Tại sao người Việt thường được cho là thông minh nhưng chất lượng cuộc sống nói chung vẫn không cao? Câu trả lời xin nhường lại cho độc giả.
Nguy hiểm nếu dùng PISA đo chất lượng
Lần đầu tham gia vào năm 2013 PISA, Việt Nam với điểm số trung bình về toán học là 511 trên thang điểm tối đa 1000, xếp vị thứ 17, cao hơn nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, và Úc và không khác biệt đáng kể về mặt thống kê so với các nước Hà Lan, Estonia, Phần Lan, Canada, Ba Lan, Bỉ, Đức. Về mặt thống kê, kết quả này cao hơn trung bình so với các nước trong OECD, tuy rằng thu nhập bình quân đầu người thấp hơn đáng kể.
Chỉ dừng ở tiềm năng?
Đặc biệt, khoảng hơn 13% học sinh Việt Nam được xếp vào dạng có “khả năng thích nghi cao” (resilient) theo nghĩa, bất chấp tình trạng kinh tế thấp các em đạt kết quả cao hơn mong đợi (top 25% so với toàn bộ học sinh trên thế giới).
Theo thống kê, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có chỉ số công bằng về cơ hội giáo dục cao hơn mức trung bình. Khoảng 84% học sinh Việt Nam trả lời rằng các em thích được điểm cao, 86% trả lời cố gắng ở trường học rất quan trọng; và khoảng 86% học sinh trả lời rằng các em thấy hạnh phúc ở trường học[9].
Khả năng vượt khó của Việt Nam (xanh) đứng hàng thứ ba. Xếp hạng của Mỹ là màu đỏ. Nguồn: OECD |
Một nghiên cứu của hiệp hội OECD: “Khảo sát kỹ năng của người trưởng thành”, chỉ ra rằng, những kỹ năng cơ bản trong toán học có tác động lớn đến cơ hội sống của cá nhân. Đặc biệt, những người có kỹ năng toán học tốt có xu hướng tình nguyện, chủ động hơn, như một người hành động hơn là một vật thể bị động của quá trình chính trị và có xu hướng tin tưởng người khác hơn[10].
Như vậy, nếu kết quả đo lường PISA đáng tin cậy, thành tích của học sinh Việt Nam là một dấu hiệu đáng mừng của đất nước và cũng như nền giáo dục. Hơn thế nữa, những con số liên quan đến công bằng giáo dục của Việt Nam cũng là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, kết quả khả quan của Việt Nam chỉ thể hiện học sinh có tiềm năng, và nó sẽ chỉ dừng lại ở tiềm năng nếu không có một môi trường đúng đắn để phát huy hết tiềm năng đó.
Con số không biết nói láo
Tuy rằng người Mỹ thường nói “những con số không biết nói láo”, khi thông dịch các con số này cần cẩn trọng. Một số chuyên gia nghiên cứu giáo dục toán quan ngại về độ tin cậy của một số câu hỏi trong PISA, tức là câu hỏi không đo được những gì muốn đo lường [11]. Giả định rằng bộ câu hỏi đáng tin cậy, kết quả còn phụ thuộc vào mức độ trung thực của kỳ thi.
Việc lấy mẫu của học sinh tham gia được cho rằng là theo quy định của OECD theo vị Thứ trưởng Giáo dục đã phát biểu, tuy nhiên việc thực hiện trên thực tế có thể không đúng theo quy định. Hơn nữa, theo thói quen hay diễn ra trong thi cử ở nước nhà, khả năng không trung thực của học sinh cũng có thể xảy ra trong cuộc thi này. Đặc biệt, việc chuẩn bị cho kỳ thi PISA cũng góp phần ảnh hưởng đến kết quả chung.
Việc cho học sinh làm quen với các dạng đề, học thêm sau giờ học là một tham số không được đo lường. Lấy một ví dụ để so sánh, với học sinh ở Mỹ, nhiều trường học có thể từ chối tham gia, và hầu như các trường học không có thêm chuẩn bị nào đặc biệt cho kỳ thi PISA này. Như vậy, con số thành tích của Việt Nam có thể là một phần do kết qủa luyện thi chứ không hẳn là khả năng có được từ việc học ở trường.
Nói một cách khác, kết quả PISA phản ánh khả năng của nhóm học sinh tham gia vào kỳ thi, chứ không thể đại diện cho toàn bộ học sinh ở lứa tuổi 15 của toàn đất nước.
Một khía cạnh khác có thể ảnh hưởng đến kết quả của kỳ thi này là độ tin cậy của việc chấm bài. Kỳ thi này có nhiều câu hỏi dạng mở. Theo kinh nghiệm của người viết trong những lần chấm thi đại học môn toán trước đây, việc sai sót cũng thường xảy ra, dù rằng đó là cuộc thi cực kỳ quan trọng. Thiết nghĩ, cuộc thi này cũng không ngoại lệ.
Như vậy số đó trong kỳ thi này chỉ đáng tin cậy khi toàn bộ quy trình được thực hiện đúng đắn, học sinh làm bài nghiêm túc, và đặc biệt những học sinh được chọn tham gia vào cuộc thi này không phải chuẩn bị gì thêm. Những con số như 86% học sinh phát biểu mình thấy hạnh phúc ở trường học liệu có phản ảnh đúng cảm nhận của học sinh Việt Nam nói chung? Khi yếu tố trung thực và không dám nói thật là khá phổ biến, những con số này cũng đáng nghi ngờ.
