Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu lớn trong phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, đánh giá chung thì hiệu quả sử dụng nguồn vốn trên vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao.
Gần 80 tỉ USD
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA trong giai đoạn 1993-2012 cho biết, trong 20 năm qua các nhà tài trợ đã cam kết nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam trên 78,195 tỉ USD, đã ký kết hiệp định chính thức 58,463 tỉ USD và giải ngân đạt 37,59 tỉ USD, chiếm gần 70% tổng vốn ODA ký kết. Trong đó, vốn ODA vay ưu đãi là 51,6 tỉ USD, viện trợ không hoàn lại 6,76 tỉ USD.
Hiện có khoảng 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang cung cấp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội ở nước ta. Trong đó Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam trong giai đoạn 1993-2012 với khoảng 19,81 tỉ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) đứng đầu trong nhóm nhà tài trợ đa phương với khoảng 20,1 tỉ USD.
Cầu Nhật Tân được xây dựng bằng vốn ODA
Các lĩnh vực thu hút được nguồn vốn ODA tập trung vào 7 nhóm lĩnh vực chính: giao thông – bưu chính, năng lượng – công nghiệp, nông nghiệp – xóa đói giảm nghèo, môi trường – đô thị, giáo dục – đào tạo, y tế – xã hội và ngành nghề khác.
Đặc biệt, nguồn vốn ODA đã có vai trò hết sức nổi bật trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp kết hợp xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Nhiều dự án hiệu quả thấp…
Tại lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác với các nhà tài trợ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam sẽ luôn trân trọng và quản lý hiệu quả nguồn vốn ODA của cộng đồng quốc tế”.
Mặc dù đánh giá cao nguồn vốn ODA đã góp phần đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn chỉ rõ, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, quá trình quản lý, sử dụng ODA ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế về năng lực hấp thu viện trợ quốc gia, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA còn chậm so với kế hoạch, thủ tục trong nước vẫn còn phức tạp, khác biệt với quy định của các nhà tài trợ quốc tế…
Thống kê cho thấy, nhiều dự án trọng điểm được sử dụng nguồn vốn ODA nhưng đạt hiệu quả thấp, gây lãng phí. Trong đó không ít vụ tiêu cực trong việc sử dụng vốn ODA gây bức xúc trong xã hội.
Các vụ án tại các dự án có sử dụng vốn ODA được phát hiện gần đây có thể nêu ra như: vụ án tham nhũng tại PMU 18 hay vụ Bộ Ngoại giao Đan Mạch tuyên bố ngừng 3 trong số 4 dự án tài trợ vốn ODA cho Việt Nam do có những sai phạm khi sử dụng nguồn vốn và “tất cả sai phạm đều nằm ở phía đối tác Việt Nam”.
Đây không phải lần đầu tiên nhà tài trợ quyết định “cắt” viện trợ đối với nước ta, trước đó, vào năm 2008, nhà tài trợ song phương lớn nhất là Nhật Bản cũng đã quyết định tương tự sau vụ án vụ Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên Giám đốc BQL Dự án Đại lộ Đông – Tây) trong vụ PCI đưa hối lộ để được tham gia vào dự án.
Trên đây chỉ là 3 vụ việc nghiêm trọng bị phanh phui chủ yếu do phía đối tác nước ngoài điều tra, làm rõ. Còn đó nhiều vụ việc tương tự nhưng chưa được xem xét nghiêm túc và quy tội danh tham nhũng để điều tra hình sự. Nhiều dự án trong vài năm gần đây được triển khai với nguồn vốn ODA có nhiều dấu hiệu tiêu cực, sai phạm như Dự án Thủy lợi Phước Hòa (thực hiện tại 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước) có sử dụng vốn vay ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á. Tại dự án này, năm 2011, Thanh tra Chính phủ cũng đã phát hiện những sai phạm trong quá trình lập hồ sơ mời thầu đã làm cho giá dự thầu tăng 17-26% so với giá mời thầu và hàng loạt sai phạm khác liên quan đến việc nghiệm thu khối lượng và thanh toán, tính bù giá vật liệu với nhà thầu… tổng cộng gần 17 tỉ đồng.
Gánh nặng trả nợ
Mặc dù phần lớn trong số các khoản vay ưu đãi có lãi suất rất ưu đãi, thời gian vay và ân hạn dài, có khoảng 45% khoản vay có lãi suất dưới 1%/năm, thời hạn vay từ 30-40 năm; khoảng 40% khoản vay có lãi suất 1-3%/năm, thời hạn vay 12-30 năm, tuy nhiên kèm theo đó là những điều kiện nhất định từ phía nhà tài trợ và cuối cùng khoản vay phải được trả nợ gốc và lãi. Thông thường, các nhà tài trợ đều đòi hỏi phải ưu tiên (có khi bắt buộc) dùng chuyên gia, nguyên vật liệu, nhà thầu, thiết kế… của họ với giá cao hơn nhiều giá thị trường.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng: “ODA không phải là cho không! Tôi dám chắc có một tỷ lệ không nhỏ trong cán bộ, nhân dân và đặc biệt là cán bộ quản lý địa phương cho rằng, ODA là cho không. Không ai cho không cả. Vay hôm nay thì mai sau con cháu phải trả”.
Hiện nước ta không có đủ vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển, vì vậy, huy động nguồn vốn từ bên ngoài, trong đó có nguồn vốn ODA là một tất yếu. Tuy nhiên, đã vay thì phải trả, nay chúng ta vay thì sau này, 30-40 năm sau, con cháu chúng ta là người trả nợ. Chính vì vậy, nỗi lo vay nợ nhưng làm ăn kém hiệu quả và khả năng trả nợ là rất lớn. Đặc biệt, việc thu hút ODA thời gian qua đã thực hiện theo tư duy “cứ vay được là vay, bất cần tính toán”. Hiện, nguy cơ đã thấy rõ khó giữ nổi tài chính quốc gia trong ngưỡng an toàn. Thiếu hụt ngân sách ngày càng tăng, tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước thực hiện so với tỷ lệ ngân sách Quốc hội đã thông qua thường cách xa nhau… thể hiện qua việc Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu vừa qua.
Vì vậy, việc sử dụng từng đồng vốn ODA không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí thì sau này ODA sẽ trở thành gánh nặng nợ nần cho con cháu chúng ta.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của nguồn vốn ODA với kinh tế – xã hội nước ta. Nhờ nguồn vốn tài trợ, chúng ta đã đẩy mạnh các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, tín dụng ưu đãi cho các vùng nông thôn. Nhờ đó, tỷ lệ nghèo đói đã giảm xuống còn 10% vào năm 2012, hơn 30 triệu người Việt Nam đã ra khỏi đói nghèo, các chỉ số xã hội cũng đã đã tốt hơn so với nhiều nước có trình độ phát triển tương đồng.
Chính vì vậy, để thể hiện sự trân trọng đối với nguồn vốn ODA cũng như giảm bớt áp lực nguồn trả nợ sau này cho con cháu, Chính phủ cần phải nâng cao hơn nữa công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.
Theo Thành Trung/petrotimes.vn