó là cách các anh cố gắng thay đổi triết lý giáo dục Việt Nam?
Cá nhân tôi chỉ cố gắng góp phần xây dựng một nền móng, một bệ phóng cho các thế hệ sắp tới, tất nhiên cũng không biết là sẽ cần bao nhiêu lâu. Từ nền móng đó, các thế hệ học viên sẽ tự phấn đấu để đạt được một đỉnh cao hơn. Chúng tôi cũng không nhất thiết phải chứng kiến ngày nền móng đó được hoàn thành, chỉ cần thấy nền móng đó đang hình thành nghĩa là chúng tôi đang đi đúng hướng.
Dù chỉ hướng tới quá trình nhưng chắc các anh cũng đã đạt được một vài kết quả nào đó chứ?
Dưới phương diện quá trình, những công việc của trường chúng tôi đã tạo ra một số tác động tích cực.
Cuối năm 2007, đầu năm 2008, trường Fulbright có xuất bản một nghiên cứu với tên gọi “Lựa chọn thành công”. Thông điệp chính của bài viết là việc Việt Nam theo mô hình kinh tế nào, Đông Á hay Đông Nam Á, là sự lựa chọn của Việt Nam, Việt Nam có khả năng và có quyền được lựa chọn chứ không bị đẩy vào thế phải chấp nhận một cái nào đó như trước nữa.
Bài nghiên cứu tạo ra một dư luận trong giới nghiên cứu kinh tế và chính sách, góp phần tạo ra một khuôn khổ để thảo luận các vấn đề chính sách của VN trong bối cảnh rộng lớn hơn chứ không phải thuần túy là vấn đề có tính nội địa.
Đặt nền kinh tế vào bức tranh rộng hơn, bài toán sẽ rõ ràng hơn. Như tôi đã trình bày ở trên, đặt bài toán đúng là điều kiện tiên quyết để có thể giải quyết được bản chất của vấn đề. Sự lựa chọn chỉ còn phụ thuộc và quyết tâm chính trị và năng lực lãnh đạo của VN.
Như anh đã nói, các nhà kinh tế thường không có giấc mơ mà chỉ có mục tiêu. Vậy, mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của anh hiện nay là gì?
Mục tiêu của tôi trong năm nay là hoàn thành một cuốn sách viết về chính sách công nghiệp của VN với GS Dwight Perkins của ĐH Havard.
Mục tiêu trung hạn là cố gắng tiếp cận nghiên cứu nền kinh tế Trung Quốc một cách có hệ thống, một mặt vì bản thân Trung Quốc quá quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, và mặt khác là vì những thách thức đối với Trung Quốc ngày hôm nay rất có thể sẽ là những thách thức Việt Nam phải đối diện ngày mai. Một lần nữa tôi chỉ hy vọng sẽ tạo ra một nền móng nào đó, bắt đầu cho một quá trình, làm thế nào để những nhà kinh tế VN hiểu Trung Quốc đầy đủ hơn, đúng hơn, toàn diện hơn.
Còn kế hoạch dài hạn của tôi, vẫn như những gì đã nói, là cố gắng trở thành một nhà nghiên cứu kinh tế và nhà giáo, giúp kiến tạo ra nền tảng cho những thế hệ mai sau. Một người bạn vong niên mà tôi luôn coi như một người thầy đã từng chia sẻ với tôi rằng phương châm sống và làm việc của anh ấy là “tận nhân lực, tri thiên mệnh”. Tôi cũng đang cố gắng để đạt được tới “cảnh giới” này (cười).
Theo Kienthuc.net.vn