Giáo dục phổ thông của Mỹ được gọi là K-12, (K-viết tắt của từ kindergarten, có nghĩa là nhà trẻ, mẫu giáo) bao gồm giáo dục từ nhà trẻ, mẫu giáo đến hết lớp 12.
Một buổi sinh hoạt âm nhạc của HS tiểu học Mỹ |
Bậc tiểu học (elementary school) bắt đầu từ lớp 1 đến lớp 5, có nơi từ lớp 1 đến lớp 6. Bài viết này về giáo dục tiểu học, lấy ví dụ một trường tiểu học tại bang Massachusetts, Hoa Kỳ.
Một ngày bình thường của học sinh trường tiểu học Thompson (thành phố Arlington, Massachusetts) bắt đầu từ 8 giờ 10 đến 14 giờ 15. Học sinh thường đến trường lúc 7.30 khi căng-tin mở cửa phục vụ bữa ăn sáng cho các em.
Từ sáng sớm đã có hai nhân viên cảnh sát giao thông (thường là phụ nữ) mặc đồng phục đứng chặn xe hơi qua lại quãng đường đó, để các em qua đường an toàn, nở nụ cười tươi tắn, chào đón các em và chúc các em cùng phụ huynh một ngày mới tốt lành.
Sau khi ăn sáng, các em học đến 14 giờ 15. Giờ học đa dạng không chỉ vì các em học các môn khác nhau như toán, tiếng Anh, vẽ, hát nhạc… mà các em còn thay đổi vị trí, đến thư viện đọc sách vào một số giờ nhất định hoặc ra sân tập thể thao, đá bóng, chơi các trò chơi ngoài trời.
Hết giờ học, nếu ai muốn cho con em mình tham gia “Câu lạc bộ làm bài tập ở nhà” thì đăng ký, các em sẽ ở lại tự học đến 4 giờ chiều, trong hội trường lớn, do một giáo viên phụ trách. Phụ huynh nào có thời gian có thể giúp giáo viên quản lý các em, chuẩn bị bánh kẹo, nước ngọt và thu dọn sau khi các em học xong.
Nếu làm xong bài trước 4 giờ, cô giáo cho phép các em chơi trong phòng tập thể thao, hoặc đọc sách tự chọn, hoặc dùng máy vi tính với sự giám sát của cô giáo. Về đến nhà, các em đã hoàn thành hầu hết bài tập, nên có thể chơi, đọc sách, giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà… và đi ngủ đúng giờ, đảm bảo sức khỏe.
Trong lớp học, mỗi em có một hộp thư đề tên như trong văn phòng ở Việt Nam. Bài tập về nhà, thông báo của nhà trường gửi đến phụ huynh được giáo viên để vào hộp thư. Hàng ngày, học sinh phải “lấy thư” của mình mang về làm bài hoặc đưa cho cha mẹ. Mỗi học sinh đều có trách nhiệm giúp giáo viên chia tài liệu đặt vào hộp thư cho cả lớp.
Ngày nghỉ, giáo viên thường giao ít bài tập về nhà. Thay vào đó, nhà trường khuyến khích các em tham gia hoạt động xã hội để tăng thêm hiểu biết và kỹ năng giao tiếp xã hội. Hoạt động này có thể là “Ngày phòng cháy chữa cháy” do thành phố tổ chức.
Ngày này giống như một ngày hội, mọi người đến xem các nhân viên cứu hỏa hướng dẫn phòng cháy, chữa cháy, thực hiện trên các thiết bị mô phỏng, hoặc những công cụ dùng trong thực tế.
