“Hồi chú Tuấn còn ‘to’ ngang Thứ trưởng, thú thực thỉnh thoảng nhìn trên tivi cũng thấy…ghét ghét, thấy…gian gian. Giờ chú không còn ‘to’ nữa, mà chỉ thấy chú…vĩ đại”.
Xin mượn lời của bạn trẻ Phương Nguyễn đã viết về ông Trần Đăng Tuấn để chia sẻ về những cảm xúc của mình khi hàng ngày vẫn chứng kiến hành trình “cơm có thịt” của ông cho trẻ em vùng cao.
Trong mấy chục năm trở lại đây, có lẽ ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hai người hiếm hoi xin từ “quan” khi còn đương chức.
Ở Việt Nam chưa có văn hóa từ chức. Chỉ khi sai phạm xảy ra, bị lộ, bị phát hiện và không còn phương án nào “cứu chữa” may ra mới có vị viết đơn xin từ chức để cố giữ lại chút thể diện cho bản thân.
Trường hợp của ông Tuấn thì khác. Ông không vi phạm, không dính líu tới bê bối nào, trái lại còn là người có công lớn cho ngành truyền hình Việt Nam nói chung và cho VTV nói riêng.
Ông Trần Đăng Tuấn với trẻ em vùng cao
Sau khi ông rời ghế Phó Tổng Giám đốc VTV, ngang với hàng Thứ trưởng, ông Tuấn vẫn miệt mài đóng góp cho đời, cho xã hội bằng công tác từ thiện. Trần Đăng Tuấn thương những đứa trẻ vùng cao, ông đã nhiều lần bỏ tiền túi, vận động bạn bè lên miền núi phía Bắc làm từ thiện. Tháng 9/2011, ông lập ra chương trình dài hạn “Cơm có thịt” cho trẻ con vùng cao. Chúng còi cọc, thiếu chất, cơm không đủ no, làm việc nhiều, trường lớp thiếu thốn thiết bị, có khi ăn độn, đứt bữa, nói gì đến “Cơm có thịt”!.
Nếu ai thường theo dõi trên facebook.com/groups/comcothit/ do ông sáng lập ra sẽ rõ. Ta thấy suốt ngày ông rong ruổi trên vùng cao, chăm lo cơm nước, bồng bế các cháu bé dân tộc. Và trên group “Cơm có thịt” thấy được nhiều bức ảnh về sự khổ sở, lay lắt của trẻ vùng cao đang rất cần cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ.
“Cơm có thịt” của ông đi đến đâu, tình người ấm áp theo tới đó.
Chương trình “Cơm có thịt” cho trẻ con vùng cao do ông Trần Đăng Tuấn sáng lập được đông đảo người dân chung tay ủng hộ.
Nghĩ về những việc làm của ông Trần Đăng Tuấn, bạn trẻ Phương Nguyễn đã viết lên chính Facebook của ông rằng: “Hồi chú Tuấn còn ‘to’ ngang Thứ trưởng, thú thực thỉnh thoảng nhìn trên tivi cũng thấy…ghét ghét, thấy…gian gian. Giờ chú không còn ‘to’ nữa, mà chỉ thấy chú…vĩ đại. “Cơm có thịt” của chú trong mắt người dân còn có ý nghĩa, lợi ích thiết thực cho dân, cho nước hơn một số cơ quan, tổ chức khác”.
Mới đây trên groups “Cơm có thịt”, đọc những chia sẻ của ông Tuấn khiến nhiều người phải ứa lệ.
Ông đăng những bức hình về trẻ em ở Lũng Luông (Thái Nguyên) lên Groups “Cơm có thịt” mà ai đọc xong cũng nhận thấy là lòng ông đang nặng trĩu.
“Có lẽ hình ảnh căn lều của sáu đứa trẻ con ở Lũng Luông là hình ảnh ám ảnh nhất trong năm 2013 này đối với mình” – Trần Đăng Tuấn
Ông viết: “Khó nhọc kiên trì lắm mới bấm được mấy cái hình bé này ở Lũng Luông. Cứ cầm máy lên là bé quay mặt đi. Nhiều cái làm ta cố nén khóc. Nhưng cuộc sống mạnh hơn mọi nỗi buồn. Có một cuộc sống đâm chồi, như xưa nay vẫn thế. Ở Lũng Luông, và ở mọi nơi trên đất nước này.
Từ thứ bảy đến hôm nay, cứ đến tối lại hình dung một ngọn đồi cao trống trải, không có nhà dân nào gần cả, lớp học trống trơn, cuối tuần nên thầy cô cũng đi về nhà hết, chỉ có sáu đứa bé, trong đó hai đứa tuổi mẫu giáo, một cái lều, và xung quanh là đêm tối, giá rét ghê gớm. Không biết chúng nó có cho bếp củi cháy trong đêm để đỡ sợ, hay nỗi sợ bếp sẽ làm cháy cả lều còn lớn hơn. Đến những miếng vải bạt che cũng do các bạn trẻ từ Thái Nguyên lên, xót quá làm lại lều cho chúng. Còn cái lều trước thê thảm hơn nhiều. Hãy tưởng tượng ngọn đồi cao gió hú, sáu đứa bé và đêm đông mưa lạnh. Ngày xưa thì thú dữ không tha. Nhưng bây giờ rừng còn con vật nào đâu.
Cơm Có Thịt sẽ cùng các thày cô trên đó giúp các bé. Từ tuần này, các bé sẽ được chăm bữa ăn tốt hơn. Và mong sao gian nhà cho chúng mà “Cơm có thịt” đặt làm sẽ chóng dựng xong. Mình cứ nghĩ biết đâu trong sáu đứa -ba trai, ba gái, đứa nào cũng có khuôn mặt rất đẹp, nhưng đều buồn – biết đâu có đứa lớn lên sẽ là tài năng, nhiều tiền hoặc nhiều tác phẩm. Biết đâu… Bởi sự khó dồn nén đến thế, thì chúng nó nếu vẫn học hành được đến nơi, sẽ có những phẩm chất và nghị lực mà những đứa trẻ trong điều kiện đủ đầy không thể có. Biết đâu, lúc nào đó, những đứa cháu của mình lại được chúng dẫn dắt trên các nẻo đường vật lộn với những thử thách của ngày mai- cái ngày mai ấy, nói thật, mình cố cũng không hình dung nổi sẽ ra sao. Chúng ta hãy cùng chúng nó hôm nay. Ngày mai Phật sẽ cùng các em, Chúa sẽ cùng các em!”
Từ bỏ ‘quan trường’, danh vọng để về vui khổ cùng những đứa trẻ vùng cao, nhiều người bảo ông Tuấn…dở người. Nhưng trong cuộc sống thực dụng khiến nhiều giá trị đảo lộn, tha hoá, người ta nghĩ đến đồng tiền – quyền lực nhiều hơn, những thứ đó được tôn thờ và tình người bị coi nhẹ thì việc người ta nghĩ ông như vậy cũng là dễ hiểu.
Bây giờ, ít người biết đến ông với tư cách là “sếp” vì chẳng thấy ông xuất hiện trong những buổi họp báo này nọ trên truyền hình, báo chí. Chỉ có trẻ em vùng cao thì nhớ mặt ông, chúng nhớ lắm, nhớ những việc làm của ông với chúng, những miếng thịt ông đem đến trong bữa cơm, nhớ tình cảm ân cần của ông và chúng vẫn tủm tỉm cười khi nghĩ về “chú Tuấn” trong từng giấc ngủ.
Theo Việt Cường/Giaoduc.net.vn