Ông tái khẳng định lập trường của Mỹ không công nhận vùng phòng không của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc không nên có hành động đơn phương xác lập vùng phòng không tương tự ở những khu vực khác, đặc biệt tại biển Đông.
Mỹ không công nhận vùng phòng không Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ dẫn ví dụ về tình hình trên biển Hoa Đông. “Khi bàn về tranh chấp lãnh thổ, tôi đã thể hiện mối quan ngại sâu sắc trước tuyên bố của Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông. Việc làm này rõ ràng làm tăng nguy cơ có sự tính toán sai, hoặc một sai sót ngoài ý muốn có thể làm leo thang căng thẳng hơn nữa” – ông nói.
Ngoại trưởng Kerry đã tái khẳng định với Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh rằng Mỹ không công nhận và không chấp nhận vùng này.
“Tuyên bố của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi cách thức mà Mỹ đang thực hiện các hoạt động quân sự của mình trong khu vực. Đây là một quan ngại chúng tôi đã bày tỏ rất thẳng thắn và trực tiếp với Trung Quốc, rằng không nên xác lập vùng phòng không đó. Trung Quốc cũng không nên có những hành động đơn phương xác lập vùng phòng không tương tự ở những khu vực khác, đặc biệt tại biển Đông” – ông nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định “hòa bình và ổn định ở biển Đông là một ưu tiên hàng đầu” của Mỹ và các nước trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh sự “quan ngại và phản đối mạnh mẽ những hành động khiêu khích và gây sức ép nhằm đạt mưu đồ về chủ quyền lãnh thổ”.
Không thể có ổn định khu vực nếu không có ổn định lãnh hải
Theo Ngoại trưởng Kerry, các nước tranh chấp có trách nhiệm phải giải trình rõ và bảo đảm những yêu cầu của họ là phù hợp với luật quốc tế. Các nước này có thể tham gia những cơ chế trọng tài cũng như nỗ lực ngoại giao. Ông Kerry cũng bày tỏ sự ủng hộ việc ASEAN sớm hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Ông khẳng định Mỹ đang nỗ lực phối hợp và làm việc để tăng cường an ninh khu vực như mở rộng hợp tác về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình mà Việt Nam sẽ lần đầu tiên tham gia vào năm tới.
Theo ông Kerry, một khu vực không thể có ổn định nếu không bảo vệ được sự ổn định lãnh hải của mình, ông cho rằng COC có vai trò rất quan trọng trong tương lai dài hạn, song trong tương lai ngắn cần có những biện pháp để các nước “tránh được những tính toán sai lầm có thể làm leo thang căng thẳng”.
Về vấn đề biển Đông, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, chia sẻ quan điểm vấn đề biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế như UNCLOS 1982.
Ông yêu cầu các bên phải tôn trọng Tuyên bố ứng xử trên biển Đông (DOC) và tiến tới COC giữa ASEAN và Trung Quốc.
Sớm thành lập Đại học Fulbright
Ông Kerry cho rằng, kể từ khi Mỹ bãi bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã trở thành một quốc gia hiện đại và một đối tác quan trọng của Mỹ, với khoảng 40% dân số ở lứa tuổi dưới 25 đầy năng động. Tháng 7 vừa rồi, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã nâng quan hệ song phương lên tầm mới, với tuyên bố về quan hệ Đối tác toàn diện.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, giáo dục và các mối liên hệ nhân dân đang đặt nền móng cho quan hệ đối tác Việt-Mỹ gần gũi hơn trong các năm tới. Hiện nay có hơn 16.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, nhiều hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Ông khẳng định sẽ làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để sớm thành lập Đại học Fulbright tại Việt Nam trong tương lai gần.
Một lĩnh vực hợp tác khác mà Mỹ muốn thúc đẩy với Việt Nam là thương mại. Ông cho rằng đây là ví dụ rõ rệt nhất về những thành quả hai quốc gia đạt được trong 18 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ với nhau, khi thương mại hai chiều kể từ năm 1995 đã tăng gấp 50 lần.
Ông kỳ vọng, khi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hoàn tất sẽ góp phần nâng cao các chuẩn mực, bao gồm chuẩn lao động, thị trường mở và tạo thêm nhiều triệu việc làm không chỉ ở Mỹ và Việt Nam, mà còn ở khắp các nước ở Châu Á-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ cũng mong hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu với Việt Nam.
Theo chương trình, sáng 17.12, Ngoại trưởng Mỹ Kerry sẽ kết thúc chuyến thăm Việt Nam và rời đi Philippines – điểm đến cuối cùng trong chuyến công du của ông đến Trung Đông và Châu Á lần này.
A.P