Học sinh có thể xem, cầm nắm những dụng cụ, quan sát cách thức chữa cháy và biết cách phản ứng nếu phát hiện ra hỏa hoạn. Bài tập của các em là phải đưa ra ý kiến, cảm nhận cá nhân về những hoạt động xã hội mà các em tham gia…
Điều gì chỉ đạo và chi phối mọi hoạt động của nhà trường theo cách mô tả ở trên (thoạt nhiên là rất khác ở ta)? Có lẽ phải kể đến “sứ mạng” của nhà trường, hay gọi là “triết lý giáo dục” mà ai cũng có thể nhìn thấy khi bước chân qua cổng trường: “Sứ mạng của trường Thompson là tạo cho học sinh mọi cơ hội giáo dục để các em trở thành con người khỏe mạnh, hạnh phúc và là thành viên hữu ích cho xã hội”. Sứ mạng này được chi tiết hóa như sau:
1) Nhà trường khuyến khích học sinh tìm hiểu và phát hiện thế giới xung quanh; tham gia tích cực vào các hoạt động để khai thác mọi tiềm năng của chính mình;
2) Nhà trường cam kết tạo dựng một môi trường lành mạnh có thể phát huy thế mạnh của học sinh, phát triển những kỹ năng, cung cấp những khái niệm cần thiết cho học sinh trở nên sáng tạo trong việc giải quyết những vấn đề hàng ngày trong một thế giới đầy thách thức và đổi thay hàng giờ;
3) Nhà trường có trách nhiệm nuôi dưỡng lòng tự trọng của mỗi học sinh, giáo dục các em những giá trị đạo đức như chân thành, nhân hậu, có trách nhiệm, tôn trọng mọi người, và hướng tới những giá trị tốt đẹp.
Triết lý này thể hiện ở mọi nơi, mọi chỗ, từ chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy, đến thái độ của giáo viên đối với học sinh. Ngay từ bậc tiểu học các em đã được rèn luyện kỹ năng đọc và viết có phân tích, phê phán (critical reading, critical writing).
Những kỹ năng này hoàn toàn xa lạ đối với học sinh phổ thông ở Việt Nam, trừ phi các em học thi TOEFL hoặc SAT. Đọc là một trong những kỹ năng quan trọng cần thiết sau này khi các em học lên đại học và cũng là công cụ để tiếp cận với tri thức của nhân loại. Vì thế, hàng ngày, trong giờ chính khóa, các em được đến thư viện tìm đọc những cuốn sách mà các em ưa thích.
Bài tập về nhà cũng vậy: mỗi ngày đọc 30 phút bất cứ cuốn sách nào các em lựa chọn. Sau 2-3 tuần, các em phải viết một đoạn văn hay một bức thư về cảm nhận của mình qua cuốn sách đã đọc ở nhà. Có lẽ kỹ năng phê bình một cuốn sách hình thành từ những bài tập như thế này.
Bài tập môn tiếng Anh thường có phần được gọi là “biên tập” (Proofreading): Bài đọc đưa ra một số lỗi chính tả, cách dùng từ, lối hành văn, học sinh phải tìm những lỗi đó và sửa lại cho đúng.
Tiếp theo là viết một đoạn văn mô tả, hoặc so sánh các hiện tượng, hoặc viết một đoạn hội thoại giữa hai con vật, hoặc hai nhân vật do các em tự sáng tạo, rồi áp dụng kỹ năng biên tập trong đoạn văn đó. Rõ ràng rằng, các em đã được rèn luyện kỹ năng viết của một nhà văn, một nhà phê bình ngay ở bậc tiểu học…
Ngoài kỹ năng đọc, viết qua bài tập, các em còn được rèn luyện kỹ năng làm dự án như đã nêu trên. Hàng loạt kỹ năng được hình thành bắt đầu từ những công việc rất nhỏ ở trường tiểu học.
Với triết lý khuyến khích học sinh phát huy mọi khả năng sẵn có, khám phá những khả năng còn tiềm ẩn, giáo viên không thể coi học sinh là những cái thùng rỗng (empty vessel) để ních đầy kiến thức, rồi có thể mắng mỏ các em khi các em làm bài chưa đúng.
Ở đây, giáo viên có trách nhiệm gợi mở thiên hướng của học sinh, tìm hiểu những điểm mạnh nhằm khích lệ và điểm yếu để khắc phục, đồng thời tìm các biện pháp thích hợp cho từng cá nhân. Vì thế, giáo viên không bao giờ phê phán học trò, trái lại, họ khen ngợi, động viên các em mỗi khi các em đạt được thành tích cho dù rất nhỏ.
Thái độ hòa nhã, cử chỉ ân cần trở thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được ghi trong các quy định của nhà trường, nếu ai vi phạm đương nhiên sẽ có những xử phạt hành chính, chứ không thể xảy ra chuyện quát mắng, sỉ nhục học trò và đánh đập các em đến mức báo chí đã nhiều lần lên tiếng như ở ta.
Guồng máy hoạt động của nhà trường có trơn tru hay không phụ thuộc vào “Hội phụ huynh và giáo viên”. Khác với ở ta, hội phụ huynh học sinh chủ yếu bàn về thu chi tài chính, mua quà cho giáo viên trong các dịp lễ tết hoặc mua phần thưởng cho các em học sinh xuất sắc, tham gia “Hội phụ huynh và giáo viên” ở trường Thompson là tự nguyện đóng góp thời gian, công sức, và cả ý tưởng để xây dựng trường.