Việc dùng các con số để so sánh trình độ học tập và nền giáo dục của các nền văn hoá thường không hoàn toàn chuẩn xác. “Nền giáo dục (toán, khoa học, và đọc hiểu) của Việt Nam tốt hơn Hoa Kỳ dù rằng đầu tư cho giáo dục thấp hơn,” nhận định như thế này có phần thiển cận. Với kinh nghiệm của một người được trải nghiệm qua cả hai nền giáo dục Việt Nam và Hoa Kỳ, tác giả hoàn toàn không đồng ý với những nhận định này.
Kinh qua nền giáo dục Việt Nam cho đến bậc thạc sĩ, là một nhà sư phạm đào tạo giáo viên ở Việt Nam và thường xuyên tham gia liên lạc với các trường học ở cấp bậc phổ thông, là người trải nghiệm về giáo dục của Mỹ dưới góc độ là một nghiên cứu sinh giáo dục toán và một nhà nghiên cứu, những gì tác giả quan sát được từ hai nền giáo dục, thì PISA không phản ánh được.
Ngoài ra, việc dựa vào thu nhập bình quân đầu người để so sánh về kết quả giáo dục phần nào không chính xác- mà hãy nhìn vào phần đầu tư cho giáo dục. Ở Việt Nam, có thể con số đầu tư từ chính phủ không cao, nhưng nếu nhìn vào đầu tư của các gia đình vào con em, chỉ số này hẳn sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, thống kê chính thống về những tham số này thường ít khi tồn tại ở Việt Nam, hoặc là những con số thông kê đáng nghi ngờ.
Ép con, hay để tự do theo sở thích?
Nhận định về tính hiệu quả của một nền giáo dục còn phụ thuộc vào triết lý của nền giáo dục đó. Học sinh Việt Nam có thể giải quyết các bài toán giỏi hơn học sinh Mỹ, nhưng những phẩm chất như sáng tạo, tư duy phê phán, và sự tự tin và thích ứng có thể không bằng.
Tương tự, không thể dựa vào chỉ số này của PISA để nói rằng giáo dục nước ta tốt hơn các nước ở châu Âu. Trọng tâm của giáo dục châu Âu là toàn diện (social cohesion), vì thoả mãn cá nhân và phát triển văn hoá hơn[12]. Với triết lý khác nhau như vậy, một bên là học để thi cử và một bên là học để sống và làm người, việc so sánh là cực kỳ khập khiễng.
Với tư cách là một người nghiên cứu giáo dục toán, tác giả hoàn toàn ủng hộ việc tham gia kỳ thi PISA của Việt Nam. Tuy nhiên cứ để cho mọi chuyện xảy ra đúng quy cách tự nhiên của nó. Lúc đó, kết quả đạt được sẽ trung thực phản ánh một phần chất lượng giáo dục.
Đặc biệt, học sinh tham gia không nên luyện thi, vì mục đích của kỳ thi không phải để xếp hạng mà để xem trình độ và hiệu quả của nền giáo dục như thế nào. Hơn nữa, sẽ không tốt nếu những khả năng toán học, khoa học, và đọc hiểu của học sinh Việt Nam có thể cao vì chúng ta đang đầu tư cho chúng, song chúng ta lại vô tình lại lãng quên hoặc kém chú ý đến khoa học xã hội và nhân văn, cũng như nghệ thuật, những khả năng cũng không kém phần quan trọng trong phát triển con người.
Nhìn vào bảng thành tích PISA 2012, top dẫn đầu là các nước châu Á, đặc biệt thành phố Thượng Hải Trung Quốc ở vị trí số 01 trong cả ba môn. Khoảng cách giữa kết quả của học sinh Trung Quốc và học sinh đạt mức độ trung bình trong kỳ thi tương đương với ba năm. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận mồ hôi và công sức mà học sinh và phụ huynh thành phố Thượng Hải phải bỏ ra để đạt được liệu có đáng không? Học sinh tuổi 15 đang đánh mất tuổi thơ cho các kỳ thi- chỉ biết học, học, và học. Sự yêu thích và đam mê, hoặc theo đuổi năng khiếu của mình, có thể đã bị xem thành thừa thãi.
Sự kỳ vọng của các bậc cha mẹ vào việc con cái vào học các trường đại học và làm các công việc hàn lâm tương quan tỷ lệ thuận với thành tích của học sinh. Tuy nhiên, đừng để “giấc mơ cha đè nát cuộc đời con”. Vẫn còn nhiều tranh cãi trong giáo dục về việc nên thúc ép con cái học hay là cho trẻ nhỏ tự do theo sở thích. Đó là những vấn đề về văn hoá mà nghiên cứu trong giáo dục chưa trả lời được. Và hãy còn nhiều câu hỏi về việc so sánh Á-Âu vẫn chưa có lời giải đáp.
Tại sao Trung Quốc vẫn kêu gọi cải cách giáo dục và học tập theo mô hình của Hoa Kỳ dù rằng thành tích trong các kỳ thi của họ rất cao? Tại sao rất nhiều học sinh từ các nước châu Á muốn đến Hoa Kỳ để học? Tại sao các cha mẹ là người châu Á không muốn con mình trở lại nước nhà học? Tại sao người Việt thường được cho là thông minh nhưng chất lượng cuộc sống nói chung vẫn không cao? Câu trả lời xin nhường lại cho độc giả.
Theo Trần Dũng/Tuanvietnam.vn
Tác giả Trần Dũng là Tiến sĩ giáo dục Toán- Viện Nghiên Cứu Đổi Mới Giáo Dục Friday (Friday Institute of Educational Innovation- Đại học North Carolina State, USA.
________________________________________
[9] http://www.oecd.org/pisa/keyfindings/pisa-2012-results.htm
[10] OECD (2013)
[11] de Lange (2007)
[12] de Lange (2007)