Hoạt động của Hội là gây quỹ dưới nhiều hình thức: Tổ chức làm bánh, bán bánh và các mặt hàng thủ công trong các ngày lễ như ngày bầu cử tổng thống; khuyến khích học sinh đem giấy vụn, chai lọ đến nộp cho nhà trường.
Hội gây quỹ để hỗ trợ các hoạt động như tổ chức dã ngoại cho học sinh, mua sách cho thư viện, mua sắm thiết bị giảng dạy và tổ chức các hoạt động văn hóa làm giàu tri thức của các em và trợ giúp các chương trình giáo dục đặc biệt cho các em học sinh có những hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều người cho rằng học phổ thông ở Mỹ quá dễ dàng, nhẹ nhàng vì các em học rất ít, vừa học vừa chơi. Trong khi đó, ở Việt Nam có những trường, trẻ em học tối ngày, hết học bán trú ở trường, về đến nhà đã 5-6 giờ chiều, lại gục đầu vào làm bài đến đêm chưa xong, ngày lễ ngày nghỉ lại đi học thêm.
Mùa hè được nghỉ 3 tháng thì đi học thêm mất 2 tháng. Cuối tháng Tám đã học trước chương trình của năm học bắt đầu từ tháng Chín! Thực tế này quá rõ, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trẻ em học quá nhiều mà vẫn không giỏi, trái lại luôn bị áp lực về tâm lý và sợ đến trường?
Có lẽ điều chúng ta thiếu, như nhiều người đã nói, là chưa có một triết lý giáo dục. Vì không có một triết lý giáo dục rõ ràng, nên chương trình học chưa tập trung vào mục đích cụ thể, vì vậy học sinh học nhiều mà không bao giờ đủ.
Nhiều người thấy hệ thống giáo dục của Mỹ thật hoàn hảo, thường tặc lưỡi: “Họ giàu có nên mới làm được như vậy. Mình mà có tiền, mình làm tốt hơn họ”. Tôi thấy điều này không hẳn đúng. Thứ nhất, giáo dục của Mỹ không phải là hoàn hảo, nhưng họ luôn luôn tự đánh giá, xem xét những thành công, thất bại, để tìm ra những giải pháp làm cho nền giáo dục hoàn hảo hơn.
Thứ hai, có phải có tiền là có thể thay đổi được nền giáo dục không? Tôi nghĩ đến những năm tháng chiến tranh, bom đạn, trường học phải đi sơ tán, thầy trò phải đào hầm trú ẩn, lao động tăng gia sản xuất, ăn không đủ no, áo không đủ ấm. Vậy mà hồi đó, trẻ em vẫn háo hức đến trường, họ đâu có học thêm, đâu phải làm bài ngày đêm.
Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, không có điện, họ vẫn tổ chức thi văn nghệ, cắm trại, đốt lửa trại cho dù phải dập tắt ngay khi có báo động… Điều quan trọng là họ vẫn thành người.
Ngày nay, Nhà nước có điều kiện đầu tư vào giáo dục, nhưng kết quả lại chưa được như mong muốn. Giáo dục tiểu học vô cùng quan trọng, theo lời giáo sư Hồ Ngọc Đại “là bậc học liên quan đến từng gia đình, toàn xã hội nên đòi hỏi phải có nghiệp vụ sư phạm tinh tế nhất, hiệu quả nhất, chặt chẽ nhất.
Ở đây, đúng là đúng mãi mãi mà sai là sai mãi mãi, không thể sửa chữa sai lầm. Thiếu trách nhiệm, “bôi bẩn” những trang đầu đời của trẻ em là tội ác”. Liệu chúng ta có cần tiền để có được thái độ yêu thương trẻ em, không để chúng sợ hãi khi đến trường, để đừng biến chúng thành những chiếc máy làm toán và thiếu những kỹ năng cần thiết trong một thế giới đầy thách thức?
Tôi cho rằng, những kỹ năng phải được hình thành qua cách giáo dục ở tiểu học bằng tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc chuyên nghiệp mà chúng ta có thể học được qua nền giáo dục tiểu học của Hoa Kỳ, đâu cần phải có nhiều tiền.
Theo Nguyễn Minh Phương/báo Tiền Phong